BẦU CỬ, QUYỀN CỦA CÔNG DÂN

Chủ nhật - 08/04/2018 22:12

(NCTG) Tính đến 15h ngày 8-4-2018, đã có 53,64% số cử tri Hungary đi bỏ phiếu (trên tổng số hơn 8,2 triệu công dân Hung có quyền cử tri), và đây là một kỷ lục kể từ năm 1990 trở lại đây trong các cuộc tổng tuyển cử Quốc hội tự do và dân chủ tại đất nước ở vùng Đông - Trung Âu này.

Cử tri xếp hàng dài dằng dặc tại phố Kertész (trung tâm Budapest) - Ảnh: Nagy Szabolcs (index.hu)

Cử tri xếp hàng dài dằng dặc tại phố Kertész (trung tâm Budapest) - Ảnh: Nagy Szabolcs (index.hu)

Kỷ lục cũ (vào hồi 15h) thuộc về vòng 1 của kỳ bầu cử năm 2002 (51,78%), còn cách đây 4 năm, tỷ lệ này chỉ là 45,02%. Truyền thông Hungary nhận xét rằng, ngay từ buổi sáng sớm, cử tri Hung đã tỏ ra đặc biệt có hứng trong việc đi thực hiện quyền lợi công dân của mình.

Tại nhiều khu vực ở Budapest, cũng như tại các đại diện ngoại giao Hungary ở nước ngoài, cử tri phải xếp hàng rồng rắn cả tiếng đồng hồ để chờ đến lượt. Mạng index.hu đưa tin, có cử tri đã không quản ngại đường xa, đi 3.300km về nơi bỏ phiếu theo luật định.

Thật ra, tại một số nước trên thế giới, đi bỏ phiếu là nghĩa vụ, nên tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao là điều dễ hiểu. Nhưng tại Hungary, tham gia bầu cử chỉ là một quyền hiến định của công dân, chứ không phải nghĩa vụ, nên xưa nay tỷ lệ cử tri đi bầu thường là không cao.

Tại sao pháp luật lại không nên buộc cử tri phải đi bỏ phiếu? Theo lý giải của tổ chức bảo vệ dân quyền và nhân quyền Hiệp hội vì các quyền tự do cơ bản (TASZ) thì điều này có hai lý do chính, đều liên quan tới những quyền tự do và tự quyết của giới cử tri.

Thứ nhất, quyền bầu cử tạo điều kiện cho cử tri có thể thực thi những lợi ích của mình trong đời sống chính trị, nhưng cũng như đối với các quyền tự do khác, cử tri có quyền quyết định xem họ có muốn tận dụng khả năng được luật định cho phép hay không.
 
Thủ tướng Orbán Viktor đi bầu từ sáng sớm - Ảnh: Facebook của nhân vật
Thủ tướng Orbán Viktor đi bầu từ sáng sớm - Ảnh: Facebook của nhân vật

Lấy một ví dụ, bạn có quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên không thể dùng những công cụ pháp luật để buộc bạn thực thi điều đó trái với ý muốn của bạn (chẳng hạn, công khai nịnh bợ hoặc chỉ trích chính quyền). Bởi vậy, không thể dùng luật để buộc ai đó đi bỏ phiếu.

Mặt khác, ngồi nhà tẩy chay bầu cử, hoặc tranh thủ trời đẹp, cuối tuần nghỉ ngơi, dã ngoại, kệ “thiên hạ”... cũng là một quyền quan trọng của công dân, vì trong một số trường hợp nhất định đó cũng là một cách thể hiện quan điểm, hoặc thực thi lợi ích của cử tri.

Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp đồng nghĩa với một thông điệp gửi các đảng đang tranh giành quyền chính, rằng họ đã bỏ qua lợi ích của những tổ, nhóm đáng kể trong cộng đồng cử tri, và thông điệp này sẽ khó thể hiện nếu người dân bị buộc phải đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, TASZ cũng lưu ý rằng, sự thể hiện quan điểm theo cách ấy chỉ có ý nghĩa nếu có những đảng phái chính trị quan tâm đến việc diễn giải thông điệp đó, và đây là điều “xưa nay hiếm”. Thêm vào đó, ngay cả khi ấy, bạn cũng phải chịu một hậu quả không nhỏ.

Ấy là, trong vòng 4 năm, có thể bạn sẽ phải đối diện với một chính quyền tệ hại, mà không thể nói được gì, vì chính bạn đã quyết định không bày tỏ một cách tích cực chính kiến của mình. Vì thế, cử tri nên tham dự “ngày hội của nền dân chủ”, như index.hu diễn đạt.

Đây cũng là điều mà trong chiến dịch tranh cử, tất cả các đảng phái ở Hungary đều kêu gọi. Hãy đi bỏ phiếu, còn chuyện bầu chọn ai, đảng nào là quyền tự do của mỗi cá nhân cần được tôn trọng, nhất là khi cử tri Hung hiện tại dường như không có sự lựa chọn tốt...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: bầu cử 2018
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn