SỬA LUẬT ĐỂ GIAM GIỮ NGƯỜI XIN TỴ NẠN, HUNGARY BỊ QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH

Thứ bảy - 11/03/2017 01:57

Ngày 7-3 vừa qua, Quốc hội Hungary đã chỉnh lý đạo luật về người tỵ nạn với những điều khoản mới được coi là ngặt nghèo hiếm thấy ở Châu Âu, theo đó người xin tỵ nạn sẽ bị giam giữ tại “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới, chừng nào đơn của họ chưa được chấp nhận hoặc bác bỏ.

Cảnh sát Hung bị cáo buộc là trong nhiều trường hợp đã bạo hành người xin tỵ nạn - Ảnh: Csaba Segesvari (AFP)

Cảnh sát Hung bị cáo buộc là trong nhiều trường hợp đã bạo hành người xin tỵ nạn - Ảnh: Csaba Segesvari (AFP)

Nghe bản audio tại đây.

Khu vực quá cảnh” trong thực tế ở ranh giới Hungary và Serbia, là nơi đặt hàng loạt những thùng container làm nhà, với những điều kiện tiện nghi tối thiểu, và dần dần tất cả những ai xin tỵ nạn ở Hungary - cũ cũng như mới - sẽ được dồn hết vào đó, các trại tỵ nạn trong nội địa Hung sẽ bị giải thể.

Là một nước theo đường lối và quan điểm rất hà khắc với người xin tỵ nạn, Hungary thuộc hàng những quốc gia tại khu vực Trung Âu trước sau vẫn cự tuyệt việc tiếp nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch mà Liên Âu quy định, nhằm ít nhiều giảm gánh nặng cho những nước tiền tuyến như Hy Lạp và Ý.

Với thái độ như vậy, Hungary và các nước cùng quan điểm đã góp phần khiến vấn đề tỵ nạn không được xử lý ở tầm EU, kế hoạch san sẻ người tỵ nạn tới giờ vẫn đi vào ngõ cụt và Ủy ban Châu Âu có thể phải thực thi biện pháp trừng phạt với những quốc gia vẫn tiếp tục “lỳ lợm” trong hồ sơ này.

Trẻ vị thành niên cũng bị giam cầm

Đó là quan ngại lớn mà Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã buộc phải lập tức lên tiếng ngay sau những điều khoản thắt chặt được Quốc hội Hungary thông qua, cho phép giam giữ cả trẻ em ở độ tuổi 14-18 không có người lớn đi cùng, tại “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới với Serbia và Croatia.

Đề xuất của Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor vừa được Nghị viện Hungary chấp thuận với số phiếu rất áp đảo của các dân biểu cầm quyền cùng các nghị sĩ thuộc đảng đối lập cực hữu JOBBIK, khiến số phận của người xin tỵ nạn tại Hung có thể trở nên hết sức bần cùng trong thời gian tới.

Các đạo luật về tỵ nạn và bảo vệ trẻ em vừa được bổ sung những điều khoản được coi là cần thiết trong cái gọi là “tình trạng khẩn cấp do di dân hàng loạt” mà chính quyền Hungary ban bố từ 2,5 năm nay, theo đó, người xin tỵ nạn chỉ có thể đệ đơn, và sau đó bị giam tại vùng biên giới để chờ đợi.

Thêm vào đó, những điều luật mới này còn được áp dụng đối với bất cứ di dân hay người xin tỵ nạn nào đang cư trú trong lãnh thổ Hungary: họ sẽ đều bị đưa ra khu biên giới, và vạ vật ở đó trong những điều kiện sống rất tệ hại chừng nào quy chế tỵ nạn của họ chưa được chính quyền xử lý rốt ráo.

Một yếu nhân của đảng cầm quyền FIDESZ, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Lázár János tự hào phát biểu rằng, như vậy không một di dân nào có thể đi lại tự do tại nước Hung, và đây là điều hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Nhà nước Hungary, không ai khác có quyền nói năng, can thiệp.

Người xin tỵ nạn chỉ có thể rời “khu vực quá cảnh” ở biên giới trong một trường hợp duy nhất: rời Hungary về hướng Serbia hay Croatia. Luật mới sẽ có hiệu lực 8 ngày sau khi được công bố, và theo nội các Hung thì như vậy “sẽ không ai có thể nhập cảnh bất hợp pháp Hungary và Liên Âu”.

Cần biết là những biện pháp thắt chặt gắt gao này được đưa ra khi con số những người muốn tỵ nạn ở nước Hung là không đáng kể: hiện chỉ có chừng 500 người chờ đợi tại các trại tỵ nạn trong Hungary, phần còn lại đều đã tìm cách qua Tây Âu, nhiều khi với sự hỗ trợ của chính quyền Hung.

Đi ngược lại chuẩn mực quốc tế

Cần nói là việc giam cầm người xin tỵ nạn trong các trại kín không phải là điểm mới đối với Hungary, mà là điều đã được nước này thực thi cho tới năm 2012. Cho dù Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về vị thế của người tỵ nạn cấm điều đó, và nước Hung cũng là thành viên của Công ước này.

Không được hạn chế quyền tự do đi lại của người tỵ nạn quá mức cần thiết - đó là một điều khoản nhìn chung được quốc tế tuân thủ. Việc Hungary chủ trương giam cầm người xin tỵ nạn khiến nước này bị Ủy ban Châu Âu và Cao ủy Tỵ nạn lên án, và buộc chính quyền nước này phải thay đổi.

Thậm chí, nhiều người xin tỵ nạn ngay sau khi đăng ký tại Hungary đã lập tức lẩn tránh đi nước khác để tránh bị giam, và nhiều nước Tây Âu không gửi họ lại Hung, cho dù Hiệp ước Dublin cho phép gửi trả lại - lý do là vì Tây Âu coi Hung là nơi đối xử vô nhân đạo và làm nhục người xin quy chế tỵ nạn.

Dưới sức ép của các định chế quốc tế, năm 2013 Hungary phải tạm rút lại biện pháp tự động giam giữ người xin tỵ nạn, nhưng Thủ tướng Orbán Viktor thì không hề thích điều này. Ông cho rằng không thể bắt giữ một di dân bất hợp pháp vì người ấy nói rằng mình là tỵ nạn, là điều dớ dẩn.

Thế là nổ ra cảnh loạn lạc. Thế là hàng vạn di dân bất hợp pháp tràn ngập Hung, bảo rằng mình là người tỵ nạn, nhưng ai cũng biết đó là di dân kinh tế” - ông Orbán nói vào mùa xuân 2015, và bày tỏ ý muốn thay đổi luật quốc tế để có thể bắt giam người xin tỵ nạn không có giấy tờ hợp thức.

Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu thì vẫn có quan niệm ngược lại, coi việc tự động bắt giam người đệ đơn tỵ nạn khi không có lý do gì thật đặc biệt là điều đi ngược lại những chuẩn mực chung. “Chúng tôi yêu cầu mọi nước thành viên phải tuân thủ và tôn trọng luật chung”, một quan chức EU nhấn mạnh.

Trả lời báo chí về trường hợp Hungary, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans cho hay, việc xét đơn và cư xử với người đệ đơn tỵ nạn được quy định bởi các chuẩn mực quốc tế và Liên Âu, và bất cứ thay đổi nào cũng phải thông qua sự đồng thuận của các thành viên EU khác.

Xử lý tỵ nạn: vẫn nhiều bế tắc

Trong khi chính quyền Hungary bị quốc tế coi là dùng hình ảnh người tỵ nạn như bóng ma để hù dọa người dân, và kiếm phiếu bởi những ngôn từ và hành động mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan và kỳ thị đối xử, thì việc xử lý làn sóng tỵ nạn ở Châu Âu vẫn gặp phải nhiều khó khăn lớn.

Dự án phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch của Liên Âu, được các Bộ trưởng Nội vụ EU đề xuất vào tháng 9/2015 nhằm giảm tải cho hai nước Ý và Hy Lạp bằng cách nhận 100 ngàn người tỵ nạn trong 2 năm, giờ vẫn tỏ ra bế tắc khi gặp phải sự phản đối quyết liệt của khối các nước Trung Âu.

Các quốc gia còn lại, dù không phản đối, cũng chỉ nhận rất nhỏ giọt. Thống kê mới đây nhất cho thấy, trung bình chỉ mới có chưa tới 15% chỉ tiêu được thực hiện, và ngay các nước tích cực nhất - Phần Lan và Ireland - cũng chỉ mới nhận trên dưới 50% con số mà họ đã cam kết, và được phân bổ.

Một vấn đề quan trọng mang tính sống còn nữa, là việc trục xuất càng nhanh càng tốt những di dân không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận quy chế tỵ nạn, như ý một lãnh đạo Đức nói, không thể để thế giới có một “thông điệp sai trái”, là cứ ai qua tới EU là được ở lại, và còn được nhận tiền nữa.

Là nước nhận nhiều người xin tỵ nhất, Đức trong năm 2016 đã trục xuất và cho dẫn độ 80 ngàn người xin tỵ nạn và đây là một con số kỷ lục. Con số này trong năm nay sẽ còn tăng nữa, bởi lẽ Thủ tướng Angela Merkel và các đồng sự muốn giành lại niềm tin của các cử tri trước kỳ bầu cử tháng 9 tới.

Một quan chức của nội các Merkel cho hay, năm 2016 có 700 ngàn đơn xin tỵ nạn được đệ lên chính quyền, và 300 ngàn đơn đã bị bác. Vị này phát biểu rằng: “Giờ đây chúng tôi sẽ cho về nước càng nhanh càng tốt những người bị bác đơn, vì nếu không sự xác tín của chúng tôi sẽ bị thuyên giảm”.

Để làm được điều đó, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Đức còn muốn thỏa thuận với Bắc Phi về việc tiếp nhận di dân bất hợp pháp. Áo thì đề xướng việc Cao ủy Tỵ nạn và Liên Âu cho hoạt động những trung tâm tiếp nhận ở ngoài Châu Âu, như tại Ai Cập, Georgia hay một nước nào đó thuộc vùng Tây Balkans.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: người tỵ nạn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn