HUNGARY SỬA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC, HAY CUỘC CHIẾN MỚI CHỐNG XÃ HỘI DÂN SỰ?

Thứ hai - 03/04/2017 22:49

Chiều tối hôm qua, một cuộc biểu tình lớn thu hút hàng chục ngàn người, trong đó có rất đông thanh niên, học sinh, giáo viên... đã được tổ chức tại trung tâm thủ đô Budapest phản đối dự luật của chính phủ Hungary bị coi là để triệt hạ Đại học Trung Âu (CEU, Budapest).

Thủ tướng Orbán Viktor cùng các lãnh đạo liên mình cầm quyền trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary hôm 3-4-2017. Quyết định về việc đưa dự luật tấn công Đại học Trung Âu ra bỏ phiếu khẩn cấp vào ngày mai đã được thông qua trong phiên họp này - Ảnh: Illyés Tibor (MTI)

Thủ tướng Orbán Viktor cùng các lãnh đạo liên mình cầm quyền trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary hôm 3-4-2017. Quyết định về việc đưa dự luật tấn công Đại học Trung Âu ra bỏ phiếu khẩn cấp vào ngày mai đã được thông qua trong phiên họp này - Ảnh: Illyés Tibor (MTI)

Nghe bản audio tại đây.

Đoàn người đã tuần hành qua các khu phố chính và cuối cùng, tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary, hô các khẩu hiệu đòi “Đại học tự do, đất nước tự do”, tự do học thuật và giáo dục, và chỉ trích chính sách phi dân chủ của chính quyền, so sánh nó với các xứ độc tài Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Erdogan và Putin cũng cho đóng cửa các đại học, và chúng ta không muốn Hungary cũng thuộc về cái câu lạc bộ ấy” là phát biểu của một sinh viên trẻ của trường, và cũng là lời phản đối gay gắt trước động thái mới nhất của nội các cánh hữu Hung, khiến công luận Hung và quốc tế dậy sóng.

Đại học Trung Âu, thành trì của khai phóng trong giáo dục

Ngày 28-3-2017, chính phủ Hungary đưa ra một dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học với lý do loại trừ những trường rởm cấp bằng rởm, hoạt động bất hợp pháp tại Hung, nhưng chủ định thấy rõ là nhằm vào Đại học Trung Âu (Budapest), vốn được coi là một thành lũy của tư duy độc lập.

Ngôi trường đang là tâm điểm sự chú ý của công luận Hung và quốc tế này có một lịch sử rất thú vị. Là trường ở Hungary có thứ bậc cao nhất trên thế giới, và được trang bị tốt nhất trong số các đại học tại Hungary, nhưng nó lại được coi là có trụ sở ở Mỹ, và hoạt động bằng nguồn tài trợ.

Đại học Trung Âu được thai nghén từ năm 1989 bởi một nhóm trí thức - đa phần là những thành viên xuất chúng và sáng giá của phe đối lập dân chủ, chống độc tài - với mong ước tạo dựng một đại học quốc tế hỗ trợ cho quá trình chuyển biến dân chủ tại khu vực Đông Trung Âu và Liên Xô (cũ).

Là một thủ lĩnh của nhóm đó, nhà tỷ phú Mỹ gốc Hung Soros György (George Soros) đã sáng lập Đại học Trung Âu vào năm 1991 tại Prague. Trường được chuyển sang Budapest năm 1993 và trở thành một cơ sở giáo dục đặc biệt, thu hút các giảng viên và sinh viên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới.

Với điều kiện học tập, giảng dạy tốt nhất, cởi mở và tự do nhất, Đại học Trung Âu đặt mục tiêu đào tạo lớp trẻ sẽ trở thành nhà nghiên cứu, khoa học gia, chính khách hoặc lãnh đạo dân sự, góp phần cho sự thiết lập những xã hội mở và dân chủ, tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Có “yếu tố Soros”

Trong cuộc chiến giữa chính quyền Hungary với các tổ chức dân sự, phi chính phủ có liên quan tới Soros, và bị Budapest coi là “gián điệp nước ngoài”, “tay chân của tư bản quốc tế”, thoạt tiên Đại học Trung Âu chưa bị kéo vào cuộc, cho dù nó cũng hoạt động bởi nguồn tài chính của Quỹ Soros.

Lãnh đạo Đại học Trung Âu được coi là rất thận trọng trong phát ngôn, và không lên tiếng chỉ trích chính quyền như các tổ chức dân sự khác. Bên cạnh đó, họ cũng coi mình là một cơ sở độc lập, không phụ thuộc và không liên quan đến cá nhân Soros, nên không tỏ phản ứng gì trước chính quyền.

Tuy nhiên, trường là nơi đào tạo nên những chuyên gia thuộc hàng “tinh hoa”, có óc suy nghĩ độc lập và tư duy phê phán, nên có thể vì vậy mà Đại học trở thành cái gai trong mắt chính quyền Hungary, và đây cũng là phép thử mà nội các Orbán muốn biết, họ có thể đi xa đến đâu trong việc gây sức ép.

Dự luật do nội các Orbán đưa ra khiến sự tồn tại của các trường đại học nước ngoài tại Hungary phụ thuộc vào ý muốn của chính quyền, và có những điểm chỉ nhắm vào Đại học Trung Âu, cho dù trên nguyên tắc nó được coi là hướng vào cả thảy 28 cơ sở giáo dục đại học ngoại quốc tại Hungary.

Hơn thế nữa, quyết định của chính quyền Hungary là sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do học thuật, tự do giáo dục và đào tạo, gây ảnh hưởng rất lớn tới giáo dục khoa bảng, trớ trêu là lại diễn ra đối với cơ sở giáo dục hàng đầu tại Hungary, mà Viện Hàm lâm Khoa học nước này cũng thừa nhận.

Phản ứng dữ dội

Ngay lập tức, công luận Hung và đại diện Đại học Trung Âu hiểu ngay đây là động thái tấn công nhà trường, nhằm làm khó dễ, thậm chí có thể dẫn tới việc đóng cửa trường dài hoặc ngắn hạn, đã làm dấy lên một làn sóng bất bình lớn và lan tỏa không chỉ trong nội bộ nhà trường và giới giáo dục.
 
Biểu tình ủng hộ Đại học Trung Âu trước trụ sở trường - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)
Biểu tình ủng hộ Đại học Trung Âu trước trụ sở trường - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)

Hiệu trưởng nhà trường cho hay ông đang vận động sự ủng hộ của chính giới Hoa Kỳ - nếu cần, ông sẽ “kêu cứu” trực tiếp tới Tổng thống Mỹ - và kêu gọi công luận “cứu trường”. Nhiều khoa tại các đại học ở Hungary (trong đó có Đại học Tổng hợp Budapest ELTE) đã đứng cạnh Đại học Trung Âu.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Budapest và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lập tức bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và lên tiếng bảo vệ tự do học thuật. Lần lượt, 14 nhà khoa học được Giải Nobel và sau đó, 119 nhà nghiên cứu xã hội và sử gia nổi tiếng cũng đã ký thư ngỏ phản đối gửi lên chính quyền Hungary.

Đặc biệt, tờ “Bưu điện Washington” đã có xã luận riêng về vấn đề này, nhấn mạnh rằng một cơ sở giáo dục như Đại học Trung Âu có vai trò rất quan trọng tại một quốc gia vừa thoát khỏi cảnh độc tài. Cách hành xử của Hung với các tổ chức dân sự bị coi là không khác gì Thổ, Trung Quốc hay Nga.

Hình như Thủ tướng Hungary đã quên bài học?”, bài viết đặt câu hỏi, bởi lẽ thời thanh niên chính ông Orbán đã được nhận học bổng Soros để theo học tại Oxford, và thời đó, Hung có được sự chuyển đổi thể chế chính vì người dân mong mỏi tự do, đó cũng là mục đích của Đại học Trung Âu.

Trận chiến nhằm vào những tiếng nói độc lập

Hiếm có quyết định nào trong số chuỗi hành xử bê bối của nội các Hungary những năm gần đây lại gây ầm ĩ đến thế, như trong dịp này. Ngay nội bộ đảng cầm quyền và giới trí thức bảo thủ cánh hữu, cũng có những người phản đối việc “tận diệt” Đại học Trung Âu bằng công cụ hành chính và pháp luật.

Thay vì đối thoại và tranh luận, việc vô hiệu hóa Đại học Trung Âu - một trong những cánh cửa mở ra cho nước Hung vào thế giới - là điều nhục nhã, đi ngược lại tự do lương tâm - đó là ý kiến một trí thức có uy tín, và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cũng đứng về phía trường trong xung đột này.

Một Tiến sĩ Kinh tế, giảng viên Đại học Trung Âu nhận xét rằng một quyết định như thế, nếu được Quốc hội Hungary thông qua, “về căn bản sẽ chôn vùi sự độc lập của nhà trường, của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, ở mức độ mà lần cuối cùng chúng ta được thấy là trước năm 1989”.

Theo nhiều nhận định, cuộc chiến mà chính quyền Hung khơi ra với Đại học Trung Âu, dù tưởng chừng là vô lý, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ xung đột giữa chính quyền và xã hội dân sự cùng những tiếng nói độc lập trên địa hạt giáo dục đào tạo, những tư tưởng, sự tranh luận tự do và dân chủ.

Bằng cách đó, họ khai tử bất cứ sự cọ sát nào của những tư tưởng và những suy nghĩ. Bằng cách đó, họ chấm dứt khoảng không gian cho những tranh luận khoa học về xã hội, về nhà nước và con người” - đó là quan điểm của nhóm tổ chức biểu tính ngày hôm qua, khi bày tỏ thái độ phản kháng.

Có thể đi xa tới đâu?

Là một quyết định mang tính chính trị, cuộc tấn công nhằm vào Đại học Trung Âu có thể có nhiều đáp án khác nhau, theo nhận định của truyền thông Hungary, và những yếu tố luật pháp nhiêu khê không nhất thiết dẫn tới việc đóng cửa trường, cho dù nó thể hiện tính thượng phong của chính phủ.

Không loại trừ khả năng dự luật mới nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ không “qua mặt” được Tòa Bảo hiến Hungary, hoặc Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strasbourg, vì có nhiều yếu tố cho thấy nó là sự phân biệt đối xử đối với Đại học Trung Âu, và Liên Âu cũng rất quan tâm tới hồ sơ này.

Dụng ý của nội các Orbán có thể là càng làm to chuyện càng tốt khi gây nên bê bối này. Bởi lẽ, chính quyền luôn cần một địch thủ, một kẻ thù để chứng tỏ sự “can trường” của mình, và sau Brussels thì Soros, Đại học Trung Âu và hơn thế nữa, Hoa Kỳ và giới khoa học là những đối thủ tiềm năng.

Chính phủ Hung không có mạo hiểm gì quá lớn trong cuộc chiến này theo ý kiến của một số nhà phân tích, vì họ có thể rút lui trong phút cuối mà cũng không quá “mất mặt”, như nhiều ví dụ trong thời gian qua. Đại học Trung Âu cũng có thể chuyển đi nước khác, vì nhiều nơi đã sẵn sàng tiếp nhận.

Cái mất, “chỉ” là nền giáo dục Hungary, xã hội dân sự Hung, và tự do học thuật của nước này, và tới giờ, dù chưa ngã ngũ, nhưng những hậu quả của cuộc chiến đã có thể thấy được. Uy tín của Hungary cũng phải chịu những đòn nặng nề, hoàn toàn không xứng với hình ảnh văn hóa và hiền hòa của đất nước này...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: CEU, Đại học Trung Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn