Cho dù, thỏa thuận mới này chỉ được các bộ trưởng đặt bút ký vào ngày 23-9 tới, nhưng con tàu mang tên Ocean Viking - do hai tổ chức Pháp là “Bác sĩ không biên giới” (MSF) và “SOS Địa Trung Hải” vận hành (SOS Méditerranée) - đã được áp dụng cơ chế mới đó.
Bản chất của chương trình phân bổ mới đó là, từ trước khi các tàu cứu hộ cập cảng, các nước có liên quan đã quyết định về việc tái định cư cho người tỵ nạn. Chẳng hạn, Paris và Berlin mỗi nơi nhận 25%, nhưng chỉ trong số những di dân đủ quy chế xin tỵ nạn.
Con tàu Ocean Viking được phép cập bến Lampedusa, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Pelagie của Ý ở Địa Trung Hải. Một nửa số người tỵ nạn trên tổng số 82 người trên con tàu này được phân cho Pháp và Đức, phần còn lại vẫn đang chờ các nước Liên Âu khác tiếp nhận.
Trên con tàu đang thực hiện chiến dịch cứu hộ lớn đối với di dân đến từ Libya do tình hình chính trị và an ninh bất ổn, có hai người - một phụ nữ đang mang thai và chồng của bà ta - đã được đưa vào đất liền cách đây ít ngày, vì trạng thái sức khỏe của người phụ nữ có vấn đề.
Giai đoạn mới trong việc cứu nạn người di dân và tỵ nạn trên biển có nguồn cơn từ sự thay đổi trong chính sách nhập cư của Ý, xuất phát từ tân nội các Ý với sự tham gia của Phong trào Năm Sao (Movimento 5 Stelle - M5S) và Đảng Dân chủ (DP) theo cánh tả của nước này.
Thay vì quan niệm rất hà khắc của ông Matteo Salvini, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ý, theo đó cần khóa tất cả biên giới và hải cảng trước các tàu thuyền cứu nạn, tân Thủ tướng Giuseppe Conte chủ trương đề xuất một hệ thống phân bổ mới cho người di dân.
Roma muốn rằng, cứ 100 người tỵ nạn tới Ý, thì 10 người có thể ở lại nước này, còn 90 người sẽ được các quốc gia Liên Âu khác tự nguyện tiếp nhận. Như vậy, thỏa thuận quốc tế mới khiến Ý và Malta lại trở thành hải cảng Châu Âu đầu tiên trên lộ trình di dân Địa Trung Hải.
Điều đó có nghĩa là các hải cảng Ý sẽ lại được mở, và Ý và Malta lại nhận vai trò là các nước đầu tiên tiếp nhận và nhận diện người di dân và tỵ nạn. Được biết, Ủy ban Châu Âu sẽ nắm vai trò điều phối cơ chế phân bổ di dân giữa các nước Liên Âu trong tương lai.