HỎI VÀ ĐÁP VỀ QUỐC TANG Ở HUNGARY

Thứ sáu - 28/09/2018 02:50

(NCTG) “Nhìn chung, có lẽ quan niệm bao trùm của các nước Châu Âu là chỉ nên cử hành quốc tang đối với cá nhân trong những trường hợp hết sức đặc biệt (...). “Đầy tớ” của dân, ăn lương dân mà phục vụ, không nhất thiết phải “cầu kỳ tốn phí”!”.

Mộ phần giản dị của cựu tổng thống Göncz Árpád tại nghĩa trang Óbuda (Quận 3, Budapest) - Ảnh: ripost.hu

Mộ phần giản dị của cựu tổng thống Göncz Árpád tại nghĩa trang Óbuda (Quận 3, Budapest) - Ảnh: ripost.hu

Lời Tòa soạn: Nên tổ chức quốc tang như thế nào, đối với những ai... cho phù hợp với lòng dân và bối cảnh hiện tại đang là một vấn đề “nóng” thu hút sự chú ý và những ý kiến trái chiều của các “công dân mạng” Việt Nam trong thời gian qua.

Liên quan tới chủ đề này, hẳn nhiên, mỗi quốc gia và dân tộc có thể có những quan điểm khác nhau liên quan tới truyền thống, thể chế chính trị và xã hội... của đất nước đó. Có điều, sẽ không phải là vô ý nghĩa, nếu chúng ta “nhìn ra thế giới”, xem “thiên hạ” (trong trường hợp này là Hungary) có cách tiếp cận như thế nào với những câu hỏi nói trên.

Trên tinh thần: “Để bạn khỏi “quê” khi phải cất lời trong một đám đông. Sẽ có người, thay bạn, đặt những câu hỏi đơn giản nhất mà có thể bạn không dám đặt...” mà mạng tin lớn index.hu của Hungary chủ trương và đã có một loạt bài rất thú vị đi kèm, NCTG xin cung cấp vài thông tin cho bạn đọc quan tâm theo dạng “Hỏi và đáp...” dân dã và dễ hiểu (NCTG).

 
Lễ quốc tang dành cho Puskás Ferenc, một trong những danh thủ bóng đá xuất chúng nhất của mọi thời đại - Ảnh: Internet
Lễ quốc tang dành cho Puskás Ferenc, một trong những danh thủ bóng đá xuất chúng nhất của mọi thời đại - Ảnh: Internet

- Ở Hungary có quốc tang hay không?

Có, tại Hungary, quốc tang được điều tiết bởi Nghị định Chính phủ số 237-2001. (XII. 10.). Theo đó, quốc tang được tổ chức:

1. Đối với cá nhân xuất chúng khi từ trần, bởi sự nghiệp hay hoạt động xã hội mà “đương sự” đã cống hiến vì lợi ích quốc gia, có liên quan tới toàn xã hội hoặc một bộ phận đáng kể của xã hội.

2. Để tưởng niệm những người qua đời trong thảm họa gây chấn động sâu sắc đến xã hội.

Quốc tang được chia làm hai loại: theo từng trường hợp (“theo dịp”), hoặc lặp đi lặp lại (mang tính thường niên), và sẽ được Chính phủ ban bố trong nghị định. Trong trường hợp đặc biệt, quốc tang có thể kéo dài nhiều ngày.

- “Cá nhân xuất chúng” được nhắc tới ở điểm 1 phải chăng chỉ có thể là chính khách?

Không nhất thiết, ví dụ danh thủ túc cầu, thủ quân Đội tuyển vàng Hungary thập niên 50 thế kỷ trước - chân sút lừng danh Puskás Ferenc được vinh dự quốc tang vào ngày 9-12-2006, hoặc cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị vào ngày 8-4-2005 (đồng thời là ngày cử hành lễ an táng hai nhân vật nổi tiếng này).
 
Quốc tang trong dịp tái mai táng cố thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự đã bị chính quyền cộng sản tử hình ngày 16-6-1968 trong một phiên tòa dành dựng và ngụy tạo - Ảnh: hvg.hu
Quốc tang trong dịp tái mai táng cố thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự đã bị chính quyền cộng sản tử hình ngày 16-6-1968 trong một phiên tòa dành dựng và ngụy tạo - Ảnh: hvg.hu

Tất nhiên, giới chính khách cũng được dự phần, như cố Thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự bị tử hình bởi chính quyền CS Kádár János - cùng tất cả những nạn nhân của làn sóng khủng bố sau cách mạng 1956 - đã được tưởng nhớ trong quốc tang 16-6-1989. Hoặc cố Thủ tướng Antall József được cử hành quốc tang trong ngày an táng ông (18-12-1993).

- Quốc tang lặp đi lặp lại” là sao?

Bên cạnh những bận quốc tang “theo dịp”, Hungary cũng có hai ngày quốc tang mang tính cố định, được cử hành thường niên.

Đó là ngày 6-10 (tưởng niệm “13 liệt sĩ vùng Arad”, những lãnh đạo quân sự chính yếu của cuộc cách mạng 1848 bị chính quyền Áo tử hình hôm 6-10-1849), và ngày 4-11 (tưởng nhớ biến cố Liên Xô đưa chiến xa vào Hungary để dập tắt nỗ lực dân chủ và độc lập năm 1956).

- Nhưng thật ra cũng không hay thấy bên này có quốc tang?

Không, có thể gọi là rất ít, đếm trên đầu ngón tay!

Thống kê cho thấy trong 17 năm đầu kể từ năm “bản lề” 1989, chỉ có 6 lần Hungary tổ chức quốc tang “theo dịp”: ngoài 4 cá nhân nhắc tới ở trên, Hungary còn cử hành quốc tang vào ngày 31-1-1999 để tưởng nhớ các nạn nhân (đa phần là học sinh) vụ tai nạn xe buýt xảy ra ở Deutschlandsberg (Áo) khiến 18 người bị thiệt mạng và 27 người bị thương.
 
Giới lãnh đại thượng đỉnh của hungary trong ngày quốc tang tưởng nhớ những nạn nhân của vụ cướp ngân hàng ở TP. Mór - Ảnh: MTI
Giới lãnh đạo thượng đỉnh của Hungary trong ngày quốc tang tưởng nhớ những nạn nhân của vụ cướp ngân hàng ở TP. Mór - Ảnh: MTI

Vụ thảm sát ở ngân hàng TP. Mór ngày 9-5-2002, được coi là vụ cướp tàn bạo nhất trong lịch sử hình sự Hungary với 8 nạn nhân bị băng cướp “máu lạnh” sả súng bắn chết ngay tại chỗ, cũng khiến chính quyền Hung quyết định tổ chức quốc tang sau đó gần hai tuần, vào ngày 17-5-2002.

Đó là tính tới năm 2006, nhưng từ bấy đến nay Hungary cũng vô cùng “dè sẻn” với quốc tang. Vài năm gần đây, chính quyền Hung đã ban bố quốc tang vào ngày 15-11-2015 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tại Paris trước đó 2 ngày, và vào ngày 23-1-2017 để tưởng nhớ 17 người thiệt mạng trong vụ tai nạn xe buýt chở học sinh và giáo viên tại Verona, diễn ra trước đó 3 hôm.

- Lãnh đạo của họ... không có tuổi hay sao mà ít quốc tang vậy? Mà toàn thấy cử quốc tang cho thường dân nhân các vụ khủng bố, thảm họa, v.v...?

Hungary đã không tổ chức quốc tang kể cả khi các cựu tổng thống Mádl Ferenc (1931-2011) và Göncz Árpád (1920-2015) qua đời, cho dù cả hai đều là những nhân vật khả kính và đầy uy tín. Thậm chí, Göncz Árpád còn được coi là nhân sĩ và chính khách được dân Hung yêu mến nhất từ năm 1990 tới nay.
 
Vài năm sau khi qua đời, Göncz Árpád đã nhận được tấm bia mộ khang trang - Ảnh: ripost.hu
Vài năm sau khi qua đời, Göncz Árpád đã nhận được tấm bia mộ khang trang - Ảnh: ripost.hu

Đáng nói là gia đình Göncz Árpád đã chọn cho vị tổng thống trong 2 nhiệm kỳ đầu của Đệ tam Cộng hòa Hungary (1990-2000) nơi yên nghỉ hết sức giản dị và khiêm nhường tại một nghĩa trang nằm tương đối xa trung tâm Budapest, nhưng mộ ông luôn có những bó hoa tươi của bao người mến mộ ông.

Mộ phần của Giáo sư Luật học, Viện sĩ Hàn lâm Mádl Ferenc, người kế nghiệp Göncz Árpád trong nhiệm kỳ 2000-2005 thì đì-zai “tân kỳ” hơn, do chính phủ Hung đã quyết định hỗ trợ khoản kinh phí “khủng” 20 triệu Forint (chừng 62.500 Euro) để cho ông có chỗ yên nghỉ tươm tất, nhưng xét về tầm cỡ kích thước thì cũng tốn rất ít đất của dân.

Horn Gyula (1932-2013), Ngoại trưởng cuối cùng của Cộng hòa Nhân dân Hungary, Thủ tướng thứ 3 của Đệ tam Cộng hòa Hungary (1994-1998) đương nhiên cũng không được hưởng quốc tang, dù ông là một trong số vài người mà nước Đức và Châu Âu luôn trân trọng và cả chịu ơn vì công lao góp phần dỡ bức tường Berlin để dẫn tới một Châu Âu thống nhất.

Cần nói là mộ phần của Horn Gyula cũng không quá đắt đỏ (chừng 2 triệu Forint, tương đương 6.250 Euro), chi phí do gia đình và Đảng Xã hội Hungary MSZP (mà ông từng là một yếu nhân và giữ cương vị Chủ tịch) “cưa đôi”.
 
Mộ phần của Mádl Ferenc - Ảnh: Internet
Mộ phần của Mádl Ferenc - Ảnh: Internet

- Sao lại kỳ thế nhỉ?

Nhìn chung, có lẽ quan niệm bao trùm của các nước Châu Âu là chỉ nên cử hành quốc tang đối với cá nhân trong những trường hợp hết sức đặc biệt, chứ nếu bạ lãnh đạo cao cấp của nhà nước, chính phủ, Quốc hội hay đảng phái, bất kể đương giữ chức hay “cựu-nguyên”, khi từ trần là phải tổ chức quốc tang thì nhiều quá, không cần thiết! “Đầy tớ” của dân, ăn lương dân mà phục vụ, không nhất thiết phải “cầu kỳ tốn phí”.

Ngược lại, cần chú trọng các nạn nhân những vụ thiên tai, địch họa, tai nạn, khủng bố... lớn, gây chấn động và sự thương cảm cho xã hội và công luận. Cũng như vậy đối với những cá nhân có đóng góp lớn cho dân tộc trên các địa hạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Thế mới là biết tôn trọng người dân và cảm xúc của họ!

- Nghi thức quốc tang của họ nghe chừng cũng không được “hoành tráng” như ta?

Trang nghiêm thì có, nhưng “hoành” thì không!

Đương nhiên, tại những tòa nhà công sở nơi bình thường cũng treo quốc kỳ Hungary và Liên Âu, thì vào dịp quốc tang sẽ treo cờ đen, còn hai lá cờ kể trên sẽ được treo rủ. Giới học sinh được tổ chức các hoạt động trong trường sở hoặc sinh hoạt riêng để tưởng nhớ trọng thể (những) người đã khuất.
 
Nơi yên nghỉ của một trong những cá nhân đã góp phần đáng kể cho sự tái thống nhất nước Đức và mái nhà chung Châu Âu, Horn Gyula - Ảnh: Internet
Nơi yên nghỉ của một trong những cá nhân đã góp phần đáng kể cho sự tái thống nhất nước Đức và mái nhà chung Châu Âu, Horn Gyula - Ảnh: Internet

Luật Hung có nhắc tới chuyện những hoạt động âm nhạc và giải trí tại nơi công cộng hay các cơ sở văn hóa có thể bị hạn chế trong lễ quốc tang, tuy nhiên trong thực tế, từ năm 1989 tới nay chỉ duy nhất 1 (MỘT) lần chính quyền làm điều đó. Các nhà tổ chức và người dân sẽ tự quyết định xem họ làm gì, “vui khỏe trẻ trung” đến mức nào... trong ngày quốc tang.

- Ừ, vậy thì cũng ỉu, ta... vĩ đại hơn nhiều!

NCTG


 
 Từ khóa: quốc tang
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn