Bức thư ngỏ được đăng tải trên mạng
ngocrackdown.com, và được nhiều đại diện của giới “
tinh hoa” cánh hữu, bảo thủ, hoặc thuộc Đảng Cộng hòa hưởng ứng, trong số đó, có các nhân vật thuộc những tổ chức có tiếng như American Enterprise Institute (đã từng trao giải cho Thủ tướng Orbán Viktor năm 2001), Hudson Institute, Atlantic Council hay Adam Smith Institute.
Lá thư nhấn mạnh, không nhất thiết phải đồng tình với nhà tài phiệt Soros György (George Soros), nhưng ngay những người theo khuynh hướng bảo thủ cũng phải thừa nhận nỗ lực của vị tỷ phú trên địa hạt bảo vệ nhân quyền. Đồng thời,
những người ký tên cũng bày tỏ sự kinh ngạc trước những biện pháp của chính phủ Hungary trước các tổ chức dân sự, coi đó không khác gì cách mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn trấn áp những tiếng nói chỉ trích.
Được biết,
xung đột giữa chính phủ Hungary và các tổ chức dân sự - thường bị chính quyền “
dán nhãn” là “
gián điệp nước ngoài”, “
tay chân của Soros”, v.v... - được biết đến ở Mỹ là do Quỹ Thị trường Tự do, mà Chủ tịch danh dự là dân biểu độc lập Kész Zoltán. Giám đốc Quỹ, ông Hajba Máté nói với mạng tin index.hu rằng, với tư duy bảo thủ cũng không chấp nhận được việc cắt xén không gian dân sự, và điều này cũng được những người bạn ngoại quốc đồng ý.
Sau đây là toàn văn nội dung lá thư ngỏ:
NÓI KHÔNG VỚI VIỆC ĐÀN ÁP CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ TẠI HUNGARY
Chúng tôi theo dõi với sự quan ngại lớn lao về những kế hoạch gần đây của chính phủ Hungary nhằm trấn áp các tổ chức phi chính phủ (NGO). Trong rất nhiều dịp, các công dân Hungary đã chứng tỏ cam kết với một chính phủ hạn chế về dân chủ, cũng như thị trường. Họ sẽ không được hưởng lợi từ các biện pháp đề xuất của chính phủ vốn đi ngược lại những giá trị đó.
Chính phủ tuyên bố ý định của họ xóa sổ các tổ chức phi chính phủ nhận được tài trợ từ George Soros. Một đạo luật đang trong quá trình hoạch định, đòi hỏi tất cả các nhân vật điều hành các tổ chức phi chính phủ phải công khai về tài sản của họ. Những hạn chế khác trong sự thành lập các tổ chức dân sự mới cũng đang được thảo luận. Khách quan, không cần phải đồng ý với quan điểm chính trị của ông Soros, cũng thấy ngay rằng ông ủng hộ một số vấn đề giá trị, bao gồm lĩnh vực nhân quyền - ngay riêng cả việc trong quá khứ ông đã tài trợ các chính trị gia trong chính phủ hiện tại.
Hơn thế nữa, sẽ sai lầm khi nghĩ rằng đạo luật đề xuất chỉ là về ông Soros - những công cụ tương tự được sử dụng chống lại các tổ chức phi chính phủ do ông tài trợ, có thể được sử dụng chống lại bất cứ các tổ chức xã hội dân sự nào. Việc “dán nhãn” các tổ chức phi chính phủ là “các đại lý nước ngoài” gợi nhớ đến những lời hùng biện được vang lên từ Kremlin. Trên thực tế, các hạn chế được đề xuất đối với các tổ chức phi chính phủ phản ánh những gì mà Vladimir Putin sử dụng để vô hiệu hóa những tiếng nói quan trọng này.
Tổng thống Ronald Reagan có một câu nói nổi tiếng “tự do là quyền đặt câu hỏi và thay đổi cách làm việc đã được thiết lập”. Tại Hoa Kỳ và khắp nơi ở Phương Tây, các tổ chức phi chính phủ, quỹ, và các tổ chức tư vấn là một bộ phận hữu cơ của xã hội. Vai trò của họ không phụ thuộc vào việc liệu chính phủ hiện tại có đồng ý với họ hay không. Người Hungary cũng nên tự hào về sự phong phú của các tổ chức xã hội dân sự. Họ phải cẩn thận không làm hỏng tiến bộ phi thường mà đất nước họ đã chứng kiến kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Chính phủ Hoa Kỳ được hưởng lợi rất lớn từ các hoạt động và lời khuyên của các tổ chức phi chính phủ, cũng như các tổ chức tư vấn. Một trong những nhà cố vấn lừng danh trên thế giới, Sir Antony Fisher, người đã cố vấn cho cả Thủ tướng Vương quốc Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Ronald Reagan, đã thành lập các tổ chức xã hội dân sự ở cả Anh và Mỹ, theo lời khuyên của nhà kinh tế thị trường tự do Friedrich A. von Hayek. Hayek cho rằng những hoạt động của các tổ chức đó là cần thiết để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng về quốc hữu hóa và kế hoạch hóa tập trung sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nếu chính phủ Hungary thực sự bảo thủ - như họ thường tuyên bố - họ nên lên án việc tập trung quyền lực, chủ nghĩa gia trưởng và chủ nghĩa dân tộc. Một chính phủ thực sự bảo thủ, như cách hiểu Burke, Buckley, hay Oakeshott, cùng trong số rất nhiều người khác, sẽ tìm cách nuôi dưỡng xã hội dân sự, bất kể trong trường hợp họ có đồng tình hay không với bất kỳ tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư vấn hay nhà tài trợ nào.
Các nhà tư vấn và các tổ chức phi chính phủ giúp các chính phủ, trong đó có Hungary, trong nỗ lực giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội kinh tế, và thúc đẩy sự khoan dung. Nhiều người sử dụng phương pháp tiếp cận khác với cách tiếp cận của chính phủ, nhưng những thử nghiệm như vậy là một phần cần thiết của một xã hội sống động và lành mạnh. Làm tê liệt các tổ chức xã hội dân sự vì mục đích chính trị, như chính phủ Hungary muốn làm, sẽ làm cho Hungary trở nên nghèo nàn và buồn tẻ, trái ngược với lý tưởng bảo thủ mong muốn một xã hội tự do, tự quản của các cá nhân có trách nhiệm (*).
(*) Phương Lan dịch theo bản tiếng Anh.