HUNGARY THUA CUỘC Ở STRASBOURG, MỘT TỔ CHỨC “PHÒ CHÍNH QUYỀN” KHUYÊN BUDAPEST “LÀM CÀN”

Thứ sáu - 24/03/2017 04:16

(NCTG) “Trung tâm Vì những quyền cơ bản” (AK), một tổ chức được coi là thân chính phủ tại Hungary vừa đặt vấn đề Budapest nên cân nhắc việc ra khỏi Công ước Châu Âu về Nhân quyền, mà nước này là thành viên từ cuối năm 1992, sau khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu (Tòa Strasbourg) ra một phán quyết bất lợi cho chính quyền Hung.

Người tỵ nạn tại “khu vực quá cảnh” ở vùng biên giới Röszke - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Người tỵ nạn tại “khu vực quá cảnh” ở vùng biên giới Röszke - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Trong thông cáo gửi Hãng Thông tấn Hungary MTI hôm 21-3, AK nhắc lại rằng vào tuần trước, ngày 14-3, Tòa Strasbourg đã ra phán quyết sơ thẩm xử thắng cho hai người xin tỵ nạn mang quốc tịch Bangladesh vì Tòa nhận định rằng chính quyền Hung đã vi phạm các quyền của họ khi giam giữ họ tại cái gọi là “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới Hungary - Serbia.

Theo AK, với quyết định trên, về căn bản Tòa Strasbourg đã tước bỏ quyền cơ bản của một quốc gia là bảo vệ biên giới và công dân của chính mình, và đó là sự “vượt quá thẩm quyền của Tòa”. AK cho rằng, Tòa Strasbourg đã biện giải các quyền của di dân theo hướng có hại cho an ninh các quốc gia, và đó là điều “vi phạm trầm trọng bản sắc hiến định và sự độc lập của Hungary”.

Do đó, AK đề nghị chính phủ Hungary hãy kháng án lên Phòng Lớn (Grand Chamber). AK cũng cảnh báo tới khả năng kháng cáo bị bác bỏ ở phiên phúc thẩm, và khi đó, theo tổ chức này, Hungary cần nghĩ tới khả năng không chấp hành phán quyết của Tòa Strasbourg. Và nếu điều này gặp trở ngại về luật pháp hoặc chính trị, cần nghĩ tới cả việc ra khỏi Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Bởi lẽ, theo quan điểm của AK - một tổ chức dân sự thuộc hàng “phò chính phủ” với nhiều thành viên lãnh đạo trước đó làm việc tại các cơ sở của đảng cầm quyền, bị truyền thông Hung coi là “cái loa của chính quyền” -, tại Hungary việc bảo vệ những quyền cơ bản được đảm bảo ở mức mà nước này không cần gia nhập Công ước Châu Âu về Nhân quyền một cách hình thức.

Còn nhớ, cách đây hai năm, cũng chính AK là tổ chức đã lập tức lên tiếng bênh vực chính phủ Hungary ngay sau khi Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International - AI) ra báo cáo về tình hình nhân quyền xuống dốc tại nước này, và khẳng định rằng, ở Hung, độ tin cậy của pháp luật là hoàn hảo, không ai bị phân biệt đối xứ, và AI đã nhầm lẫn trong mọi nhận định của họ về Hungary.

Tuy nhiên, trong dịp này, “lời khuyên” của AK - ít nhất là vế đầu - cũng đã chậm tới vài ngày: từ hôm 18-3, chính phủ Hung đã quyết định kháng án vì cho rằng họ đã hành xử hoàn toàn đúng luật và với hệ thống biên phòng của mình, Hungary không chỉ bảo vệ an ninh của người Hung, mà còn của cả của các công dân Liên Âu khác. Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Orbán Viktor.

Lại còn phải trả bao nhiêu triệu đồng cho hai tay chết tiệt này, mà chúng ta nào có biết là họ đang ở đâu?”, ông Orbán bình luận. Phát biểu trước đó một tuần trước các nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ biên giới, ông Orbán cũng khẳng định: “Chúng ta không thể tính đến Brussels và Liên Âu, thậm chí ngược lại, họ còn làm khó dễ chúng ta. Chúng ta cần bảo vệ biên giới của mình”. 

Cũng trong dịp đó, Thủ tướng Hungary tỏ ra coi thường những chỉ trích về nhân quyền, khi nói rằng “pháp luật ứng với tất cả mọi người và không có thứ ba hoa nhân quyền nào có thể vượt qua điều này”. Cho dù con số người vượt biên hiện tại chỉ ở mức vài ba trăm, nhưng theo ông Orbán, “chúng ta vẫn đang bị tấn công”, vì “vẫn có nhiều triệu di dân chuẩn bị lên đường sang Châu Âu”.

Trở lại vụ kiện của hai công dân Bangladesh tại Tòa Strasbourg, theo đơn kiện của họ, sau khi bị bác đơn xin tỵ nạn, hai người đã bị giam giữ tại khu vực quá cảnh ở vùng biên giới rồi sau đó bị tống về Serbia. Theo Tòa, sự giam giữ đó là bất hợp pháp (cho dù phía Hungary lý luận rằng trại kín này thực ra “mở tự do” về phía Serbia), và hai nguyên đơn đã không có cơ hội để kháng án.

Tòa Strasbourg cũng nhận định, chính quyền Hungary phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về “khu vực quá cảnh”, nơi đương nhiên vẫn được tính là do chính phủ Hung quản lý, và người bị giam giữ tại đó cũng có đầy đủ các quyền như ở các nơi giam giữ khác. Việc gửi người xin tỵ nạn trở lại Serbia - một nước bị nhiều tổ chức dân sự và quốc tế cho là không an toàn đối với di dân - cũng bị coi là có vấn đề.

Theo Tòa, Hungary cũng phạm luật khi trục xuất người xin tỵ nạn về Serbia và không chứng tỏ được là họ sẽ không gặp bất trắc ở đó. Phiên sơ thẩm buộc chính quyền Hung phải bồi thường cho hai nguyên đơn (đầu người 10 ngàn Euro), cũng như phải chi trả khoản án phí cho họ. Nếu phán quyết này được Phòng Lớn của Tòa bảo lưu, thì nó sẽ mang tính tiền lệ đối với mọi di dân bị Hung đối xử tương tự.

Chưa rõ chính phủ Hungary có quan điểm ra sao trước đề xuất nói trên của “Trung tâm Vì những quyền cơ bản”, một trong số ít những tổ chức dân sự được họ ủng ái và không coi là gián điệp ngoại bang”, “tay chân Soros, v.v... Nhưng do phật ý vì bị phê bình, chỉ trích mà rời khỏi một chương trình quốc tế, thì gần đây Budapest đã làm với Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở (Open Government Partnership - OGP).

Trần Lê tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn