(NCTG) “Dù sống trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa ai cũng nên biết thế nào là “đủ”: của cải, vật chất, địa vị, danh vọng, sức lực… Nhưng đối với tình cảm, có lẽ chẳng bao giờ là đủ vì người mà không cần nhu cầu tình cảm nữa thì coi như chẳng muốn tồn tại thêm”.
Cùng bố - đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trước bàn thờ ông nội, cố GS. Đặng Văn Ngữ (sáng mồng Một Tết Kỷ Hợi) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm nay tôi vượt chặng đường hơn tám ngàn cây số để “về quê ăn Tết”. Nghe có vẻ xa xôi vô lý nhưng mà đúng thế thật: tôi định cư ở Châu Âu, sinh ra lớn lên ở Hà Nội, đời bố mẹ ông bà cũng đã sống tại thủ đô nên tôi chẳng có quê quán nào khác. Thời buổi này ai cũng kêu chán Tết, kêu mệt vì Tết, chỉ muốn đi đâu chơi lánh Tết đi… Riêng đối với tôi, Tết vẫn luôn là một thời điểm đặc biệt trong năm.
Rục rịch chuẩn bị đón Tết
Khái niệm này thực ra rất khó giải thích. Chẳng phải vì đường phố chăng đầy khẩu hiệu “Mừng Đảng Mừng Xuân” mà thật khó hiểu về mối liên quan giữa hai khái niệm, hay đèn hoa nhấp nháy quanh Bờ Hồ mà tạo không khí Tết. Mấy năm trở lại đây, chẳng cứ Tết hay không, phố phường Hà Nội lúc nào cũng đông nghịt người hối hả kẹt xe tắc đường. Ai cũng mua sắm chuyên chở cái gì đó và càng gần Tết, mật độ những đốm hoa đào, quýt cảnh di chuyển trong dòng người ngày càng tăng.
Phải công nhận nghề trồng hoa đào Tết hiện nay phát triển “siêu đẹp” với nhiều thể loại lạ mắt không kể xiết: ngoài đào cành còn có đào cây, đào cổ thụ, đào mini, đào uốn lượn các thế và nhất là đào rừng. Hình dung các khu rừng chắc trơ trụi vì dân miền núi chặt mang về thành phố bán mà thương xót. Nhưng nếu đã chặt rồi mà không bán được cũng khổ cho cả đào, cả người chuyên chở nặng nhọc mong no đủ mấy ngày Tết.
Mua bán giò chả, gà lợn, măng bóng thật ra có thể giải quyết trong nửa tiếng đi vào siêu thị, vậy mà nhà ai cũng tấp nập đặt chỗ này, hẹn chỗ kia, khuân khuân vác vác chật cả thang máy. Bà nhà tôi có một chị bán gà quen. Bình thường chị ấy mang gà tới, giúp bà rửa sạch, một tay chặt gà bôp bốp trên thớt để bà kho gừng, một tay điện thoại di động viber nhoay nhoáy với cô con gái đang du học bên Anh (nghe nói em này học đi học lại đến tận khi lấy được chồng bên đó mới thôi). Năm nay, mẹ chị bán gà ốm nằm bệnh viện nên chỉ thấy chị ấy gọi điện “cháu sẽ síp (ship) gà đến cho cô”.
Hàng hoa quả, hoa cúng bán rong tràn ngập đường phố. Họ len lỏi vào từng góc hẻm của từng khu nhà, chất trên xe đạp thúng quả tươi, hoa tươi đủ mọi mầu sắc nên nhiều khi không có nhu cầu mà bà cũng vẫn mua về cắm thêm cho vui cửa vui nhà.
Ăn uống tổng kết năm
Có thể nói Hà Nội là thiên đường của các thể loại hàng quán ăn uống. Mỗi năm nhà hàng lại mở ra với tốc độ chóng mặt - từ quán Tây, quán Mỹ, quán Ý đến quán Tầu, quán Nhật, quán Hàn và các thể loại quán ăn truyền thống ba miền.
May cho tôi, vài nơi đến ăn đều thấy ngon miệng, nóng sốt, đảm bảo chất lượng. Điều mệt mỏi nhất của việc đi quán là không khí ồn ào. Có thể do quán ngon hay có tiếng nên đông khách, thường mọi người đi cả tốp liên hoan cơ quan, liên hoan khách hàng đối tác, liên hoan bạn bè, liên hoan gia đình nên ai cũng cười nói chém gió. Có muốn cũng không thể nhỏ nhẹ được, phải hét thật to người ngồi ngay bên cạnh mình mới nghe thấy.
Cho dù đã xa nhà đến mấy chục năm nhưng đối với tôi, không gian ăn uống phố cổ hay vỉa hè vẫn là quen thuộc thích thú nhất. Bà bánh cuốn Thanh Trì biết rõ khách nào thích nước chấm ấm, ai ăn nhiều ớt hay hành phi. Chị hàng xôi xéo từ chối bán thêm đậu xanh vì gần Tết bận nấu xôi gấc. Hàng cháo đêm hỏi mua cho người ốm hay vợ đẻ để quyết định bán loại cháo gì.
Phần lớn năm nay tôi ăn cơm ở nhà với ông bà. Sau khi đã đàng hoàng cơm cá kho rau luộc chấm trứng, tối ra đường cà phê cà pháo lại vác về bánh bao, bánh mỳ, hay bánh chuối… Tóm lại đã sống khu phố cổ mà không ăn quà không thể được và khéo đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông bà chẳng muốn chuyển nhà đi đâu xa.
Chiều ba mươi Tết
Phố phường chiều ba mươi Tết bắt đầu thưa người, hàng quán đóng cửa hết, trên vỉa hè chỉ còn lại chú gà trống mào đỏ đuôi cong oai vệ chân đã bị buộc vào cột chờ phút hóa kiếp, một cô vác cây quất ra đường đổ nước rửa hết cành lá cho tươi, ở góc đường bác thợ cắt tóc cạo nốt cái đầu húi cua cho một cậu bé mặt mày nhăn nhó vì mẹ nó cứ bảo “bác cắt ngắn lên, tóc nó mọc nhanh mà tháng Giêng kiêng không cắt tóc”.
Mấy chị quét đường vẫn cầm chổi xể, thứ chổi dài bằng tre nứa của vài chục năm về trước lia nốt những đống rác to đùng của hàng quán vứt lại. Cứ nhìn các chị mà thấy xót xa: xã hội ngày càng phát triển, đủ thứ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ba bốn chấm mà số phận phụ nữ nghèo vẫn khổ, vẫn lao động cực nhọc với những trang thiết bị cổ lỗ sĩ.
Năm nào chiều ba mươi Tết tôi cũng ra hồ Hoàn Kiếm. Ngồi xuống một cái ghế, tôi nhìn dòng người đông đúc cuối năm và nhớ lại những phút giây của năm cũ. Nhớ lại thời thơ ấu nhà mất điện, mẹ phải đèo xe đạp ra bờ hồ nằm ghế ngủ cho mát, đến lúc mình đẩy xe anh cu con quanh bờ hồ và năm nay ông bà đã yếu đau lưng đau chân không đi được nữa.
Cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh, cuộc sống như một cuốn phim mà cảnh vật ít thay đổi: vẫn hàng cây, mặt nước, tháp rùa, cầu Thê Húc…, chỉ có những gương mặt và con người là khác. Chẳng biết bao nhiêu người đã từng qua đây và mấy ai có kỷ niệm gì với chốn này?
Điều thích nhất của Tết
Phải chăng là tận hưởng không khí Tết tràn ngập các phố phường hay thưởng thức các món ăn dân tộc hoặc đi chơi du xuân dã ngoại? Đối với tôi, ấn tượng nhất ngày Tết là gặp được nhiều người.
Kể cả gặp những người cỗi âm như đi thăm mộ, thắp hương lên bàn thờ ông bà tổ tiên, nén nhang cho người cậu họ mất trẻ hay tưởng niệm dưới chân tượng đài của ông nội tôi ở viện do ông sáng lập ra trong không gian tĩnh lặng. Vào những ngày giáp Tết, cảm giác như mỗi quan hệ âm dương được Trời Đất phù hộ cho gần gũi hơn.
Tôi thích gặp bọn trẻ con nhố nhăng hăng hái đòi xé tung gói quà tặng, mặt mày rạng rỡ đón phong bì lì xì hay cảm động đến rơi nước mắt khi đi thăm bà giáo dậy đàn cuả mẹ tôi nay đã trên trăm tuổi mà vẫn minh mẫn trò chuyện với học sinh cũ, ánh mắt lanh lợi kể chuyện đời thường và những ngón tay già nua hơi co ro vẫn lướt trên các phím đàn. Những cuộc găp gỡ như vậy luôn tiếp thêm rất nhiều năng lượng cho tôi.
Anh chị em họ hàng ăn với nhau bữa cơm hay cùng nâng chén rượu Tết. Mấy đứa cháu trong trí óc tôi tưởng như trẻ con giờ đã trưởng thành hiểu biết, học hỏi thêm được chúng nhiều điều.
Không phải cuộc gặp mặt nào cũng toàn niềm vui và tiếng cười. Mới cách đây một vài năm thôi, cô ruột tôi còn đi lại được, giờ đã nằm tại chỗ trên giường. Cũng vẫn biết căn bệnh mãn tính của cô kéo dài được đến giờ phút này cũng là may mắn lắm, phút chia tay muốn nói lời động viên cô gì đó mà hai cô cháu cứ chỉ ôm nhau khóc, mặc kệ nước mắt tuôn ra ướt đẫm cả áo dài Tết với phong bì mừng tuổi.
Chạy sô nhiều nhất là gặp tụi bạn bè. Bạn cấp một, bạn cùng trường, bạn cùng lớp, bạn của mình và bạn của bạn… Bây giờ mỗi đứa mỗi nghề mỗi nghiệp mỗi hoàn cảnh, nhưng tựu chung bọn tôi đều sinh ra cùng một gian đoạn hậu bom đạn của đất nước, cùng lớn lên trong bối cảnh xã hội thởi bao cấp, cùng ngồi học trên ghế dưới mái trường XHCN, được rèn luyện qua bao năm tháng nên cho dù tính cách mỗi đứa mỗi khác, chúng tôi luôn cảm nhận được mình có những kỷ niệm gắn bó chung.
Đứa nào cũng ào ào tranh nhau nói chuyện trên giời dưới biển từ ôn nghèo kể khổ đến chuyện con cái công việc hiện nay. Đã là bạn, có lẽ cái đáng quý nhất là cảm giác được chia xẻ. Đứa thành công trong sự nghiệp hay đứa trắc trở trong tình duyên đều bình đẳng khi ngồi “chém gió” với nhau rồi cười đến đau cả bụng. Thực ra mỗi người đều phải tự lựa chọn lấy đường đi cho mình, nhưng ai có bạn cùng sở thích, hợp suy nghĩ, thông cảm được cho nhau là người quá may mắn.
Ngồi trên chuyến máy bay quay về Châu Âu, đầu óc tôi toàn nghĩ đến những chuyện vụn vặt như: quên chưa chỉ dẫn lại cho bà các chức năng của iPad, cái đèn bếp của bà bị cháy, đã tháo bóng ra nhưng chưa kịp mua cái khác thay, mình mà đi rồi thì ai mà đến tiêm khớp cổ chân cho ông được nữa hay không biết cái thuốc huyết áp mới điều chỉnh cho ông thế có ổn không? Nhớ lại những lúc bà sai rửa rau tráng trứng như thời tôi còn đi học hay những lúc hai mẹ con đi chọn áo dài, cùng dừng chân ăn bát bún bò Huế. Nhớ lại những tấm ảnh selfie với ông ở Thủy Tạ hay cảnh hai bố con ngồi uống trà xu vỉa hè…
Đúng là thời đại thế hệ số, con người ta chỉ di chuyển vài tiếng đồng hồ đã lại sang một không gian khác và lượng tin nhắn hàng ngày qua viber, FB messenger có khi nhiều hơn cả thời gian người ở nhà trực tiếp gặp gỡ nhau. Vậy mà vẫn cảm thấy chưa đủ, thấy thiếu!
Tôi nhớ năm nay chương trình đón năm mới trên TV có một anh chúc mọi người chữ “ĐỦ”. Tôi công nhận dù sống trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa ai cũng nên biết thế nào là “đủ”: của cải, vật chất, địa vị, danh vọng, sức lực… Nhưng đối với tình cảm, có lẽ chẳng bao giờ là đủ vì người mà không cần nhu cầu tình cảm nữa thì coi như chẳng muốn tồn tại thêm.
Châu Âu cuối tháng 2, về mặt lý thuyết vẫn là mùa đông nhưng năm nay về ăn Tết xong quay trở lại tôi thấy sao le lói lắm ngày nắng ấm, trời xanh, gió lặng. Ngày Valentine, thiên hạ lại đổ xô nhau đi tìm tình yêu còn tôi lại mong có dịp “về quê ăn Tết”.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...