Dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà: NƯỚC HUNG MỞ CÁNH CỬA CHO TÔI BƯỚC RA THẾ GIỚI

Thứ hai - 17/08/2015 16:14

(NCTG) “Đó là những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của tôi, là cánh cửa mở cho tôi hiểu biết về Thế giới. Cho tôi tri thức, mở mang trí tuệ và dạy cho tôi phải có nghị lực sống thế nào thì mới vượt qua được mọi khó khăn trong học tập và cuộc sống” - tự sự của nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà về khoảng thời gian học tập tại Hungary.

Tết đầu tiên xa gia đình (1973) tại Hungary - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tết đầu tiên xa gia đình (1973) tại Hungary - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lời Tòa soạn: Nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà, thường được biết đến với bút danh Hà Huy Anh (trong các tác phẩm dịch) hay Hà Anh My (trong các bài dịch, bài viết trên báo), là một cựu du học sinh Việt Nam tại Hung thập niên 70 thế kỷ trước. Chị từng là phóng viên tờ “Phụ nữ Việt Nam”, đồng thời, là tác giả của nhiều đầu sách về đề tài tình yêu, gia đình và thiếu nhi.

Chị Lệ Hà cũng đã chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm văn học Hungary, trong đó có những cuốn kinh điển như “Nàng Ido” (Ida regénye), “Tâm hồn bí ẩn” (Láthatatlan ember, cả hai đều của nhà văn lớn Gárdonyi Géza); ngoài ra, chị còn dịch “Lứa tuổi hai mươi” (Húsz évesek, Berkesi András), “Tập truyện ngắn Hungary”, “Mười người da đen nhỏ” (Tíz kicsi néger, bản tiếng Hung tiểu thuyết nổi tiếng của Agatha Christie) và “Truyện cổ tích thế giới chọn lọc”.

Là một CTV nhiệt tình của NCTG, chị Lệ Hà đã có nhiều dịp chia sẻ với độc giả báo những ký ức của mình về đất nước và con người Hungary mà chị được tìm hiểu và tiếp xúc trong những năm tháng ở Hung. Bài viết chứa chan cảm xúc “Phép màu quên thời gian” - tặng riêng NCTG và tặng chung cộng đồng Việt Nam tại Hungary - bày tỏ những cảm xúc khi trở lại nước Hung tháng 10-2004 sau 27 năm xa cách đã được nhiều độc giả đồng cảm.

Tiếp theo loạt bài trao đổi với một số cựu du học sinh, nghiên cứu sinh, cũng như với những người đã có thời gian công tác và sinh sống tại Hungary về những kỷ niệm, ấn tượng trong những năm tháng trên đất bạn, cũng như, vị trí của Hungary trong lòng mỗi người, NCTG xin gửi tới bạn đọc bài viết của chị Nguyễn Võ Lệ Hà, bao hàm những tự sự về cuộc đời, cùng cảm xúc và tâm tư của chị về xứ sở mà chị đã coi như quê hương thứ hai.

Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Bên bờ Danube - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bên bờ Danube - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ba mẹ tôi là Việt kiều tại Lào, đến năm 16-17 tuổi thì đều thoát ly gia đình tham gia quân tình nguyện. Ba tôi được gửi về Việt Nam học trường lục quân Trần Quốc Tuấn vài năm. Lúc quay trở lại Thái Lan thì gặp mẹ tôi vừa cùng gia đình tản cư nhưng mãi đến vài năm sau, khi hai người tái ngộ trong quân ngũ - ba tôi là sĩ quan còn mẹ tôi là y tá - thì hai người mới yêu nhau.

Họ cưới nhau trong quân đội và mẹ tôi đã có mang tôi chừng nửa năm thì Việt Nam chiến thắng Pháp và cả sư đoàn 335 tập kết về Tổ quốc.

Tất nhiên thời đó phải đi bộ vượt Trường Sơn mà về. Ba tôi sợ mẹ vất vả nên khuyên mẹ ở lại sinh nở, sau này hẵng hay. Nhưng mẹ tôi linh tính là nếu ở lại sẽ chẳng bao giờ con biết mặt cha nên vẫn quyết định lên đường. Ba tôi đã dẫn đại bộ phận về trước hàng tháng, mẹ ở bộ phận Quân y nên đi sau. Tất nhiên quân trang, quân dụng của mẹ được đồng đội nam giúp cầm hết, và lúc nào cũng có hai đồng đội kèm mẹ trước và sau.

Không thể kể hết được nỗi mệt nhọc của người phụ nữ mang bầu 6 tháng mà lại đi bộ ròng rã hàng tháng trời trong rừng, trong nắng trong mưa, lội suối, trèo đèo và cả qua sông khi nước lũ tràn về... Chắc mẹ đã phải khóc nhiều, cảm thấy tủi thân nên cô con gái đầu lòng có tên là Lệ Hà (dòng sông lệ), và gồm cả họ ba lẫn họ mẹ. Sau cái tết năm 1955 tôi chào đời ở Thanh Hóa, rồi mẹ lên Mộc Châu nơi sư đoàn đóng quân để đoàn tụ với ba tôi.

Cả tuổi thơ của tôi gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Ba tôi lại đi học khóa sĩ quan pháo binh, thế là tôi trở thành đứa con của trung đoàn pháo binh. Mẹ tôi sinh thêm các em nhỏ nên tôi theo ba đi diễn tập, ăn ngủ chung với các chú bộ đội. Lúc nào không đi tập thì tôi lại hát múa theo các cô chú văn công và họ trìu mến gọi tôi là “Aliosha của trung đoàn” (Aliosha là tên một nhân vật đáng yêu trong phim Liên Xô mà dĩ nhiên lúc đó tôi chưa được xem).

Năm tôi 7 tuổi thì ba mẹ tôi phục viên chuyển về Hà Nội. Ba tôi làm trong Ban Công tác Miền Tây (Lào) rồi sau này chuyển sang Bộ Ngoại giao. Mẹ tôi theo học trường Y rồi ra làm y tế Sở Điện lực Hà Nội, về sau chuyển vào Sở Điện lực Miền Nam. Nếu không đi học ở Hungary thì tôi đã là một bác sĩ vì năm 1972 tôi đã đỗ trường Y với điểm khá cao.
 
Bên bờ Danube - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cùng bạn trong một chuyến thực tập ở công trường xây dựng Budapest (năm 1975) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Rốt cục, tôi học tiếng Nga một năm tại trường Ngoại ngữ Hà Nội (Thanh Xuân) nhưng phải đi sơ tán ở Mỹ Hào, Hải Hưng vì năm đó B52 của Mỹ bắn phá thủ đô rất quyết liệt. Ngày 7-8-1973 chúng tôi lên tàu hỏa rời ga Hàng Cỏ, vài trăm những đứa trẻ lần đầu xa nhà đến những đất nước xa xôi. Tàu của chúng tôi đi xuyên qua Trung Quốc, Liên Xô rồi mới đến Hungary.

Chặng đường 12 ngày này tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, bởi vì đối với cô bé mơ mộng như tôi thì đó là cả một thế giới cổ tích rồi. Ngày đó tôi đã viết những vần thơ sau:
 
Đường anh đi dọc theo đất nước
Trải màu xanh xứ sở quê hương
Những đêm trường bom rơi, đạn nổ
Súng trong tay anh giữ mầu xanh.

Màu xanh rừng núi, xanh áo anh
Đã cho em ngày ra đi ấy
Taiga, Baican những gì em đã thấy
Đanuýp trôi cũng vẫ mầu xanh
 
Đường em đi cách xa Tổ quốc
Bầu trời xanh sắc thắm hòa bình
Những đêm dài học đến bình minh
Em - người lính, chiến trường: Khoa học.

(trích trong bài “Những con đường và những mầu xanh”)

Ngày 19-8-1973, đoàn tàu vào ga Budapest. Chúng tôi được hưởng tình cảm và sự nuôi dạy của nước Hung, nhân dân Hung trong vài năm - đó là những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của tôi, là cánh cửa mở cho tôi hiểu biết về Thế giới. Cho tôi tri thức, mở mang trí tuệ và dạy cho tôi phải có nghị lực sống thế nào thì mới vượt qua được mọi khó khăn trong học tập và cuộc sống.

Tôi phải nói điều này vì số phận luôn luôn đưa đẩy chúng ta đến những điều không ngờ tới. Vốn dĩ định trở thành một bác sĩ thì sau một năm học tiếng Hung tôi lại bị phân vào học trường Công nghiệp Xây dựng, khoa Kinh tế Đô thị mới mẻ (trước đó chưa có sinh viên Việt Nam nào học ngành này) với các môn toán, lý, cơ, máy tính, kinh tế, thiết kế nhà, sức bền vật liệu, điện, đường sá, v.v...

Tôi hoang mang vô cùng và thấy điều đó thật là cay nghiệt đối với một cô gái thích thơ ca nhạc họa và mơ mộng như tôi. Nhưng rồi các bạn Hung lại là những người giúp đỡ tôi rất nhiệt tình, với tình cảm rất thương yêu của các thầy cô giáo sau 4 năm tôi đã tốt nghiệp. Chúng tôi về nước cũng bằng tàu liên vận - đoàn tôi là một trong những đoàn cuối cùng đi bằng tàu hỏa.

Mới đây, vào ngày 5-5-2013 khóa chúng tôi họp mặt các cựu sinh viên tròn 40 năm sang Hung. Cả khóa hơn 100 người, vì nhiều lý do chỉ có hơn 30 người đến dự nhưng khi ôn lại chuyện hồi đi học chúng tôi vẫn ríu rít như thời còn trẻ.
 
Đi thực tập ở công trường xây dựng Budapest (năm 1975) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đi thực tập ở công trường xây dựng Budapest (năm 1975) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kỷ niệm trên đất Hung nào sâu sắc với tôi ư? Kể thì không thể hết được, ở đây chỉ xin nói về hai kỷ niệm mà tôi rất nhớ cho đến tận bây giờ.

Kỷ niệm thứ nhất liên quan đến bản tính ưa văn nghệ của tôi. Từ khi học ngoại ngữ (tiếng Hung) tại Học viện Dự bị Quốc tế (NEI, Budapest) tôi đã là một nhân tố văn nghệ tích cực, mê đàn hát, nhảy múa khi có dịp. Tôi đã được các chú trên hai sứ quán (Miền Bắc thì bác Nguyễn Mạnh Cầm là đại sứ, còn Miền Nam là bác Nguyễn Phú Soại) mời lên để giúp việc mỗi khi có lễ lạt gì đó.

Việc của tôi là mặc áo dài rồi khi thì hát, khi thì làm phiên dịch cho các quý bà, v.v..., hoặc tham gia đi thăm viếng ở một tỉnh nào đó. Nhân dịp truyền hình Hungary có đưa tin về “thần đồng” thơ Trần Đăng Khoa, anh Đinh Hoàng Thắng cũng gọi tôi đến dự. Anh Thắng dịch thơ ra tiếng Hung, còn tôi thì hát, chương trình ấy được người dân Hung rất thích.

Anh Thắng kể trưa hôm đó anh đi mua thịt mà quên tiền ở nhà, thế là ông hàng thịt bảo: “Mày vừa đọc thơ trên TV chứ gì? Tao cũng xem... cho mày nợ tiền đấy”. Chúng tôi rất tiếc là không có cái video ấy làm kỷ niệm.

Kỷ niệm thứ hai là về ngày 30-4-1975, chúng tôi đến trường được bạn bè, thầy cô reo vui ôm chầm lấy mà reo lên: “Việt Nam hòa bình rồi... Việt Nam hết chiến tranh rồi...”. Tối hôm đó tôi cũng được sứ quán gọi đến dự buổi tiệc chúc mừng chiến thắng do chính phủ Hung và các sứ quán, với nhiệm vụ phiên dịch cho các phu nhân. Cờ hoa sôi động và những lời hô to “Việt Nam chiến thắng...”.

Vui thế mà tôi lại chảy nước mắt, tôi biết từ giờ tôi không còn phải canh cánh nỗi lo khi nghĩ tới quê nhà nữa.
 
Cùng con gái trong chuyến thăm Hungary năm 2011 - Ảnh: Trần Lê
Cùng con gái trong chuyến thăm Hungary năm 2011 - Ảnh: Trần Lê

Nước Hung đã cho tôi cái gì ư? Với những kiến thức được học, tôi đã làm tốt công việc của mình 7 năm ở Viện Quy hoạch Hà Nội với vai trò kỹ sư kinh tế. Trong thời gian đó, tôi bắt đầu làm những việc mà tôi yêu thích như dịch truyện, dịch thơ từ tiếng Hung, vì tình yêu đất nước, con người và nền văn hóa của xứ sở này.

Tôi làm những điều này hoàn toàn vô tư, không nghĩ là nó sẽ đem lại cho tôi cái gì, nhưng một lần nữa số phận lại... chen ngang. Thấy tôi có khả năng viết, vài tờ báo muốn nhận tôi về và thế là tôi chọn lựa làm nghề báo. Năm 1984, tôi chuyển sang làm ở báo “Phụ nữ Việt Nam” tới khi về hưu. Cũng do tôi dịch được một số tác phẩm văn học Hungary nên tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhưng tôi cho rằng thành công nhất đối với một phụ nữ là nuôi dạy thành công những đứa con của mình. Tôi có hai con gái và ngay từ khi các cháu vừa ra đời tôi đã nuôi dạy chúng toàn diện (cả về trí tuệ, tâm hồn và thể lực) theo những gì mà tôi được thấy, đọc, nghe khi còn là cô sinh viên, sao cho chúng cũng có thể bước ra cánh cửa Thế giới và làm Công dân toàn cầu.

Có lẽ một phần nhờ phương châm nuôi dưỡng và dạy bảo như thế, cùng với sự chuyên cần cá nhân, các con tôi đã vào được các trường chuyên ở Việt Nam và học hết phổ thông cả hai đều đi học ở Anh Quốc bằng học bổng các cháu tự kiếm được. Vũ Nguyễn Hà Anh, con gái lớn của tôi cũng đạt được chút danh vọng trong lĩnh vực thời trang và được biết đến cả trong và ngoài nước.

Nhưng điều khiến tôi vui là dù đã trưởng thành, có điều kiện đi đây đó và đạt được một số thành công trong đời sống và công việc, các cháu vẫn ngưỡng mộ mẹ và các cô, chú, bác... từng đi học ở Hung về. Đó cũng là nhờ nước Hung, con người Hung mà mãi mãi tôi mang ơn...

Nguyễn Võ Lệ Hà, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn