Ngô Trung Sơn: HUNGARY - NHỮNG KỶ NIỆM CÒN MÃI (Phần 2)

Thứ ba - 27/12/2016 17:44

(NCTG) “Tôi còn mong một người bạn đến, vâng, và đúng ra là chỉ cần nhìn thấy người ấy! Ngày mai tôi sẽ ở phương trời nào xa lắm” - hồi tưởng của Ngô Trung Sơn, cựu DHS Việt Nam tại Hungary khóa 1980-1986, về ngày lên đường.

Những chàng trai thuở ấy - Ảnh tư liệu

Những chàng trai thuở ấy - Ảnh tư liệu

Xem Phần 1 của bài viết.

Phần 2: Tối hôm nay đi thật rồi!

Ngày 11-9-1980. Một chiều chớm thu nhạt nắng. Nắng chiều vàng nhạt đổ xuống con đường gập ghềnh giữa hai hàng cây trong trường, trải tràn sân bóng và bám lấy bờ tường khu nhà ăn quen thuộc.

Cầm tấm hộ chiếu đầu tiên trong tay có tấm ảnh chụp chân dung mắt nhìn xuống (khốn khổ, nó đã ám ảnh tôi biết bao nhiêu năm tháng về sau mỗi lần qua biên giới!), tôi đứng bên mẹ cạnh chiếc va-li “chú Tứ” và cả nhiều đồ trong va-li nữa, giống hệt các bạn cùng khóa. Kẻ đi, người tiễn loang loáng xung quanh. Chiều nay khu trường ồn ào, tấp nập.

Bố tôi không có mặt, ông đang ở một đơn vị phòng không tít tận TP. Hồ Chí Minh, tình hình đang rất khẩn trương. Cậu em trai duy nhất cũng không có mặt. Khi tôi đi, nó còn đang mải chơi bi ,đầu chỉ ngẩng lên ú ớ một câu gì đó đáp lại câu chào của anh.

Quân chủng Phòng không điều cho gia đình một chiếc xe con đưa mẹ và tôi cùng đồ đạc vào trường tập trung từ 5h chiều. Từ đây, theo kế hoạch, khoảng 8h tối, những chiếc xe ca của Bộ Đại học sẽ đưa chúng tôi lên sân bay Nội Bài, đáp chuyến bay đêm đi Mátxcơva. Chúng tôi, lưu học sinh đi Hungary cùng các bạn đoàn 1 Tiệp Khắc đi trong đợt này.

Những tia nắng chiều rồi cũng tắt hẳn, tôi sắp chia xa quê hương, xa mãi tuổi thơ! Một làn gió nhẹ thoảng qua mặt. Tôi nên buồn hay vui… cảm xúc ngất ngây thật khó tả. Nỗi xốn sang trong tâm đầy lên, hướng cặp mắt về phía cổng trường. Tôi còn mong một người bạn đến, vâng, và đúng ra là chỉ cần nhìn thấy người ấy! Ngày mai tôi sẽ ở phương trời nào xa lắm.

Rồi đoàn xe ca của Bộ Đại học đến, chỉ một chút sau đó là hiệu lệnh xếp đồ và tất cả lên xe. Mẹ vội ôm lấy tôi dặn dò một câu gì đó mà tôi chẳng kịp nhớ, đẩy tôi qua bậc cửa. Tôi nhập nhoạng bước lên, lần mò đến cuối xe, ngồi sát bên cửa sổ. Chiếc xe chậm chạp chuyển bánh. Rướn người qua ô cửa, tôi vội giơ cánh tay, vẫy chào. Chào mẹ, chào bạn, chào ngôi trường Ngoại ngữ thân thương hiện thân cả một một thời cắp sách.

Đoàn xe chạy qua cầu Long Biên. Hà Nội chìm trong bóng tối, lùi dần về phía xa. Tiếng nấc nhẹ của các bạn gái cũng thưa dần, rồi chỉ còn tiếng động cơ nhọc nhằn, khô khốc. Qua cầu Đuống đoàn xe rẽ trái theo đường Đông Anh, Phủ Lỗ... Nội Bài. Tôi nhìn lên, nhấp nháy một vài đốm sao, nhìn qua bên, cánh đồng tối om sâu thẳm. Khúc này, ở phía xa kia là nơi yên nghỉ của người bạn gái nhỏ lớp học phổ thông, đột ngột ra đi ở tuổi mười lăm. 

Nội Bài, nói là sân bay nhưng kỳ thực, một cánh đồng heo hút, mênh mông. Trong đêm, trông càng hoang vắng hơn. Cả sân bay khi ấy là một tán nhà lá nhỏ hẹp và cửa khẩu là chiếc bàn cũ kỹ cùng vài ba anh công an biên phòng khoác súng tuốt trần lưỡi lê.

Đến Nội Bài, cả đoàn lục tục kéo đồ xuống. Chúng tôi “vun” va-li thành đống và đứng ngồi xung quanh. Chớm Thu, trời về đêm se lạnh. Những chiếc áo len “chú Tứ” cùng cỡ, cùng kiểu dáng và đủ màu được nhiều bạn khoác lên. Áo của tôi là màu xanh lá cây.

Ở các bạn nữ, tôi không ấn tượng về chiếc áo len mà những chiếc quần. Màu vàng nhạt, không ra màu vải công an cũng không hẳn vàng cỏ úa. Lâu lâu sau này chúng sổ lông trên bề mặt. Những chiếc quần vừa giống nhau và không thể lẫn vào đâu được!

Hai lớp Hung ghép thành một nhóm do anh Bật chỉ huy. Hình như, khi còn ở sân trường, anh có được Bộ Đại học phát cho một ít tiền Rúp lẻ cho cả đoàn. Mải đùa thế nào mà Chương - sau này là bạn tôi - trong đêm tối vút chạy qua đường sát sạt một chiếc xe con quân đội phóng qua. Thật hú vía!

Nội Bài không còn người ra tiễn, đúng ra là đã có những bạn trai, học trường Quân sự trên Vĩnh Yên ngày ấy, ra tiễn nhưng vì chuyến đi của chúng tôi bị hoãn lại đôi lần, liên lạc lại không có, thành thử… đêm nay, không còn ai tiễn. Chúng tôi lặng lẽ xuất cảnh qua chiếc bàn gỗ đơn sơ, cũ kỹ bên những người lính bồng súng tuốt trần lưỡi lê, lạnh lùng.

Ngoài kia chiếc Ilyushin IL 86 đang đậu chờ chúng tôi! Và miền đất xa đang đợi ở phía trước...

Ngô Trung Sơn, từ Hà Nội - Còn tiếp


 
 Từ khóa: du học sinh
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn