Đó là một ngày định mệnh đối với ngôi trường đại học thành công nhất trong vùng Trung Âu do vị tỷ phú, nhà tài phiệt Mỹ gốc Hung Soros György sáng lập. Sau gần 3 thập niên hoạt động ở Budapest, trường phải
rời tất cả các chương trình đào tạo được thẩm định giáo dục Mỹ sang Vienna, do không được chiêu sinh đối với các sinh viên mới từ ngày 1-1-2019.
Với động thái này, xung đột dai dẳng kéo dài gần 2 năm giữa trường và chính quyền Hungary tạm khép lại với “
phần thắng” một cách tương đối thuộc về Budapest. Tuy nhiên, thiệt hại về mặt uy tín và trên các góc độ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu hàn lâm... của Hungary là vô cùng to lớn, trong khi Vienna bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng được tiếp nhận CEU.
Ngôi trường cam kết với xã hội mở, với tự do và dân chủ
Đại học Trung Âu - thành lập từ năm 1991 - là một cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu tư nhân, được thành lập và tài trợ bởi nhà tài phiệt, vị tỷ phú gốc Hung Soros. Trường được thẩm định giáo dục tại Hungary và Mỹ, dạy bằng tiếng Anh, cấp bằng Hung và Mỹ, và có hơn 1.500 học sinh đến từ 100 quốc gia và 300 giảng viên từ trên 30 nước trên thế giới.
Là một trong những đại học giàu có nhất ở Châu Âu, theo các thống kê, Đại học Trung Âu là đại học duy nhất của Hungary mà đa số các ngành đào tạo đều có chất lượng thuộc Top 200, thậm chí có một số ngành lọt vào Top 50 của thế giới. Năm 2017, đánh giá cho thấy trong 7 lĩnh vực đào tạo, trường được liệt vào hàng những đại học xuất sắc nhất thế giới.
Nhìn lại lịch sử, Đại học Trung Âu được thai nghén từ mốc thời gian 1989 bởi một nhóm trí thức, nhân sĩ, - đa phần là những thành viên xuất chúng và sáng giá của phe đối lập dân chủ, chống độc tài, mà thủ lĩnh là nhà tài phiệt Soros - với mong ước tạo dựng một đại học quốc tế hỗ trợ cho quá trình chuyển biến dân chủ tại khu vực Đông - Trung Âu và Liên Xô (cũ).
Thực hiện mong muốn đó, Soros đã sáng lập Đại học Trung Âu vào năm 1991 tại Prague (Cộng hòa Czech). Trường được chuyển sang Budapest năm 1993 và trở thành một cơ sở giáo dục đặc biệt, thu hút các giảng viên và sinh viên ưu tú từ khắp thế giới. Hoạt động bằng nguồn kinh phí từ Quỹ Soros, trường có điều kiện học tập, giảng dạy rất tốt, cởi mở và tự do.
CEU đặt mục tiêu đào tạo lớp trẻ trở thành nhà nghiên cứu, khoa học gia, chính khách hoặc lãnh đạo dân sự, góp phần cho sự thiết lập những xã hội mở và dân chủ, tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Không phải ngẫu nhiên mà dù thù ghét CEU, nội các Hungary hiện tại cũng có nhiều thành viên từng được cử theo học trường này từ tiền thuế của dân.
Một số sinh viên Việt Nam theo học tại CEU đã nhận xét với họ, đây là một trong những đại học có độ mở cao nhất về tự do học thuật, về sự đa dạng sắc tộc, tôn giáo và quốc tịch của sinh viên. Trường rất khuyến khích và ủng hộ ước mơ, khát vọng, cũng như trí sáng tạo của sinh viên, khiến họ tin tưởng bởi cam kết với xã hội mở, với những giá trị tự do và dân chủ.
Bị bài trừ vì có “yếu tố Soros”
Đại học Trung Âu bắt đầu rơi vào tấm ngắm của chính quyền Hungary khoảng 4 năm nay, từ khi nội các nước này khởi đầu cuộc chiến cam go với xã hội dân sự, đặc biệt là với các tổ chức dân sự, phi chính phủ có liên quan tới Soros, và bởi vậy bị Budapest coi là “
gián điệp nước ngoài”, “
tay chân của tài phiệt quốc tế” cùng rất nhiều những cáo buộc nghiêm trọng khác.
Không chỉ bằng lời lẽ, liên minh cầm quyền Hungary còn tận dụng tối đa lợi thế có đa số 2/3 trong Quốc hội để lần lượt đưa ra những đạo luật làm khó dễ cho các tổ chức dân sự. Ngày 28-3-2017, một sửa đổi trong Đạo luật Giáo học Đại học được đề xuất với lý do thoạt nghe thì có vẻ chính đáng, là loại trừ những đại học ngoại quốc ở Hung cấp bằng “
rởm” cho sinh viên.
Dự luật có vẻ hướng vào 28 cơ sở giáo dục ngoại quốc ở Hung, nhưng trong thực tế chỉ nhằm triệt hạ Đại học Trung Âu với những yêu sách gần như bất khả, khiến sự tồn tại của CEU chỉ phụ thuộc vào ý muốn của chính quyền. Gặp phải
sự phản đối hết sức mạnh mẽ của
giới trí thức khoa bảng trong và ngoài nước, nhưng dự luật vẫn được
thông qua khẩn cấp chỉ nội trong 1 tuần!
Kể từ đó, bắt đầu một cuộc đua giữa chính quyền và ngôi trường. Cho dù được hưởng
sự ủng hộ rộng rãi về mặt tinh thần, CEU vẫn buộc phải chạy theo đòi hỏi của Budapest, là thiết lập một cơ sở giáo dục tại Mỹ cho các chương trình được thẩm định giáo dục Mỹ và cho ra văn bằng Mỹ, chiếm hơn 80% hoạt động của trường, và là yếu tố hấp dẫn nhất thu hút sinh viên.
Điều này, rốt cục đã được Ban lãnh đạo Đại học Trung Âu đáp ứng vào tháng 10/2017, khi họ cho khởi động chương trình đào tạo tại New York. Tuy nhiên, nội các Hung không để tâm tới việc đó, mà lại tiếp tục sửa đổi luật và cho CEU 1 năm để thực hiện những yêu cầu mới, thực chất là kéo dài thời gian để trường không thể chiêu sinh, đặt CEU vào tình trạng “
tiến thoái lưỡng nan”.
Rốt cục, thỏa thuận giữa chính quyền Hung và Mỹ như một điều kiện tiên quyết thứ hai để CEU tiếp tục tồn tại đã không được phía Hung ký, khiến trường phải chuyển tất cả các chương trình đào tạo được thẩm định giáo dục Mỹ sang Vienna, thủ đô Áo. CEU vẫn tiếp tục duy trì chương trình giáo dục với mục tiêu cấp văn bằng Hungary tại Budapest, với tương lai mù mịt.
Cuộc tấn công vào tự do học thuật và tự do tư tưởng
Không quá khó khăn khi thấy rằng, việc Đại học Trung Âu phải ra đi không phải là một câu chuyện mang tính pháp lý: CEU đã cố gắng thực hiện mọi yêu cầu của Budapest, nhưng quyết định lại nằm trong tay nội các Hung khi họ lờ đi việc ký kết bản hiệp định. Điều chính quyền Hung không ưa ở CEU, là trường đào tạo đội ngũ sinh viên óc suy nghĩ độc lập và tư duy phê phán.
Những cáo buộc về sự liên quan giữa đại học và cá nhân tỷ phú Soros, kẻ thù “
không đội trời chung” của chính quyền Hung, đã được chính
đội ngũ giảng viên CEU bác bỏ. Lãnh đạo CEU cũng rất thận trọng trong phát ngôn, và ít lên tiếng chỉ trích chính quyền như các tổ chức dân sự khác, vì họ tự coi mình là một cơ sở độc lập, không phụ thuộc và không liên quan đến Soros.
Như thế, sự bài trừ Đại học Trung Âu, trong thực tế là một cuộc chiến không chỉ chống tự do học thuật, mà còn là sự dằn mặt với tự do tư tưởng. Hàng chục vạn người Hung trong
chuỗi biểu tình ôn hòa ủng hộ CEU, hẳn nhiên đã nhận ra điều này khi họ giăng những biểu ngữ đòi hỏi một xứ sở tự do phải có những đại học tự do, nơi tự do tư tưởng được tôn trọng và khích lệ.
Về tương lai của trường, lãnh đạo CEU cho hay trường sẽ không tới Vienna như một kẻ bị đày ải, mà họ sẽ tiếp tục làm những gì đã làm tới giờ tại Budapest, tức là cung cấp hoạt động giáo dục tầm thế giới trong sự phối hợp với các đại học Áo. Niên khóa khởi đầu tại Vienna sẽ được khởi động từ tháng 9-2019 với 500 sinh viên mới, và các niên khóa sau đó cũng như vậy.
“
Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi, CEU vẫn tiếp tục được nhận những khoản chi phí cho công việc nghiên cứu và sẽ vẫn nhận các sinh viên tuyệt vời đến từ mọi miền của thế giới, vì có một vài yếu tố trong thế giới này mà lãnh đạo Hungary không thể ngăn chặn. CEU là một yếu tố như thế”, Hiệu trưởng CEU khẳng định, và cho biết Vienna và nước Áo giang rộng tay chào đón CEU.
Còn về phía Budapest, lãnh đạo nước này đổ vấy trách nhiệm cho trường, nói rằng trường “
sa đà vào chính trị” và do đó, họ không tiếc rẻ khi Hungary đánh mất một ngôi trường nổi tiếng như vậy. Một thành viên đảng cầm quyền phát biểu với báo chí rằng, cái “
sai” của CEU là đã “
dám” đối đầu với Thủ tướng Orbán Viktor, chứ uy tín của nội các Hung thì không còn để họ phải quan tâm...
Dầu vậy, câu chuyện về Đại học Trung Âu rất có thể chưa chấm dứt ở đây. Vụ việc của CEU hiện đang nằm trên bàn nghị sự của Tòa Bảo hiến Hungary và Ủy ban Châu Âu, và lãnh đạo trường tin chắc rằng họ không thể sai về mặt pháp lý. Các luật định Châu Âu cũng cho phép CEU kiện chính phủ Hungary, hoặc trường cũng có thể quay trở lại Hung khi đã đăng ký tại Áo, v.v...
Tất cả đều là những vấn đề của tương lai, vẫn “mở” như tinh thần của chính Đại học Trung Âu: ủng hộ một xã hội mở với những cởi mở và khai phóng về mọi mặt...
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.