Bà Szili Katalin
Cựu Chủ tịch Quốc hội Szili Katalin, hiện là Chủ tịch Liên minh Xã hội, lý giải đề xuất của bà dựa trên bản Hiến pháp Hungary và những cam kết quốc tế của quốc gia này. Bà nhấn mạnh: một trong những điều khoản của Hiến pháp ấn định rằng Nhà nước cố gắng để đảm bảo cho mọi công dân về mặt an sinh xã hội.
Trong đề xuất được đăng trên trang chủ của mình, bà Szili cho rằng công cụ để thực hiện điều này có thể là khoản thu nhập cơ bản cho mọi công dân từ khi chào đến đến khi qua đời. Do đó, bà yêu cầu nội các Hungary khảo sát xem việc thực thi “sáng kiến” này có những ảnh hưởng ra sao đối với ngân sách quốc gia, cũng như trên các phương diện xã hội và kinh tế.
Theo bà Szili, mục tiêu của việc cấp vô điều kiện cho toàn dân một khoản thu nhập cơ bản là để đảm bảo nhân phẩm và để người dân khỏi phải sống trong cảnh luôn lo lắng về sinh kế. Khoản thu nhập này, như bà Szili nghĩ, sẽ đồng đều cho tất cả mọi công dân - mức độ của nó tùy thuộc khả năng từng lúc của Nhà nước, và đủ cho những chi phí của một “cuộc sống khiêm tốn”.
Chủ tịch Liên minh Xã hội cho rằng, thu nhập mới này sẽ thay thế được cho một phần đáng kể các khoản trợ cấp xã hội, và là một công cụ thích hợp để đẩy lùi tệ nạn phạm pháp do cuộc sống hàng ngày quá đói kém. Theo bà Szili, loại thu nhập mới sẽ kích cầu tiêu thụ và thông qua đó, sẽ tác động tốt tới cả nền kinh tế, bên cạnh đó, sẽ khiến các cặp vợ chồng “có hứng” hơn trong việc sinh đẻ.
Nói về những phê bình mà đề xuất mới này có thể phải gánh chịu, cựu Chủ tịch Quốc hội nhận xét: khoản thu nhập vô điều kiện chỉ đủ cho những nhu cầu cơ bản nên có thể cho rằng nó không làm ảnh hưởng đến “hứng” làm việc của người dân. Được biết, “sáng kiến” này cũng đã được đề cập tại cuộc gặp gỡ của giới trí thức cánh tả tại Gödi vào tháng 8 vừa qua.
Trên thế giới, mô hình thu nhập cơ bản là đề tài chính trị được ưa chuộng tại Thụy Sĩ và Brazil, và đã được đưa vào chương trình tranh cử của Đảng Cướp biển Đức từ 2 năm nay. Tại một thành phố ở Namibia, đã có một đề án thử nghiệm được tiến hành để trắc nghiệm – tuy nhiên, duy nhất mới có Alaska là nơi được coi là đã thực hiện mô hình này.