VỀ QUỐC TANG 6-10 CỦA DÂN TỘC HUNGARY

Thứ năm - 04/10/2018 17:34

(NCTG) “Trong dịp này, một lần nữa, học sinh trong nhà trường Hungary sẽ được ôn lại về cha ông của các em, những con người “chết tự do không chịu sống tôi đòi - không yên nghỉ khi tự do chưa có”, niềm tự hào của một dân tộc đã phải chịu quá nhiều đau thương, bất hạnh, đã bị trừng phạt bao lần “vì những tội lỗi - trong cả quá khứ lẫn tương lai”...”.

Mười ba liệt sĩ ở vùng Arad

Mười ba liệt sĩ ở vùng Arad

“Hỡi những kẻ vô loài đểu cáng 
Tổ quốc cần sao không dám xả thân? 
Cuộc sống mi giẻ rách tồi tàn 
Sao quý hơn đất nước mình danh dự”

(Sehonnai bitang ember, 
Ki most, ha kell, halni nem mer, 
Kinek drágább rongy élete, 
Mint a haza becsülete.) (*)

6-10 là ngày mà vào năm 1849, 13 sĩ quan cao cấp nhất tham gia cuộc cách mạng và cuộc chiến giành độc lập dân tộc cho Hungary bị chính quyền Áo tử hình tại TP. Arad (hiện thuộc lãnh thổ Romania). Kossuth Lajos, vị Nhiếp chính của Vương quốc Hungary độc lập mùa xuân năm 1849 đã gọi sự kiện bi hùng này là “con đường khổ nạn” của nước Hung.

Sử sách còn ghi lại, vào khoảng 2-3h sáng 6-10-1849, các linh mục tới gặp 13 vị tướng để họ có thể cầu nguyện lần cuối cùng. Khi ấy, Aulich Lajos còn đọc thơ Horatius, Török Ignác nghiền ngẫm cuốn sách về cách xây thành của Thống chế, Hầu tước Vauban, còn Láhner György thì thổi sáo và Dessewffy Arisztid tranh thủ chợp mắt.

Trong số “13 liệt sĩ ở Arad”, chỉ có 5 vị là người Hung. “Chúng tôi đã chiến thắng cái chết, vì bất cứ khi nào chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh”, câu nói bất hủ của Damjanich János, vị tướng người Serbia trước khi bị tử hình cho thấy khát vọng tự do và độc lập của dân tộc Hungary đã lan sang những người con các dân tộc khác.

Nổi tiếng nhất trong số 13 vị, Damjanich là người thứ 8 bước tới đoạn đầu đài. Tự hào bước xuống xe tù, ông nói: “Tôi từng nghĩ sẽ ra đi sau cùng, mặc dù trong chiến trận tôi luôn đi đầu”. Bị gãy chân và đi lại khó nhọc, nhưng Damjanich vẫn khước từ sự giúp đỡ trên đường tới giá treo cổ (“cứ để yên nào, đi vào cõi chết cần gì vội”), và còn bảo tay đao phủ phải giữ bộ râu đẹp nổi tiếng cho ông.

Sau khi đưa chiếc khăn quàng cổ cho người linh mục và buộc nhà tu hành phải hứa rằng sẽ trao lại cho người vợ thân thương, Damjanich bình thản tiến tới đoạn đầu đài, cho dù hàng giá treo cổ cao chưa đầy 2m đã khiến ông và nhiều vị tướng phải hấp hối hồi lâu trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.

Linh hồn khổng lồ phải khó khăn lắm mới rời bỏ được thân thể khổng lồ của ông”, một nhân chứng ghi lại. Người anh hùng Damjanich János ra đi, mang theo sự bất bình trong lòng, rằng ông không được xử bắn như một quân nhân, mà phải chịu hình phạt treo cổ mà ông cho là nhục nhã và đau đớn. “Chứ chết thì tôi đâu có sợ, vì tôi đã trực diện hàng ngàn lần với Tử thần”.
 
Những người anh hùng khi lên đoạn đầu đài - Họa phẩm của Thorma János
Những người anh hùng khi lên đoạn đầu đài - Họa phẩm của Thorma János

6-10 hiện là một trong hai ngày Quốc tang thường niên của Hungary (bên cạnh 4-11, là ngày mà vào năm 1956, Liên Xô đã xua quân đội và chiến xa sang Hung dập tắt mong mỏi dân chủ của người dân xứ này). Quốc tang là sự kiện thường gây tranh luận vì không thoát khỏi màu sắc chính trị, nhưng hai ngày kể trên đều thực sự xứng đáng để một đất nước phải để tang ở mức cao nhất!

Trong dịp này, một lần nữa, học sinh trong nhà trường Hungary sẽ được ôn lại về cha ông của các em, những con người “chết tự do không chịu sống tôi đòi - không yên nghỉ khi tự do chưa có” (*), niềm tự hào của một dân tộc đã phải chịu quá nhiều đau thương, bất hạnh, đã bị trừng phạt bao lần “vì những tội lỗi - trong cả quá khứ lẫn tương lai”, như lời thi hào Kölcsey Ferenc trong bản “Himnusz”...

(*) “Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal) của Petőfi Sándor, bản dịch của Vũ Ngọc Cân.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: cách mạng 1848
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn