(NCTG) Theo quyết định ngày 12-1-2018 của cơ quan quản lý đường bộ Croatia, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc có thể nhận phần xây dựng cây cầu Pelješac nối giữa hai phần lãnh thổ của Croatia, lâu nay bị chia cắt bởi Bosnia và Herzegovina.
Cây cầu Pelješac sẽ vươn cao trên biển Adriatic
Balkan Insight cho hay, một nhóm các doanh nghiệp Trung Quốc do Tập đoàn China Road and Bridge Corporation (CRBC) đứng đầu được quyền xây cây cầu Pelješac (Pelješki most) - bấy nay vẫn gây tranh cãi trong và ngoài nước Croatia - với kinh phí chừng 279 triệu Euro.
Dài 2,4km, rộng 21m theo dự tính, trong tương lai cầu Pelješac sẽ nối liền những vùng cực Tây của xứ sở Croatia (trong đó có thành phố Dubrovnik tuyệt đẹp, “viên ngọc bích của biển Adriatic”, “Athens của Nam Tư”, trong nhiều thế kỷ từng thuộc Vương quốc Hungary với tên Hung là Cộng hòa Raguza) với phần phía Bắc đất nước.
Bởi lẽ, hiện tại, phần phía Bắc và phía Nam Croatia chỉ có thể được “thông thương” qua xứ Bosnia, tức là phải “vượt biên” hai lần (Croatia - Bosnia - Croatia). Nhìn lại lịch sử, kết quả của Hiệp ước Karlowitz năm 1699, Bosnia và Herzegovina cũng được nhận 26 km thông ra cửa biển Adriatic ở vùng Neum, khiến Croatia bị cắt làm hai phần không tiếp giáp.
Neum, thị trấn nhỏ duy nhất nằm bên bờ biển của Bosnia có tới 90% cư dân là người Croatia, và không xa những danh thắng nổi tiếng của vùng Nam Tư (cũ) như Dubrovnik (60km), Thánh địa Mễ Du (Međugorje, 70 km) hay Mostar, nơi có cây cầu cổ nổi tiếng Stari Most trên con sông Neretva (70km). Đây là nơi mà Bosnia có cơ hội hướng trực tiếp ra biển.
Vài chục cây số ven biển đó tiếp tục thuộc về Bosnia sau Đệ nhị Thế chiến, khi Hội đồng Giải phóng Dân tộc Chống phát-xít Nam Tư ấn định các đường biên giới ở xứ này. Tuy nhiên điều đó không có ý nghĩa đáng kể trong thực tế khi Liên bang Nam Tư (cũ) còn tồn tại, mà chỉ đột nhiên mang tầm quan trọng nổi bật sau các cuộc chiến độc lập ở khu vực này.
Với giải pháp đặc biệt này, Bosnia và Herzegovina sở hữu một kỷ lục độc nhất vô nhị trên thế giới: trong số các nước giáp biển, đó là quốc gia có tỷ lệ đường bờ biển và đất liền nhỏ nhất. Trong cuộc đấu tưởng tượng ấy, Bosnia đã vượt đối thủ đáng gờm Slovenia (47km đường bờ biển), và đương nhiên vượt xa Croatia (930km).
Đương nhiên, Croatia không thích thú gì với việc đất nước này bị chia cắt như thế, cho dù các cửa khẩu hoạt động cũng không tệ. Cầu Pelješac không quá dài sẽ nối liền hai phần đất nước mà không gây ảnh hưởng gì tới bờ biển Bosnia, và sẽ đủ cao (55m trên mức nước biển) để không ngăn cản tàu bè vào Bosnia.
Với những “thủ pháp” kỹ thuật tân tiến, cây cầu mới có thể giải tỏa những quan ngại kéo dài của Sarajevo, theo đó cầu Pelješac sẽ khiến Bosnia bị cô lập. Dự án này là thương vụ đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Croatia và gây nên vô số tranh cãi nảy lửa, cho dù 85% kinh phí sẽ do nguồn Liên Âu cung cấp.
Rốt cục, phía Trung Quốc đã trúng thầu với giá 279 triệu Euro, rẻ hơn nhiều so với giá mà tập đoàn Strabag của Áo đưa ra (351 triệu Euro). Trong cuộc đấu cuối cùng, Top 3 còn một thành viên Astaldi - IC Istas (liên minh Ý - Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng do không đủ sự đảm bảo của ngân hàng nên rốt cục họ đã bị loại.
Quá trình đấu thầu cũng bị báo chí Croatia nhạo báng, vì cho dù thoạt tiên có rất nhiều tập đoàn tham gia - Nam Hàn, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha... -, nhưng doanh nghiệp duy nhất của Croatia là tập đoàn Viadukt (Zagreb) đã tỏ ra không hề có cơ hội “tham chiến”. Truyền thông địa phương thường phàn nàn rằng, nếu Croatia không trúng giải, thi ít nhất cũng nên để hãng Châu Âu làm nhà xây dựng.
Một ý kiến phổ biến cho rằng, chắc chắn Liên Âu sẽ không nói năng gì khi tập đoàn Tầu Cộng thắng thầu do đưa ra giá rẻ nhất, nhưng sau vụ này, thử hỏi bao giờ Brussels mới trở lại ủng hộ tài chính cho một dự án “khủng” như vậy của Croatia? Và, nói một cách khách quan, đặt cầu vào tay Trung Quốc không phải là điều đáng yên tâm nhất,
Theo dự tính, cầu sẽ được hoàn tất vào năm 2022, tuy nhiên với những chậm trễ và xung đột liên hồi trong những năm qua, ít ai dám đặt cược cho thời hạn này. Có thể cầm chắc rằng du khách ngoại quốc muốn từ Dubrovnik tới những danh thắng nằm ở miền Trung và Bắc Croatia (Split, Trogir, Korčula, Rovij, Poreč, Opatija, Plitvice...), trong vòng dăm năm nữa, vẫn cần quá giang ngả Bosnia.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...