Hỏi và đáp về bãi công tập thể: NGÀY MAI TỚ ĐI ĐÌNH CÔNG

Thứ hai - 10/12/2018 05:08

(NCTG) “Không được nhìn nhận một cuộc đình công chỉ theo khía cạnh nó gây hại gì cho cá nhân cậu, vì điều này không dẫn tới bất cứ cái gì cả. Đoàn kết tức là trong trường hợp tương tự, mọi người cũng sẽ ủng hộ nếu cậu đình công”.

Họa phẩm “Đình công” (1895) của danh họa Munkácsy Mihály

Họa phẩm “Đình công” (1895) của danh họa Munkácsy Mihály

Lời Tòa soạn: Trong khi ở Việt Nam, đình công thường bị nhìn với con mắt tiêu cực “ảnh hưởng đến trật tự, an ninh chính trị, an toàn xã hội”, và tổ chức công đoàn quốc doanh mang tính chính thống - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - thường đặt mục tiêu hạn chế, tuyên truyền để ngăn giảm đình công thì trái lại, trên thế giới, từ nhiều thế kỷ nay đình công đã được xem như một công cụ hữu hiệu và hợp hiến để người lao động bảo vệ lợi ích của mình trong công việc.

Cho dù có sự khác biệt đáng kể về quan niệm và hệ thống luật liên quan tới vấn đề đình công của Việt Nam và Hungary, về mặt thông tin, sẽ có ích nếu chúng ta xem Hungary có cách tiếp cận như thế nào với chủ đề này. Bài viết sau đây được soạn theo dạng đối thoại dân dã và dễ hiểu, trên tinh thần: “Để bạn khỏi “quê” khi phải cất lời trong một đám đông. Sẽ có người, thay bạn, đặt những câu hỏi đơn giản nhất mà có thể bạn không dám đặt...” (NCTG).
 
Họa phẩm “Đình công” (1886) của họa sĩ Robert Koehler
Họa phẩm “Đình công” (1886) của họa sĩ Robert Koehler

- Tớ muốn lương cao gấp đôi bây giờ nên mai tớ đi đình công. Tớ sẽ không tới chỗ làm, có gọi điện cho tớ đi nữa, tớ cũng sẽ bảo, “sếp à, em sẽ nghỉ việc một thời gian, khi nào sếp tăng gấp đôi lương cho em thì em sẽ đi”.

Hì hì, cái đó không phải là đình công, mà là cậu trốn việc. Khả năng là sếp cậu sẽ cười ngặt nghẽo, và “đá” cậu như bỡn.

- Tại sao?

Vì đình công tức là nhiều người lao động ngừng làm việc một cách có tổ chức, thường là vì cảm thấy bất bình đối với điều kiện lao động, chế độ tiền lương... như cậu, nhưng phải mang tính tập thể. Có luật điều tiết chuyện đó.

Theo luật định thì thoạt tiên, đại diện của người lao động và bên tuyển dụng lao động phải đàm phán với nhau, và nếu không đạt được thỏa thuận thì người lao động có quyền hiến định là ngừng việc tập thể để gây áp lực cho giới chủ.

- Vậy đây là một thứ “đấu tranh giai cấp” phải không? Có nhà máy xí nghiệp, công đoàn, rồi cộng sản giật dây, v.v...?

Cũng không hẳn. Một trong những cuộc “đình công” đầu tiên trong lịch sử là vào năm 1152 (trước Công nguyên) tại Ai Cập, khi giới thợ xây lăng cho Hoàng đế Ramesses Đệ tam không nhận được lương và đói khát. Còn ở Hungary thì cuộc đình công đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1525

Tất nhiên, khái niệm đình công hiện đại về căn bản gắn liền với phong trào công nhân thế kỷ 19, nhưng giờ đây thì không nhất thiết gắn liền với ý thức hệ chính trị nữa. Nếu người lao động bất bình vì thấy bị lợi dụng, lương lậu ngày càng ít giá trị, thì họ có thể đình công tập thể.

- Khó gì đâu nhỉ, sao giới chủ không tống cổ họ và nhận người khác?

Là vì pháp luật không cho phép! Ở Hungary như đã nói ở trên, để đảm bảo lợi ích của người lao động về kinh tế và xã hội, quyền đình công được ấn định trong Hiến pháp, Luật Đình công và Luật Lao động, và không thể sa thải người lao động vì lý do đó.

Trong thực tế, giới chủ cũng không phải dễ dàng có được thợ giỏi, thạo việc. Cho nên, ở một mức độ nhất định, giới chủ và người lao động có mối quan hệ tương hỗ và người lao động giỏi thì ít có nguy cơ bị thôi việc, kể cả do trù dập.

Tuy nhiên, cần phải thấy là đình công nhiều khi là cả một sự trả giá với những rủi ro ở mức độ khác nhau. Người tham gia đình công đã không được nhận lương và tiền thưởng cho thời gian nghỉ việc, cái đó đã đành.

Mà dầu sao đi nữa, họ cũng thường có nỗi lo phải đối mặt với những trù dập có thể xảy ra trong tương lai từ giới chủ, nên đình công không chỉ đơn thuần chỉ là hành động thực hiện quyền biểu đạt, mà còn là một sự dấn thân!

- Nghiệp đoàn có thể làm gì cho họ?

Thực ra, mỗi cơ sở lao động đều có đại diện và người lao động hoàn toàn có thể không tham gia công đoàn nào cả vẫn có thể thực hiện quyền đình công của mình. Tuy nhiên, nếu muốn lợi ích của mình được bảo vệ và đại diện, rất cần tổ chức nghiệp đoàn độc lập.

Gia nhập nghiệp đoàn, ngoài việc được hỗ trợ đình công hay những biện pháp khác để cải thiện chế độ làm việc, tăng lương, v.v..., người lao động còn tránh được nhiều rủi ro như khi bị giới chủ trù dập, thậm chí tìm cớ sa thải do hoạt động đấu tranh của mình.

- Chuyện khác. Tớ thấy ở Budapest, ví dụ tài xế BKV (Công ty cổ phần Giao thông Công cộng) cứ “đến hẹn lại lên” là họ đình công hoặc “dọa” sẽ ngừng việc. Họ đói lắm à, kiểu như thợ Ai Cập, mà muốn đình công?

Không, nhưng họ muốn có lương cao hơn mức mà công ty trả cho họ. Ai cũng vậy thôi, không ai muốn nếu với đồng lương ấy, ngày càng mua được ít sữa, bánh mỳ, thịt hay rượu bia. Và còn bao nhiêu nhu cầu “văn - thể - mỹ” khác nữa chứ.

- Họ kiếm được ít tiền thế à?

Năm 2017, tài xế BKV có mức lương tối thiểu chừng 300 ngàn Forint chưa trừ thuế, tức là cầm tay độ 200 ngàn. Trong các thông báo tuyển dụng, BKV quảng cáo mức lương của tài xế lái xe buýt và tầu cần có thể đạt tới 400 ngàn Forint chưa trừ thuế, tất nhiên là phải làm thêm giờ (báo chí tính ra là thêm 50 giờ hàng tháng).

Ngoài ra, nếu có “thâm niên công tác”, họ có thể đạt mức lương cầm tay 350-400 ngàn, và thêm tiền ăn uống, và ai ở tỉnh thì được thu xếp chỗ ở nữa. Thông thường họ còn được vé đi lại miễn ví cho hai thành viên gia đình...

- Thế thì họ còn muốn gì nữa, “được voi đòi tiên”? Thu nhập vậy hoàn toàn không tệ!

Tất nhiên nhiều nhân viên BKV không được đến thế, và chuyện nhiều hay ít cũng mang tính tương đối. Tài xế ở Budapest lương cao hơn ở các tỉnh, thậm chí có lần thị trưởng thủ đô còn bảo, lương tài xế còn hơn lương giáo viên...

- Quá trớn!

Thì tớ nói rồi, vấn đề nhiều, ít là tương đối. Giáo viên ở Hungary khét tiếng là lương thấp, nhưng công việc của tài xế cũng có sướng gì đâu. Dậy từ tờ mờ sáng, có khi làm tới quá nửa đêm mới được ngừng tay ngừng chân.

Trời nóng như lửa, tay lạnh tê tái cũng phải lái, đêm Giáng sinh hay Giao thừa lúc cậu ăn nhậu hay đi chơi, thì họ vẫn phải làm việc mà. Chưa nói lắm khi gặp hành khách cà chớn, phải chịu trách nhiệm về an toàn của khách trên xe.

Bực bội cũng phải cố kìm, nhiều khi bị... Tào Tháo đuổi cũng không thể “ngồi trong hố xí đợi ngày mai” được vì khách còn chờ và xe thì phải đi chứ. Ngoài ra, vui lên muốn uống cốc bia để mừng “đội ta thắng trận” cũng đâu có được...
 
Đình công của nhân viên ngành đường sắt Hungary (MÁV) - Ảnh: kettosmerce.blog.hu
Đình công của nhân viên ngành đường sắt Hungary (MÁV) - Ảnh: kettosmerce.blog.hu

- OK, OK, hồi năm ngoái cũng thấy tài xế BKV rậm rịch “dọa” đình công suốt, rồi đến thời hạn họ lại tuyên bố “tạm ngừng”, là sao?

Vì họ nhận được lời hứa hẹn của chính quyền thành phố Budapest, là chủ sở hữu của BKV. Lương của họ được tăng 10+5% và theo lời Thị trưởng Tarlós István, mức tăng này còn cao hơn mức mà nhân viên các doanh nghiệp nhà nước được nhận - đây là điều các nghiệp đoàn đòi cho thành viên của mình.

- Thế tài xế BKV đòi tăng bao nhiêu?

Nguyên ủy họ đòi tăng lương 30% (trong 3 năm), mức các doanh nghiệp quốc doanh được hứa hẹn.

- Vậy tức là họ thắng?

Cậu ạ, đây là một thứ mặc cả mà cả đôi bên đều biết phải nhượng bộ. BKV có thể tổ chức công việc tốt hơn, thu xếp hợp lý hơn thời gian nghỉ chẳng hạn, thì có thể cũng không cần phải trả nhiều hơn cho nhân viên so với kế hoạch ban đầu.

- Chắc chắn là tài xế BKV đòi tăng lương vì hãng làm ăn có lãi và cũng muốn được chia phần?

Không! BKV là hãng giao thông công cộng, làm “nhiệm vụ chính trị” nên toàn lỗ. Dự tính khoản lỗ của BKV trong năm 2018 này cũng là hơn 130 tỷ Forint, theo thông báo của chính quyền thủ đô Budapest!

- Thế thì căn cứ vào cái gì mà tài xế BKV họ đòi tăng lương?

Hoạt động về mảng kinh tế và tài chính của BKV luôn “có vấn đề”, nhưng đó không phải là lỗi của giới tài xế. Một tài xế chỉ cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, còn việc làm sao để doanh nghiệp làm ăn có lãi là nhiệm vụ của lãnh đạo hãng.

- Nhưng nếu tài xế bãi công thì hãng lại càng thiệt hại. Như thế càng khó kiếm ra tiền mà tăng lương?

Đây thường cũng là lý luận của giới chủ khi đàm phán với người lao động, nhưng gười lao động không bắt buộc phải để tâm tới điều đó. Ngoài ra, nhiều khi do tài xế đình công nên BKV “tiết kiệm” được phần lương trả cho họ, cùng những chi phí khác mà lẽ ra họ phải trả.

Đã có lần, báo chí tính ra rằng khoản “tiết kiệm” ấy còn lớn hơn tiền bán vé nếu nếu xe cộ được vận hành. Tuy nhiên, đình công lại khiến chủ sở hữu của BKV - chính quyền thành phố Budapest - bị thiệt hại nặng.

- Đấy là báo chí còn chưa tính vào phần thiệt hại của tớ, như một hành khách, mà không sử dụng được giao thông công cộng dù đã mua vé tháng!

Thông thường, đây là mâu thuẫn lớn của các cuộc đình công. Bằng việc nghỉ việc, người lao động gây áp lực cho chủ hãng và ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng nhiều khi, người dân nói chung cũng phải “chịu trận” một cách “liên đới”, nhất là trong các loại hình dịch vụ độc quyền...

- Tớ chả liên quan gì đến BKV ngoài việc đi lại trên phương tiện giao thông của họ, càng chả liên quan tới cuộc tranh luận giữa hãng và nhân công! Tớ chỉ cần xe buýt chở tớ hàng ngày từ nhà ra chợ, còn chuyện riêng của họ, họ cứ việc bàn riêng không được à?

Thế thì cậu không có tinh thần đoàn kết rồi!

- Đoàn kết gì?

Không được nhìn nhận một cuộc đình công chỉ theo khía cạnh nó gây hại gì cho cá nhân cậu, vì điều này không dẫn tới bất cứ cái gì cả. Đoàn kết tức là trong trường hợp tương tự, mọi người cũng sẽ ủng hộ nếu cậu đình công.

Cậu còn nhớ cuộc tổng đình công đầu tiên của nước Hung sau mốc 1990 không? Trong 3 ngày, Budapest và nhiều thành phố hoàn toàn đình trệ giao thông bởi hàng vạn tài xế taxi để phản đối việc tăng giá xăng “dã man” thời đó.

Trong tiết trời giá rét, nhiều các ông cụ bà cụ đã mang trà nóng và bánh mỳ kẹp thịt ra “tiếp tế” cho giới tài xế, khi đó còn đang rất lo âu không biết hành động của mình có bị trừng phạt hay không. Các cụ nói “chúng tôi chả bao giờ đi taxi, nhưng phải đoàn kết...”.

Tuy nhiên, người Hung cũng chưa phải là có cái nhìn đúng đắn và cảm thông lắm đâu về chuyện đình công. Nhiều người vẫn nghĩ, “mình làm việc tử tế, còn chúng nó cứ đình công, mà chúng nó còn kiếm hơn cả mình, v.v...”.

- Thì tất nhiên rồi, ai chả muốn lương có thêm số không (0), nhưng phải biết là không thể được như thế chứ?

Cố nhiên, cũng có lúc các nghiệp đoàn đề ra những đòi hỏi phi lý khiến cuộc đình công chỉ nhằm mục đích chính trị hoặc làm tăng uy tín của lãnh đạo nghiệp đoàn. Nhưng đa số các cuộc đình công đã thất bại ngay khi bị công luận lên án.

Thời nay người Hung thường thụ động, ai cũng sợ mất chỗ làm, nhiều người thậm chí còn không nghĩ, không hình dung ra rằng có thể đoàn kết để cùng nhau đấu tranh và khả dĩ là cùng nhau đạt được một mục tiêu gì đó.

- Tớ thấy Hung đình công yếu rệu. Thế thì làm sao đạt tích sự gì?

Đúng rồi, bên Tây Âu nhiều khi họ làm mạnh lắm: xe cộ đình trệ cả tháng, rác rưởi không ai dọn hoặc máy bay thì nằm im chờ thời. Làm sao cho thiệt hại lên tới mức cao nhất mà! Ở Hung hiếm khi có được “khí thế” như vậy.

Tuy nhiên, bên Tây Âu nghiệp đoàn họ cũng phải để ý xem, khi nào thì tới lúc ngay công luận cũng không còn ủng hộ đình công nữa. Dầu vậy, điều cần học tập là họ luôn cố để người khác hiểu những yêu sách của họ, để có được sự cảm thông, đoàn kết.

NCTG


 
 Từ khóa: đình công
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn