Tác giả Phan Hồng: “PISTA BÁCSI”

Thứ tư - 28/08/2013 10:46

(NCTG) “Đất nước Hungary là nơi tôi đã sống 6 năm 8 tháng - cả một thời tuổi trẻ của mình. Sau này, tôi có dịp đi công tác và du lịch ở một số quốc gia khác, nhưng chưa bao giờ tôi có được cảm giác hồi hộp và vui sướng như đang bước chân trở về ngôi nhà cũ của mình, như những lần tôi quay trở lại Budapest, Hungary” - tác giả Phan Hồng.


Anh Phan Hồng tại cuộc gặp mặt hữu nghị Việt - Hung (Bách Thảo, Hà Nội, 24-8-2013) - Ảnh: Bích Ngọc


Lời Tòa soạn: Là một cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE) trong thời gian 1976-1981, nhưng không ở trong ký túc xá của trường mà sinh hoạt hàng ngày tại doanh trại quân đội mang tên Petőfi (Petőfi Sándor, thi hào ái quốc vĩ đại của Hungary), nên anh Phan Hồng đã có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc cùng các bạn hữu là học viên quân sự Việt Nam học tập tại Hungary thời gian đó.

Hiện công tác tại Hà Nội trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, là bố của 3 người con, anh Phan Hồng là cây bút chủ lực của mạng vnkatonak.com tập hợp đông đảo các thành viên từng có thời gian học tập và sinh sống tại Hungary, trong đó, đa số là các cựu học viên quân sự.

Loạt bài rất đặc sắc của anh về đất nước, con người và những kỷ niệm tại Hungary đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả. Thổ lộ với NCTG, anh Phan Hồng cho hay anh muốn có dịp cùng gia đình trở lại thăm mảnh đất Hungary, quê hương thứ hai của anh và nhiều bạn bè:

“Đất nước Hungary là nơi tôi đã sống 6 năm 8 tháng - cả một thời tuổi trẻ của mình. Suốt thời gian ấy, tôi đã dần dần trưởng thành, hình thành nhân cách sống, lối sống; thu nhận những kiến thức chuyên môn và xã hội; được bồi dưỡng về mặt sức khoẻ, tinh thần...v.v...

Sau này, tôi có dịp đi công tác và du lịch ở một số quốc gia khác, nhưng chưa bao giờ tôi có được cảm giác hồi hộp và vui sướng như đang bước chân trở về ngôi nhà cũ của mình, như những lần tôi quay trở lại Budapest, Hungary!”.

Kỷ niệm thú vị sau đây được tác giả Phan Hồng chia sẻ với NCTG nhân dịp Quốc khánh Hungary 20-8 vừa qua.



Anh Phan Hồng thời theo học Đại học Tổng hợp Budapest (1976-1981) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những kỷ niệm về nước Hung, tôi có rất nhiều.

Trong loạt hồi ức “Doanh trại Petőfi” đăng trên trang mạng vnkatonak.com năm 2005, tôi đã kể nhiều chuyện bên trong và bên ngoài doanh trại Petőfi: Chuyện chấp hành kỷ luật “thép” của các học viên quân sự; Chuyện nấu cơm cuối tuần và đi lao động (mê-lô) của lính; Chuyện tập luyện thể lực, chơi và thi đấu thể thao; Chuyện học tiếng Hung; Chuyện đi phiên dịch, nghe đài, xem tê-vê và xem phim; Chuyện học tập, lĩnh hội kiến thức trên giảng đường trường đại học; Chuyện hè về phép “bồi dưỡng chính trị” và thăm gia đình, người thân; Chuyện hè đi hái táo “lao động công ích”; Chuyện tầm sư học đạo nhằm nâng cao trình độ; Chuyện thư giãn, đi chơi, giải trí, du lịch…

Hôm nay, tôi xin kể về chuyện tôi làm quen và “kết bạn” với Pista bácsi (bác Pista) thế nào.

Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1981.

Trước đó, tôi và một anh bạn trong Doanh trại Petőfi đã “lê bước” đến nhiều ngôi nhà xây dở dang gần Đồi Hoa Hồng (*) để xin việc làm thêm trước ngày về nước. Chúng tôi xin việc thành công ở một ngôi nhà bề thế, sau một buổi thử việc. Hôm đó, thấy hai chúng tôi ngó nghiêng ngoài cổng, cai đầu dài hất hàm hỏi:

- Mấy cậu kia, việc gì thế?

Chúng tôi ngỏ ý muốn bán sức lao động của mình.

- Vậy thì, thử một chút nhé! Cai đầu dài chỉ tay vào đống gạch lù lù dưới sân.

Một loáng, đống gạch được “hai gã thiếu niên” vận chuyển lên tầng 2 và tầng 3 gọn gàng.

Cai đầu dài tới tận nơi kiểm tra kỹ lưỡng: bao nhiêu viên lên tầng 2, bao nhiêu viên lên tầng 3, có viên nào bị vỡ không, đống gạch sắp xếp có ngăn nắp không, có vướng lối đi lại không, có gây cản trở cho thợ xây không… rồi phán gọn lỏn:

- Được đấy!

Chúng tôi được nhận vào phụ việc. Công việc tiếp theo là vận chuyển cát và xi-măng lên các tầng. Chúng tôi không tò mò hỏi han, mà tự cai đầu dài nói cho chúng tôi biết, công trình đang thi công là nhà riêng của Ngài đương kim Đại sứ Hungary tại Hoa Kỳ. Ngôi nhà nằm cạnh con đường uốn lượn lưng chừng đồi, bên kia đường không có nhà nào cả. Ban công các tầng dự kiến lắp kính tấm lớn nhìn xuống thung lũng, khi hoàng hôn xuống, vô vàn ánh đèn phản chiếu trông như sao sa. Bể bơi rộng chừng 70-80 mét vuông, ngầm dưới lòng đất. Cai đầu dài bảo, chiều chiều, vợ chồng con cái hì hụp vừa bơi nước ấm vừa nghe những bản nhạc du dương, khi bước chân lên bờ, là có thể tới bàn ngồi ăn tối luôn. Cực kỳ thuận tiện. Ông “mách” thêm, số tiền đầu tư cho ngôi nhà này lên tới 1 triệu đô-la Mỹ. Hai đứa chúng tôi lắc đầu lè lưỡi. Hiện tại chỉ thấy bóng thợ, không thấy chủ nhà, vì cả gia đình Ngài Đại sứ đang bận… đi Mỹ.


Trong Doanh trại Petőfi - Ảnh do nhân vật cung cấp


Được hai tuần thì hết việc, chúng tôi lên đường tìm công việc mới.

Đến con phố nhỏ cách chỗ làm cũ vài cây số, chúng tôi thậm thụt ngoài cánh cổng sắt màu nâu, rụt rè hỏi vọng vào:

- Chào hai bác! Ở đây có cần thợ phụ không hả các bác?

Một người đàn ông cởi trần tóc húi cao, thân hình nom hơi khẳng khiu, nhưng bù lại, đôi mắt sáng rực, từ trên tầng hai nhanh nhẹn tụt thang xuống, nhìn chằm chằm vào chúng tôi.

- Gyurikám, nhìn hai chú “nhóc tì” này! Có vẻ đạt yêu cầu đấy! - Ông ta quay sang nói với người đàn ông đeo kính cận mặc quần soóc, áo may ô ba lỗ lấm lem vôi vữa đứng kế bên.

- Ờ, ờ, nhất trí thôi! - Người đàn ông đeo kính nói.

- Thế là ổn rồi, chúng mày đã được chấp nhận! – Người đàn ông nói. À mà này, cứ gọi tao là Pista bácsi nhé! Còn cha nội này là Gyuri bácsi (bác Gyuri).

Chúng tôi lễ phép chào hai ông. Ban đầu, tôi đoán ông đeo kính phụ việc cho ông gầy gò, nhưng không phải. Hóa ra, Gyuri bácsi là chủ nhà, còn Pista bácsi là người được nhờ vả xây nhà hộ. Tôi chưa thấy chủ nhà nào nghe lời răm rắp thợ cả như vậy. Sau này, chúng tôi còn chứng kiến, khi thợ cả “lên cơn” dỗi, chủ nhà sợ xanh mặt.

Sau 15 phút làm quen, tôi được gán cho cái tên Hung là Jóska. “Để cho dễ gọi” – Pista bácsi bảo. Anh bạn tôi cũng bị áp đặt một cái tên Hung khác. Có hai chúng tôi, Gyuri bácsi mừng quýnh, vì được “giải phóng”, không phải làm chân thợ phụ bất đắc dĩ cho Pista bácsi nữa. Sáng sáng, Gyuri bácsi đánh chiếc xe Láda bốn chỗ màu trắng đi làm. Chiều về, ông hộc tốc thay quần áo, xông vào giúp việc cho Pista bácsi. Thời gian qua, ông phải xin nghỉ phép ở cơ quan, vì Pista bácsi quá kỹ tính trong việc tìm người phụ việc.

Khi Pista bácsi xây tường, hai chúng tôi luôn tay xi-măng, cát, nước, dao, gạch viên, mẩu gạch vỡ, đoạn dây thừng, chiếc đinh… song “hầu” ông không kịp. Nhưng đến lúc “bẻ góc”, ông ngồi thừ ra, dễ chừng nửa tiếng, khiến chúng tôi nôn nóng thay ông. Thật ra, ông không ngồi chơi không. Thì ra, óc ông vẫn đang “vận hành”, suy nghĩ tìm phương án thi công tốt nhất. Nói ít làm nhiều. Không hút thuốc lá phì phèo như Gyuri bácsi, mà ngậm tẩu. Nói chung, chúng tôi không biết định danh Pista bácsi là “thợ” gì, vì ông rất khéo tay, những cái gì thuộc về xây dựng nhà cửa, ông đều biết tuốt. Và đặc biệt, sắp xếp mọi công việc đâu ra đấy.

Hồi học dự bị cũng như lên đại học, chúng tôi đều được học kha khá về tiếng Hung. Nhưng thú thực, chả bõ bèn gì. Thứ tiếng Hung của Pista bácsi mới là đặc sản độc đáo, vì nó vừa hài hước, vừa trí tuệ - kiểu trí tuệ bình dân Hungary, chứ không phải trí tuệ hàn lâm bác học. Nghe rất sướng. Chẳng hạn, khi thấy Gyuri bácsi quên không cạo râu buổi sáng, Pista bácsi nghiêm mặt hỏi: “Sao mày hôm nay “lắm lông” thế?”. Hay khi vợ Gyuri bácsi mời chúng tôi ăn bữa nhẹ lúc 2 giờ chiều, tôi chọn bơ và mứt hoa quả, anh bạn tôi chọn bơ và thịt nguội, bà chủ nhà phán một câu thành ngữ: “Kinek a pap, kinek a papné” (người thích sư, người thích vợ sư). Câu này, chúng tôi đã học mót trong từ điển Hung-Việt. Pista đế thêm: “Nekem a lánya” (còn tôi thích con gái ông sư). Câu này thì chưa.

Chúng tôi không phải trộn bê-tông, vì có một chiếc máy trộn bê tông giúp chúng tôi làm điều đó. Hôm đổ bê-tông sàn tầng 2, trời nắng như đổ lửa. Pista bácsi bảo chúng tôi gọi thêm mấy bạn Việt Nam đến cùng giúp. Chúng tôi phấn khởi, vì được ông tín nhiệm. Và càng phấn khởi hơn khi nghe ông bảo, ông không thích thuê nhân lực bên ngoài, kể cả thuê người Hung, bởi lẽ họ làm không đúng ý ông. Hôm khó khăn ấy, Gyuri bácsi cũng xắn tay tham gia cùng.

Kỷ niệm sâu đậm nhất là trưa hôm ấy, tôi bị ngất. Không phải do mệt quá, mà do tôi bị mắc chứng bệnh “hạ đường huyết” từ hồi còn nhỏ, nôm na là lượng đường trong máu tự nhiên tụt xuống thảm hại. Hồi bé xíu, tôi đã bị ngất đôi lần ở trường, nhưng cô giáo chủ nhiệm chỉ cần pha cho một cốc nước trà quấy với thật nhiều đường là khỏi. Khi hé được mắt, tôi thều thào nói với những khuôn mặt xung quanh, tôi cần uống một cốc nước đường đậm đặc. Ông chủ vội vàng thực thi và cho tôi nằm nghỉ tạm trên chiếc giường gỗ dưới tầng ngầm. Độ hai tiếng sau, tôi lồm cồm bò dậy tham gia dọn dẹp vệ sinh công trường cùng mọi người cho đỡ buồn.


Vợ chồng Pista bácsi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tối hôm đó, để ăn mừng thành công của sàn bê-tông tầng 2, vợ chồng ông chủ “mở tiệc” ngoài trời chiêu đãi cả đội xây dựng. Chúng tôi nướng thịt trong vườn, ăn bánh mì, pho-mát, khoai tây, cà chua, dưa chuột muối và uống nước nho ép. Lần đầu tiên, tôi tận mắt thấy cái thùng gỗ dùng để ép nho.

Công việc xây nhà đã mệt, nhưng đóng trần mệt hơn nhiều, do phải ngửa cổ liên tục và không khéo thì bụi rơi vào mắt, búa và đinh rơi vào mặt. Đứng trên ghế cao một lúc lâu, đầu ong ong, dễ mất thăng bằng. Đo đạc khoảng cách cho chính xác và cưa các thanh gỗ sao cho tiết kiệm cho chủ nhà, cũng là những việc đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo.

Sau dịp mừng ngôi nhà mới hoàn thành, Pista bácsi tưởng thưởng cho hai chúng tôi một bữa câu cá trên sông Tisza (**). Chúng tôi thức dậy từ 4 rưỡi sáng, ra khỏi thành phố lúc 5 giờ, đi chung một xe với Pista bácsi và Éva néni (cô Éva), vợ ông. Chúng tôi băng qua những cánh đồng ngô xanh mướt, những cánh đồng lúa mì bắt đầu chín, những dãy cây dương (mà chúng tôi vẫn gọi theo tiếng Hung là cây “mùa hè” - nyárfa) lá rung rinh chuyển mình trong gió xào xạc. Khoảng 8 giờ sáng thì chúng tôi tới bờ sông. Éva néni trải một tấm vải lớn dưới một bóng cây mát rượi và lôi ra lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống từ cốp xe.

Sông Tisza có gì đó rất khác so với sông Duna (Danube). Nước sông trong hơn, mát lạnh hơn; khoảng cách đôi bờ ngắn hơn, dòng chảy nghe êm hơn, bụi cây thảm cỏ và cảnh vật ven bờ lạ mắt. Đến cả tiếng kêu của đàn sáo đen trên trời cao dường như cũng réo rắt hơn.

Pista bácsi tỏ ra là một tay câu cá điềm tĩnh và thiện nghệ. Lần đầu tiên tôi chứng kiến, cần thủ người Hung sau khi câu được cá, liền mở lòng phóng sinh. Tôi thắc mắc thì ông bảo, những chú cá cân nặng dưới 1 ki-lô cần được giải phóng, nhờ thần sông vỗ béo thêm.

Chiều tà, chúng tôi trở về thành phố. Chiến lợi phẩm là một cái xô sắt chứa 8 chú cá to, có con nặng trên 2 ký. Đã lâu rồi nên tôi chỉ nhớ mang máng, cá măng (csuka) thì phải. Éva néni nhanh nhảu vào bếp. Chúng tôi nhắm cá rán với bia và kết thúc bữa tối đầm ấm bằng món cháo cá tươi rói nóng hôi hổi rắc thìa là. Một kỷ niệm đẹp, chả bao giờ quên!

Pista bácsi tên đầy đủ là Kiss István, sống tại căn hộ chung cư tại Quận 15 thủ đô Budapest.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Rózsadomb, phần thành phố tại Quận 2 (Budapest), được coi là khu thượng lưu.

(**) Sông lớn thứ hai tại Hungary, một trong những con sông quan trọng nhất trong khu vực Trung Âu.

Bích Ngọc thực hiện


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn