TỔNG ĐÌNH CÔNG CỦA BKV CÓ THỂ KÉO DÀI NHIỀU TUẦN

Thứ ba - 19/01/2010 20:01

(NCTG) Xung đột giữa các nghiệp đoàn tài xế BKV và giới chủ (Công ty cổ phần Giao thông Công cộng Budapest, BKV Rt.) có thể kéo dài 1-2 tuần, theo như nhận định của giới chuyên môn.

Truyền thông rất quan tâm tới vấn đề đình công

Nếu như ở ngày cuối trước khi cuộc đình công diễn ra, đôi bên còn đàm phán tới 3 lần, thì sau đó, mỗi ngày họ chỉ gặp nhau 1 lần, chừng 1 tiếng chóng váng, rồi “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, để “cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”.

Từ thứ Ba tuần này, người dân Budapest làm làm quen với cảnh các bến xe buýt, tàu điện vắng ngắt vì cuộc đình công. Trước mắt, hầu như không chiếc xe buýt nào chạy, tàu điện thì có vài chiếc chạy thất thường, phụ thuộc ý thích người lái.

May mà tàu điện ngầm thì vẫn hoạt động (nghiệp đoàn các tài xế metro còn “cho phép”) và trước mắt, nghiệp đoàn hỏa xa chưa mặn mà lắm với lời mời “đoàn kết”, với mục đích khiến giao thông bị rối loạn toàn diện.

Để tránh tình trạng ùn tắc vì xe hơi và cũng để giải quyết được giao thông của một đô thị lớn, cư dân Budapest được khuyến dụ là hãy đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, những người ở cùng khu nhà có thể bàn nhau để cùng chở nhau đi, chia chi phí xăng dầu. Những phương tiện công cộng hiếm hoi còn chạy cũng thường đỗ ở các bến lâu hơn để cho hành khách… chạy kịp.

Ngoài ra, đình công cũng là dịp để người dân trở về với thói quen đi bộ, vừa đỡ ô nhiễm môi trường, vừa có lợi cho sức khỏe. Những tốp cư dân đi bộ vài cây số để đến các bến metro không còn là cảnh cá biệt: có người còn nói vui rằng, nếu biết đi bộ dễ chịu thế này thì họ đã chẳng đi xe, có điều, giá không khí đỡ ô nhiễm vì bụi, khói chút nữa thì thoải mái hơn.

Đa phần người dân rất bình tĩnh, không nôn nóng trước cảnh họ phải tìm một cách đi lại khác để tới những nơi cần đến. Chỉ đôi người bực bội vì họ chờ đợi ở một bến tàu được thông báo là sẽ chạy, mà mãi không thấy đâu - đợi cả tiếng mới thấy loa thông báo là “tàu đã ngừng chạy, xin quý vị thông cảm, cám ơn sự kiên nhẫn của quý vị”.

Âu cũng phải, là vì một trong những vũ khí của đình công tại Hungary là bất cứ người lao động nào cũng có quyền đình công… bất thình lình, trong khuôn khổ một chiến dịch đã báo trước, làm sao… gây hại nhiều nhất cho giới chủ.

May là metro còn chạy!

Các chuyên gia về môn “đình công học” cho rằng, một cuộc đình công càng kéo dài thì khả năng đạt được thỏa thuận khả dĩ với cả đôi bên càng ít, và sau những ngày đầu đồng cảm với quyết tâm của giới lao động tham gia đình công, trước sau người dân cũng sẽ có lúc phát bực và bảo, “thôi đi, làm mình làm mẩy ghê thế”.

Đó là điểm tới hạn mà bất cứ lãnh đạo đình công nào cũng cần nắm bắt được, để chớp lấy và đạt được cho nghiệp đoàn của mình kết quả mỹ mãn nhất.

Hiện tại, Luật Lao động và Đình công của Hungary còn có một khe hở lớn, ấy là không có gì bắt buộc giới thợ phải đảm bảo một “dịch vụ tối thiểu” khi họ đình công. Nói cách khác, một khi nghiệp đoàn muốn “chơi đến cùng”, thì trước mắt, hành khách phải chịu thiệt đầu tiên vì mặc dù đa số đã mua vé tháng, vé tuần hoặc vé ngày, mà vẫn không sử dụng được dịch vụ trả trước này.

Do đó, một số hành khách đang định khởi kiện với mong muốn đạt được một tiền lệ, là trong những trường hợp như thế này, dù không được bồi thường “thiệt hại” do không đi được xe buýt, tàu điện, thì họ cũng phải được nhận lại tiền mua vé tháng, hoặc thời hạn của vé phải được gia hạn một cách tương xứng.

Tuy nhiên, dường như cũng là một lỗ hổng khác của luật, khi luật có vẻ cho rằng đình công là một trạng thái “bất khả kháng” (cũng như các “sự cố” thiên tại, địch họa, Thế chiến… đối với các hãng bảo hiểm), và như thế, chả ai phải “chịu trách nhiệm” cả.

“Đường ta, ta cứ đi!”

Một điều có thể dự đoán được: cuối tuần, khi lượng người đi lại ở thủ đô ít đi và đình công không gây nên hiệu quả gì thật đặc biệt, có lẽ tàu điện, xe buýt sẽ được chạy lại trong hai ngày, rồi để đến thứ Hai tuần sau, mọi thứ trở lại từ đầu.

Bà Berki Erzsébet, một chuyên gia về các vấn đề lao động ở Hungary, trong cuốn “Đình công đi!”, có nhận xét rằng kể từ năm 1989, khi giới thợ thuyền Hungary được phép đình công – và họ cũng thường xuyên áp dụng “lợi thế” này của mình -, hiệu quả của đình công ngày càng xuống dốc, do bên nghiệp đoàn không đạt được chiến thắng áp đảo ngay từ những giờ đầu.

Già néo đứt dây”, việc kéo dài đình công một cách tùy tiện, không có tính toán kỹ càng thường không đem lại ưu thế cho bên nghiệp đoàn và người thợ.

Tuy nhiên, dầu vậy, đình công vẫn là một vũ khí hợp hiến và chính đáng của giới thợ thuyền và việc công nhân Hungary thường áp dụng nó để đòi hỏi quyền lợi cho mình – bên cạnh sự cảm thông, thậm chí hưởng ứng của đại bộ phận trong xã hội, kể cả những người phải “chịu trận” dưới một hình thức nào đó vì cuộc đình công – đã chứng tỏ sự lớn mạnh của xã hội công dân tại xứ sở này.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn