HUNGARY LÀM CHUYỆN… KHÔNG GIỐNG AI!

Thứ ba - 15/09/2015 18:35

(NCTG) “Nhà nước Hungary sẽ đi ngược lại Công ước Geneva của Liên Hiệp Quốc (năm 1951) về vị thế của người tỵ nạn, nếu chính quyền Hung viện cớ người tỵ nạn nhập cảnh bất hợp pháp để đương nhiên bác đơn tỵ nạn của họ mà không cần xem xét”, theo bài viết trên nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) ngày 15-9-2015.

Người tỵ nạn bị mắc lại trước hàng rào biên giới, cho dù vẫn thuộc lãnh thổ Hungary nhưng phía Hung coi như họ chưa nhập cảnh Hung, và Serbia cũng không quan tâm tới họ - Ảnh: index.hu

Người tỵ nạn bị mắc lại trước hàng rào biên giới, cho dù vẫn thuộc lãnh thổ Hungary nhưng phía Hung coi như họ chưa nhập cảnh Hung, và Serbia cũng không quan tâm tới họ - Ảnh: index.hu

Nội các Hungary muốn điều mà chưa hề có ai thấy”, đó là tựa đề bài viết của tác giả Lencsés Károly đúng vào ngày Hungary siết chặt việc kiểm tra biên giới trên tinh thần các điều luật mới thông qua và vừa có hiệu lực pháp luật.

Bài báo cho hay, trên toàn tuyến biên giới Hungary - Serbia, người tỵ nạn chỉ có thể nhập cảnh tại các điểm được ấn định (ở Röszke và Tompa), còn toàn bộ tuyến “đường rừng” đã bị hàng rào dây thép gai và đội ngũ cảnh sát “khóa” chặt.

Hiện chưa rõ cơ chế làm việc của cơ quan quản lý ngoại kiều và tỵ nạn ở hai cửa khẩu trên sẽ ra sao trong thực tế những ngày tới, nhưng dường như chắc chắn là nó đi ngược lại với những chuẩn mực quốc tế.

Kể từ “thời kỳ mới” mà chính quyền Hungary thường nhấn mạnh, tại cửa khẩu Röszke, có thể hình dung thủ tục nhập cảnh sẽ như sau. Hàng rào tại nơi đó được cắt một mảng, và một chiếc thùng container được đẩy tới chỗ trống đó.

Cửa sổ của chiếc thùng đó ngang bằng với đường biên giới phía Hung, và người tỵ nạn trong suốt thời gian xử lý vụ việc sẽ vẫn ở bên phần lãnh thổ Serbia. Theo logic của chính quyền Hung, như vậy là sẽ giải quyết được hết vấn đề với người tỵ nạn.

Trong trường hợp khả quan, người tỵ nạn sẽ được vào chiếc thùng thông qua cửa ra vào ở phía Serbia. Chiếc container được coi là một “khu chuyển tiếp”, và tại đó, thủ tục “xử nhanh” sẽ được tiến hành theo điều luật mới được sửa đổi.

Tuy nhiên, trong cả quá trình đó, người tỵ nạn vẫn không được nhập cảnh Hungary theo nghĩa thực của khái niệm này, và chỉ khi Tòa thấy cần thẩm vấn trực tiếp họ, thì họ mới được hiện diện... từ xa, thông qua hệ thống “thu âm và hình ảnh khép kín”.

Đây là điều trái ngược hẳn với lời hứa trong tuần trước của Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ, ông Lázár János, theo đó người tỵ nạn sẽ được đăng ký rồi được chở tới những trại tiếp nhận (trại mở), và họ có thể ở đó cho đến khi vụ việc được giải quyết xong.

Thay vào đó, vào phút cuối, chính quyền Hung ra quyết định đẩy hết vấn đề sang phía Serbia và có thể quan ngại rằng với cung cách làm việc như thế, sẽ có rất nhiều người tỵ nạn tập trung la liệt ở vùng biên giới chỉ sau một thời gian ngắn.
 
Phận tỵ nạn - Ảnh: Veres Viktor (“Tự do Nhân dân”)
Phận tỵ nạn - Ảnh: Veres Viktor (“Tự do Nhân dân”)

Theo index.hu, những đơn xin tỵ nạn nộp ở cửa khẩu sẽ được xét nhanh, tối đa là có kết quả trong vòng tám ngày. Đơn sẽ bị loại tức thì nếu có thể viện dẫn được rằng, người tỵ nạn có khả năng ở lại Serbia, là quốc gia được Hungary coi là an toàn đối với dân tỵ nạn.

Đây sẽ là trường hợp của đa số, như Thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố trên TV2 của Hungary vào đêm hôm qua, theo đó tỉ lệ bác đơn sẽ cao. Trong trường hợp đó, có thể xin tòa án “xem lại”, và Tòa án TP. Szeged được chỉ định để làm việc này.

Tất nhiên, người tỵ nạn vẫn có thể tìm cách “vượt rào” vào Hungary theo từng nhóm nhỏ, tuy nhiên luật mới coi đây là hành vi phạm tội hình sự, các đương sự có thể bị bắt giữ, tạm giam, bị án tù treo kèm hình phạt trục xuất khỏi nước Hung trong vòng vài năm.

Bài viết trên “Tự do Nhân dân” cho hay, các chuyên gia và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, dân quyền đều cảm thấy rất khó lý giải về mặt pháp luật những gì diễn ra từ ngày 15-9.

Một điều chắc chắn, nếu người tỵ nạn đã ở trên lãnh thổ Hungary thì bằng mọi giá, cần xem xét đơn xin quy chế tỵ nạn của họ, kể cả khi họ vượt biên bất hợp pháp theo pháp luật sở tại.

Có thể truy tố họ vì tội vượt biên trái phép, nhưng thủ tục truy tố phải được tạm đình chỉ cho đến khi có quyết định cho họ tỵ nạn, hoặc đơn tỵ nạn của họ bị bác, và các quyết định đó có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, Nhà nước Hungary sẽ đi ngược lại Công ước Geneva của Liên Hiệp Quốc (năm 1951) về vị thế của người tỵ nạn, nếu chính quyền Hung viện cớ người tỵ nạn nhập cảnh bất hợp pháp để đương nhiên bác đơn tỵ nạn của họ mà không cần xem xét.

Liên quan tới những nơi mà người tỵ nạn có thể nộp đơn xin tỵ nạn, chưa ở đâu và chưa ai thấy hình ảnh đương sự phải đứng trên lãnh thổ của... nước khác và thò tay vào cửa sổ để đề đạt ý nguyện của mình!

Bà Pardavi Márta, đồng Chủ tịch Ủy ban Helsinki Hungary, cho rằng đối với những đối tượng cần có cách đối xử đặc biệt như phụ nữ có thai, trẻ em và người ốm (chiếm hai phần ba số người tỵ nạn), bằng mọi giá phải cho họ nhập cảnh Hungary.

Mặt khác, bà nhận định rằng, thông thường cứ ai xin tỵ nạn ở Hung thì cần cho họ vào Hungary. Bằng không, trong thời gian xét đơn, phải đảm bảo cho họ những nhu cầu ăn ở tối thiểu, nghĩa là ít nhất họ phải có nơi ăn chốn ở để nương thân.

Nếu chính quyền Hungary không làm điều này, cũng như không tạo dựng điều kiện để người tỵ nạn có thể nộp đơn một cách tử tế, và sự xem xét đơn thích đáng, thì có nghĩa là Hung sẽ đi ngược lại những công ước quốc tế và luật EU.

Trần Lê, theo “Tự do Nhân dân”


 
 Từ khóa: Hungary, người tỵ nạn
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn