XUNG ĐỘT LỚN TẠI BIÊN GIỚI HUNGARY - SERBIA

Thứ năm - 17/09/2015 17:57

(NCTG) Đụng độ lớn đã xảy ra tại biên giới Hungary - Serbia, tại vùng Röszke vào chiều hôm qua, 16-9, khi một nhóm người tỵ nạn bị tắc lại ngoài lãnh thổ Hung đã tìm cách phá hàng rào để ào vào cửa khẩu, và cảnh sát Hung đã dùng vòi rồng và hơi cay để đáp lại.

Nhóm người quá khích trong đám đông tỵ nạn - Ảnh: Ujvári Sándor (MTI)

Nhóm người quá khích trong đám đông tỵ nạn - Ảnh: Ujvári Sándor (MTI)

Sự việc xảy ra sau khi Hungary trên thực tế đã khóa cánh cửa biên giới trước người tỵ nạn, khiến họ không còn có thể đi qua “đường rừng” vào nước Hung như trước. Một số nhỏ đủ điều kiện đặt đơn tỵ nạn thì đã bị bác nhanh chóng sau vài giờ (vì lý do họ đến từ Serbia là quốc gia được Hungary coi là an toàn đối với người tỵ nạn), bị trục xuất khỏi Hung, đồng thời cấm nhập cảnh và cư trú tại khu vực Schengen trong vòng 1-2 năm.

Nhiều người tỵ nạn đã ở vùng biên giới, hoặc được đưa tới vào phút cuối từ mọi miền của Serbia, đã không biết, hoặc không chấp nhận được việc cánh cửa tỵ nạn bị đóng sầm trước mặt họ, để họ lại tại vùng đất “vô chủ”, vì Serbia cũng tuyên bố sẽ không có trách nhiệm gì với họ. Một số tìm hướng khác để tới Châu Âu, như qua Croatia đến Slovania, bất chấp hiểm nguy phải đi qua những bãi mìn từ thời cuộc chiến Nam Tư.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm trụ lại, chưa đi vì không còn đủ tiền và sức lực, hoặc giả vẫn hy vọng Hung sẽ tái mở biên giới. Trưa hôm qua, gần một ngàn người tỵ nạn tập trung trước cửa khẩu Röszke, phía bên Serbia. Gần ba giờ chiều, vài trăm người bắt đầu tuần hành phản đối, rồi với sự “đầu têu” của vài người “to miệng”, đám đông tìm cách phá đoạn hàng rào ở cửa khẩu để tìm đường vào lãnh thổ Hung.
 
Phụ nữ và trẻ em đứng trước hàng rào ngăn cách Serbia - Hungary với mong mỏi vào EU - Ảnh: Armend Nimani (AFP)
Phụ nữ và trẻ em đứng trước hàng rào ngăn cách Serbia - Hungary với mong mỏi vào EU - Ảnh: Armend Nimani (AFP)

Diễn biến của các sự kiện không được rõ ràng lắm. Theo chính quyền Hungary, một giờ trước khi “gây hấn”, nhóm tỵ nạn này đã ra “tối hậu thư” cho cảnh sát Hung, rằng hoặc là cho họ nhập cảnh, hoặc họ sẽ tấn công. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác từ báo giới và các tổ chức dân sự thì cho hay, dường như cảnh sát có nói rằng họ có thể cho phụ nữ và trẻ em được vào Hung, và đám đông đã tiến tới cửa khẩu với suy nghĩ như vậy.

Một điều chắc chắn, trong đoàn đi đầu có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, họ còn hô vang “Cám ơn Hungary” và khi được biết Hung sẽ không mở cửa khẩu, một vài người tỵ nạn đã bực tức ném đá và chai nhựa đựng nước về phía cảnh sát. Cảnh sát Hung đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay, và theo phía Hung thì người tỵ nạn còn dùng cả bình xịt. Quần áo, lốp xe hơi, rác rưởi bị đốt, khói um cả một vùng, tình trạng rất hỗn loạn, nhiều phụ nữ và trẻ em cũng bị thương do hơi cay.

Theo ông Bakondi György, Cố vấn trưởng về An ninh của Thủ tướng Hungary, có hai trẻ nhỏ cũng bị ném qua biên giới Hung, các cháu được xe cấp cứu chở đi và gửi lại cho gia đình. Số cảnh sát bị thương (đa phần là nhẹ) theo những số liệu khác nhau là 14-20, trong đó có hai người phải vào viện. Phía bên Serbia, trong số những người tỵ nạn và phóng viên báo chí có mặt tại đó, có ba trăm người bị thương, trong đó có ba mươi trẻ em.
 
Đụng độ ác liệt - Ảnh: Srdjan Stevanovic (Europress)
Đụng độ ác liệt - Ảnh: Srdjan Stevanovic (Europress)

Cơ quan truyền thông quốc gia Serbia RTS khẳng định rằng, khoảng 5h30 chiều hôm đó, cảnh sát Hung đã đánh đập ba ký giả Serbia, và làm hư hại thiết bị của họ. Một nhà báo là cô Jovana Đurović bị thương nặng đến mức phải vào viện điều trị. (Trước đó một hôm, cảnh sát Hung cũng bị cáo buộc là đã bắt giữ một ký giả ngoại quốc khi đang tác nghiệp và buộc người này phải xóa hết những gì anh đã quay được trong vòng hai ngày).

Đụng độ xảy ra một lúc thì phụ nữ và trẻ em lùi ra sau, nhưng nhóm “chủ trương” vẫn tìm cách xúi giục những người khác cứ tiến lên. Rốt cục, chừng 50 người tỵ nạn trụ lại cạnh hàng rào dây thép, họ làm bật tung một cánh cửa lớn màu xanh. Giữa chừng, cảnh sát Serbia đứng sau đám đông, không can thiệp gì và chỉ tới phút cuối mới tiến tới gần hàng rào và khuyên nhóm người tỵ nạn đang “hành sự” ở đó là nên rút lui về phía sau.

Sau khi chiến sự xảy ra, Bộ trưởng Nội vụ Serbia tuyên bố vào buổi tối, ông đã cho cử cảnh sát tới vùng biên giới để đưa người tỵ nạn ra xa hàng rào. Ông Nebojsa Stefanovic cho hay, Serbia sẽ ngăn người tỵ nạn, không để họ ném đá cảnh sát Hung, hoặc đốt phá lốp ôtô. Đồng thời, phía Serbia phản đối việc cảnh sát Hung dùng lựu đạn cay cả trên lãnh thổ Serbia, và theo họ, nước từ vòi rồng cũng đã “xâm phạm” lãnh thổ Serbia.
 
Vòi rồng sang lãnh thổ Serbia? - Ảnh: Stoyan Nenov
Vòi rồng sang lãnh thổ Serbia? - Ảnh: Stoyan Nenov

Có mặt tại nơi xảy ra đụng độ, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Serbia Aleksandar Vulin - người được giao nhiệm vụ xử lý các vụ việc di dân - trong trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Quốc gia Serbia, cũng cực lực phản đối việc Hung khi dùng vòi rồng tại biên giới chung hai nước, đã phun nước sang cả lãnh thổ Serbia, và cho rằng “Hungary không có quyền này”. Phía Hung đã bác bỏ cáo buộc này, và tuyên bố cách hành xử của Hung hoàn toàn hợp pháp.

Theo tin của BBC, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khi xem những tin tức về cuộc đụng độ này, đã phát biểu “tôi bị sốc khi thấy cảnh tượng cảnh sát Hung đối xử với người tỵ nạn”, ám chỉ việc phía Hung dùng hơi cay khiến nhiều phụ nữ và trẻ em, mặc dù đã đứng xa và tách ra khỏi nhóm “đầu sỏ”, nhưng vẫn bị thương. “Đây là điều không thể chấp nhận được”, ông Ban Ki-moon khấn mạnh, và Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng cùng một ý kiến này với vị Tổng thư ký.

Đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DK) của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc cũng cho rằng biện pháp xử lý của cảnh sát với người tỵ nạn là quá đà, không tương xứng. “Vì một nhóm nhỏ người tỵ nạn quả thực có hành động hung hãn, cảnh sát cũng đừng dùng hơi cay với phụ nữ và trẻ em vô tội”, Phó Chủ tịch DK Vadai Ágnes nhận xét, và bà đánh giá: đây là cuộc đối đầu giữa những người tỵ nạn chiến tranh phải đi bộ nhiều ngàn cây số, với những cảnh sát đã kiệt sức vì đói khát, do một chính sách tỵ nạn sai lầm của chính quyền.
 
Cảnh sát Hung chiếm thượng phong tại cửa khẩu Röszke - Ảnh: Stringer (Reuters)
Cảnh sát Hung chiếm thượng phong tại cửa khẩu Röszke - Ảnh: Stringer (Reuters)

Về phía chính quyền Hungary, trong cuộc họp báo bất thường tại vùng biên giới Röszke, Phát ngôn viên Thủ tướng Kovács Zoltán cho rằng, “cảnh sát Hung đã bảo vệ biên giới Hung bằng chính thân thể mình, và cố nhiên ngăn chặn, không cho những kẻ di dân hung bạo, có vũ trang qua Hung một cách không kiểm soát”. Ngoại trưởng Szijjártó thì cho rằng, chỉ có vài chục người tấn công cảnh sát Hung, việc ngăn chặn họ không có gì phức tạp.

Trong một diễn biến có liên quan, trả lời phỏng vấn nhiều tờ báo nước ngoài cùng một lúc, Thủ tướng Orbán Viktor cho hay, không chỉ ở tuyến biên giới với Romania, mà một số đoạn biên giới với Croatia cũng sẽ bị chặn bởi hàng rào mà Hungary sẽ xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Hung Pintér Sándor cũng ra chỉ thị đóng cửa cả hai cửa khẩu tại vùng Röszke (biên giới Hung - Serbia) trong vòng ba mươi ngày.

Hai ngày qua, chính quyền Hung đã liên tục bác đơn xin quy chế tỵ nạn, đồng thời trục xuất nhiều người vì tội danh vượt biên trái phép. Nhiều người bị trả lại phía Serbia đang tìm cách sang Châu Âu bằng ngả mới, qua Slovenia, do đó nước này đã quyết định tái kiểm tra biên giới với Hung. Áo cũng tiến hành kiểm tra ở biên giới với Slovenia, và lãnh đạo Pháp cũng đang cân nhắc về khả năng tái lập chế độ kiểm tra biên giới.
 
Trẻ em cũng bị trúng hơi cay - Ảnh: Carlo Angerer (NBC News)
Trẻ em cũng bị trúng hơi cay - Ảnh: Carlo Angerer (NBC News)

Trần Lê tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn