BIỂU TÌNH ỦNG HỘ ĐẠI HỌC TRUNG ÂU

Chủ nhật - 02/04/2017 08:56

(NCTG) “Bây giờ thì là CEU, nhưng ai sẽ là người kế tiếp? - Biểu tình vì nền giáo dục tự do” là tên gọi một cuộc xuống đường do nhóm “Tự do Giáo dục” trên mạng xã hội Facebook tổ chức từ 17h đến 19h tối Chủ nhật 2-4, để phản đối ý định vô hiệu hóa Đại học Trung Âu của nội các Hungary.

Ông Orbán Viktor thuở “hàn vi”, khi còn là một thành niên nhiệt huyết, yêu tự do, dân chủ - Ảnh: Kovács Attila (MTI)

Ông Orbán Viktor thuở “hàn vi”, khi còn là một thành niên nhiệt huyết, yêu tự do, dân chủ - Ảnh: Kovács Attila (MTI)

Được biết, cuộc tuần hành khởi đầu tại quảng trường Fővám, nơi tọa lạc Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Budapest (Corvinus), từ đó đoàn biểu tình sẽ đi bộ ngang qua CEU, rồi tụ tập tại quảng trường Kossuth, trước Nhà Quốc hội Hungary.

Trong lời kêu gọi trên mạng FB, nhóm tổ chức biểu tình cho biết: việc sửa đổi Đạo luật Giáo dục Đại học và Cao đẳng ảnh hưởng trực tiếp tới 28 cơ sở đào tạo, nhưng thực sự là nhằm vào CEU, và “đây là vụ việc mang tính hàn lâm của tất cả các đại học, tất cả người Hung”.

Nó cũng là chuyện của tất cả các cơ sở giáo dục, tất cả học sinh, tất cả giáo viên Hung. Dự luật sửa đổi này là sự tấn công chống lại tự do học thuật và sự tự trị của các trường đại học ở Hung, sẽ mang lại những hậu quả lâu dài cho cả xã hội. Sự triệt hạ CEU chỉ là khởi đầu.

(...) Chúng ta cần phải hành động càng nhanh càng tốt
”, lời kêu gọi nhấn mạnh. “Động thái này của chính quyền phù hợp với những vụ việc quốc tế tương tự khác”, khi nó “đồng thời tấn công những tư tưởng và tranh luận tự do và dân chủ ở Hung và giữa các quốc gia khác”.

Nhóm biểu tình cho rằng đây là “sự tấn công vào những định chế độc lập”, “một cuộc chiến mới chống lại những trường sở và đại học mà trước đây đã rơi vào tấm ngắm của chính quyền”, và liên tưởng tới những thể chế chính trị độc tài cũng tìm cách đóng cửa trường đại học ở Nga và Thổ.

Bằng cách đó, họ khai tử bất cứ sự cọ sát nào của những tư tưởng và những suy nghĩ. Bằng cách đó, họ chấm dứt khoảng không gian cho những tranh luận khoa học về xã hội, về nhà nước và con người” - lời kêu gọi cho hay và đưa ra lời “hiệu triệu” “cùng nhau ra đường vào Chủ nhật”.

Tất cả mọi người - học sinh, cán bộ đại học, viện sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên... “hãy cho chính quyền thấy chúng ta muốn tranh luận và đối thoại thực sự, dân chủ về các cơ sở giáo dục độc lập! Hãy xuống đường vì tự do tư tưởng, chống lại mọi sự phân biệt đối xử trong và ngoài giáo dục”.

Được biết, dự luật nói trên có thể được đưa ra Quốc hội bàn bạc ngày vào ngày mai, thứ Hai 3-4. Được coi là nhằm quản lý các đại học ngoại quốc hoạt động ở Hungary, nhưng dự luật có nhiều điểm nhằm vào CEU một cách rõ ràng, thậm chí có thể khiến trường này bị đóng của.

Thủ tướng Orbán Viktor, theo bình luận của báo chí, cũng không buồn làm ra vẻ dự luật được đưa ra không phải đề nhắm vào CEU. Trong phát biểu trên Đài Phát thanh Hungary, ông Orbán viện dẫn việc CEU vi phạm những điều luật này nọ, tuy rằng những điều luật đó hoàn toàn không tồn tại.

Ban lãnh đạp CEO đã phản đối gay gắt dự định của chính phủ, và Hiệu trưởng Michael Ignatieff thì về Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của chính giới nước này. Nhiều khoa tại các đại học ở Hungary (trong đó có Đại học Tổng hợp Budapest ELTE) đã đứng cạnh Đại học Trung Âu.

Bên cạnh tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary và Bộ Ngoại giao Mỹ, 14 nhà khoa học được Giải Nobel và sau đó, 119 nhà nghiên cứu xã hội và sử gia đã ký thư ngỏ phản đối gửi lên chính quyền Hungary. Đặc biệt, tờ “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” (The Washington Post) cũng có xã luận riêng về vấn đề này.

Nói tới nguồn gốc và hiện trạng của CEU - một trường đại học được thiết lập và duy trì nhờ nguồn tài trợ của nhà tỷ phú Soros György, “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” nhấn mạnh rằng một cơ sở giáo dục như vậy co vai trò quan trọng thế nào tại một quốc gia vừa thoát khỏi cảnh độc tài.

Tờ báo nhắc tới Thủ tướng Orbán Viktor, một chính khách cánh hữu mà một số động thái của ông giống như những gì Thổ, Trung Quốc hay Liên bang Nga hay sử dụng. Có thể nhắc tới cuộc chiến của chính quyền với các tổ chức dân sự, giống như cách hành xử tại Nga và Trung Quốc.

Hình như Thủ tướng Hungary đã quên bài học?”, bài viết đặt câu hỏi, bởi lẽ thời thanh niên chính ông Orbán đã được nhận học bổng Soros để theo học tại Oxford, và giờ đây dường như ông đã quên rằng vào thời đó, Hung có được sự chuyển đổi thể chế chính vì người dân mong mỏi tự do, điều mà để giữ gìn nó, CEU được hình thành.

Còn truyền thông Hungary thì đặt một câu hỏi khác trong mấy ngày qua: chính phủ Hung làm như thế để làm gì, có lợi cho ai, và Budapest có thể đi đến đâu trong cung cách hành xử này? Khi những hành động quá trớn khiến quá nhiều người bất bình, và gây chia rẽ nội bộ trong liên minh cầm quyền...

Trần Lê tổng hợp, theo index.hu


 
 Từ khóa: CEU, Đại học Trung Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn