Từ những chuyến đi: STARI MOST VÀ KÝ ỨC CHIẾN TRANH
Thứ tư - 26/04/2017 03:55
(NCTG) Lần trở lại Mostar năm nay, mình không được thấy những chàng trai trẻ và đẹp tới nao lòng, vạm vỡ nhưng thanh tú với nước da rám nắng, rắn rỏi, đi lại điềm nhiên trên thành cây cầu cổ Stari Most để rồi, một lúc nào đó, bất ngờ nhảy cắm đầu xuống dòng sông Neretva luôn lạnh giá.
Cầu cổ Stari Most nhìn từ phía khu Hồi giáo
Khu vực Stari Most luôn đông đúc và nhộn nhịp với du khách đến từ khắp nơi, và bữa nay thì rất đông người Á Đông. Chắc họ cũng có nghe chuyện nhảy cầu - đề tài truyền thống trong “câu chuyện làm quà” của các HDV địa phương, và cũng có ý chờ đợi, như mình, nhưng rồi không thấy có...
Bosnia để lại cảm giác buồn buồn cho những ai đã tới thăm các thành phố biển “đẹp như tranh vẽ” của Croatia, và “tiện thể” thì ghé Mostar, hoặc Medjugorje, một làng nhỏ mà vào tháng 6-1981, sáu thị nhân trẻ tuổi được cho là đã chứng kiến Đức Mẹ Mễ Du (tên khác là Nữ Vương Hòa Bình) hiện ra.
Xứ sở này còn nghèo, và có lẽ còn nhiều vùng rất nghèo, chí ít là so với hai “người anh em” một thời trong Liên bang Nam Tư là Slovenia và Croatia, cho dù Bosnia từng được Tổ chức Du lịch Quốc tế xem như quốc gia sẽ có tỷ lệ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới trong giai đoạn 1995-2020.
Dấu vết, di chứng của chiến tranh còn rải rác trên dọc đường đi, cảnh phụ nữ và trẻ em khất thực - bất chấp lời cảnh báo cần “cảnh giác” họ, có thể kiêm móc túi luôn đó! - vẫn mang lại cảm giác đau lòng. Nhưng dầu vậy, phố cổ Mostar, với mình, vẫn là điểm dừng chân rất ám ảnh và ấn tượng...
Cây cầu Stari Most gần 450 tuổi bắc ngang dòng sông chảy qua Mostar, phân cách những cộng đồng cư dân về sắc tộc và tín ngưỡng, đương nhiên thu hút du khách từ phương xa với cảnh sắc lạ lùng, và với con phố chính vô vàn cửa hiệu, hàng quán như thể thế giới “Ngàn lẻ một đêm” được tái hiện.
Tuy nhiên, cái khiến mình luôn không thể cầm lòng, là xen giữa chốn đô hội và ồn ào ấy, rải rác dọc đường đi, vẫn luôn có những dòng chữ, hiện vật... nhắc nhớ đến cuộc chiến tương tàn đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đã cướp đi ít nhất là hơn 100 ngàn cư dân ở đây. “Đừng quên 93” (Don’t forget 93).
Nội chiến Nam Tư (cũ) là một cuộc chiến tàn khốc nhất ở Châu Âu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, và phức tạp, kỳ quặc đến nỗi có lẽ phải là một chuyện gia về chính trị và quân sự, hay sử gia chuyên môn may ra mới có thể hiểu ai đứng về phe nào, tại sao “ẩu đả” nhau, và diễn tiến cuộc chiến ra sao, v.v...
Đó không chỉ là xung đột lãnh thổ giữa các sắc tộc, các tôn giáo, các khuynh hướng chính trị, mà còn là cuộc đối đầu giữa khát vọng được tự do, độc lập của các dân tộc, với sự áp đặt độc đoán của chính quyền trung ương, cùng các bè nhóm khác. Để rồi, rốt cục, “phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”!
Đương nhiên, xung đột vô nghĩa ấy không chỉ bùng nổ sau khi CNCS sụp đổ ở Đông Âu và vùng bán đảo Balkans, mà nó đã có cội nguồn từ nhiều thế kỷ trước đó, giữa cộng đồng Bosnia chiếm đa số, chủ yếu theo Hồi giáo, với các cộng đồng Serbia và Croatia, đa phần theo Chính thống giáo và Công giáo La Mã.
Nó cũng đã từng châm ngòi lửa cho Đệ nhất Thế chiến khi vào một ngày cuối tháng 6-1914, những phát đạn của Gavrilo Princip - sinh viên người Serbia, thành viên một nhóm khủng bố dân tộc chủ nghĩa - đã giết chết Hoàng thái tử Franz Ferdinand của Đế chế Áo - Hung và Phu nhân tại Sarajevo của xứ Bosnia.
Tất cả những đụng độ ấy, có một chứng nhân câm lặng trong nhiều thế kỷ, là Stari Most. Bị hủy diệt bởi tạc đạn chiến xa quân đội Croatia ngày 9-11-1993 định mệnh, câu chuyện cây cầu được tái dựng ròng rã trong khuôn khổ một dự án quốc tế (mà Hungary cũng có phần góp sức), với mình là một kết cục rất đẹp.
Chạm tay vào thành cầu, mình hình dung, mảnh nào trong số những viên đá ở đây được vớt lên từ đáy sông Neretva, đã sống qua hơn bốn thế kỷ, sống qua cả cuộc chiến Bosnia khốc liệt, để bây giờ được ghép lại trong cây cầu mới - cũ, trở thành điểm chiêm ngưỡng và trầm trồ của những đoàn khách quốc tế lũ lượt.
“Họ cũng đau khổ vì chiến tranh như nước mình nhỉ?” - một vị cao niên đi cùng mình nói khe khẽ, sau khi xem những thước phim về cuộc chiến tương tàn, những hình ảnh về cây cầu sau khi bị oanh tạc, rồi được xây lại. Mình nghĩ, những lúc ấy, rất có thể quá khứ và hồi ức buồn trong mỗi người lại lặng lẽ trỗi dậy...
Trùng hợp thay, mình và các đồng hương có dịp qua Mostar một ngày sau khi thế giới tưởng nhớ những nạn nhân của tệ diệt chủng hàng loạt Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến. Hàng trăm ngàn thanh niên từ hơn 50 nước đã tuần hành qua khu Trại tử thần Auschwitz - Birkenau, nơi 6-7 triệu người đã bị dồn vào lò thiêu.
Bao giờ thế giới này mới hết chiến tranh, bạo lực? Bao giờ mới chấm dứt hận thù, kỳ thị và phân biệt đối xử? Bao giờ tệ độc tài cáo chung? Để trong những hành trình khám phá và tìm hiểu, chỉ còn đọng lại trong mỗi người những giá trị văn hóa, nghệ thuật, những vẻ đẹp kỳ diệu của tạo hóa và bàn tay con người...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...