(NCTG) “Mong sao sẽ tới lúc các thầy cô đã đủ đầy về vật chất, nhẹ nhàng về tinh thần, để đón nhận những món quà tinh thần giầu tình nghĩa từ học trò trong niềm vui sướng và phấn khởi như đón nhận một niềm khích lệ, động viẻn lớn, để thêm yêu thương và hết lòng cống hiến sức lực, trí tuệ vì các trò nhỏ thân yêu của mình”.
Tác giả cùng cháu trai Buba trong sinh nhật cháu - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sáng cuối tuần, trời Melbounrne se lạnh, không khí tươi mát và bình yên, thời tiết thật lý tưởng để chào đón lễ Giáng sinh đang đến gần.
Ngồi trên chuyến tầu đi làm sáng sớm, trong cái tinh khôi của ban mai ngày mới, giữa tĩnh lặng của chuyến tầu vắng cuối năm, tôi thả lỏng toàn thân, khẽ nhắm mắt, thư thái tận hưởng không khí trong lành, dễ chịu và du dương theo nhịp lắc đều đặn của đoàn tầu dường như cũng vui ca chào đón Giáng sinh đang dần đến.
Chợt điện thoại bỗng nhẹ rung báo có tin nhắn. Mở điện thoại, tôi lướt nhanh mẩu tin trên màn hình.
Tin nhắn được gửi tới từ một bà mẹ của cậu bạn cùng lớp con trai tôi. Bà viết: “Chào cô, không biết tôi đã nói với cô về việc tôi đang chuẩn bị món quà Giáng sinh và Năm mới cho Miss L. từ các phụ huynh học sinh. Vậy xin cô vui lòng cho biết, cô có muốn tham gia đóng góp để mua quà cho cô giáo cùng chúng tôi không. Tôi đã có một tấm bưu thiệp để tất cả chúng ta cùng ký tặng vào đó”.
Người phụ nữ này là một trong số các bà mẹ rất dễ thương của đám bạn bè trong lớp con trai út tôi. Chúng tôi vẫn thường gặp gỡ nhau tại các cuộc liên hoan sinh nhật các cô cậu nhỏ, vậy nên biết rõ nhau, từ số điện thoại do thường xuyên RSVP các buổi tiệc sinh nhật (*), cho đến gia cảnh từng nhà do gần như tuần nào cũng giao lưu quanh bàn tiệc sinh nhật con cái mình.
Bà mẹ này đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt tốt đẹp trong lần sinh nhật con trai tôi vừa rồi. Chả là cậu con trai nhỏ của bà, bạn học con trai tôi, bị dị ứng với chất Gluten có chứa trong bột mì, nên đi đâu bà luôn phải chuẩn bị sẵn cho con thức ăn không có chất đó, gọi là Glutenfree food. Trong lần sinh nhật Buba, bà đã nhắn tin hỏi thực đơn tôi sẽ chuẩn bị cho các cháu trong liên hoan gồm những gì, để bà chuẩn bị cho con trai cùng chủng loại, nhưng là sản phẩm dành cho người chỉ ăn được thức ăn loại không hàm chứa Gluten.
Tôi đã chủ động đề xuất sẽ chuẩn bị Glutenfree food cho con trai bà, nhưng với lý do loại thực phẩm này đắt tiền, bà nhất mực không chịu để tôi mua đồ vì không muốnn tôi tốn kém, và muốn tự tay chuẩn bị đồ cho con mình. Điều này khiến tôi thấy người phụ nữ này thật tốt bụng, tinh tế và đáng quí vì bà không chỉ hết mực yêu thương con mà còn quan tâm, chú ý không muốn làm phiền đến người khác.
Tôi nhớ, trong liên hoan sinh nhật con trai Buba của tôi, bà đã nói bà muốn tổ chức mua quà tập thể mừng Giáng sinh cho cô giáo. Những ai muốn, đều có thể cùng tham gia, với khoản tiền đề xuất là 10 hoặc 20 đô mỗi người, tùy tâm, để đóng góp mua quà chung tặng cô. Một số tiền rất hợp lý với túi tiền của tất cả mọi phụ huynh học sinh.
Nhận được tin nhắn này tôi hiểu bà đang thực hiện lời hứa của mình. Tôi vội nhắn tin lại cho bà. Sau khi nhận được tin xác nhận của tôi đồng ý tham gia, bà còn nhắn tin dặn dò kỹ cách thức bà sẽ chuyển tấm thiệp này cho tôi, giúp tôi có thể ký tặng cô giáo kịp trước khi tôi đi chơi xa trong dịp Xmas này. Để sau đó bà sẽ nhận lại rồi chuyển tiếp cho các phụ huynh khác ký, sao cho thật bí mật, không lộ để cô giáo biết trước về cả tấm thiếp lẫn món quà tập thể này.
Ở Úc, chúng tôi có ngày của mẹ, ngày của cha, nhưng lại không có ngày nhà giáo. Theo văn hóa nơi đây, họ coi nghề giáo cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác, như một sự phâm công lao động thông thường trong xã hội. Vậy nên nghề này - với mức lương rất trung bình - không được tôn vinh như ở Việt Nam. Tuy vậy Xmas là ngày lễ lớn nhất trong năm và mọi người đều luôn nhớ đến những người yêu quý nhất của mình. Tặng quà các thầy cô vào dịp này cũng chính là thể hiện lòng biết ơn và yêu kính đối với thầy cô.
Những mẩu tin nhắn của người phụ nữ ấy cứ theo tôi suốt đoạn đường đi làm. Nó khiến tôi nhớ tới Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày trước kia vẫn thường được gọi đùa là ngày “hiến cam các nhà giáo”, ngày những đứa trẻ ranh bọn tôi thuở ấy cứ rủ nhau bưng hết cam, chuối đến tượng cây dừa, tượng Bác đến tặng các thầy cô.
Rồi tới giờ ngày ấy lại phát triển vượt bậc, chuyển sang cấp độ ngày hiến phong bì các nhà giáo. Để rồi chính các em cứ lo lắng vì quà bạn kia to hơn quà của mình, các bậc cha mẹ lăn tăn phong bì của phụ huynh này dầy hơn phong bì phụ huynh kia, và ngay cả các thầy cô cũng chịu những áo lực do sức ép từ những món quà, từ việc đấu tranh nhận hay không nhận, đè nặng lên lương tâm người làm thầy.
Tôi bỗng thầm ước ao, một ngày nào đó, trong xã hội ta, vào những dịp có thể tri ân với các thầy cô ở nước nhà, phụ huynh các trò bậc tiểu học có thể làm được việc đầy ý nghĩa như người phụ nữ này. Họ sẽ cùng nhau ngồi lại, bàn nhau mua một món quà tập thể nhẹ nhàng giá trị vật chất, lớn lao giá trị tinh thần và đầy tình nghĩa để gửi tặng các thầy cô, để thể hiện sự yêu quý và biết ơn của mình dành cho những người đã chăm sóc và dậy dỗ con em mình.
Và cũng mong sao, khi ấy các thầy cô đã đủ đầy về vật chất, nhẹ nhàng về tinh thần, để đón nhận những món quà tinh thần giầu tình nghĩa từ học trò trong niềm vui sướng và phấn khởi như đón nhận một niềm khích lệ, động viẻn lớn, để thêm yêu thương và hết lòng cống hiến sức lực, trí tuệ vì các trò nhỏ thân yêu của mình.
Mong lắm ngày ấy đến thật gần, thật gần!
(*) Trả lời người mời về việc có nhận lời mời hay không (viết tắt từ cụm từ “répondez, s'il vous plait” trong tiếng Pháp, nghĩa là xin vui lòng phúc đáp).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...