GS. TSKH. Trần Văn Nhung: “HUNGARY KHIẾN TÔI NGẠC NHIÊN VÀ THÁN PHỤC...”
Thứ bảy - 26/09/2015 13:00
(NCTG) “Đối với tôi, Hungary là Tổ quốc thứ hai, nơi chắp cánh cho tôi bay vào thế giới kỳ ảo của khoa học, kỹ thuật, của toán học, cho tôi hiểu hơn về khát vọng tự do, dân chủ và khát vọng làm người”, thổ lộ của GS. TSKH. Trần Văn Nhung.
Cả gia đình - vợ Nguyễn Thị Kim Oanh và con gái Trần Thị Bích Ngọc (6 tuổi) - tại buổi bảo vệ luận án TSKH. Toán học của Trần Văn Nhung ở Hungary (1990) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lời Tòa soạn:GS. TSKH. Trần Văn Nhung sinh năm 1948 tại Ninh Bình, thời gian 1965-1967 là học sinh Chuyên Toán A0 Khóa 1, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông là giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa, rồi là Chủ nhiệm Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường trong những năm 1972-1993.
Thời gian 1978-1982, ông học tiếng Hung, làm Nghiên cứu sinh (NCS) và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Trường Đại học Bách Khoa Budapest dưới sự hướng dẫn của GS. TSKH. Farkas Miklós. Tiếp đó, trong hai năm 1984-1985, ông làm Postdoc tại CHLB Đức theo Học bổng Humboldt.
Những năm 1988-1990, ông giảng dạy Toán cho sinh viên quốc tế bằng tiếng Anh tại Đại học Bách khoa Budapest, làm và bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Từ năm 1979 tới nay, ông là tác giả và đồng tác giả của 30 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 20 bài báo toán học được liệt kê trong MathSciNet của Hội Toán học Mỹ, 7 bài SCIE và 8 bài Scopus.
Bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, GS. TSKH. Trần Văn Nhung còn giữ nhiều cương vị quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo, như Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo (1993-2001), Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (2001-2008), Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước (2009-2019).
Ông cũng là người tích cực trong các loạt động ngoại giao nhân dân, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Hung (2003-2007), và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Úc (từ năm 2005 tới nay).
Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh hai nước (20-8 của Hungary và 2-9 của Việt Nam), GS. TSKH. Trần Văn Nhung đã có những chia sẻ với NCTG về những năm tháng trên nước bạn, mảnh đất đã chắp cánh cho ông trong sự phát triển tư duy và sự nghiệp khoa học (NCTG).
NCTG:Ôn lại những ngày tháng đáng nhớ ấy trên đất bạn, ông có thể chia sẻ với độc giả NCTG một vài kỷ niệm sâu sắc thời học tập và nghiên cứu ở Hungary?
- Đất nước “bé hạt tiêu” này đã để lại cho tôi những ấn tượng và kỷ niệm đặc biệt, gây cho tôi từ ngạc nhiên, thán phục này đến ngạc nhiên, thán phục khác. Đó là: tiếng Hung khó, dân tộc Hung thông minh, chính sách cởi mở và toán học phát triển.
Thật khó tưởng tượng: một đất nước chỉ có khoảng 10 triệu dân, với diện tích 93 nghìn km vuông, nhưng số người Hungary hoặc gốc Hungary đoạt giải Nobel lên tới 15 người (về con số này, do những lý do địa lý, chính trị, lịch sử, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, có những ý kiến cho rằng con số này thực tế còn nhiều hơn thế).
Đó là một kỳ tích mà trên thế giới hiếm có quốc gia nào đạt được. Đúng như một câu ngạn ngữ Hungary: “Kicsi a bors, de nagyon erős” (Bé hạt tiêu).
Tiếng Hung gây cho tôi ấn tượng, kỷ niệm và cả sự sợ hãi đầu tiên. Ngoài việc rất khó, tiếng Hung còn rất chặt chẽ và logic. Ngay tiếng nói đã chứng tỏ dân tộc này “ăn nói” rất khoa học. Người ta xếp tiếng Hung vào một trong năm thứ tiếng khó học nhất thế giới.
Nhắc lại câu chuyện cũ tôi vẫn muốn nói lời cám ơn đến TS. Vũ Hoài Chương, GS. TSKH. Trần Văn Đắc và các tác giả khác đã có đóng góp rất quan trọng cho cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại Hungary với bộ từ điển Hung - Việt “gối đầu giường” gồm hai tập.
Tôi được học chuyên tu tiếng Đức nhưng không được nhận đi làm NCS ở CHDC Đức. Vì vậy tôi là một trong số ba NCS Việt Nam khóa 1978-1982 chưa được học tiếng Hung trước khi lên đường sang Hung.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm ngay trong tuần đầu tiên khi vừa đến Budapest và đi tìm thầy hướng dẫn NCS. Anh Đỗ Văn Thành (nay là Lãnh sự danh dự, Lãnh sự quán Hungary tại TP. HCM) đã dẫn tôi đến Đại học Tổng hợp Budapest danh tiếng mang tên Eötvös Loránd xin gặp GS. TSKH. Schipp Ferenc.
Sau mấy câu đầu bằng tiếng Hung nhờ anh Thành phiên dịch, chúng tôi chuyển sang trao đổi trực tiếp bằng tiếng Đức. Lúc đó tôi chưa có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Nga được như tiếng Đức.
GS Schipp đã giới thiệu tôi sang gặp và làm NCS với GS. TSKH. Farkas Miklós ở Trường Đại học Bách khoa Budapest, người cùng làm một hướng với tôi về ổn định của các hệ động lực, dù rằng GS. Farkas làm về các hệ tiền định, còn tôi nửa tiền định nửa ngẫu nhiên.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, GS. Farkas đã ưu tiên tôi dùng tiếng Đức, mặc dù giáo sư hay dùng tiếng Anh.
Với cơ chế mềm dẻo, Hungary đã tạo cho chúng tôi nhiều may mắn: các giáo sư hướng dẫn NCS có thể sử dụng nhiều thứ tiếng quốc tế như Anh, Đức, Pháp, Nga hoặc Tây ban Nha; cho phép NCS nước ngoài viết báo khoa học, luận án PTS, TS và bảo vệ bằng tiếng Hung hoặc một trong các thứ tiếng quốc tế.
Cũng như một số NCS Việt Nam, từ khá sớm ngay khi mới bắt đầu làm NCS, trong các năm 1981-1983 tôi đã được mời đi hợp tác nghiên cứu toán học với các nước Tây Âu như Áo, CHLB Đức, Pháp.
NCTG:Đất nước Hungary có vị trí thế nào trong cuộc đời ông?
- Với những công dân thông minh, với các chính phủ khôn ngoan và với cơ chế mềm dẻo, đất nước này luôn được xem là một hình mẫu thành công của cả phe XHCN (cũ).
Là một anh “nhà quê ra tỉnh” muộn, sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, thi đỗ NCS, mãi năm 30 tuổi tôi mới được qua Moscow bằng máy bay Nga, rồi từ Nga đi tàu hỏa sang Budapest. Đã từng “nằm mơ nước Nga”, chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài này đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, như sang hành tinh mới.
Đối với tôi, Hungary là Tổ quốc thứ hai, nơi chắp cánh cho tôi bay vào thế giới kỳ ảo của khoa học, kỹ thuật, của toán học, cho tôi hiểu hơn về khát vọng tự do, dân chủ và khát vọng làm người.
Tôi tiếp tục được học toán, làm toán và dạy toán khi sang Hungary. Thật may mắn cho tôi và một số nhà toán học Việt Nam, Hungary “bé hạt tiêu” này là một trong những cường quốc toán học.
Chúng ta đã được nghe tên các nhà toán học Hungary lừng danh thế giới như: Bolyai János, Riesz Frigyes, Neumann János, Rényi Alfréd, Erdős Pál… và các nhà toán học xuất sắc hiện thời, trong đó có GS. Lóvász László (sinh năm 1948), nguyên là Chủ tịch Hội Toán học thế giới (khi GS Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Fields năm 2010) và hiện nay (2015) là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.
GS Lóvász đã sang dự một hội nghị toán học chuyên đề quốc tế được tổ chức năm 2009 tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Con trai giáo sư là László Miklós Lóvász cũng đã sang Việt Nam tham dự Olympic Toán Quốc tế 2007 (IMO 48) dành cho học sinh phổ thông xuất sắc về Toán học, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham gia của 93 nước và vùng lãnh thổ. Năm đó anh đã giành được Huy chương Bạc.
NCTG: Từ ngày bảo vệ thành công luận án TSKH và về nước, ông đã có dịp quay trở lại Hungary?
- Tôi đã được trở lại hai ba lần thăm Hungary, thăm thầy bạn cũ, nhân dịp đi tháp tùng Chủ tịch nước thăm Hungary và nhân dịp đi theo đoàn dự án công nghệ thông tin, hợp tác giữa hai nước.
Các chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Hungary vẫn là nước năng động nhất trong phe XHCN (cũ), gia nhập EU và hội nhập quốc tế nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, do chuyển đổi thể chế chính trị, thay đổi cơ chế nhanh quá, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Hungary và một số nước XHCN (cũ) ở Đông Âu và Hy Lạp gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng, đời sống của những người về hưu không được ổn định.
Nhưng tôi luôn tin đất nước và con người Hungary thông minh, giàu bản lĩnh, sẽ thích nghi nhanh và phát triển cùng EU và thế giới.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...