Anh Phạm Đức Phong: “NHỮNG NGÀY THÁNG TUYỆT ĐẸP CỦA CUỘC ĐỜI…”

Thứ tư - 25/09/2013 23:01

(NCTG) “Trường chúng tôi từng phát hành đồng 2 Forint và làm giả hai đồng tiền, ai phát hiện được 2 đồng tiền giả đó sẽ được trọng thưởng. Nhưng chúng tôi ở đấy ba năm rưỡi mà chưa thấy ai tìm ra được 2 đồng tiền giả đó” - một kỷ niệm vui của anh Phạm Đức Phong.


Anh Phạm Đức Phong thời gian học tập tại Hungary - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lời Tòa soạn: Khi được biết NCTG thực hiện loạt bài về kỷ niệm, ấn tượng của những người đã có thời gian học tập, công tác và sinh sống tại Hungary, ngay trong cuộc gặp mặt thường niên kỷ niệm Quốc khánh hai nước (tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-8-2013), đã có nhiều anh, chị tìm đến gặp PV NCTG để trải lòng và chia sẻ những ngày tháng không thể nào quên của họ trên đất Hung.

Một trong những người đó là anh Phạm Đức Phong, hiện sinh sống tại Lâm Thao, Phú Thọ. Anh Phong được cử sang Hungary học nghề năm 1968, là thực tập sinh Đoàn 52 chế tạo dụng cụ đo cơ khí chính xác thuộc Bộ Công nghiệp Nặng (sau này là Bộ Cơ khí và Luyện kim), và tốt nghiệp đầu năm 1971.

Sau đó, do kết quả học tập tốt, anh cùng 4 đồng nghiệp còn được ở lại thêm 1 năm làm việc tại nhà máy Gamma, chuyên sản xuất máy chụp Röntgen. Tháng 12-1971, anh Phong về nước làm việc tại Nhà máy chế tạo Dụng cụ số 1 Hà Nội và nhiều công trình khác, cho đến khi nghỉ hưu và về mở xưởng cơ khí tại quê hương vào năm 1991.

Rất sôi nổi góp vui trong cuộc gặp mặt hữu nghị với các tiết mục đọc thơ và ca hát, 45 năm sau ngày đặt chân tới nước Hung, anh Phạm Đức Phong vẫn nhớ tiếng Hung cùng những giai điệu, lời ca Hungary, xứ sở mà theo chia sẻ của anh, “những năm tháng đẹp đẽ tại đó đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi!”.

Sau đây là một phần cuộc trò chuyện của anh Phạm Đức Phong với PV NCTG, được thực hiện ngay trong buổi gặp mặt. Nhớ lại những năm tháng cách đây hơn bốn thập niên trước khi lên đường sang xứ sở Hungary xa xôi, anh Phạm Đức Phong thổ lộ:

“Có thể nói tôi trưởng thành trong một gia đình “gương mẫu”, có công với cách mạng, nên nhà tôi vừa là hội trường, vừa là trụ sở, câu lạc bộ của cả xã, tất cả mọi sinh hoạt của xã là ở nhà tôi. Ông cụ tôi trước đây đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được thưởng lá cờ của Bác Hồ, nên trong cả xã được xét hai người đi du học: một đi Tiệp, và tôi đi Hungary”.



Anh Phạm Đức Phong trong cuộc gặp mặt hữu nghị Việt - Hung thường niên năm 2013 - Ảnh: Bích Ngọc

- NCTG: Anh còn nhớ những kỷ niệm sâu sắc nào trong thời gian học tập trên đất bạn?

Anh Phạm Đức Phong (P.Đ.P.): Tôi có rất nhiều kỷ niệm trên đất nước Hungary xinh đẹp, chỉ xin kể ở đây một kỷ niệm rất nhỏ ngay vào “thuở ban đầu”.

Ngày đầu tiên, tháng 8-1968, khi vừa đặt chân đến đất nước Hungary, lẽ ra chúng tôi phải ở trong ký túc xá chờ khi nào đi mua quần áo mới được đi ra ngoài. Nhưng cũng nhờ “ngoại giao” tốt nên tôi được các anh thuộc đoàn y tế sang trước 2 năm cho mượn quần áo và tôi đã lẻn được ra ngoài.

Đi chơi đảo Margit trên sông Duna (Danube), các bạn Hungary lần đầu tiên nhìn thấy tôi, lạ nên đã kéo đến trò chuyện. Rất may là tôi có sự chuẩn bị, lúc đó chưa biết một tí tiếng Hung nào, nhưng tôi đã học thuộc lòng một số câu các anh Việt Nam khóa trên đã dạy, và tôi đã kịp thời trả lời các bạn Hung.

Nội dung đơn giản thế này (nói tiếng Hung): Tháng 8-1968, tôi đến đất nước Hungary, lúc này tổ quốc tôi đang có chiến tranh. Chúng tôi sang đây để học tập kỹ thuật, rất khó nhưng chúng tôi đã rất chịu khó học hỏi, đúng như lời Lenin đã dạy: “Học, học nữa và học mãi”.

Tôi rất thích nhà thơ Petőfi Sándor vì những vần thơ rất nổi tiếng của ông cũng rất gần gũi với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vậy tôi cũng đã học thuộc mấy câu thơ của thi hào và nói lại với các bạn Hungary. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ “Tự do và tình ái” (đọc thơ tiếng Hung), tạm dịch sang tiếng Việt như sau:

Tự do và ái tình
Vì các người ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.

Các bạn Hungary biết tôi rất thích nhà thơ Petőfi Sándor nên đã quây chặt lại, nhưng vì vốn ngoại ngữ chỉ cho phép tôi thuộc lòng được mấy câu, nên tôi phải tìm cách lủi về. Nhưng trước đó, tôi cũng kịp mang mấy câu học được từ các anh năm trên để vừa lủi vừa khen các bạn.

Các bạn mắt vàng, còn tôi thì mắt đen, các bạn tóc hạt dẻ, còn tôi tóc đen, nên tôi khen các bạn theo ý lời hát của trẻ thơ Az a szép, az a szép, akinek a szeme kék... (hát tiếng Hung), đại loại các bạn tóc vàng rất đẹp, tóc vàng rất đẹp, nhưng chúng tôi tóc đen cũng rất đẹp. Rồi tôi trở về ký túc xá.

Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên!

- NCTG: Mới sang Hungary mà anh đã có thể nói được nhiều như thế?

P.Đ.P.: Như đã nói, khi tôi vừa tới Hungary thì được gặp các anh đoàn y tế sang trước tôi 2 năm, các anh bảo muốn đi ra ngoài phải mượn quần áo, com-lê, cà-vạt, đi giày - đồng thời phải học thuộc một số câu để giao tiếp. Tôi chỉ chép và học thuộc lòng, lúc đó chưa hiểu rõ, nói cũng chưa chuẩn được, nhưng tôi vẫn hết sức cố gắng.

Về sau, có dịp đi các thành phố lớn ở khắp các vùng của Hungary như là Komló, Balaton, Pécs, Miskolc... thì chúng tôi còn có rất nhiều kỷ niệm hay nữa. Nhưng ấn tượng buổi đầu tôi vừa kể thì không bao giờ quên được. Đất nước và con người Hungary thật tuyệt vời!

- NCTG: Anh chỉ học thuộc lòng, nhưng người Hungary nói lại anh có hiểu không?

P.Đ.P.: Nói chung là không hiểu được, mặc dù họ nói với mình những câu đơn giản thôi. Các anh năm trên đã chép cho tôi ghi bằng tiếng Hung và cả cách phát âm bằng tiếng Việt, chúng tôi phải chịu khó mò mẫm học thuộc lòng một số câu giao tiếp bình thường. Như khi tạm biệt chúng tôi cũng vội vàng vì hết vốn rồi: chỉ nói viszontlátásra (nói tiếng Hung) để chia tay các bạn và lủi về.

Nhìn chung người Việt mình đôi khi cũng có những cái rất là “thông minh đột xuất”, chứ nếu mà không có, chưa biết tiếng mà ra ngoài các bạn ngoại quốc quây đến thì mình không biết đường nào mà trả lời. Thế nên ghi là phải ghi cách phát âm bằng tiếng Việt chứ không ghi tiếng Hung như bây giờ. Phát âm lúc đó còn ngô nghê lắm.


Trả lời PV báo NCTG

- NCTG: Những năm học tập tại Hungary của anh như thế nào?

P.Đ.P.: Khi chuẩn bị sang Hungary tôi mới hơn 16 tuổi, chính xác là một ngày nữa thì sang tuổi 17. Lúc đó bắt đầu tôi đi khám sức khỏe còn thiếu cân, có 38 kg thôi, tôi cũng phải cố xin được giấy khám sức khỏe chứng nhận 40 cân và chịu khó bồi dưỡng luyện tập. Thời gian ấy chúng tôi học chính trị ở Hà Bắc mấy tháng trời, để cố gắng làm sao cho đủ cân để sang bên đó học tập.

Sang tới Hungary, ĐSQ cũng khuyên chúng tôi, là một người Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên phải làm tốt công tác quan hệ hữu nghị, cái thứ hai là vấn đề ngoại giao cho tốt, còn học tập kỹ thuật là vấn đề chiến lược lâu dài của Nhà nước để nay mai - lúc đó Đảng đã nhận định là đất nước sẽ nhanh chóng thống nhất và chúng tôi là những hạt giống để nay mai về xây dựng lại tổ quốc.

Lúc đó bạn bè tôi còn đang chiến đấu ở các mặt trận B, C, còn gian khổ hy sinh, chúng tôi được giao nhiệm vụ phải học tập nên cũng rất cố gắng. Chúng tôi cũng tiết kiệm tiền lương ít ỏi của mình đóng góp vào một quỹ gọi là “Quỹ chống Mỹ cứu nước” để gửi về trong nước. Đó là những cố gắng của chúng tôi ngay từ ngày đầu.

Chúng tôi được bố trí học riêng, trong đó có 5 anh em học từ đầu đến cuối, đầu tiên đến ở thành Vár (Thành cổ bên phía Buda) và học ở trường 21 trên đường Váci là trường dạy về Cơ khí chính xác và khuôn mẫu. Trường chúng tôi từng phát hành đồng 2 Forint và làm giả hai đồng tiền, ai phát hiện được 2 đồng tiền giả đó sẽ được trọng thưởng.

Nhưng chúng tôi ở đấy ba năm rưỡi mà chưa thấy ai tìm ra được 2 đồng tiền giả đó. Chúng tôi học nghề cơ khí chính xác còn mới với Việt Nam mình thời đó để nay mai về nước sẽ sản xuất phục vụ ngành cơ khí non trẻ của mình.

- NCTG: Khi nãy thấy anh chơi nhạc và hát rất say sưa...

P.Đ.P.: Dạo ở Hungary, chúng tôi xác định rằng mình đã thừa hưởng những công lao của ông cha, nên phải làm sao tập trung học cho thành nghề để mai sau trở về xứng đáng với truyền thống gia đình, nên thời gian ấy chúng tôi không chơi bời, giao dịch gì cả, chỉ lao vào học tập.

Tuy nhiên, ngoài những lúc học tập, chúng tôi cũng mê văn nghệ và rất thích các bài hát của Hung. Thời ấy, chúng tôi hay hát bài “Ngôi nhà trắng” (Fehér házikó) và nhiều bài khác - trước lúc về nước tôi cũng đã dành thời gian mua rất nhiều đĩa hát Hungary về để học hát.

Nhưng do thời gian đã lâu, hơn bốn chục năm rồi, đĩa không còn dùng được nữa, nên bây giờ tôi muốn sưu tầm những bài hát, bản nhạc của Hung về tôi để tập chơi organ, cũng là ôn lại, nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa khi còn sống và học tập trên đất nước Hungary.

Đó là những ngày tháng tuyệt đẹp của cuộc đời chúng tôi!

Bích Ngọc thực hiện


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn