Trong Nghị định Chính phủ số 1719/2016, được đăng tải trên “Công báo Hungary” (Magyar Közlöny) số ra ngày 6-12-2016, Thủ tướng Orbán Viktor chỉ đạo cho Ngoại trưởng Szijjártó Péter về việc gửi lập tức tuyên bố của phía Hung cho Ủy ban điều hành Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở (Open Government Partnership - OGP), và đồng thời rút lại quyết định năm 2012 về việc gia nhập tổ chức này.
Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở là một chương trình quốc tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các chính phủ, thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, khuyến khích sự tham gia của người dân và tăng cường khả năng đáp ứng của chính phủ đối với người dân, đặc biệt là sự đáp ứng thông tin thông qua các phương tiện mới của công nghệ thông tin.
OGP thành lập năm 2011 sau khi 8 chính phủ sáng lập (Anh, Mỹ, Brazil, Indonesia, Mexico, Na Uy, Philippines và Nam Phi) thông qua bản Tuyên bố chung về Chính phủ Mở. Hungary gia nhập chương trình này vào năm 2012, và hiện tại OGP đã thu hút được sự tham gia của 70 quốc gia thành viên. Cuộc họp thường niên của đại diện các thành viên OGP năm nay diễn ra trong ba ngày, từ 7-12 tại Paris.
Chính vì vậy, sự rút lui đột ngột của Hungary một ngày trước phiên họp được báo chí Hung nhận xét là “
đặc biệt thú vị”. Bộ Ngoại giao Hungary trong một thông cáo với giọng điệu giận dỗi, đã lý giải việc nước này ra khỏi OGP vì theo Bộ, OGP không tạo điều kiện để có được đối thoại trong khuôn khổ của nó, mà trở thành nơi để “
lên lớp” nước Hung. Khả năng, Bộ muốn ám chỉ bản báo cáo thường niên của OGP.
Bởi lẽ, trong
phần nhận định về Hungary trong bản tường trình vào cuối tháng 6 năm nay, OGP đã chỉ trích gay gắt những gì đang diễn ra tại Hung, cho rằng hệ thống kiểm soát và cân bằng, đối trọng quyền lực tại nước này đang xuống cấp một cách đáng ngại, tính minh bạch suy giảm và tự do báo chí đang bị đe dọa. Ngay sau đó, chính phủ Hung đã gửi thư tuyên bố phản đối những nhận định trên đây của OGP.
Sau khi đưa ra quyết định rời OGP, trả lời mạng tin index.hu về những lý do của sự “đoạn tuyệt”, Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary khẳng định, thay vì tranh luận, trao đổi sao cho hoạt động của chính phủ được tốt, OGP lại bóp méo thực tế, và đưa ra những báo cáo một chiều, chẳng hạn, chỉ liên tục đăng tải ý kiến phê phán Hung của các tổ chức dân sự, mà không để tâm tới hồi âm của chính quyền.
“
Không có ý nghĩa gì để Hungary là thành viên một tổ chức đã hoàn toàn xa rời những mục tiêu và nguyên tắc khi thành lập như vậy”, Bộ Ngoại giao Hungary nhấn mạnh.