Theo các nguồn về tiểu sử, ông Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933 tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (Sài Gòn). Ông tham gia hoạt động từ năm 1947, khởi đầu ở Đội Thiếu nhi Cứu quốc của xã, rồi tập kết ra Bắc vào giữa thập niên 50. Cuối những năm 1950, ông theo học Đại học Kinh tế ở Moscow (Liên Xô) cho đến giữa thập niên 60.
Về nước, ông làm việc và giữ nhiều cương vị quan trọng trong công tác nghiên cứu quản lý kinh tế. Từ năm 1986, lần lượt ông được bầu vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, và Phó Thủ tướng thường trực trong Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và lên thay thế người được coi là
“kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới tại Việt Nam năm 1997.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là vị lãnh đạo chân thành, gần gũi, giản dị và tình nghĩa. Tiếp nối người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt nổi bật với sự từng trải, chính trực, quyết liệt và sắc sảo, ông được
người cùng thời nhận xét, là “
đã có mặt ở những thời điểm khó khăn, thử thách nhất” với phong cách làm việc lặng lẽ nhưng hiệu quả.
Là một
nhà kỹ trị hiếm có trong đội ngũ lãnh đạo thượng đỉnh vào thời điểm Việt Nam lần từng bước trong quá trình hội nhập kinh tế, ông Phan Văn Khải đồng thời cũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ sau năm 1975, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, và đóng vai trò lớn trong việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA).
Kế thừa và thực thi chương trình cải cách của người đi trước, ông Phan Văn Khải đã
thể hiện tinh thần cầu thị, khiêm tốn để tâm tới ý kiến nghiên cứu phản biện, để dần mang lại những đổi mới trong nền kinh tế, tập trung phát triển nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, bỏ qua nền kinh tế quốc doanh, quan liêu, lạc hậu và thiếu hiệu quả.
Ông Phan Văn Khải còn được nhớ tới với hành động từ nhiệm vào hè 2006, một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, với lời nhận lỗi trước nhân dân là đã “
để tham nhũng nghiêm trọng”. Là người được coi là có nhiều thành công trong nỗ lực cải cách hành chính và thị trường hội nhập, ông rất ý thức được sự nguy hiểm của “
quốc nạn” tham nhũng lan tràn.
“
Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn”, phát biểu tâm huyết của ông hơn 10 năm trước, tới giờ vẫn giữ nguyên tính thời sự với những diễn biến gần đây.
Xét về tổng thể, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại một di sản tích cực khi ông rời chính trường và đây là điều không phải vị chính khách nào cũng làm được. Nhiều bài viết, đánh giá về ông sau khi ông ra đi cũng phản ánh một phần thiện cảm của người cùng thời, và của người dân với “
ông Sáu Khải”, vị thủ tướng có nhiều đóng góp thầm lặng.
Tang lễ của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức với nghi thức Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM) trong hai ngày 20/21-3-2018, trước khi diễn ra lễ an táng tại quê nhà theo di nguyện của ông. Tại Hungary, ĐSQ Việt Nam sẽ mở số tang và lập Ban thờ Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày 21/22-3-2018 tại trụ sở ĐSQ.
(*) Địa chỉ: Budapest 1146, số 41 đường Thököly. Theo thông báo, lễ viếng và ký sổ tang được tổ chức theo các giờ cụ thể sau:
- Ngày 21-3-2018: sáng từ 10h00 đến 12h00; chiều từ 14h30 đến 16h30;
- Ngày 22-3-2018: sáng từ 10h00 đến 12h00; chiều từ 14h30 đến 16h30;
Thông báo của Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ lưu ý, các đoàn thể, bà con trong cộng đồng đến viếng Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không mang vòng hoa, nếu có thì là 1 (một) bông hoa; không đỗ xe ở khu vực trước cổng ĐSQ.