Tòa án Tỉnh Szeged đã ra chỉ thị tạm giam một tháng thanh niên cầm loa trong
vụ xô xát giữa một tốp người tỵ nạn và cảnh sát Hungary ở vùng biên giới Hung - Serbia, sau khi Trung tâm Phòng chống Khủng bố (TEK) bắt giữ đương sự vào thứ Bảy tuần trước.
Thanh nên này bị tình nghi một cách có cơ sở là đã vượt biên trái phép khi tham gia cuộc nổi loạn tập thể, và việc tạm giam anh ta được lý giải là để ngăn ngừa khả năng trốn chạy và thông cung. Được biết, đây là một người Syria sống ở đảo Síp và có giấy phép làm việc tại đó.
Đồng thời, Cảnh sát Hung cũng thông báo rằng, đương sự là thành viên hệ phái Hồi giáo mang tên Tablighi Jamaat, mà Hung coi là “sân tuyển mộ”, là một tổ chức hỗ trợ cho bọn khủng bố trong việc đưa người tới các quốc gia được lựa chọn.
Vậy là lý do khiến
chính quyền Hungary coi thanh niên này là khủng bố đã liên tục thay đổi trong những ngày qua. Thoạt tiên, chính quyền bảo đương sự có “hành vi khủng bố” vì anh ta cầm loa kích động một nhóm nhỏ tấn công biên giới Hungary.
Loa được coi là thứ mà đương sự có chuẩn bị từ trước, và do đó, chứng tỏ tính tổ chức của hành vi này. Ảnh những người nói vào loa được đưa lên trang chủ của Bộ Nội vụ Hung như những kẻ khủng bố bị truy lùng.
Cho dù, sau khi Thủ tướng Hung dùng từ “khủng bố” với đương sự trong một phát biểu trên Đài Phát thanh Quốc gia, báo chí Hungary đã hỏi nhiều cơ quan hữu quan của Hung, nhưng không đâu cung cấp được thông tin hay lời giải đáp nào khả dĩ.
Bên cạnh đó, một nhà báo ngoại quốc bị bắt khi tác nghiệp tại “chiến sự” nơi biên giới, và cùng bị giam với đương sự, thì cho hay là cô cùng nhiều người khác đã chứng kiến rằng, đương sự
nói vào loa những lời nhằm “hòa giải” đôi bên - người tỵ nạn và cảnh sát.
Giờ đây, chính quyền đã thành công trong việc tìm ra một tổ chức khủng bố mà Ahmed H. bị coi là thành viên. Tuy nhiên, theo phân tích của mạng index.hu thì việc “quy” cho thanh niên này là khủng bố vì anh ta là thành viên Tablighi Jamaat là chẳng có cơ sở gì.
Bởi lẽ, tổ chức tự coi là theo “trào lưu chính thống” (fundamentalism) này không những không có mặt tại bất cứ danh sách nào của các tổ chức khủng bố, mà ngược lại, nó còn hoạt động truyền giáo và tụng niệm hợp pháp tại 150 quốc gia trên thế giới với số thành viên là 80 triệu.
Theo một nghiên cứu của Viện Phân tích Chính sách An ninh Stratfor, Tablighi Jamaat là một tổ chức Hồi giáo thành lập tại Ấn Độ năm 1927, phổ biến ở vùng Đông Nam Á, ở Châu Âu thì được ưa chuộng tại Anh, hoạt động dựa trên những cộng đồng nhỏ.
Không có sự chỉ đạo từ Trung ương, Tablighi Jamaat có cơ cấu tổ chức “thoải mái” đến nỗi nó không có thành viên thường trực, ai thích có thể vào, ra tùy thích, do đó việc chính quyền Hung quy cho Ahmed H. tội là “thành viên” của tổ chức này là điều khá kỳ quặc, theo index.hu.
Hơn thế nữa, Tablighi Jamaat phi chính trị và chỉ tập trung dạy dỗ những luận thuyết vào đời thường đến nỗi, chính những xu hướng Hồi giáo mang tính “chiến đấu” hơn còn coi tổ chức này là một âm mưu của dân Do Thái và Ki-tô giáo nhằm “giải giáp” người Hồi giáo.
Theo index.hu, nếu bảo đây là một tổ chức hung hãn, thì cùng lắm chỉ có thể phê phán là các thành viên có hình thức truyền đạo trực tiếp, kiên trì và dai dẳng như kiểu “Nhân chứng Jehovah” là cùng.
Mặc dù theo chủ nghĩa bảo thủ, có cách tiếp cận truyền thống (Hồi giáo) về vai trò của phụ nữ và luôn theo khẩu hiệu “Trở về với Đấng tiên tri Muhammad”, nhưng Tablighi Jamaat bác bỏ việc lan truyền tín ngưỡng, cũng như việc giành chính quyền bằng bạo lực.
Chính vì tính phi chính trị đó mà nhiều thanh niên đã cảm thấy bực tức và đi tìm kiếm những trào lưu Hồi giáo “cấp tiến” khác, như trường hợp hai kẻ đặt bom ở London năm 2005, trước đó từng là thành viên của Tablighi Jamaat cho tới năm 2001.
Dựa trên những thông tin trên, index.hu bình luận rằng, bản thân việc ai đó có quan hệ với Tablighi Jamaat mà vội nghi họ là khủng bố, thì là điều chưa xác đáng.