- Là người đã và đang định cư tại nước ngoài chắc hẳn anh cũng nắm được phần nào những thông tin về thực trạng những người di cư bất hợp pháp tới các nước Châu Âu, trong đó có cả cộng đồng người Việt. Vậy anh có thể chia sẻ về những thông tin mà mình biết?
Vâng, di dân và tỵ nạn là vấn đề nóng bỏng luôn được chính giới cánh hữu Hungary duy trì trên chương trình nghị sự của nước này kể từ mùa thu năm 2015 tới nay. Hơn thế nữa, từ đầu năm 2016, tới giờ Hungary vẫn được chính quyền đặt trong “
tình trạng khẩn cấp do di dân hàng loạt”, khiến bất cứ ai cũng có thể bị kiểm tra mà không cần lý do gì, và khiến cảnh sát luôn luôn trong tình trạng “
trực chiến” trên toàn quốc.
Tất nhiên, tình hình không đến mức trầm trọng như vậy, tuy nhiên trong chừng nửa năm kể từ cuối hè 2015, Hungary đã trở thành một quốc gia trung chuyển của dòng người di dân và tỵ nạn đến từ vùng Nam Âu, chủ yếu qua ngả Serbia và khiến nước này đã phải xây một hàng rào dây thép gai dài gần 180km để ngăn chặn họ. Tuy nhiên, cũng đã có tới 430 ngàn di dân “
quá giang” Hungary để vào Châu Âu thời đó.
Đó là chuyện của di dân đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Còn người Việt cũng có không ít bà con hoặc ra đi từ Hungary, hoặc quá cảnh Hungary qua các nước Phương Tây như Đức, và đặc biệt là Vương quốc Anh, là nơi cách đây chừng 10 năm, khi Hungary lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính, đã có làn sóng thu hút không ít bà con tìm đường sang đó bằng nhiều cách, mà một tỷ lệ đáng kể là đi “
trồng cỏ”, tức cần sa.
- Vụ việc tại hạt Essex, Anh Quốc vừa rồi được cộng đồng người Việt nơi anh đang sinh sống đón nhận thông tin với thái độ và phản ứng như thế nào?
Tin dữ được đưa đồng loạt trên báo chí và các mạng xã hội hôm 23-10, đúng vào một trong 3 ngày đại lễ thường niên của Hungary, nên bà con chủ yếu có chương trình đi du lịch, gặp gỡ nhau... Tối hôm đó, tôi nhận được những tin nhắn đầu tiên, hỏi đã nghe tới vụ này chưa. Một đồng nghiệp báo chí tại Ba Lan, cho dù chưa rõ quốc tịch của họ, ngay lập tức, đưa ra nghi vấn có thể có người Việt trong số các nạn nhân.
Bởi lẽ, theo nhận định của nhà báo này (xin trích) “
người Việt luôn đứng trong Top những vụ vượt biên bị bắt giữ ở Ba Lan và Anh là một trong những đích đến hấp dẫn của người Việt, nên rất có thể các đồng hương Việt Nam cũng sẽ “góp mặt” trong thảm kịch này”. Ý kiến đó của nhà báo - dựa trên những quan sát về các vụ di dân chui - đã được thảo luận sôi nổi, và rất đáng buồn là khả năng nó có cơ sở sự thật.
Tôi đã có dịp trao đổi với khá nhiều bạn bè, người quen, là cư dân các khu vực có nhiều người ra đi ở miền Trung, thậm chí có người cùng xã với một nạn nhân giả định là cô Trà My. Tất cả đều bày tỏ nỗi buồn, ngậm ngùi trước một kiếp người trong hành trình phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, đồng thời, cũng chia sẻ những suy nghĩ, những thực tế liên quan tới hiện tượng di dân lậu, mà tôi xin tóm lược ở phần sau.
- Có thể thấy với một lượng hàng hóa trung chuyển lớn như vậy, kiểm tra toàn bộ các container qua các cảng biển là điều không khả thi. Thưa anh, qua những thông tin vừa rồi, có phải việc hạn chế về kiểm tra an ninh tại các cảng biển ở Anh hay một số quốc gia châu Âu chính là kẽ hở để người nhập cư bất hợp pháp liều mạng vượt biên bằng mọi giá?
Châu Âu bây giờ đã trở thành một mái nhà chung, nên bất cứ ai đặt chân được vào Liên Âu (hay nói chính xác hơn là nhập cảnh một trong 26 quốc gia thuộc “
không gian phi thị thực” Schengen), thì trong thực tế người đó có thể đi lại tự do ở tất cả các quốc gia khác trong khối mà ít khi gặp sự kiểm tra hoặc rà soát nào. “
Vượt biên” trong khối Liên Âu, như vậy, không còn là chuyện nguy hiểm, mà trở nên quá “
phổ thông”.
Ngược lại, nhập cảnh khối Schengen từ các quốc gia “
bên ngoài” như Ukraine, Serbia..., hoặc đặc biệt, từ Châu Âu lục địa tới Vương quốc Anh phải vượt biển, đương nhiên là hành trình gian nan và thực chất hàm chứa nhiều rủi ro hơn cả. Trong những ngày gần đây, trên báo chí và các mạng xã hội, đã xuất hiện rất nhiều bài viết về những hiểm nguy, rủi ro kinh hoàng, thậm chí kéo dài nhiều tuần, đối với di dân lậu tới Anh.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, kiểm tra toàn diện trên các cảng biển là điều không khả thi như đã thấy. Thêm vào đó, những quốc gia có liên quan trong hành trình này như Bỉ, Pháp... có quá nhiều việc cần bận tâm đối với di dân đến từ Trung Đông hay Bắc Phi, do đó, có thể hình dung là những chuyến đi đặc biệt dành cho di dân Việt, không ai có thể kiểm tra riêng được. Dầu hiểm nguy, nhưng người Việt muốn đi vẫn đi, là vậy.
- Không ít khán giả thắc mắc rằng, tại sao nhiều người trong số 39 nạn nhân thiệt mạng trong sự vụ vừa rồi lại muốn tới nước Anh trong khi họ có thể dừng lại tại Pháp hay Bỉ để mưu sinh? Anh có thể chia sẻ nhận định của mình?
Có dịp trao đổi với nhiều bà con, cá nhân tôi nghĩ, nước Anh được coi là “
miền đất hứa” thu hút di dân Việt, một phần chính bởi những người đi trước, và các băng đảng buôn người, vẽ nên một hình ảnh lý tưởng về nơi đó: dễ dàng kiếm việc làm (ví dụ nhà hàng, móng tay...), không mấy khi bị cảnh sát kiểm tra và mức thu nhập cao hơn nhiều so với ở các nước khác (đương nhiên, đặc biệt là với những công việc dính tới cần sa).
Đương nhiên, những nỗi khổ của di dân, từ sự cực nhọc trong công việc tới khả năng họ trở thành những nô lệ thời hiện đại một cách tủi nhục sẽ ít được nhắc tới, trong những thông tin gửi về nhà hoặc ngay cả cho lớp người chuẩn bị đi. Tuy nhiên những thành quả do họ làm ra và gửi về, những đồng tiền ngoại hối, những ngôi nhà khang trang ở vùng quê nghèo khổ, thì ai cũng thấy và là chất xúc tác cho nhiều người ra đi.
Không thể không nhắc tới một yếu tố khác, là đường dây đưa người có tổ chức qua Anh - như một ngành công nghiệp - hoạt động rất mạnh và đến tới từng người dân ở những làng xã xa xôi và ít thông tin, có thể tạo một cảm giác là chỉ mưu sinh ở Anh mới có thể kiếm tiền nhanh chóng và có phần dễ dàng cho những nhu cầu của bản thân, và cho gia đình. Đó là điều mà ở Pháp, Bỉ hay ngày cả Đức họ cho là không làm được.
- Sau khi theo dõi phóng sự vừa rồi, tôi rất ấn tượng với câu nói trong phần kết của phóng sự, đó là “họ chưa hình dung được cuộc sống, nhân phẩm của một người không được pháp luật bảo hộ là như thế nào”. Vâng có thể nói đó là sự thiếu hiểu biết trong nhận thức của những người chọn con đường bất hợp pháp để ra nước ngoài lao động chui. Vậy đã từng tiếp xúc với những người như vậy, anh có thể chia sẻ về những câu chuyện người thật, việc thật mà anh biết để khán giả có thể hiểu hơn về “lý do” khiến họ bất chấp, quyết tâm đổi đời nơi xứ người?
Di dân là câu chuyện rất mang tính cá nhân, là sự lựa chọn của từng con người, tất nhiên có sự tác động của yếu tố tập thể và xã hội. Tôi chỉ có thể nói về vài trải nghiệm cá nhân. Thứ nhất là với một số người quen, từng sinh sống và làm ăn nhiều năm tại Hungary, nhưng do những khó khăn trong sinh kế thời kỳ Hungary gặp khủng hoảng tài chính và pháp luật nước này siết chặt việc kinh doanh, nên đã chọn Anh để đi tiếp.
Con đường qua Anh của họ không nguy hiểm như của 39 di dân tử nạn vừa rồi vì họ có thể đi theo cách khác, tuy nhiên nhiều người đã chọn cách khởi nghiệp được cho là dễ dàng và hiệu quả nhanh nhất với họ ở một đất nước mới, khi không thạo ngôn ngữ và không có tay nghề, đó là trồng cần sa. Đây là một sự lựa chọn có ý thức, vì họ biết những hệ lụy và đặt lên bàn cân với khoản thu nhập họ có thể kiếm được.
Trái lại, đối với những người LĐXK qua Hungary hiện tại - khi nước này sau rất nhiều thập kỷ mới nhận “
đại trà” lao động Việt - thì lại hầu như không có thông tin gì xác thực về cuộc sống và công việc bên này, mà chỉ đơn thuần dựa vào lời quảng cáo và hứa hẹn - nhiều khi rất sai lạc của các công ty môi giới. Tôi nghĩ rằng, nếu sang Hung, rất có thể chặng tiếp tới của họ sẽ là ở Anh hay một nước Tây Âu nào khác...
- Theo anh, sau những sự vụ đáng tiếc như vậy, không chỉ để lại hậu quả cho mỗi cá nhân và gia đình mà sẽ còn gây ra hệ lụy như thế nào tới cộng đồng người Việt ở nước sở tại cũng như hình ảnh của Việt Nam?
Cần phải nói rằng, vì nhiều lý do - không nắm rõ thông tin, ước vọng thoát nghèo và làm giàu nhanh quá cháy bỏng, hoặc chuyện thể diện... - nên khi ra quyết định đi bất hợp pháp, những yếu tố như hậu quả cho cá nhân và gia đình, hay cho cộng đồng nói chung ít được để tâm, so với khi chúng ta ngồi lại khi sự kiện đã xảy ra như thế này. Điều này tôi nghĩ không những đúng với người ra đi, mà còn ứng với cả gia đình của họ.
Hậu quả cho cá nhân và gia đình thì đã rõ: bên cạnh sự mất mát về tình cảm, gia đình mất một người con và rất có thể là lao động chính, niềm hy vọng khiến tất cả tìm cách gom tiền bạc cho họ ra đi, chưa kể món nợ chi cho chuyến đi còn đó. Hệ lụy đối với cộng đồng Việt ở Châu Âu nói chung và nước sở tại nói riêng cũng rất nhỡn tiền: Châu Âu để tâm hơn tới di dân bất hợp pháp người Việt và có những biện pháp đề phòng.
Thắt chặt chế độ cấp thị thực, siết chặt kiểm tra tại những vùng hay có di dân lai vãng, hoặc những ngành nghề có nhiều người nước ngoài làm chui, v.v... mới chỉ là những biện pháp “
trông thấy”. Nhưng ấn tượng của người Châu Âu trước những tin tức, hình ảnh... về những di dân sẵn sàng đổi mạng sống để nhập cảnh một cách phi pháp, và những sự việc kéo theo sau đó, theo tôi là điều tiêu cực cho hình ảnh một quốc gia.
- Có lẽ không có sự tuyên truyền nào hiệu quả bằng việc tự thức tỉnh trong nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình đang có ý định đánh đổi hiện tại để đặt cược vào “ván bài sinh tử” nơi đất khách quê người. Theo anh, điều đó cần được nhìn nhận thực tế hơn nữa như thế nào?
Trò chuyện với một số bà con sinh sống tại những vùng quê có nhiều người ra đi, tôi nghĩ là những tin tức, bài viết, phân tích xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây về thực trạng khắc nghiệt của mưu sinh nơi xứ người, và con đường cay đắng, nghiệt ngã để tới “
miền đất hứa” sẽ khiến nhiều gia đình có thêm được thông tin, cơ hội suy nghĩ về việc có nên dồn lực để cho con em mình đối mặt với tử thần như vậy không.
Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Sẽ vẫn có một tỷ lệ ra đi bằng mọi giá, vì cho rằng xác suất rủi ro không lớn, và khả năng kiếm tiền (bất kể giá nào) vẫn là hiện thực. Chừng nào những vấn đề của địa phương (mặt bằng thu nhập, công ăn việc làm, môi trường, chất lượng giáo dục, y tế, sự bình đẳng...) chưa được cải thiện và đảm bảo, chừng ấy cư dân sẽ vẫn ra đi, gần thì tới những thành phố lớn, xa hơn thì “
xuất ngoại”.
Tăng cường thông tin xác thực (từ chính quyền tới chính các gia đình, cá nhân đã có người lao động ở nước ngoài, v.v...), triệt xóa những đường dây đưa người hay môi giới vô lương tâm... là những biện pháp có thể làm được, bên cạnh việc gia tăng ý thức và phẩm cách của chính mỗi người dân: nói “
không” với di dân lậu và những công việc phi pháp, dẫn tới nhiều hệ lụy (bị hành hung, chết chóc, trở thành nô lệ lao động...).
- Để có thể làm việc hợp pháp hay định cư tại nước ngoài, theo anh cần phải chuẩn bị hành trang gồm những gì?
Thông tin và nền tảng văn hóa cơ bản của nước sở tại, theo tôi, là những hành trang quan trọng bậc nhất để có thể trụ lại, với công việc và cuộc sống nhìn chung là khắc nghiệt đối với người đến từ xa. Bên cạnh đó, dù chỉ xác định làm việc vài ba năm, nhưng mỗi người cũng nên có ý thức học hỏi, tiếp thu và phần nào hội nhập, để thành quả của những năm tháng lao động không chỉ là tiền mà còn là những giá trị của Châu Âu.
Chính những giá trị của Châu Âu, mà đa phần đều thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo, khiến người dân của họ thường có sự đối xử rất nhân đạo, tôn trọng người đối diện, tưởng là cá nhân nhưng rất có tình cảm với đồng loại, điều mà chúng ta cũng được thấy phần nào trong vụ việc này. Người Việt mới qua, nhiều khi không hiểu được nền tảng đạo đức đó, lại thấy đấy là cơ hội để mình dễ lợi dụng - một điều rất đáng buồn!
Và cuối cùng, ra tới nước ngoài tìm cách sinh kế, tôi nghĩ rằng mỗi người Việt đều rất cần sự hỗ trợ của chính những người Việt khác, kể cả những người đi trước hay đội ngũ những công ty môi giới, dịch vụ, thực chất sống bằng người lao động. Hãy giúp họ trong cuộc sống vốn đã cực nhọc và bươn trải ở xứ người, đừng để họ mất hướng với những điều thất thiệt, đẩy họ tới những quyết định thiếu sáng suốt và lạc đường...
(*) Có thể xem toàn bộ chương trình trên kênh VTV4 tại đây.