Phần 1: Điều chưa dám nói
Tàu điện 47 cứ rời bến ở khúc quanh Quảng trường Tròn (*) là nó lắc mạnh một cái rồi lượn sang phải theo đường Fehérvári hướng về Intézet (**). Mới cuối tháng 2 trời vẫn còn rất lạnh, tôi đứng ở đầu toa sau, mắt hướng ngược chiều tàu: “
Tối mai, tối mai tôi sẽ nói, sẽ thổ lộ hết những điều ấp ủ…”. Như thể lấy đà cho điều hệ trọng!
Từ ngày đầu tiên (18-9) đặt chân đến Budapest, thấm thoát đã bao năm tháng trôi qua. Mới hôm nào, vào tiết học đầu tiên cô Anna còn dặn chúng tôi phải uống (bổ sung) nhiều vitamin để bù những chất thiếu hụt khi mùa Đông sắp đến. Cô hướng dẫn chúng tôi tự mua ở hiệu thuốc vì thứ này không cần đơn.
Chiếc áo choàng trắng lướt thướt, mái tóc ngắn, cắt tỉa gọn gàng và đôi mắt… xanh thăm thẳm, bao giờ cũng nhìn chúng tôi bao dung, che chở. Tôi đã không làm theo lời cô dặn và các bạn cùng lớp cũng chẳng ai mua vitamin! Tất cả mới mười tám, đôi mươi chưa cần đến vitamin!
Phòng tôi, đầu hồi trên gác ba, nằm ở nửa bên trái từ cửa vào. Ngoài tôi, còn có anh Nghĩa, Hoàng và bác Quân. Về các anh, tôi cũng chỉ biết qua loa: anh Nghĩa là con cán bộ hàng tỉnh ở vùng cao, Hoàng cũng con nhà giáo như tôi và anh Quân là người của Bộ Công an.
Nửa bên phải, có hai anh bạn Ai Cập và Phan Hùng. Một buổi tối, một trong hai bạn, anh Hassan trong đôi kính cận tròn xoe, còn tả lại cho tôi và Hùng thành phố cảng Alexandria quê hương. Cái nóng và sự náo nhiệt của thành phố cảng như vẫn còn phả vào, sống đọng trong tôi.
Cửa vào, đi thẳng là phòng học: chẳng mấy khi chúng tôi vào vì thường học ngay trên giường của mình. Vậy nên, cuối tuần anh bạn Hassan này có “sáng kiến” biến nó thành phòng ngủ double, gặp bạn gái bản địa.
Nhà ăn ở dười tầng trệt, bố trí của nó khiến tôi có cảm giác như ở dưới tầng hầm. Những bữa trưa xếp hàng kéo dài ra tận hành lang, đông vui lạ. Một lần, người bạn Nam Mỹ lấy những mẩu bánh mỳ ném, cười đùa với các bạn. Từ phía sau, thầy giáo già nghiêm mặt: “
Anh có biết còn bao nhiêu người đói khát không có một miếng bánh mỳ?”. Cả căn phòng lặng im phăng phắc.
Tôi vẫn nhớ tấm ảnh Chương, Anh Tuấn và Phan Hùng ngồi đầu cửa bên sườn tòa nhà, nơi mở ra sân bóng. Từ chỗ đó thẳng lên tầng tư, nơi có những tấm kính lớn chắn cuối hành lang là đôi ghế tựa, dạ màu vàng nhạt. Chúng còn nhớ nhiều buổi tối của tôi. Yên ắng lạ kỳ và êm đềm đến ngỡ ngàng…
Khối kỹ thuật tụi tôi được chia làm hai lớp khi học ngoại ngữ, lớp cô Anna và lớp
thày Fügedi István. Ngày dự khóa Thanh Xuân, học tập có thể còn là nỗi bận tâm, tuy nhiên từ khi đặt chân đến Budapest là “
cánh cửa mở rộng”, tôi trải lòng cho những gì là cuộc sống.
Tôi không cùng lớp với các bạn trong phòng. Hoàng rất chăm chỉ học và thường nói chuyện bóng đá. Anh Quân, sau giờ lên lớp, ít khi ở trong phòng. Còn anh Nghĩa, ngày chúng tôi bắt đầu ở cùng nhau, anh ít nói, đượm buồn. Trong mắt tôi, vì thế mà anh chững chạc, đáng tin.
Tôi kể với anh về người bạn gái cùng lớp mà một lần ngỏ lời bị từ chối vào một ngày Đông giáp Tết 1980, trên con đường đất gồ ghề vào trường Sư phạm, vậy mà tôi vẫn mong thư. Rất nhiều năm sau quay trở lại Intézet, ao ước đầu tiên là nhìn lại những ô thư trong phòng thường trực. Những hàng ô thư cũ kỹ, nó như còn cất giữ một phần trong trẻo của đời tôi.
Ta cứ sống trong ảo ảnh của nỗi nhớ gia đình, quê hương, ảo ảnh của sự níu kéo mơ hồ để hết thảy, dồn vào niềm mong đợi phong thư của người bạn gái từ chối đó.
Anh Nghĩa không một lần hé ra câu chuyện riêng của mình. Chỉ biết, một ngày đầu tháng 5, cả đoàn đi cắm trại trong núi Buda - tôi, Chương, Cừ và Đông còn đi lạc đường, cuốc bộ vượt núi mãi mới gặp mọi người -, giữa tiếng reo hò, chơi đùa đàn hát, ở một góc khuất, tôi thấy anh ngồi với một bạn nữ trong đoàn. Trở về và kể từ hôm đó, Nghĩa sống thanh thoát, hồn nhiên hơn.
“
Em ở tầng năm anh gác ba”, đoàn tôi nhiều bạn nữ, mỗi người một vẻ, ai cũng căng tràn, rạng rỡ. Nơi chốn xa xôi, lại không phải là “
hoàng tử” của năm như Anh Tuấn hay “
người đặc biệt” Giang Tuấn lứa tầm tầm như tôi (còn nhớ, cả đoàn vừa đặt chân tới Budapest được vài hôm thì sinh nhật Giang Tuấn, từ chiều các bạn nữ đã chia nhau đi chợ, chuẩn bị cho bữa tối chúc mừng bạn thêm một tuổi), để được một bạn nữ dù chỉ nói với mình đôi ba điều là niềm hạnh phúc!
Tôi nhìn những người đàn ông từ ngoài vào học viện và thường đi lên tầng năm với vẻ tò mò. Trong số họ những ai sẽ lần lượt “vợt” đi các bạn gái của năm? Ghen tỵ chăng! Thực lòng, có muốn ghen tị tôi cũng còn không biết cách!
Tôi quý anh Hồng - một trong ba anh bộ đội khóa trên hay đến tầng năm - thi thoảng anh vẫn thành thật bật mí cách học nghe hiểu tiếng Hung, nhưng hay hơn vẫn là bản dịch một bản tình ca Hungary nổi tiếng mà thi thoảng âm thanh vẫn lọt xuống từ chiếc cassette mono tầng năm khi tôi đứng ở khu vực cầu thang:
“Indián Nyár” (Mùa hè rớt) của Kovács Kati (***).
Chuẩn bị cho đêm văn nghệ dịp Noel đầu tiên, tôi cũng được anh Dũng “xoăn” chọn vào tốp múa. Có bốn cặp và các buổi tập là những ngày êm ái. Hòa trong tiếng nhạc cùng chuyển động của thân thể, tôi được gần và cảm nhận những đụng chạm đầu đời với người bạn khác giới, trắng trong, cuốn hút đến lạ kỳ. Tôi mạnh dạn bắt chuyện và câu chuyện nối dài đến những buổi tối ở tầng tư. Để đến một ngày cuối tháng 2, trên chuyến tàu 47 từ Quảng trường Tròn…
Bộc bạch với anh Nghĩa trước ngày “
đại sự”, anh khuyên tôi không nên. Vẫn biết “
đồn nào chẳng có địch” nhưng - anh nói - “
địch” này không phải vừa đâu và tôi còn cả con đường phía trước. “
Sơn hãy dừng lại ở đây”. Buồn bã, nhưng tôi đã nghe anh! Tất cả lặng thinh như chưa hề có sự day dứt nào. Chỉ mình tôi biết.
Ga xép nhỏ Zebegény, bên bờ tả ngạn con sông Duna, cô Anna và thầy Somos chia tay chúng tôi sau một ngày dã ngoại cuối năm. Tàu rời bến, những cánh tay giơ cao, còn vẫy mãi.
Ga xép đầu đời của tôi đã đi qua, kỷ niệm ngọt ngào ở lại. Còn mãi cánh tay, nụ cười và đôi mắt xanh biếc của cô Anna tiễn biệt, khích lệ tôi bước tiếp.
Xem tiếp Phần 2.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Móricz Zsigmond körtér, địa điểm ở Quận 11, Budapest, gần các khu mà du học sinh Việt Nam sinh sống và học tập.
(**) Học viện Dự bị Quốc tế, nơi du học sinh ngoại quốc tham dự khóa học tiếng Hungary trong một năm trước khi vào đại học.
(***) Thực ra đây là bản tiếng Hung của ca khúc nổi tiếng “L'été indien” (Indian Summer) của Joe Dassin (1975), được nữ danh ca Hung Kovács Kati trình diễn năm 1977.