Hungary: TIẾP TỤC XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI VIỆC TRÙ ÚM CEU

Thứ tư - 05/04/2017 15:13

(NCTG) Tối hôm qua, rất đông cảnh sát đã phải đứng chặn đoàn người biểu tình để bảo vệ Tòa nhà Quốc hội Hungary, xô xát nhẹ đã xảy ra khi một số người muốn treo một lá cờ EU lên Nhà Quốc hội. Làn sóng xuống đường phản đối việc Quốc hội nước này thông qua một sửa đổi nhằm triệt hạ Đại học Trung Âu (CEU) vẫn tiếp tục.

“Gây áp lực” trước Tòa nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: Huszti István (index.hu)

“Gây áp lực” trước Tòa nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Xem clip của NCTG về cuộc biểu tình.

Biểu tình khởi đầu vào hồi 17h chiều và được sự hưởng ứng của 5-6 ngàn người, đa số là thanh niên và sinh viên, quây quanh tòa nhà chính của Đại học Trung Âu ở trung tâm thủ đô Budapest. Đơn vị tổ chức là nhóm “Tự do Giáo dục” hoạt động trên mạng xã hội Facebook.

Mục đích cuộc xuống đường theo Ban Tổ chức là để phản đối sự hạn chế tự do giáo dục, tự do học thuật thông qua việc Quốc hội Hungary sửa đổi Luật Giáo dục Đại học trước đó vài giờ, mà nạn nhân chính là CEU, trường đại học được đánh giá là “tinh hoa” nhất ở Hungary.

Người biểu tình cầm trên tay những tấm biển có hàng chữ “Veto” (Hãy phủ quyết) và “Ne írd alá!” (Đừng ký) như một thông điệp gửi Tổng thống Hungary Áder János, đề nghị ông đừng ký phê chuẩn đạo luật, mà hãy gửi lên Tòa Bảo hiến để cơ quan tối cao về pháp luật này xem xét.

Không được quyết định cái gì về chúng tôi mà không có ý kiến của chúng tôi! Đây là ý dân, nếu họ không nghĩ như vậy thì đừng có cầm quyền!”, một sinh viên trẻ phát biểu bằng tiếng Hung và tiếng Anh, và nhận được sự đồng tình đáng kể từ những người tham dự biểu tình.

Một diễn giả khác thì kể chuyện, anh là con một người di cư, từng vượt biên tìm tự do bằng cách trốn trorng một chiếc Trabant. Sinh ra ở New York, nhưng anh vẫn coi Hungary là quê hương và hồi hương vì muốn góp phần cho đất nước, nhưng anh đã phải thất vọng vô cùng.

Nhắc tới cuộc “tham vấn quốc gia” mà nội các Hungary đang tiến hành, anh cho rằng thay vì trưng cầu ý dân về việc “chặn đứng Brussels”, cần “chặn đứng Orbán”. Người trí thức trẻ này gọi 4-4 là “ngày đen tối của lịch sử Hungary”, và nhấn mạnh: cần cho chính quyền hiểu là người Hung muốn thuộc về Châu Âu!
 
Kêu gọi “Hãy phủ quyết” và “Đừng ký” trước cửa Đại học Trung Âu - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Kêu gọi “Hãy phủ quyết” và “Đừng ký” trước cửa Đại học Trung Âu - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Nhiều chính khách đối lập - như các dân biểu Đảng Xã hội Hungary Kunhalmi Ágnes, Demeter Márta, Hiller István, Korózs Lajos và Gőgös Zoltán, hay cựu Bộ trưởng Tài chính Bokros Lajos và nhiều thành viên nhóm dân sự Phong trào Thời điểm - cũng hiện diện trong sự kiện này.

Những khẩu hiệu như “Đại học tự do, đất nước tự do”, “Chúng ta không để yên!” cũng được các diễn giả và đoàn biểu tình hô vang. Khá đông cảnh sát đã được điều động tới để giữ trật tự, con phố Nádor nơi tọa lạc tòa nhà CEU được ngăn giao thông dành chỗ cho cuộc biểu tình.

Chừng hơn một tiếng, nhóm tổ chức tuyên bố kết thúc biểu tình, nhưng vài trăm người không về nhà mà tiếp tục đi về phía Nhà Quốc hội Hungary. Nhanh chóng, nhiều người gia nhập đám đông và rốt cục, chừng 1-2 ngàn người đã tụ tập ở quảng trường Kossuth Lajos.

Tại đây, người biểu tình không chỉ yêu cầu rút lại đạo luật mà còn lên tiếng đòi thay đổi, điều mà theo họ “cả nước đều muốn”. Một số người muốn trèo lên treo cờ EU tại Nhà Quốc hội, do đó xô đẩy đã diễn ra với giới cảnh sát nhưng từ đầu đến cuối, đôi bên đều giữ được ôn hòa.

Vào hồi 19h45, đám đông cùng nhau hát “Quốc ca” và giải tán. Tuy nhiên vẫn còn một số người ngồi tọa kháng và trò chuyện trước Tòa nhà Quốc hội, một nhóm nào đó tuyên bố sẽ “chiếm” cầu Tự do (Szabadság-híd) vào 8h sáng 5-4 như một hành động phản kháng mang tính tượng trưng.

Đại học Trung Âu là một cơ sở giáo dục hoạt động bằng nguồn tài trợ của Quỹ Soros và có đăng ký tại Mỹ, do đó sinh viên tốt nghiệp trường này được cấp bằng có giá trị tại cả Hungary lẫn Hoa Kỳ. Nhận sinh viên từ hàng trăm nước trên thế giới cùng đội ngũ giảng viên quốc tế hùng hậu, đây là ngôi trường elite tại Hungary.

Trong quá khứ và hiện tại, cũng có một số ít sinh viên Việt Nam theo học CEU, và tất cả đều tỏ ra âu lo trước viễn cảnh trường bị làm khó dễ, thậm chí có nguy cơ bị đóng cửa khi chính quyền Hungary thông qua dự luật sửa đổi, buộc các trường nước ngoài tại Hung phải thực hiện nhiều điều kiện gần như bất khả nếu muốn tồn tại.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: CEU, Đại học Trung Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn