Từ những chuyến đi: DU LỊCH CROATIA, HAY LÀ CÂU CHUYỆN “YẾU TỐ CON NGƯỜI”

Thứ hai - 24/04/2017 03:51

(NCTG) “Những quả cân này không cho phép gian lận và không ai có thể trở thành nạn nhân của sự gian lận. Khi tôi đặt nó lên bàn cân, Đức Chúa Trời cân cùng tôi”. Một triết lý rất trong sáng và đầy tự trọng, “minh triết”, từ thế kỷ 16, phải chăng là cẩm nang khiến người Croatia, và ngành du lịch nước này đạt được nhiều thành công, như đang?”.

Làn nước trong xanh như ngọc bích tại vịnh Lapad, Dubrovnik (Croatia)

Làn nước trong xanh như ngọc bích tại vịnh Lapad, Dubrovnik (Croatia)

Trở lại Croatia sau một năm, và chặng dừng chân đầu tiên, như thường lệ, vẫn là “viên ngọc bích của biển Adriatic”, “Athens của Nam Tư”, thành phố Dubrovnik ở cực Nam của đất nước nhỏ bé này. Thời tiết dù còn hơi se se lạnh, nhưng nắng đã vàng ươm, và rất thích hợp cho loại người thích chụp ảnh bừa phứa “làm tư liệu” như mình.

Những năm gần đây, ngành du lịch Croatia ngày càng phát triển mạnh. Theo thống kê chính thức của Liên Âu do cơ quan Eurostat thực hiện, năm 2014, trong số 10 điểm đến được du khách ngoại quốc ưa chuộng nhất tại EU, Croatia đứng thứ 8 sau các “đại gia” như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Áo, Đức, Hy Lạp, và vượt Bồ Đào Nha và Hà Lan.
 
Du khách tràn ngập Dubrovnik, thành phố mà dân du lịch ngoại quốc ở lại nhiều đêm nhất tại Croatia. Ảnh chụp từ trên tường thành, đoạn trước cửa ô Pile, gần pháo đài Bokar
Du khách tràn ngập Dubrovnik, thành phố mà dân du lịch ngoại quốc ở lại nhiều đêm nhất tại Croatia. Ảnh chụp từ trên tường thành, đoạn trước cửa ô Pile, gần pháo đài Bokar

Còn nếu xét về tỷ trọng của doanh thu có được bởi du lịch trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Croatia đứng đầu trong khối Liên Âu (17,2%), chứng tỏ tầm quan trọng của nền “công nghiệp không khói” này. Năm ngoái, ngành du lịch Croatia đạt kỷ lục của mọi thời đại với gần 14,5 triệu du khách ngoại quốc (tăng 9,9% so với năm 2015).

Trong số đó, có 513 ngàn du khách đến từ Hungary, trung bình mỗi người ở gần 5 ngày rưỡi, và đây cũng là con số kỷ lục đối với nước Hung. Đứng đầu bảng là nước Đức (2,3 triệu du khách), và theo thống kê thì du khách các quốc gia Phương Tây khác cũng rất ưa chuộng Croatia: Áo (1,2 triệu), Ý (1 triệu), Anh (601 ngàn), Hà Lan (391 ngàn).
 
Biển Croatia quá sạch và đẹp. Ảnh: Đoạn bao quanh cổ thành Dubrovnik về phía cửa ô phía Đông Ploče
Biển Croatia quá sạch và đẹp. Ảnh: Đoạn bao quanh cổ thành Dubrovnik về phía cửa ô phía Đông Ploče

Có bờ biển quá đẹp, quá sạch và nước thì xanh đến kỳ lạ, nên dễ hiểu là du lịch của Croatia tập trung đa phần vào các thành phố biển, cùng các hòn đảo kỳ thú và xinh đẹp. Với bờ biển dài chừng 1.800 km và gần 1.200 hòn đảo - trong đó 66 đảo có ít nhất là... 1 nhân khẩu thường trú, thiên nhiên quả là quá ưu đãi cho xứ sở nhỏ bé này.

Nhưng thiên nhiên đẹp thì cùng lắm mới chỉ đủ để du khách tới, mà chưa đủ để họ ở lại lâu, và còn quá ít để khiến họ quay trở lại. Những ngày ở Croatia, mình luôn có sự liên hệ với Việt Nam, nơi biển cũng dài, thiên nhiên cũng có vô khối nơi kỳ thú, mà sao khách du lịch ngoại quốc cứ “một đi không trở lại” như báo chí than phiền?
 
Con lộ chính Strandun dẫn đến trái tim của cổ thành Dubrovnik không hề có một cọng rác. Ảnh chụp từ trên tường thành
Con lộ chính Strandun dẫn đến trái tim của cổ thành Dubrovnik không hề có một cọng rác. Ảnh chụp từ trên tường thành

Lang thang trên Stradun (Placa), con lộ chính của cổ thành Dubrovnik, Di sản Thế giới UNESCO từ năm 1979, mình cứ căng mắt nhìn mà không bói ra một cọng rác, cho dù du khách đi lại nườm nượp. Đường sá lát đá xưa lắm rồi, những viên đá đã mòn vẹt và bóng loáng vì bước chân lữ khách, nhưng tuyệt nhiên không thấy chút rác rưởi nào.

Sự sạch sẽ ấy có thể thấy rất rõ không chỉ ở khu phố cổ, mà còn trên hệ thống tường thành hai lớp tạo nên cảnh quan hết sức hoành tráng và dữ dội, đoạn trên đất liền dày 4-6m, đoạn ven biển dày 1,5-5m, có chỗ cao tới 25m, cùng nhiều pháo đài và tháp canh, địa điểm quay nhiều cảnh của loạt phim bom tấn quen biết “Game of Thrones”.
 
Tường thành Dubrovnik đoạn ven biển Adriatic...
Tường thành Dubrovnik đoạn ven biển Adriatic...
 
... và đoạn trên đất liền, gần pháo đài Minčeta. Năm 2016, có hơn 1,1 triệu lượt du khách đã viếng thăm trường thành
... và đoạn trên đất liền, gần pháo đài Minčeta. Năm 2016, có hơn 1,1 triệu lượt du khách đã viếng thăm trường thành

Dubrovnik, khi còn là Cộng hòa Ragusa, đã xây bức tường ấy vào thế kỷ 14-15 để chống sự xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ từ phía Nam và Cộng hòa Venezia từ phía Bắc. Là một thành quốc đương thời vỏn vẹn ba chục ngàn cư dân, diện tích chưa bằng Hải Phòng bây giờ, nhưng Ragusa đã đứng vững và giữ được độc lập trong nhiều thế kỷ nhờ nó.

Bức tường dài gần 2km, ngoằn ngoèo bao bọc ôm cổ thành Dubrovnik, giờ là điểm hàng năm thu hút hơn 1,1 triệu du khách, cho dù vé “vào cửa” 150 Kuna (chừng 20 Euro) không rẻ so với giá cả ở Đông Âu. Đi thành đoàn ùn ùn như thế và cũng không thiếu du khách Á Đông, lỡ quẳng chút tàn thuốc, nhổ viên kẹo cao su... là rất đơn giản!

Nhưng để ý mãi mà mình không bắt quả tang được ai. Sạch, sạch và sạch bong dưới mỗi bước chân đi luôn khiến mình tự hỏi “tại sao họ làm được như thế?”, trước đây là với làn nước biển trong veo của Croatia, và giờ là với những góc phố, nẻo đường không thiếu bóng du khách. Sao Croatia làm được điều mà Paris hay Roma thì không?
 
Vô vàn hàng quán mời chào khách nhiệt tình nhưng lịch sự, không chèo kéo, lường gạt. Ảnh: quảng trường Chợ mang tên văn hào Ivan Gundulić tại trung tâm phố cổ Dubrovnik
Vô vàn hàng quán mời chào khách nhiệt tình nhưng lịch sự, không chèo kéo, lường gạt. Ảnh: quảng trường Chợ mang tên văn hào Ivan Gundulić tại trung tâm phố cổ Dubrovnik

Không dám đưa ra bất cứ kết luận gì, nhưng mình trộm nghĩ, câu trả lời phải chăng là vì chính người dân sở tại có ý thức? Khi ấy, “làng nước” thập phương dù xô bồ, ô hợp tới mấy cũng phải theo họ? Và như thế, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm (đồ hải sản tươi, ngon của Croatia có lẽ miễn bàn), chắc chắn là yếu tố níu chân khách.

Nhưng “yếu tố con người” ở Croatia, với mình, còn thể hiện ở chỗ khác. Giống như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... và có lẽ nhìn chung những quốc gia miền Nam, gần xích đạo, người bản địa - đặc biệt là ở những thành phố biển - “chào hàng” rất nhiệt tình, bất kể là để bán tour, hay mời khách vào nhà hàng, trông bề ngoài có vẻ gợi nhớ... Việt Nam.
 
Hàng quán ở những con hẻm nhỏ cũng đảm bảo vệ sinh và chất lượng phục vụ
Hàng quán ở những con hẻm nhỏ cũng đảm bảo vệ sinh và chất lượng phục vụ

Nhưng cái cung cách của họ không hề gây khó chịu, không hề chèo kéo, và dịch vụ của họ thì rất đảm bảo, không hề có chặt chém, điêu toa như du khách thuật lại khi được hỏi cảm tưởng trong sách vở du lịch. Một cặp vợ chồng Hung mà mình vô tình gặp và ngồi cùng ăn trưa trong khu phố cổ, cho hay họ trở lại Dubrovnik lần này là lần thứ ba.

Không những thế, anh chồng bảo còn muốn mời gia đình vợ, và giới thiệu cho bạn bè tới. Với họ, điều thú vị nhất là mỗi khi cần ăn uống, không cần “tìm hiểu” trước, họ có thể vào bất cứ quán xá nào tiện dọc đường, miễn “bề ngoài” thấy thích, và dù họ không nói thạo bất cứ thứ tiếng “quốc tế” nào, chưa bao giờ họ “gặp sự cố”.
 
Cung Sponza ở cuối phố cổ trung tâm Stradun, trên quảng trường Luža, từng là nơi tọa lạc của cơ quan thuế vụ, thuế quan, xưởng đúc tiền, ngân hàng, kho bạc và kho vũ khí của Cộng hòa Ragusa
Cung Sponza ở cuối phố cổ trung tâm Stradun, trên quảng trường Luža, từng là nơi tọa lạc của cơ quan thuế vụ, thuế quan, xưởng đúc tiền, ngân hàng, kho bạc và kho vũ khí của Cộng hòa Ragusa
 
Dòng chữ đầy ý nghĩa đã bạc màu vì thời gian, nhưng vẫn còn sau bốn thế kỷ...
Dòng chữ đầy ý nghĩa đã bạc màu vì thời gian, nhưng vẫn còn sau bốn thế kỷ...

Có thể gọi đó là sự lương thiện của con người không nhỉ? Rất mang tính tượng trưng, Cung Sponza (Palača Sponza), tòa nhà quan trọng nhất thời Trung cổ của Cộng hòa Ragusa, có một hàng chữ được khắc ngay trên vòm cửa chính diện, nơi từng đặt những bàn cân: “Fallere nostra vetant et falli pondera. Meque pondero cum merces ponderat ipse deus”.

Những quả cân này không cho phép gian lận và không ai có thể trở thành nạn nhân của sự gian lận. Khi tôi đặt nó lên bàn cân, Đức Chúa Trời cân cùng tôi”. Một triết lý rất trong sáng và đầy tự trọng, “minh triết”, từ thế kỷ 16, phải chăng là cẩm nang khiến người Croatia, và ngành du lịch nước này đạt được nhiều thành công, như đang?

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Croatia, du lịch, Dubrovnik
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn