Phó Chủ tịch đảng cầm quyền FIDESZ, đồng thời là phó nhóm dân biểu FIDESZ trong Quốc hội Hungary, ông Németh Szilárd tuyên bố cần “
đẩy lùi” và “
tống tiễn” “
những tổ chức dân sự giả hiệu của cái vương quốc Soros”, được duy trì để phục vụ lợi ích của giới đại tư bản toàn cầu và dùng thứ “
phát ngôn phải đạo” để chống chính quyền.
“
Tôi nghĩ, bây giờ đã có cơ hội quốc tế để làm điều này”, ông Németh Szilárd phát biểu trong một cuộc hôp báo, vài giờ sau khi giới xã hội dân sự - trong đó, một bộ phận được hoạt động bởi sự ủng hộ của Quỹ Soros (mang tên nhà tài phiệt Mỹ gốc Hung George Soros) - phàn nàn với báo giới ngoại quốc về tương lai mờ mịt của họ.
Đặc biệt, các tổ chức xã hội dân sự Hungary lo ngại rằng với chiến thắng của ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Orbán Viktor không còn trở ngại gì nữa trong việc thanh toán và xóa sổ họ, theo mô hình của Liên bang Nga. Báo giới Hungary nhận xét này, có vẻ như điều này đã trở thành sự thật.
Hằn thù với George Soros
Báo chí ngoại quốc nhận xét, những năm gần đây Thủ tướng Orbán Viktor chú trọng việc xây dựng trong thực tế một thứ nhà nước mà ông thường gọi trong các phát biểu bằng cái tên “
dân chủ phi tự do”, theo nghĩa một nhà nước không từ chối những giá trị dân chủ tự do, nhưng nó không lấy đó làm trọng điểm trong việc tổ chức đất nước.
Điển hình cho mô hình này chính là thể chế của Tổng thống Vladimir Putin tại Liên bang Nga mà ông Orbán Viktor thường ca ngợi và bắt chước. Đó là một thứ nhà nước đặc thù, tìm mọi cách hạn chế truyền thông theo hướng phê phán chính phủ, và ngăn cản sự hoạt động của các định chế dân chủ, trong đó có các tổ chức dân sự độc lập.
Chính quyền Hungary đã theo đuổi cuộc chiến này với các tổ chức dân sự từ hai, ba năm nay, và họ đã đi rất xa khi công khai gọi tỷ phú George Soros, người có không ít công lao trong quá trình dân chủ hóa của nước Hung cách đây một phần tư thế kỷ, là “
yếu tố đe dọa nền an ninh quốc gia”. Mọi sự khởi đầu vào mùa xuân năm 2014.
Khi đó, đích thân Thủ tướng Orbán Viktor ra chỉ thị cho Cục Kiểm tra Chính phủ đặt 62 tổ chức dân sự vào tầm ngắm trong vòng hai năm ròng: cảnh sát đã tiến hành điều tra suốt 16 tháng liền, công tố viện và cơ quan thuế vụ cũng vào cuộc, và toàn thể truyền thông thân chính phủ cũng tấn công dữ dội những tổ chức này.
Rốt cục, không một sai phạm nào về phía các tổ chức dân sự bị phát hiện, ngược lại, ít nhất là trong một trường hợp, tòa án cũng phải tuyên bố là cuộc điều tra là vô cớ và bất hợp pháp. “
Tội” của các tổ chức này đơn thuần là vì họ được Quỹ Soros, và Na Uy ủng hộ. Chính quyền Mỹ và đích thân Tổng thống Obama cũng đã lên tiếng chỉ trích hành vi này của phía Hung.
Giới ngoại giao Mỹ, trong những năm gần đây, cũng đã thường xuyên đưa lời cảnh báo và cả chỉ trích tình trạng vi phạm dân chủ và nhân quyền tại Hungary, nhưng chiến thắng của Trump có thể sẽ khiến những dự tính chôn vùi xã hội dân sự của ông Orbán Viktor không còn gặp trở ngại nữa, như các nhóm dân sự nước này quan ngại.
Trả lời báo chí ngoại quốc, đồng Chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền mang tên Ủy ban Helsinki Hungary, bà Pardavi Márta cũng có ý kiến tương tự. Theo bà, ông Orbán sẽ rảnh tay hơn trong việc thực hiện những biện pháp đi ngược lại với dân chủ và nhà ước pháp quyền. Còn ông Chris Stone, Chủ tịch Quỹ Xã hội Mở thì cho rằng đây đồng thời cũng là một phép thử đối với Châu Âu, xem Châu Âu có thể làm gì.
Mô hình của Moscow
Trước mắt, mô hình của Tổng thống Nga Putin - dùng vũ lực và viện dẫn “
an ninh quốc gia” để vô hiệu hóa các tổ chức dân sự - đang được chính quyền Hungary mô phỏng. Đây là một phương pháp rất hữu hiệu ở nước Nga từ nhiều năm nay, và cũng đã được ông Orbán Viktor thử nghiệm một cách có kết quả.
Ở Nga, tất cả các tổ chức nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài đều chính thức bị coi là “
gián điệp cho ngoại bang”. Và hồi âm của chính quyền rất đơn giản, nhưng hiệu quả: nếu một tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng chỉ trích chính quyền vì một hành vi phi dân chủ, hoặc tham nhũng nào đó, chính quyền sẽ đáp lại rằng tổ chức đó không độc lập, mà có thể là “
gián điệp ngoại bang”, là “
thù địch”.
Bằng cách ấy, chẳng những lời phê phán nọ bị vô hiệu hóa, mà tổ chức dân sự cũng sẽ bị chính quyền bôi nhọ trong mắt người dân. Song song với điều đó, chính quyền cũng dùng thuế dân để tạo dựng cho những tổ chức “
dân sự” trá hình của riêng mình, và cho phép họ tha hồ ca ngợi chính quyền trên thứ truyền thông công ích thân chính phủ do chính quyền bơm tiền.
Hiện tượng này là thường nhật tại nước Nga và một số quốc gia khác thuộc Liên bang Xô-viết thuở xưa, và đã hiện diện ở Hungary như báo chí nước này nhận xét. Riêng tại nước Nga của ông Putin, người sẽ có chuyến công du Budapest vào tháng 2 tới, vị tổng thống này đã mở cuộc chiến chống lại các tổ chức dân sự từ năm 2003.
Thoạt tiên, chính quyền dùng các biện pháp hành chính để hạn chế hoạt động của các tổ chức dân sự, và rốt cục tới cuối năm ngoái, trong thực tế họ đã cho đóng cửa Quỹ Xã hội Mở ở Nga. Còn tại Uzbekistan thì Quỹ Soros bị xóa sổ từ năm 2004, sau khi chính quyền nước này cho ra một đạo luật buộc các tổ chức dân sự phải đăng ký lại, và chính quyền có quyền cấm đoán sự hoạt động của họ.
Cũng trong tinh thần như thế, Kazakhstan diệt trừ Quỹ Soros bằng cách cáo buộc tổ chức này lậu thuế, và Turkmenistan thì cho George Soros vào sổ đen, có nghĩa là cấm cửa, không cho phép đại diện các tổ chức của Soros được nhập cảnh. Những hình thức xử lý như trên hiện đang được nội các ông Orbán Viktor thực hiệ, theo giới dân sự nước này.
Chẳng hạn, đạo luật về các tổ chức dân sự thông qua năm 2011 sẽ được sửa theo hướng lãnh đạo các nhóm dân sự phải công khai tài sản. Theo giới dân sự nước này, đây là để truyền thông thân chính phủ sẽ tìm cách bêu xấu lãnh đạo dân sự, cho dù trước nay thu nhập của họ vốn dĩ đã công khai, và họ không nhận tiền từ công quỹ nhà nước.
Tại sao Soros?
Một câu hỏi được đặt ra: tại sao những tổ chức được nhà tài phiệt George Soros tài trợ lại rơi vào tấm ngắm và sự ác cảm đặc biệt của chính quyền cánh hữu Hungary? Phải chăng là vì vai trò của ông trong các biến chuyển chính trị ở nhiều nước khu vực Đông Trung Âu, trong đó có sự hỗ trợ cho biến chuyển dân chủ ở Hung, mà đảng cầm quyền FIDESZ ý thức rất rõ?
Nhắc lại, George Soros sinh ra ở Hungary trong một gia đình gốc Do Thái và rời Hung năm 1947. Ở Anh và sau đó là Mỹ, ông trở thành một tỷ phú, nhưng luôn có sự quan tâm tới các vấn đề chíngh trị và xã hội. Hè năm 1984, ông ký một hợp đồng giữa Quỹ Soros và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, lập ra quỹ Soros Budapest. Sau đó nhiều quỹ được thành lập trong vùng để giúp đỡ các quốc gia từ bỏ chế độ cộng sản.
Năm 1993, ông cho thành lập Học viện Xã hội Mở, sau đổi thành Quỹ, để trợ giúp tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, với mục đích hỗ trợ công lý, giáo dục, y tế công cộng, và truyền thông độc lập. Tại Hungary, nhiều tổ chức dân sự hàng đầu như Ủy ban Helsinki Hungary, Hiệp hội vì Các quyền tự do, hay Quỹ Minh bạch Quốc tế Hungary đều nhận tài trợ từ Quỹ Soros.
Đó là những tổ chức có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội của Hungary, và hoạt động độc lập với chính quyền của họ thường theo hướng đối lập, gây nhiều phiền nhiễu cho nội các cánh hữu nước này, vốn không chấp nhận những lời phê phán. Hơn thế nữa, trên cương vị những người tham gia thay đổi thể chế cộng sản, Thủ tướng Orbán Viktor và các đồng sự hẳn vẫn nhớ vai trò của George Soros khi đó.
Không chỉ hỗ trợ cho đối lập Hungary, mà trước đó Soros còn đã ủng hộ Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, cũng như phong trào Hiến chương 77 của Tiệp Khắc. Ông cũng được coi là đã tổ chức và hỗ trợ tài chính cho Cuộc cách mạng Hoa hồng của Georgia năm 2003, và Cuộc cách mạng Cam của Ukraine năm 2006, khiến nước này chuyển mình theo Phương Tây.
Tại Belarus, do hoạt động ủng hộ phe đối lập mà Soros bị coi là phần tử không được hoan nghênh. Do đó, một chính quyền cánh hữu theo hướng dân tộc chủ nghĩa và có những quan điểm đi ngược lại Phương Tây như ở Hungary, khó chấp nhận được Soros và những gì liên quan tới ông. Và trong ván bài đó, các tổ chức dân sự tại Hung cũng bị vạ lây...
Cho dù hoạt động hoàn toàn hợp thức, nhưng vẫn bị cản trở và có thể vô hiệu hóa - đó là tình cảnh của các nhóm dân sự kể trên, cho dù khi còn là chính đảng đối lập, chính FIDESZ cũng đã nhờ cậy vào họ để được bảo vệ. “
Chỉ vì dám có ý kiến và dám nói lên ý kiến của mình”, báo chí Hungary nhấn mạnh, và có lẽ đây là một cuộc chiến dai dẳng khi chính quyền muốn xóa sổ những đại diện lớn nhất của xã hội dân sự Hung.
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.