“NGÔI TRƯỜNG CAM KẾT VỚI XÃ HỘI MỞ, VỚI TỰ DO VÀ DÂN CHỦ...”

Thứ ba - 11/04/2017 14:32

(NCTG) “Khó có thể tin rằng trong thời đại ngày nay mà một chính phủ nằm giữa lòng Châu Âu như Hungary có thể có hành động thô bạo và vi phạm những giá trị cốt yếu của dân chủ đến như vậy”, “giận dữ vì CEU và những giá trị xã hội theo đuổi bị chính phủ tấn công” là chia sẻ của hai sinh viên Việt Nam tại Đại học Trung Âu (CEU) đang là tâm điểm của công luận Hungary và quốc tế trong những ngày qua.

60-80 ngàn người biểu tình hôm 9-4 tại trung tâm thủ đô Budapest, không chỉ phản đối động thái của chính quyền trong vụ CEU, mà còn đòi các quyền tự do, dân chủ và “thay vì đóng cửa CEU, hãy nhốt Orbán lại” như trong một biểu ngữ - Ảnh: Huszti István (index.hu)

60-80 ngàn người biểu tình hôm 9-4 tại trung tâm thủ đô Budapest, không chỉ phản đối động thái của chính quyền trong vụ CEU, mà còn đòi các quyền tự do, dân chủ và “thay vì đóng cửa CEU, hãy nhốt Orbán lại” như trong một biểu ngữ - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Lời Tòa soạn: Tối thứ Hai 10-4-2017, Tổng thống Hungary Áder János đã đợi đến phút cuối theo luật định để đặt bút ký phê chuẩn Luật Giáo dục sửa đổi theo hướng vô hiệu hóa Đại học Trung Âu (CEU), một bê bối chính trị mới nhất của chính quyền Hungary gây nên làn sóng bất bình lớn trong và ngoài nước.

Trước đó, trong một cuộc biểu tình kéo dài vào tối Chủ nhật, 60-80 ngàn người đã xuống đường phản đối việc Quốc hội Hungary thông qua dự luật sửa đổi này một cách khẩn cấp, bất chấp sự phản đối của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu, và nhiều thủ lĩnh các đảng thuộc “gia đình” Đảng Nhân dân Châu Âu, mà FIDESZ là thành viên.

Giới khoa bảng Hungary và quốc tế, trong đó có nhiều nhà kinh tế học hàng đầu và 15 vị đoạt giải Nobel, rất nhiều giảng viên, sinh viên đại học, nhiều trường đại học và trung học của Hungary cùng 23 đại học thuộc hàng “tinh hoa” của Châu Âu và Bắc Mỹ - trong đó có Yale, Oxford, Stanford và Princeton - đã lên tiếng bênh vực CEU.

Nhiều nhân vật nổi tiếng như Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary Lovász László, cựu Tổng thống Hungary Sólyom László, nhà văn lớn Nádas Péter, nhà ngôn ngữ học danh tiếng Noam Chomsky hay cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đều tuyên bố đứng bên CEU trong cuộc chiến cam go với chính quyền Hungary.

Trong một diễn biến gần nhất, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Hoyt Brian Yee trong chuyến công du Budapest đã tuyên bố, chính phủ Hoa Kỳ có quan điểm thống nhất và nhất quán khi hoàn toàn đứng về phía CEU. Fiona Hill, một cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo dõi các sự kiện và ủng hộ CEU.

CEU là ngôi trường như thế nào, những sự kiện vừa qua ảnh hưởng tới giới sinh viên Việt Nam đang theo học tại đó ra sao, và các bạn sinh viên có ý kiến như thế nào xung quanh quyết định có thể dẫn tới sự “khai tử” của Đại học Trung Âu? Trong dịp này, NCTG đã có dịp trao đổi với với một trong số 5 sinh viên Việt Nam tại CEU.

Đó là Bùi Nhật Minh, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị công, chuyên ngành Phát triển Quốc tế (international development). Du học xa nhà từ năm 15 tuổi, Nhật Minh thổ lộ bạn theo đuổi mong ước tham gia phát triển chính sách xóa đói giảm nghèo và xây dựng xã hội dân sự tại các nước đang phát triển.

Ngoài ra, NCTG cũng liên hệ được với một cựu “cư dân” CEU, thạc sĩ Vũ Thị Hương Giang (đã tốt nghiệp ngành Quản trị công khóa 2014-2016). Những chia sẻ sau đây của hai bạn trẻ được đưa ra đúng vào ngày tại Budapest đã nổ ra cuộc tuần hành lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây để bảo vệ tự do và dân chủ trong học thuật.

 
Thạc sĩ Vũ Thị Hương Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thạc sĩ Vũ Thị Hương Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp

NCTG: Việc chính quyền Hungary thông qua dự luật sửa đổi “làm khó” CEU ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn như thế nào?

- Hương Giang: Do tôi đã tốt nghiệp nên việc này không ảnh hưởng đến việc học hành của tôi nhưng khiến tôi vô cùng sốc trước ứng xử tùy tiện và can thiệp thô bạo, trắng trợn vào tự do học thuật nói chung trên đất nước Hungary, một đất nước tôi vô cùng yêu quý và gắn bó trong suốt hai năm theo học tại CEU.

- Nhật Minh: Thật ra thì dự luật này không ảnh hưởng tới chúng tôi lắm vì bằng của trường được chứng nhận tại cả Hungary lẫn Mỹ, do vậy nếu chính phủ bắt buộc CEU phải đóng cửa dời đô qua nước khác thì bằng vẫn có giá trị. Thêm nữa khi luật được thi hành thì phần lớn chúng tôi cũng đã tốt nghiệp rồi.

Tuy vậy, học sinh cũng như giáo viên CEU đều coi Budapest như ngôi nhà thứ hai, vậy nên không ai muốn dự luật này được thông qua cả. Bên cạnh đó, dự luật này có nhiều hàm ý xâm phạm tới tự do và quyền lợi của trí thức cũng như xã hội dân sự Hungary. Những cuộc biểu tình gần đây chú trọng vào những hàm ý đó nhiều hơn là tới riêng CEU.
 
Bùi Nhật Minh cùng các bạn quốc tế của CEU - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bùi Nhật Minh cùng các bạn quốc tế của CEU (chuyên ngành Chính sách công) - Ảnh do nhân vật cung cấp
  
NCTG: Theo ý kiến của các bạn, CEU là ngôi trường như thế nào?

- Hương Giang: CEU là một trong những trường đại học có độ mở cao nhất mà tôi từng biết: mở về tự do học thuật, mở về sự đa dạng sắc tộc, tôn giáo và quốc tịch của sinh viên. Riêng Trường Chính sách công thuộc CEU mà tôi theo học thì trình độ các giảng viên rất cao, và họ luôn gắn bó, gần gũi, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên nên mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên khá chặt chẽ, thân tình.

- Nhật Minh: Tới nay tôi đã theo học tại năm nước khác nhau trên ba châu lục (Việt Nam, Singapore, Ấn Độ, Mỹ, và giờ là Hungary), và tôi cảm thấy chưa có nơi đâu khuyến khích ủng hộ ước mơ, khát vọng, cũng như trí sáng tạo của học sinh như CEU. Chúng tôi được học cùng giáo viên từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu danh giá, được sống và trao đổi cùng bạn bè từ khắp mọi nơi trên thế giới; chắc chắn rằng có ít ngôi trường nào mà ở đó sinh viên được tiếp xúc với nhiều luồng ý tưởng như đây.

Và quan trọng hơn cả với tôi đó là niềm tin và sự cam kết của cả trường với tư tưởng xã hội mở, với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ trên mặt trận học thức. Với tôi, đó là bản chất, mục tiêu cũng như cái đích của giáo dục, và tôi rất mừng khi được đắm chìm trong giá trị đó tại CEU.
 
CEU được mô tả là ngôi trường rất mang tính quốc tế và cởi mở với những giá trị chung, phổ quát - Ảnh do nhân vật cung cấp
CEU được mô tả là ngôi trường rất mang tính quốc tế và cởi mở với những giá trị chung, phổ quát - Ảnh do nhân vật cung cấp

NCTG: Bản thân sinh viên và các giảng viên của trường có những động thái gì để hỗ trợ cho trường tồn tại?

- Hương Giang: Các giảng viên và sinh viên nếu có mặt ở Budapest đều tham gia vào các hoạt động phản đối dự luật như biểu tình. Còn với các sinh viên và giảng viên nói chung, kể cả có mặt ở Budapest hay không, hiện đang theo học hay giảng dạy ở CEU hay không, nhiều người đã ký tên vào đơn kiến nghị online; chia sẻ thông tin qua nhiều kênh khác nhau (truyền miệng, báo chí, truyền thông xã hội), thành lập các nhóm CEU Alumni and Friends (Cựu sinh viên và bạn bè của CEU) ở Canada, châu Á, Mỹ, Úc,.... và chuyển đơn kiến nghị đến các cơ quan đại diện ngoại giao của Hungary ở nhiều nước.

Ban lãnh đạo trường cũng hết sức tích cực đưa thông tin lên các báo lớn của quốc tế, và được sự ủng hộ của nhiều thành phố, trường đại học lớn trên thế giới.

- Nhật Minh: Toàn CEU đang tích cực vận động giới trí thức trên toàn thế giới lên tiếng phản đối dự luật này.
 
Nhật Minh tham gia cuộc xuống đường hôm 9-4 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhật Minh tham gia cuộc xuống đường hôm 9-4 - Ảnh do nhân vật cung cấp

NCTG: Cảm xúc cá nhân của các bạn trong vụ này.

- Hương Giang: Như tôi đã nói qua, cảm nhận ban đầu là khá sốc. Khó có thể tin rằng trong thời đại ngày nay mà một chính phủ nằm giữa lòng Châu Âu như Hungary có thể có hành động thô bạo và vi phạm những giá trị cốt yếu của dân chủ đến như vậy. Một cảm nhận khác là ấn tượng mạnh trước sự đồng lòng, ủng hộ của sinh viên, giảng viên, ban lãnh đạo CEU; người Hungary; và nhiều cơ sở đào tạo, cá nhân trên toàn thế giới đối với tự do học thuật và CEU.

- Nhật Minh: Cảm xúc lúc này dĩ nhiên là giận dữ vì CEU và những giá trị xã hội tôi theo đuổi bị chính phủ tấn công. Nhưng hơn cả sự tức giận là niềm tự hào của một học sinh CEU và của một người đấu tranh cho tự do và xã hội dân sự.

NCTG: Chân thành cám ơn hai bạn!
 
Hương Giang (giữa) trong ngày tốt nghiệp (năm 2016). Chắc khi ấy, bạn chưa thể hình dung gần một năm sau, CEU bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế nào... - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hương Giang (giữa) trong ngày tốt nghiệp (năm 2016). Chắc khi ấy, bạn chưa thể hình dung gần một năm sau, CEU bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế nào... - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trần Lê thực hiện


 
 Từ khóa: CEU, Đại học Trung Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn