GIÁNG SINH ĂN CÁ CHÉP - “TÀN DƯ VĂN HÓA” THỜI CỘNG SẢN?

Thứ bảy - 31/12/2016 06:18

(NCTG) “Vào thập niên 70, đỉnh điểm thời kỳ khó khăn ở Ba Lan, khi những cửa hàng thực phẩm luôn rỗng tuếch, cá chép được coi như một thực phẩm cứu cánh. Trong lúc công nghiệp đánh bắt cá đình đốn, thì cá chép lại rất dễ nuôi, ăn tạp, mau lớn, miễn dịch tốt và cho năng suất cao. Chúng trở thành sản phẩm tuyên truyền thích hợp với một xã hội đang thiếu đói thực phẩm nghiêm trọng”.

Cá chép, cơ sở của menu trên bàn tiệc mùa Giáng sinh - Ảnh: Teresa Kasprzycka (Shutterstock)

Cá chép, cơ sở của menu trên bàn tiệc mùa Giáng sinh - Ảnh: Teresa Kasprzycka (Shutterstock)

Lời Tòa soạn: Cá, đặc biệt là cá chép, là một trong những món ẩm thực không thể thiếu trong bàn tiệc gia đình mùa Giáng sinh ở một số nước (nhất là trong khu vực Đông Trung Âu như Ba Lan, Hungary, Czech...) với các món được coi như “quốc hồn quốc túy”: xúp cá, cá bọc bột rán, v.v...

Ngoài ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa và tập tục dân gian (mang lại tài lộc), tập quán ăn cá ngày Noel xuất phát từ đâu? Bài viết sau của tác giả Mạc Việt Hồng, TBT báo mạng “Đàn Chim Việt” từ Warszawa, đưa ra một lời lý giải cho câu hỏi này. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

 
Xúp cá, món ăn không thể thiếu trong dịp Noel của các gia đình Hungary
Xúp cá, món ăn không thể thiếu trong dịp Noel của các gia đình Hungary

Mỗi dịp Giáng sinh ở Ba Lan, người ta thường thấy dòng người xếp hàng trước các cửa hàng bán cá chép. Loại cá này được coi như một món ăn không thể thiếu ở bàn tiệc đêm Giáng sinh trong mỗi gia đình. Trên đường phố, trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh các chú cá chép tươi rói cũng được dùng để quảng cáo cho Noel. Hệ thống siêu thị đua nhau dùng giá cá chép như một chiêu câu khách.

Theo thống kê, mỗi năm hàng triệu con cá chép bị sát hại để phục vụ cho nhu cầu ăn uống vào dịp lễ này. Mỗi người Ba Lan trung bình tiêu thụ 12kg cá/ năm. Lượng tiêu thụ dịp Noel có thể chiếm 50% lượng cá bán trong năm. Ngoài mua để dùng như một “món tủ” cho bữa Giáng sinh, nhiều người còn tranh thủ dự trữ, bởi sau đó, giá cá chép có thể tăng gấp hai, ba lần.

Người Ba Lan chế biến nhiều món từ cá chép. Phổ biết nhất và đơn giản nhất là cá chép rán, kế đến là cá chép nấu đông, cá chép sốt mật ong, cá chép nấu kiểu Do Thái, kiểu Hy Lạp...

Câu khẩu hiệu được lặp lại hàng năm, đã hằn sâu vào đầu óc nhiều thế hệ Ba Lan là: “Không thể có Giáng sinh mà không có cá chép”. Nhưng một thống kê xã hội gần đây cho hay, phần lớn giới trẻ khi được hỏi, đều không thể giải thích nổi, tại sao Noel lại phải có cá chép. Đa số trả lời rằng, vì nghe bố mẹ nói thế, nghe ông bà bảo vậy.

Nhưng nếu nhìn xa hơn, nghe rộng hơn một chút thì, thế hệ cụ, kỵ của giới trẻ hiện nay không có tục lệ ăn cá chép vào dịp Giáng sinh. Vậy điều gì đã xảy ra để chú cá chép trở thành vật thiêng liêng trên bàn tiệc Noel như vậy?

Sản phẩm tuyên truyền của một thời đói kém

Lịch sử ghi nhận, cá chép được biết đến như một thương phẩm ở Ba Lan từ 900 năm nay. Và nó không giữ một vị trí “thần thánh” nào hết, cho tới thời cộng sản.

Mới đây tờ “Tuần Tin Tức Ba Lan” (Newsweek Polska) có một bài dài về đề tài này, theo đó, cái gọi là “truyền thống” này mới có lịch sử chừng 40 - 50 năm trở lại đây. Vào thập niên 70, đỉnh điểm thời kỳ khó khăn ở Ba Lan, khi những cửa hàng thực phẩm luôn rỗng tuếch, cá chép được coi như một thực phẩm cứu cánh.

Trong lúc công nghiệp đánh bắt cá đình đốn, thì cá chép lại rất dễ nuôi, ăn tạp, mau lớn, miễn dịch tốt và cho năng suất cao. Chúng trở thành sản phẩm tuyên truyền thích hợp với một xã hội đang thiếu đói thực phẩm nghiêm trọng.

Khẩu hiệu “Không có Giáng sinh nếu thiếu cá chép” ngày nay bị nhiều người ngộ nhận như một chân lý, thực chất do một trung tâm cung cấp cá quốc doanh nghĩ ra, rồi được truyền thông thời đó phù phép thành một quốc sách, mang mầu sắc tôn giáo.

Cá chép được phân phối tới các cơ sở sản xuất, được dùng như phần thưởng cho các lao động suất sắc. Ngày đó, không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, và loại cá sống rất khỏe này thích hợp cho việc bảo quản tới đêm Giáng sinh. Người ta thả cá trong bồn tắm, trong chậu và chúng có thể sống vài ngày, trước khi trở thành món ăn trên các bàn tiệc, vốn khá khiêm tốn thời đó.

“Tuần Tin Tức Ba Lan” không phải là tờ báo đầu tiên đề cập chuyện này, trước đó vài năm, lác đác đã có những bài báo với cùng chủ đề. Một số nhà báo còn cho rằng, chính Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan Władysław Gomułka (1905-1982) là cha đẻ của vụ cá chép này.

Đi ngược lại “truyền thống”

Ngày nay, chống lại chuyện sát hại cá chép hàng loạt không chỉ có những người không thích món cá, hay những người muốn bài trừ tận gốc chế độ cộng sản, mà trên hết là giới bảo vệ động vật.

Dưới áp lực của giới này, những năm gần đây, hàng loạt các quy định ngặt nghèo được áp dụng trong quá trình chuyên chở và buôn bán cá sống. Theo đó, các bể chứa cá phải sạch sẽ, phải đủ rộng để cá bơi lội thoải mái và điều đặc biệt những con cá chép này phải được chết một cách nhanh chóng, ít đau đớn nhất.

Nếu những năm trước kia, người mua cá có thể quẳng nguyên con cá sống vào túi ni-lông, đặt lên xe đẩy hàng, rồi lang thang mua sắm, mặc con cá quẫy đạp trong nhiều tiếng trước khi chết ngạt; thì nay tình trạng đó không còn nữa. Người mua, nếu muốn có được con cá tươi sống tới lúc bắc bếp sẽ phải đem tới cửa hàng một chậu nước hay một dụng cụ tương tự để đảm bảo cá có thể được tiếp tục sống trong môi trường nước.

Ngược lại, sẽ phải mua cá làm sẵn hoặc đã bị đập cho chết hẳn bởi người bán. Các điểm bán cá sẽ bị phạt nặng, thậm chí đóng cửa, nếu không tuân thủ những quy định trên.

Những rắc rối, nhiêu khê này ít nhiều tác động tới giá cá chép. Nhưng người tiêu dùng ở Ba Lan đã từng chấp nhận nhiều quy định tương tự, dù nó đẩy giá thực phẩm lên cao, ví như quyền “làm tình” của loài gà khiến giá trứng tăng gấp hai, ba lần.

Cùng theo Công giáo với tập tục không ăn thịt trước khi Chúa Giê-su ra đời, nhưng cá chép không giữ vị trí đặc biệt nào ở các nước Phương Tây; trong khi đó, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary coi đây như loại “quốc cá” không thể thiếu. Vậy đây là nét tương đồng văn hóa Đông Âu, hay là sản phẩm chung của một thời cộng sản?

Mạc Việt Hồng, từ Warszawa


 
 Từ khóa: Giáng sinh, cá chép
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn