TS. Đinh Hoàng Thắng: “MỘT CHÀNG NGỐ BƯỚC RA THẾ GIỚI...”

Chủ nhật - 25/08/2013 23:44

(NCTG) “Dù rằng trần thế là hư dối và tạm bợ, mình vẫn muốn cám ơn cuộc đời này, vì đã cho mình những điều kiện mà các trang lứa của mình thuở bấy giờ không có được. Đó cũng chính là cái ý nghĩa của đất nước Hungary, con người Hungary đối với cuộc đời mình” - thổ lộ của TS. Đinh Hoàng Thắng.


TS. Đinh Hoàng Thắng (thứ hai từ trái sang) tại buổi gặp mặt hữu nghị Việt - Hung (Bách Thảo, ngày 24-8-2013) - Ảnh: Bích Ngọc


Lời Tòa soạn: TS. Đinh Hoàng Thắng sinh năm 1948, sang Hungary du học từ năm 1966, tốt nghiệp Cử nhân/Thạc sĩ về Văn học và Ngôn ngữ Hungary tại Trường Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd, Budapest năm 1972. Thời gian 1983-1986, ông nghiên cứu và nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Trường Đại học Kinh tế Karl Marx, Budapest (nay là Đại học Corvinus Budapest).

Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, đại diện cho Chính phủ Việt Nam bên cạnh OPCW (Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí hóa học) thời gian 1998-2001, sau đó là Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao (2001-2007).

Được đào tạo cả về văn, triết lẫn chính trị học, sở hữu kiến thức chuyên sâu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, từ nhiều năm nay, TS. Đinh Hoàng Thắng là tác giả của hàng loạt bài viết liên quan tới chính trị thế giới và các vấn đề ngoại giao của Việt Nam.

Là một cây bút từng giữ chức TBT báo “Quốc tế” (nay là tờ “Thế giới & Việt Nam”, cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao), TS. Đinh Hoàng Thắng đã tham gia với NCTG với một bài viết dạt dào tình cảm về nước Hung và châu lục nơi ông từng có nhiều năm học tập, nghiên cứu và gắn bó, đúng vào thời điểm xứ sở này gia nhập Liên hiệp Châu Âu (tháng 5-2004).

Hiện tại, TS. Đinh Hoàng Thắng là một trong những thành viên chủ chốt từ nhiều trung tâm của VUSTA như Trung tâm Minh triết Việt, Trung tâm Khoa học Tư duy. NCTG đã có một cuộc trò chuyện thân tình với ông trong cuộc gặp mặt hữu nghị thường niên do Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary tổ chức vào ngày 24-8-2013, nhân kỷ niệm Quốc khánh hai nước.



Phát biểu tại mít-tinh
“Veled Vagyunk, Vietnam” (Việt Nam, chúng tôi ở bên bạn, phong trào ủng hộ Việt Nam thập niên 60-70 tại Hungary) - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Mỗi năm một lần, các anh chị lại gặp nhau ở đây để cùng hồi nhớ những kỷ niệm, những ngày tháng học tập và sinh sống ở Hungary. Anh có thể chia sẻ với độc giả NCTG một vài kỷ niệm sâu sắc thời anh ở Hung?

Anh Đinh Hoàng Thắng (Đ.H.T.): Không phải một vài, mà nhiều, rất nhiều kỷ niệm!

Lần đầu tiên, một chàng ngố hơn 17 tuổi, từ mảnh đất đói nghèo và chiến tranh của Nghệ Tĩnh bước ra thế giới, gặp gỡ nhiều người ngoại quốc (külföldiek), được tiếp xúc với cộng đồng quốc tế hẳn hoi (cánh sinh viên Ba Lan, Tiệp, Nga, Anh, Pháp cùng học với bọn mình ngay từ đầu), chứ không chỉ là với thầy cô giáo người Hungary (magyarok).

Külföldiek”, “Magyarok”… hình như đó là những từ Hung đầu tiên mình học. Cảm giác là sốc và choáng! Quan hệ quá cởi mở (nhìn họ hôn nhau trong lớp vừa ngượng, vừa thích), tự do cá nhân được đề cao ghê gớm. Trong năm đầu học tiếng Hung, bọn mình bị cấm đi nhảy cuối tuần, dù các buổi sinh hoạt văn hóa đó tổ chức ngay trong ký túc xá. Thay vì đi nhảy, bọn mình họp chi đoàn, họp đơn vị, đọc báo Việt (nghe ngộ nhỉ?)… Sự lạc lõng giữa Việt Nam với thế giới… Có lẽ đó là điều ám ảnh mình suốt những năm sau này, đến bây giờ mình vẫn còn bị hội chứng LPS (Lost Puppy Syndrome).


“Chàng Ngố
” tốt nghiệp đại học năm 1972 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì là dân Tổng hợp, cả trường chỉ có 3 sinh viên Việt Nam nên ngay từ năm thứ nhất mình đã “phải” ở chung phòng với Tây (sinh viên Hung) nhưng đấy là điều thật may mắn. Từ năm thứ hai, thứ ba, mình đã đi dịch được cho Sứ quán, dịch một nhưng phải đoán đến hai… ba… phần - như người Hung hay nói, “a fordítás ferdítés” (?) (1) - mà vẫn được các chú ở Sứ cho là khá (lúc bấy giờ chả có chú sứ nào biết tiếng Hung, ngoài vài câu chào hỏi thông thường như “jó reggelt / jó napot kívánok”). Đi đến các buổi mít-tinh hội họp thì đã có bài viết sẵn, cứ thế mà đọc, may mà phần ngữ âm của mình khá (tiếng Nghệ Tĩnh vốn trầm trầm, phân biệt giữa “sờ” nặng (sör - bia) với “xờ” nhẹ (szabad - tự do) rất rõ ràng, nên khá thuận lợi để học tiếng Hung.

Có một sự kiện mình nhớ rất lâu, đó là được đi dịch cho Đoàn cấp cao Đảng và Chính phủ nước ta lần đầu tiên thăm Hungary. Về chuyến đi quốc tế của Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó đều có phim chiếu trong nước, chiếu ngay tại làng Quỳnh Đôi của mình. Thế là đột nhiên mình trở thành “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Ba mẹ mình mừng lắm, vì được bà con bàn tán mãi về thằng “cu Đen” ngày nào mà bây giờ được đi cạnh và còn “dám nói chuyện” với ông Duẩn và ông Đồng (thực ra mình chỉ “nhai lại” lời của các cụ mà thôi!).

Năm năm đại học tiếp xúc với toàn sinh viên/các thầy cô ngữ văn, triết học, nhiều hôm mình ngồi café tranh luận sau các seminar chuyên đề ở lớp quên cả lên giảng đường. Đổi lại, mình đã được nghe các bạn nói về những Lukács György, Márkus György, Háy Gyula (2) cùng nhiều tên tuổi khác.


Đi picnic ở Hungary - Ảnh do nhân vật cung cấp


Mình thích đọc các giáo trình tham khảo hơn là những tài liệu bắt buộc. Sách giáo khoa và các tài liệu chọn lọc đều phải mua, nhưng bọn mình thích đọc các sách “chui” từ các nhà xuất bản bên Tây Đức. Nhất là về các biến cố sôi động ở Hungary từ 1953, rồi 1956, đặc biệt, trước và sau 1968, mình dành khá nhiều thời gian đọc và tìm hiểu về cải cách kinh tế. Mình được đi dịch cho rất nhiều đoàn cán bộ cao cấp từ Việt Nam sang nghiên cứu về cải cách kinh tế ở Hungary trong những năm ấy.

- NCTG: Đất nước Hungary có vị trí thế nào trong cuộc đời anh?

Đ.H.T.: Không thể thay thế! Nếu mình đi nước khác, học trong những môi trường khác chắc rằng giờ đây mình không được như thế này. Môi trường giáo dục làm nên con người, chứ không phải là quần áo (3)! Dù rằng trần thế chỉ là hư dối và tạm bợ, mình vẫn muốn cám ơn cuộc đời này, đã cho mình những điều kiện mà các trang lứa của mình thuở bấy giờ không có được. Đó cũng chính là cái ý nghĩa của đất nước Hungary, con người Hungary đối với cuộc đời mình. Nếu mình chỉ học trong nước, hay học kỹ thuật, có lẽ mình khó có duyên với ngành ngoại giao sau này.

Cuối cùng, nếu không đi học ở Hung, chắc mình không làm được nghiên cứu sinh. Không phải là vì nhà trường chiếu cố gì cả. Đơn giản là cái đề tài mình đề xuất - “Phân tích hệ thống (rendszerelemzés) như một vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu quốc tế” - đã không được trong nước chấp nhận, vì lý do a, b, c… Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cùng hai  trường Tổng hợp và Kinh tế đã hỗ trợ tối đa, nhất là với cái quy chế “cắc cớ” của mình (không đi qua con đường học bổng), mình đành quyết định bỏ tiền túi để học NCS. Nặng nhất là khâu thi tối thiểu (minimum), phải nạp khoảng hơn 4.000 Forint (mệnh giá năm 1983-84). Theo mình biết, ở các nước khác, làm kiểu “tư nhân” (maszek) như vậy là bất khả!

 
Bảo vệ Luận văn TS. Khoa học Chính trị tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (năm 1986) - Ảnh do nhân vật cung cấp


- NCTG: Một câu hỏi có thể là hơi ngoài lề: hoạt động tại Trung tâm Minh triết Việt, Trung tâm Khoa học Tư duy, anh có tận dụng được những kiến thức về phương pháp luận mà anh đã dày công nghiền ngẫm trong những năm tháng dài trên đất Hungary?

Đ.H.T.: Cám ơn NCTG đã nhắc đến công việc hiện tại của mình. Ngày nay, “tư duy hệ thống” đang nhường bước cho “tư duy phức hợp”, nhưng khi tham gia nghiên cứu về các vấn đề phức tạp và gay cấn như vấn đề Biển Đông, vấn đề quan hệ Mỹ-Trung và an ninh khu vực…. cách tiếp cận theo phân tích hệ thống vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự.

Nhân dịp này, mình muốn giới thiệu với tất cả các bạn đọc của NCTG một bài viết gần đây về mô hình “P&DOWN” (nghĩ về Bí Đao cho dễ nhớ!) – bài viết đã được báo chí trong nước (“Tuần Việt Nam”, “Văn hóa Nghệ An”, “Ba Sàm”mạng Info.net) đăng tại các thời điểm khác nhau. Hy vọng sẽ được sự chia sẻ với ý kiến của các độc giả báo!

- NCTG: Xin cám ơn anh đã trải lòng cùng NCTG!


Dự Điều trần tại Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ-Việt (năm 1991) - Ảnh do nhân vật cung cấp


Ghi chú (của NCTG):

(1) Dịch là xuyên tạc (chơi chữ trong tiếng Hung, tương đương “dịch là phản” trong tiếng Pháp và Anh).

(2) Các triết gia, nhân sĩ, nhà văn nổi tiếng của Hungary.

(3) Chơi chữ, theo một câu thành ngữ tiếng Hung “Nem a ruha teszi az embert” (Quần áo không làm nên con người, chiếc áo không làm nên thầy tu).

Bích Ngọc thực hiện


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn