TIẾNG ĐÀN HAY TIẾNG SÚNG?

Thứ bảy - 25/03/2017 02:56

(NCTG) “Làm sao tôi kể hết cho cô bé kia, cho hết thảy họ, rằng hôm qua, hôm nay và ngày mai, trên những nẻo đường ở xứ sở “bất an”, “lạnh lùng” này, vẫn vang lên tiếng nhạc, tiếng cười, và khúc ca về hạnh phúc. Hát lên và ban tặng không toan tính, của những người nhiều màu da khác nhau, từ mọi gốc gác, không nhiều tiền bạc, có thể không cả chốn dung thân”.

Nghệ sĩ đường phố tại Paris - Ảnh: hu.depositphotos.com

Nghệ sĩ đường phố tại Paris - Ảnh: hu.depositphotos.com

Chiều nay về trên xe buýt, đang ngồi lắc lư cuối xe thì nghe thấy tiếng đàn nổi lên. Âm thanh vừa đủ cả xe nghe thấy, nhưng không quá ồn ã như mấy người chơi nhạc dạo hay đám thanh niên bật Rap. Cứ thánh thót một bản rất dễ chịu, rất dài đến 15 phút không ngắt nghỉ. Làm mình dáo dác ngó quanh xem ai mở nhạc, cách mấy hàng ghế có hai cha con nọ, ông bố vác cái đàn to kềnh bọc vẫn trong bao. Tôi chả buồn kiếm tìm nữa, ngồi yên tận hưởng tiếng đàn thư thái ấy.

Xe đến gần cuối bến nên thưa dần, bỗng bản nhạc chuyển liền sang giai điệu... “Frere Jacques! Dormez vous, dormez vous!”. Cả xe như bừng tỉnh, khúc khích cười, rướn người nhìn mới thấy hai bàn tay ông bố mở hé bao đàn, kín đáo chơi từ nãy đến giờ! Đến bến sau họ xuống, cũng không nói gì, mà cả xe nhìn theo hai mái tóc bù xù bện hàng trăm sợi nhỏ, chẳng kịp nhìn nổi mặt họ. Tôi thì thầm với bà ngồi bên “anh ấy chơi hay quá”, bà kia môi vẫn giữ nụ cười nhìn theo hai bố con, trả lời tôi “một chút thơ mộng cho một ngày bình thường”.

Trên những lần đi lại, tôi cũng lưu giữ không ít những kỷ niệm về những người đã “tặng” cho hành khách những niềm vui nho nhỏ như thế. Có người cũng lên tàu, ngồi xuống mở đàn ra chơi mê mải, cứ ngỡ để kiếm tiền, nhưng cậu cứ cắm cúi chơi, rồi đến bến lại vội vơ đàn chạy đi, chỉ thế thôi.

Hay có lần, gặp một người phụ nữ lớn tuổi, mặc bộ váy dài giản dị, tóc gần bạc hết, bà ko hát mà đọc thơ, tiếng nhỏ nhỏ, rồi buông lời chúc sức khỏe, chúc một ngày tốt lành, rồi đi một vòng xin tiền. Tôi ko quá để ý bà, chỉ thấy trông bà sạch sẽ, bình thản, ko tỏ vẻ khổ sở để xin lòng thương hại. Bến tôi xuống cùng với bà, tôi đi sau, bỗng thấy bà dừng lại trước tất cả những người hành khất ngồi ven lối đi, cầm số xu vừa xin được, chia dần cho tất cả! Với mỗi người bà còn cúi xuống nói thêm vài câu thăm hỏi. Rồi bà đứng thẳng bước đi, hòa vào dòng người như tôi. Cũng ko nhìn được vẻ mặt bà lúc đó, nhưng tôi hình dung nó thanh cao như một bà tiên.

Có nhiều người khác lại có những trò chọc cười hành khách. Như có lần một anh chàng beo béo ăn mặc tuềnh toàng bước vào, rồi nói oang oang đại ý “này các cô gái, tôi rất quyến rũ, đẹp trai, bao nhiêu phụ nữ theo đuổi tôi đấy”. Rồi hơi thô hơn, anh ta khoe về việc giỏi “làm hài lòng” và còn khoe, với cả phụ nữ và nam giới. Đầu tiên tôi hơi khó chịu vì anh ta oang oang nói những chuyện hâm hâm, chắc có vấn đề tâm thần. Anh ta còn nói nhiều nữa, giọng tự tin như kẻ hoang tưởng, loanh quanh khoe tài tán tỉnh, rồi bảo phụ nữ cần đề phòng ko anh ta sẽ quyến rũ ngay tại đây, bỏ bạn trai chạy theo anh ta, hoặc đề xuất ai đang thất tình anh ta có thể giúp đỡ giải sầu một tối! Dần dần mọi người bắt đầu cười và hùa vào gật gù hưởng ứng anh ta, cứ thế càng hăng, góc tàu điện trở thành một sân khấu hài kịch. Rồi trước lúc xuống, anh ta còn giơ điện thoại lên “này các cô nghĩ kỹ đi nhé, có cần xin số thì chạy theo tôi ngay ko tiếc đấy” rồi biến mất trong đám đông. Tôi cũng phì cười khi nghĩ về màn tấu hài của anh chàng vừa béo vừa xấu trai lại trông rõ là ko khá giả gì, mà cuối cùng cũng không để xin tiền. Đám người còn lại nhăn nhở cười, không khí trên tàu bỗng xích lại.
 
000

Người đàn ông trong ảnh tôi lén chụp lại vì gặp anh nhiều lần trên tàu, anh luôn hát những bài vui vẻ và hạnh phúc, nhất là bài hát ý nghĩa và sôi nổi “Il est où le bonheur” (Hạnh phúc ở đâu?) của Christophe Maé, với nụ cười rộng nhất có thể. Anh hát và tìm kiếm ánh mắt của mọi người, nghiêng đầu chào hay nháy mắt, nụ cười thì thường trực ban phát. Hát xong anh đi một vòng, bất kể cho tiền hay không anh đều nghiêng đầu để nhìn thẳng vào mắt, rồi hỏi thăm “ça va? ça vous plait, ca vous fait du bien?”. Và chờ cho bằng được một nụ cười đáp lại, anh mới chuyển sang người khác. Vừa lách qua đám đông anh vừa nói “mọi người có vui không? có hạnh phúc không? có đỡ mệt không?”, lời lẽ rất chân thành, như một bác sĩ hỏi thăm các “bệnh nhân” bị bệnh căng thẳng trầm cảm vây. Có lần có cô gái mặt mũi khó đăm đăm, anh ta cứ nhìn cô và cười động viên “cô hãy cười lên mà xem, sẽ tuyệt vời lắm, tôi đoán là cô sẽ đẹp hơn nữa nếu cô mỉm cười, tin tôi đi, mỉm cười cô sẽ thấy hạnh phúc”. Rồi anh cứ đứng chờ, cô gái nọ ko cưỡng nổi, mãi rồi cũng nhoẻn cười. Anh ta reo lên vui vẻ rồi lại hỏi “cô thấy thế nào, có đúng là dễ chịu ko?”.
*

Khi nghĩ về những con người ấy, tuềnh toàng, thậm chí nghèo vật chất, da màu, nhập cư, già cả... nhưng sao họ có thể hào phóng “cho đi” rất nhiều như vậy, hoặc đơn giản là góp tạo một nụ cười, một vài phút thư thái. Họ không đòi hỏi đền đáp, ko cần ai biết đến một khuôn mặt, một cái tên, cứ tự nhiên lan tỏa cảm xúc tích cực cho những người may mắn gặp họ, như nắng ấm vậy. Cho những người đô thị cau có trong những nỗi lo lắng hàng ngày, lạnh lùng khép kín trong những lo sợ va chạm với những “tầng lớp xã hội” khác mình.

Cũng mấy ngày này, một vụ xả súng ở trường học, lại một kẻ khủng bố ở thủ đô nước láng giềng, một chiếc xe điên lại lao trên đường một thành phố nước láng giềng khác. Cả thế giới lại sôi sục, lại đau khổ và giận dữ, lại chĩa vào những khu “ngoại ô tệ nạn”, những kẻ nhập cư khả nghi, những người Hồi giáo nguy cơ cực đoan. Mỗi người lại co rúm lại bọc trong nỗi sợ hãi, nỗi lo lắng phải chia sẻ, cho đi tiền của của mình cho “kẻ xấu” khác. Họ lại khoác thêm lên khuôn mặt vẻ khó đăm đăm lạnh lẽo, và nỗi nghi kỵ tràn đầy ánh mắt. Ở các nước xa xôi lại đồn thổi, như dạo về Việt Nam một cô bé 7 tuổi nghiêm trọng hỏi tôi “cô ơi chỗ cô ở toàn bị khủng bố hả cô?”.

Làm sao tôi kể hết cho cô bé kia, cho hết thảy họ, rằng hôm qua, hôm nay và ngày mai, trên những nẻo đường ở xứ sở “bất an”, “lạnh lùng” này, vẫn vang lên tiếng nhạc, tiếng cười, và khúc ca về hạnh phúc. Hát lên và ban tặng không toan tính, của những người nhiều màu da khác nhau, từ mọi gốc gác, không nhiều tiền bạc, có thể không cả chốn dung thân.

Tiếng nhạc, tiếng ca ấy, có bị chìm khuất bởi tiếng súng? Có xoa dịu phần nào sự kỳ thị? Có lẽ tùy vào bạn, vào tôi, muốn “nghe” bằng tâm trí nào, con mắt nào, bằng trái đóng hay mở?

Bùi Uyên, từ Paris (Pháp)


 
 Từ khóa: cho đi
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn