QUAN HỆ VIỆT NAM - HUNGARY TỪ GÓC NHÌN CỦA THẾ HỆ SINH VIÊN TRẺ VIỆT NAM TẠI HUNGARY
Thứ ba - 23/01/2024 02:40
(NCTG) "Các thế hệ sinh viên Việt Nam tại Hungary thành đạt trong quá khứ và hiện tại chính là một minh chứng cho sự gắn kết đang ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia, bất chấp khoảng cách đáng kể về địa lý, ngôn ngữ hay văn hoá. Những người trẻ tại hai nước ngày nay sẽ cùng tiếp tục viết thêm những câu chuyện như vậy, qua đó mở ra nhiều cơ hội tìm hiểu, tương tác và thấu hiểu lẫn nhau giữa hai dân tộc một cách sâu sắc và thực chất" - góc nhìn của tác giả Linh Đặng về quan hệ Việt - Hung thông qua lịch sử các thế hệ du học sinh Việt Nam tại quốc gia Trung Âu này.
Ấn bản mới của dịch phẩm "Những ngôi sao Eger" được ra mắt độc giả Việt Nam năm 2019.
Năm 2019, sau gần nửa thế kỷ được dịch sang tiếng Việt, tiểu thuyết lịch sử rất quen biết của Hungary “Những ngôi sao Eger” (Egri csillagok) của nhà văn Gárdonyi Géza đã được tái bản tại Việt Nam và thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên săn sách tìm đọc (trong đó có tôi).
Bản dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này xuất hiện lần đầu tại Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất và ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Tính chất sử thi, anh hùng ca và tình yêu nước mạnh mẽ được thể hiện trong “Những ngôi sao Eger” đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam tiếp tục công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước gần năm mươi năm về trước. Năm mươi năm về sau, sự đón nhận của độc giả Việt Nam với tiểu thuyết, đặc biệt là các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, vẫn vô cùng nồng nhiệt.
Một điều thú vị là người dịch cuốn tiểu thuyết kinh điển này - dịch giả Lê Xuân Giang - thuộc thế hệ du học sinh Việt Nam đầu tiên sang Hungary trong thập niên 50 thế kỷ trước. Lớp sinh viên trẻ đang theo học tại Hungary hiện nay như chúng tôi, dù có sự cách biệt đáng kể về thời gian và thế hệ, vẫn cảm nhận được và hy vọng có thể tiếp nối tinh thần, ký ức của các anh chị, cô chú bác đi trước và đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ tại đây.
Lớp người Việt đầu tiên xuất hiện ở Hungary nửa cuối thế kỷ 20 là những du học sinh Việt Nam được nhà nước cử đi học và tu nghiệp để sau đó về nước, tiếp tục phát triển chuyên môn của mình tại quê hương, nhằm đóng góp cho quá trình xây dựng nhà nước XHCN. Cũng như nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu khác, Cộng hòa Nhân dân Hungary đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ đầu năm 1950 và dành sự ưu tiên lớn về nguồn lực để đào tạo lớp trí thức trẻ Việt Nam thời bấy giờ.
Kể cả sau khi đất nước đã thống nhất, Hungary vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc lựa chọn và đưa các sinh viên ưu tú sang châu Âu để tiếp cận kiến thức khoa học phát triển và mang về nước, phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Các thế hệ sinh viên Việt Nam tại Hungary trước những năm 1990, qua đó, là một phần trong ký ức chung giữa hai quốc gia đồng minh có nhiều đặc điểm giống nhau về thể chế chính trị.
Tuy nhiên, sau sự thay đổi thể chế ở Hungary vào năm 1989, nền tảng gắn kết căn bản nhất giữa hai nước, dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ, đã không còn. Điều này ảnh hưởng rất đáng kể đến sự hiện diện của các sinh viên Việt Nam tại các cơ sở giáo dục bậc đại học và sau đại học ở Hungary trong những năm hậu Cộng sản. Tuy nhiên, khoảng một thập niên gần đây, mối quan hệ Việt Nam - Hungary đã trở nên bền chặt hơn rất nhiều, dựa trên nền tảng mới về giao thương kinh tế, truyền thống hữu nghị và ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt, trong chuyến công du chính thức đến Việt Nam năm 2018 của Thủ tướng Orbán Viktor, hai nước đã đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “đối tác toàn diện”.
Khi nhìn vào bức tranh tổng thể, sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt - Hung hiện nay có thể được diễn giải như một phần của chính sách ngoại giao “Hướng Đông” (Keleti Nyitás), một khái niệm được lần đầu đề cập trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Orbán Viktor (2010-2014).
Dù nhìn bề ngoài có vẻ mâu thuẫn, chính sách “Hướng Đông” thực sự có quan hệ mật thiết với quan điểm chính trị theo thiên hướng dân tộc và hoài nghi EU của chính quyền Hungary từ đầu thập niên 2010. Xuyên suốt bài phát biểu sau buổi hội đàm hẹp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 18/1 vừa qua, người đồng cấp Hungary luôn nhấn mạnh rằng dân tộc Hungary “thuộc về Phương Tây, nhưng đến từ Phương Đông”. Chính sách “Hướng Đông”, vì vậy, còn mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc khi nó thể hiện hàm ý “tìm về”, “trở về” gốc gác xa xưa của dân tộc Hungary ở phía Đông dãy Ural.
Tuy nhiên, không nên hiểu rằng chính sách ngoại giao “Hướng Đông” đơn thuần được xây dựng một cách cứng nhắc dựa trên những cảm thức dân tộc xuất phát từ lịch sử và tình hình chính trị - xã hội Hungary đương đại. Trên thực tế, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Orbán Viktor đã thẳng thắn công nhận sự trỗi dậy của Châu Á và việc Hungary cần nắm bắt cơ hội để phát triển sự kết nối với các quốc gia thuộc châu lục này: “Chúng ta đang lái tàu dưới lá cờ của Phương Tây, dù làn gió đến từ Phương Đông đang thổi trong nền kinh tế toàn cầu”. Việc phát triển sâu rộng các quan hệ kinh tế - chính trị - ngoại giao với các nước Trung – Đông Á, Trung Đông, Đông Âu, Balkan và Mỹ Latin luôn được nhấn mạnh như một cách để đối trọng lại ảnh hưởng của các nước Phương Tây và EU lên chính sách đối nội và đối ngoại của Hungary.
Ngoài ra, từ năm 2013, chương trình Học bổng Hiệp định Stipendium Hungaricum (SH) của chính phủ Hungary đã trao hàng chục ngàn suất học bổng cho các sinh viên nước ngoài có nguyện vọng học tập tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở nước này. Trong số đó, đại đa số các sinh viên đến từ các quốc gia Á - Phi - Mỹ Latin, với số lượng nhỏ hơn đến từ Đông Âu và vùng Balkan. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đối tác trong chương trình học bổng này, với khoảng 200 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng hiệp định SH và sang Hungary học tập mỗi năm thời gian gần đây.
Sự ra đời của học bổng SH danh giá đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hungary. Ngày hôm nay, một thế hệ sinh viên Việt Nam mới ở đất nước Trung Âu đang dần được thành hình - những trí thức trẻ được sinh ra, lớn lên trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và được trang bị các kỹ năng, kiến thức nền tảng để trở thành công dân toàn cầu. Dù học tập trong bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt với các thế hệ đàn anh đi trước, các bạn sinh viên vẫn tiếp tục tiếp nối tinh thần học tập, rèn luyện hăng hái và trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của mối quan hệ hữu hảo truyền thống giữa Việt Nam và Hungary.
Bên cạnh đó, nỗ lực quốc tế hoá các cơ sở đào tạo bậc đại học tại Hungary đã góp phần làm đa dạng hoá thành phần sinh viên tại các trường, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được phát triển bản thân trong môi trường học tập đa văn hoá. Đây là một lợi thế rất lớn của du học sinh Việt Nam tại Hungary trong thời điểm hiện tại và tương lai so với thế hệ đi trước mà các bạn có thể nắm bắt và tận dụng.
Những câu chuyện, những ký ức liên thế hệ của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hungary vẫn đang tiếp tục được viết và được kể lại, đôi khi theo những cách bất ngờ và thú vị nhất. Người viết có một người bạn hiện đang du học tại Mỹ, từng sang Châu Âu vài tuần trong khuôn khổ một khoá học về quan hệ giữa chính trị và kịch nghệ. Chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rôm rả tại Centrál Kávéház (quán cà phê nổi tiếng tại Budapest, được biết đến như là nơi các văn sĩ, thi hào Hungary đầu thế kỷ 20 thường lui tới để bàn chuyện văn chương tri thức). Sau khi rời quán lúc đã tối muộn, chúng tôi đi bộ ngược về hướng Cầu Erzsébet (người Việt hay gọi dân dã là "Cầu Trắng") khi người bạn đồng hành đột nhiên nhắc tới việc bà mình cũng từng là một du học sinh tại Hungary thời xa xưa.
Bạn kể cho tôi rằng khi bạn gửi ảnh cây cầu nổi tiếng này về nhà, bà của bạn đã thốt lên: “Ôi, giờ cầu này đã cho xe đi lại rồi à?”, khiến tôi vừa bất ngờ vừa bật cười: hoá ra là trước đây cầu này chỉ được dành cho người đi bộ! Trước cuộc gặp mặt đó không lâu, bộ phim “Hoa táo nở” (tựa tiếng Hungary: Az almafa virága) về một chuyện tình sinh viên Việt - Hung éo le trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã chính thức được ra mắt tại Hungary. Thông điệp nhân văn của bộ phim đã đại diện cho một phần ký ức tập thể của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây cũng như những sinh viên Hungary đã từng có cơ hội tiếp xúc với họ. Trên tất cả, bộ phim đã thể hiện nỗ lực bắc cầu, vun đắp sự liên kết giữa ký ức quá khứ, trải nghiệm hiện tại và niềm hy vọng về tương lai của những thế hệ người Việt đã có duyên gắn bó với đất nước Trung Âu này trong những thập niên qua.
Theo dòng thời sự, chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam đến Hungary từ ngày 18/1 đến ngày 20/1/2024 đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hai nước. Sự kiện ngoại giao quan trọng này, bên cạnh những tác động sâu rộng về chính trị, cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên Việt Nam để chiêm nghiệm những năm tháng cuộc đời của họ tại đất nước Trung Âu này. Các thế hệ sinh viên Việt Nam tại Hungary thành đạt trong quá khứ và hiện tại chính là một minh chứng cho sự gắn kết đang ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia, bất chấp khoảng cách đáng kể về địa lý, ngôn ngữ hay văn hoá. Những người trẻ tại hai nước ngày nay sẽ cùng tiếp tục viết thêm những câu chuyện như vậy, qua đó mở ra nhiều cơ hội tìm hiểu, tương tác và thấu hiểu lẫn nhau giữa hai dân tộc một cách sâu sắc và thực chất.
(*) Tác giả là sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ Quốc tế, khoa Khoa học Xã hội, Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...