Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: “MỘT ĐẤT NƯỚC RẤT VĂN HÓA, RẤT CÓ BỀ DÀY LỊCH SỬ...”

Thứ sáu - 23/08/2013 08:10

(NCTG) “Khi đặt chân đến Hungary, mặc dù trước đó đã nghe nói là Hungary và Budapest rất đẹp, nhưng mình vẫn thật sự sững sờ vì vẻ đẹp của xứ sở này! Và mình thấy ngay được đây là một đất nước có tầm văn hóa rất phát triển, rất cao, cao hơn mình tưởng tượng. Nó toát lên một bề dày văn hóa rất đáng nể, có những thứ, kể cả những nước phát triển sau, phát triển rất rực rỡ như Mỹ, cũng không thể có được”.


Các thành viên cộng đồng trong buổi liên hoan chia tay Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Phu nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Hungary - Ảnh: Trần Minh Tâm

Lời tòa soạn: Trong các cuộc gặp gỡ giữa chính giới Việt Nam và Hungary, lãnh đạo hai nước luôn tự hào nhắc đến mối quan hệ truyền thống từ hơn sáu thập niên này giữa hai nước, và đặc biệt, tới những người Việt từng học tập, nghiên cứu, làm việc và sinh sống tại Hungary, như một cộng đồng thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Hungary mà không một nơi nào khác trên thế giới có được.

Nhiều cựu du học sinh, nghiên cứu sinh, học viên quân sự, thực tập sinh và cộng tác viên khoa học Việt Nam tại Hungary, về sau, khi trở về nước, đã giữ các cương vị quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, khoa học và xã hội của đất nước. Đa số đều coi Hungary là quê hương thứ hai, và không bao giờ quên những năm tháng được học tập và đào tạo trên đất bạn.

Gìn giữ và thường xuyên hồi nhớ những kỷ niệm, ấn tượng khó phai trên giảng đường, trong những dịp tiếp xúc với bạn bè Hungary, lúc đi lao động, làm thêm, v.v... lúc xa quê, không ít người trong số họ luôn mong muốn và khi có dịp, đã trở lại thăm nước Hung yêu dấu sau nhiều thập niên xa cách với những tình cảm bồi hồi, xúc động.

Những cảm xúc, tâm tư ấy sẽ được NCTG đăng tải trong loạt bài sau đây, được thực hiện với một số cựu du học sinh, nghiên cứu sinh, cũng như với những người đã có thời gian công tác và sinh sống tại Hungary. Đó là sự chia sẻ về những kỷ niệm, ấn tượng trong những năm tháng trên đất bạn, cũng như, vị trí của Hungary trong lòng mỗi người.

Mở đầu loại bài là cuộc trao đổi giữa PV báo NCTG với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng và Phu nhân, chị Trần Thị Bích Vân. Cuộc trò chuyện được diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình tại thủ đô Hà Nội, ngay trong dịp Đại lễ thường niên 20-8 của Hungary.


 
Tại Hà Nội, trong dịp Quốc khánh Hungary - Ảnh: Bích Ngọc


- Xin chào anh chị, rất vui được trò chuyện với anh chị nhân ngày Quốc khánh Hungary.

Anh Nguyễn Quốc Dũng (N.Q.D.): Đúng rồi, hôm nay là quốc khánh Hung. Một năm Hung có ba ngày Quốc lễ. Ngày 15-3 kỷ niệm cuộc cách mạng tư sản 1848 ở Hung cũng được coi là ngày quan trọng. Ngày 20-8 tưởng nhớ vị vua đầu tiên của Hung, Thánh Isván, còn 23-10 thì là ngày khởi đầu cuộc cách mạng năm 1956.

- Vậy trong số ba ngày đó ngày nào là Quốc khánh thưa anh?

N.Q.D.: Ngày 20-8. Tuy nhiên cũng phải nói rằng việc Hungary tổ chức một cách khá ngang bằng ba ngày Quốc lễ như thế - đó là lịch sử để lại cho nước Hung - phần nào nói lên sự đau thương và lịch sử thăng trầm của Hungary?

Tất nhiên ngày 20-8 là truyền thống từ xưa tới giờ và cũng là ngày được người Hung công nhận hơn cả, được tổ chức lớn nhất. Ngày 23-10 gắn liền với biến cố 1956, có người đồng ý, có người không. Còn ngày cách mạng tư sản thì ngày xưa tất nhiên là không kỷ niệm rồi.

Đấy là chưa kể đến một số ngày Quốc lễ khác mà dạo trước, thời XHCN, Hung cũng kỷ niệm. Ví dụ như ngày 4-4, được coi là ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Hungary vào năm 1945, nhưng đến khi chuyển đổi chế độ thì người ta đã bỏ đi.

Nhắc lại để thấy lịch sử của nước Hung rất đau thương. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, vì đứng về phe thua cuộc nên họ mất hai phần ba đất đai và dân số, trong Chiến tranh thế giới thứ hai họ bị tàn phá nặng nề. Họ đáng nhẽ phải được hưởng những cái nhiều hơn như hiện tại, cho dù họ giỏi hay không giỏi thì họ cũng đang phải chịu rất nhiều cái thiệt thòi. Có thể nói, họ là nạn nhân của chiến tranh. Nạn nhân của sự chia chác.

- Anh từng làm đại sứ ở Hungary và anh chị từng sống ở đó ba năm, vậy cảm nhận đầu tiên của anh, chị khi đặt chân đến đất nước Hung như thế nào?

N.Q.D.: Khi đặt chân đến Hungary, mặc dù trước đó đã nghe nói là Hungary và Budapest rất đẹp, nhưng mình vẫn thật sự sững sờ vì vẻ đẹp của xứ sở này!

Và mình thấy ngay được đây là một đất nước có tầm văn hóa rất phát triển, rất cao, cao hơn mình tưởng tượng. Nó toát lên một bề dày văn hóa rất đáng nể, có những thứ, kể cả những nước phát triển sau, phát triển rất rực rỡ như Mỹ, cũng không thể có được. Họ đã có cả nhiều thế kỷ, cả nghìn năm và không phải chỉ thể hiện ở công trình có hàng nghìn năm tuổi đó mà còn thể hiện ở con người, con người Hungary có độ sâu về văn hóa rất cao. Đấy là ấn tượng đầu tiên của mình khi đặt chân đến đất nước Hung.

Chị Trần Thị Bích Vân (T.T.B.V.): Khi anh Dũng sang nhậm chức thì mình vẫn đang nhiệm kỳ công tác ở Canada nên không thể sang được, chỉ đến lúc anh ấy trình Quốc thư thì mình mới bay sang. Sang vào ban ngày, đến buổi tối hôm đó đã phải cùng anh đón một đoàn ở trong nước sang. Khi đi qua chỗ sông Danube, từ bên Pest sang Buda và đi ngược lại, mình thấy đẹp quá, đẹp vô cùng! Ngay lập tức, mình cảm thấy rất yêu quý mảnh đất đó và mình quyết định ngay khi hết nhiệm kỳ sẽ sang Hungary với anh!

- Với những ấn tượng ban đầu như vậy, anh chị chắc sẽ có nhiều cảm nhận về đất nước này? Trước hết là về cảnh vật…

N.Q.D.: Mình có rất nhiều cảm nhận, kỷ niệm và nó dàn trải suốt thời kỳ mình công tác tại đó, khoảng ba năm rưỡi.

Ngay sau khi đến Hung, rất nhanh chóng mình được đi thăm quan và tiếp cận những công trình lớn và nổi tiếng của họ. Cảm thấy ngay là mình rất may mắn khi được sống và làm việc ở một đất nước đẹp như vậy. Những lúc công việc nhiều, mệt mỏi, căng thẳng nhờ khung cảnh đẹp, điều kiện văn hóa như thế giúp con người thư thái lại. Đó là những thuận lợi cho mình khi làm Đại sứ tại Hung.

Có một ấn tượng nữa về đất nước này: tuy có bề dày như vậy nhưng mà đúng là họ đang gặp khó khăn. Điều này thể hiện ở những công trình rất đẹp, nhưng bị bao phủ bởi những cái cũ kỹ. Cũ ở đây theo nghĩa không phải là cổ mà là không được bảo quản tốt bằng những chỗ khác. Hay đường phố, nhìn thì rất cổ nhưng bị xuống cấp.

Một số công trình lớn và nổi tiếng để du khách đến thăm được chăm sóc rất tốt, như thành Vár, Cung điện Hoàng gia, Nhà Quốc hội thường xuyên được trùng tu, trung tâm thành phố được giữ gìn và tu bổ rất tốt. Ở các nước khác họ cũng có những công trình đẹp, nhưng thường chỉ co cụm ở trung tâm cho khách đến thăm, còn ra rộng hơn thì không có nhưng ở Hung thì vẫn có. Rất đẹp, nhưng một số nơi bị xuống cấp rồi, Hung họ không đủ khả năng tài chính để tu bổ.

- Còn về con người Hungary?

N.Q.D.:
Con người Hung, qua tiếp xúc mình thấy họ rất xuất sắc, nếu nói về cá nhân từng người một. Ai cũng đáng phục và họ rất giỏi. Trình độ cao, văn minh tốt, hiểu biết nhiều, kiến thức rộng lớn và là những người ham học hỏi. Họ giỏi về nhiều lĩnh vực, và cái gì họ biết thì họ biết rất chuyên nghiệp, biết rất sâu. Việc nào cũng thế, kể cả văn học nghệ thuật, cũng như khoa học, ngoại giao… Chuyên môn của họ rất cao vì họ được đào tạo rất tốt.

Có thể nói, những con người cụ thể mà mình có dịp gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên với tư cách đại sứ, là chính giới và giới doanh nghiệp.

Có hai thế hệ chính khách mà mình thường được gặp. Thứ nhất là những người lãnh đạo đứng tuổi, đã trải qua các chế độ khác nhau, họ rất hiểu về Việt Nam và mình thấy đáng quý ở chỗ đó. Có những người gắn bó với Việt Nam, hoặc đã từng cùng học với các bạn Việt Nam, hoặc là thầy của các sinh viên, NCS Việt Nam. Họ quý mến và có ấn tượng rất tốt về con người Việt Nam. Họ đánh giá người Việt chịu khó, học giỏi và thông minh.

Vì thế, khi tiếp xúc với họ mình cảm thấy rất gần gũi, nhất là các bộ trưởng, thứ trưởng, hay như Tổng thống Hung từng là giáo sư và từng dạy người Việt Nam. Trước đây có cựu Tổng thống Göncz Árpád còn có con nuôi là người Việt. Như vậy có thể nói người Việt và người Hung có những tình cảm gắn bó nhất định. Hay khi bà Chủ tịch Quốc hội Szili Katalin lần đầu tiếp mình thì nói ngay: “Việt Nam trong trái tim tôi”. Tóm lại, họ rất yêu quý và có những kỷ niệm gắn bó với người Việt Nam.

Về thế hệ lãnh đạo thứ hai - Hungary sau này trở thành một đất nước trẻ với nghĩa có rất nhiều nhà lãnh đạo trẻ tuổi - rất nhiều người trẻ khiến mình ngạc nhiên. Ví dụ nhiều Quốc vụ khanh (thứ trưởng) của họ trẻ lắm, tầm chỉ hai mấy, ba mươi tuổi. Có những người là Trợ lý Thủ tướng còn rất trẻ, chỉ hai mấy thôi. Sau khi thôi làm trợ lý họ lại quay lại trường học ngay, đi làm thạc sĩ, tiến sĩ. Kể cả các vị Thủ tướng như ông Gyurcsány Ferenc sinh năm 1961, đến ông Bajnai Gordon sinh năm 1968, khi lên làm Thủ tướng đều còn rất trẻ! Đó là ấn tượng đối với mình.

Thế hệ trẻ này họ cũng từng học với người Việt, rất hiểu và có ấn tượng tốt với Việt Nam. Tất nhiên họ không thể hiện như những người đứng tuổi, nhưng ấn tượng của mình là họ rất giỏi về chuyên môn, rất tự tin. Họ rất trẻ so với các chính trị gia của các nước khác; còn so với Việt Nam, ở tầm đại sứ, mình cũng là diện trẻ, nhưng so với mình họ còn trẻ hơn. Bề dày thâm niên (background) của họ rất ít, họ mới ra trường một thời gian, nhìn vào CV (lý lịch) của họ thì rất đơn giản, họ chưa kinh qua nhiều nhưng đã được giao những chức vụ quan trọng rồi. Còn như ở mình thì hầu như đều phải qua các chức vụ từ thấp rồi mới tới cao được…

Với các đồng nghiệp của mình ở Bộ Ngoại giao, mình thấy họ rất chuyên nghiệp, thân thiện và hợp tác dễ chịu. Mặc dù họ phải kiêm nhiệm rất nhiều việc do biên chế cán bộ của Bộ Ngoại giao Hung không nhiều, nhưng họ làm việc khoa học và hiệu quả, cơ chế trao đổi thông tin rất tốt.

Cũng có một nhận xét nữa là giữa người Hung và người Việt có hiểu biết về nhau, nhưng biết nhiều về quá khứ hơn là hiện tại. Có nhận thức cho rằng nước Việt Nam, người Việt Nam còn rất nghèo và lạc hậu, cái gì cũng cần. Giới doanh nghiệp cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi quan niệm đó và còn chưa hiểu biết nhiều về các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy trong trao đổi hợp tác, làm ăn giữa hai bên còn nhiều khó khăn.

Với  những người dân bình thường của Hung, nói chung khi tiếp xúc mình thấy họ đều có văn hóa, trình độ và “dân trí” của họ rất cao. Khi mình đến các gia đình ở các khu chung cư thì thấy có những khu rất cũ kỹ, cũ lắm, tất nhiên không xập xệ như khu Công Trứ, Kim Liên của mình, nhưng cũng là xuống cấp - nhưng khi vào bên trong nhà họ thì vẫn có sự ngăn nắp, sạch sẽ, đặc biệt là nhiều sách, thể hiện một trình độ cũng như văn hóa, dân trí rất cao.

Mình thường xuyên có quan hệ với các thành viên trong Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam hay Hội Cựu chiến binh, có những người Hung tham gia Ủy ban Bốn bên (tức Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế về sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam) trước đây ở Việt Nam. Họ là những người rất đáng quý, gắn bó tình cảm với Việt Nam, hỗ trợ rất nhiều cho công việc của Đại sứ quán. Mình cũng có nhiều dịp đi công tác ở các địa phương, tiếp xúc nhiều với người dân, nhìn chung họ đều quý mến Việt Nam. Đặc biệt là những người yêu Việt Nam ở thành phố Zalaegerszeg đã gìn giữ bức tượng Bác Hồ được đặt ở một khu phố từ năm 1976 rất cẩn thận, chu đáo.

Mình cũng có nhiều dịp gặp các nhà khoa học Hung, họ rất giỏi, tất nhiên mình không đủ trình độ để phán xét, để đo, nhưng mình thấy trình độ họ rất cao. Giới nghệ sĩ mình cũng gặp, rất tài hoa và thân thiện. Đấy là một số suy nghĩ, ấn tượng về đất nước con người Hungary, nói chung là dễ chịu, đất nước đẹp, con người tài giỏi.

- Trên cương vị Phu nhân Đại sứ, cuộc sống của chị tại Hungary có gì đặc biệt?

T.T.B.V.: Ngay sau buổi trình Quốc thư của anh Dũng, mình quay lại ĐSQ Việt Nam tại Canada và khoe với hết mọi người là Budapest đẹp lắm, thành phố nhỏ nhưng đẹp tuyệt vời, nhất là buổi tối. Lúc đó, mình không thấy khó khăn gì khi phải theo anh nữa cả. Tháng 9-2007, anh Dũng trình quốc thư thì tháng 3 năm sau mình kết thúc nhiệm kỳ tại Canada và sang Hungary ở cùng anh. Mình thấy mình đã quyết định đúng.

Suốt khoảng thời gian tại Hungary, mình rất thích thú về cảnh quan, thắng cảnh cũng như con người, công việc tại đất nước này. Mình giúp ông xã về việc tiếp tân, quan hệ với Ngoại giao đoàn, tham gia tích cực trong Hội phu nhân các đại sứ - hội này sau mở rộng ra cả phu quân vì ở Hungary có nhiều bà đại sứ (như Mỹ, Israel…) đưa chồng sang. Cùng họ, mình làm thành một tổ chức các phu nhân, phu quân đại sứ - mình được bầu làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch là bà phu nhân đại sứ Thụy Sĩ - hoạt động mang tính chất từ thiện.

Đại loại, Hội tổ chức nhiều hoạt động để quyên tiền giúp cho trẻ em tàn tật, trẻ em nghèo người Tzigane tại nước sở tại. Bọn mình cũng bảo trợ cho hai tổ chức, trong đó có một tổ chức của Hung mở ra dạy cho các cháu bị bệnh Down, thiểu năng trí tuệ, hàng năm đến đưa tiền, mua các trang thiết bị cho các cháu vui chơi, học hành, máy sưởi, cầu trượt, xe đạp.

Các phu nhân rất gắn bó. Thời đó bọn mình sinh hoạt sôi nổi lắm, mỗi tuần gặp nhau hai lần để thống nhất hoạt động của Hội, trao đổi tìm hiểu văn hóa, văn học, nhạc họa, thăm thú, v.v... Có những buổi đọc sách, một bà phu nhân phụ trách mảng này. Một bà khác thì phụ trách dạy cho các phu nhân thêu trên lụa, làm vòng trang sức, vòng tay, hoa tai, rồi đi bán để làm từ thiện. Mỗi người tự đóng góp theo sở trường, công sức và khả năng tài chính của mình.

- Ngoài ra, chị còn kỷ niệm gì đặc sắc với con người nước bạn?

T.T.B.V.: Ấn tượng thì nhiều lắm, về đất nước, con người Hungary mình rất thích. Nhưng mình không phải giao tiếp nhiều như anh Dũng, mình chủ yếu giao tiếp với thầy cô giáo của con mình, họ rất chân thành, rất yêu nghề, không có phân biệt học sinh nước ngoài hay Hung, sẵn sàng giúp đỡ mình.

Ví dụ con mình, khi cháu mới sang học tiếng Anh là chính, tiếng Hung không biết mà học tiếng Hung thì khó lắm. Trường cũng động viên và dành riêng một giáo viên để dạy tiếng Hung cho cháu. Khi học lên cao thì môn học tiếng Anh ít đi, môn học tiếng Hung nhiều hơn, mà con mình thì chưa thể nắm hết được tiếng Hung nên có nhiều giáo viên dịch toàn bộ sách giáo khoa sang tiếng Anh làm bài giảng cho cháu. Mình cũng đã sang Canada, nhưng quả thực chưa một nơi nào các thầy cô tận tình như thế, bình thường họ chỉ giúp trong khả năng của họ thôi. Mình thấy con người Hung đáng quý ở chỗ đó…

- Thế còn cảm nhận, ấn tượng, kỷ niệm về cộng đồng người Việt tại Hung thì thế nào, thưa anh chị?

N.Q.D.: Nói một cách toàn diện, ấn tượng của mình về người Việt ở tại Hung rất mạnh. Khi làm đại sứ ở Hung, mình rất dễ chịu, mặc dù cộng đồng Việt ở bên ấy không đông so với các nước khác, khoảng năm sáu nghìn người, trong khi Cộng hòa Czech có thể là sáu mươi nghìn người, Đức thì còn hơn thế, hàng trăm người nghìn. Các nước khác có cộng đồng người Việt rất lớn nhưng có lẽ không đâu được như cộng đồng người Việt tại Hung.

Giao dịch với Đại sứ quán phần lớn là anh chị em trí thức, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, hỗ trợ bọn mình rất nhiều. Mọi sinh hoạt cộng đồng là dựa chủ yếu vào đội ngũ doanh nghiệp và trí thức, các anh chị đều là người hiểu biết và nhiệt tâm. Ngay về khoa học công nghệ, chẳng hạn Việt Nam mình tiếp cận nhà máy nguyên tử Paks của Hung cũng nhờ bà con Việt ở đây (hiện tại phía Hungary đang đào tạo cho Việt Nam về vấn đề điện hạt nhân để chuẩn bị cho việc xây dựng hai nhà máy tại Ninh Thuận).

Cộng đồng Việt Nam ở Hung có thể nói là một nguồn vui đối với ĐSQ và bản thân mình. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, ở đâu cũng có những vấn đề rắc rối, những phần tử phức tạp. Bên cạnh những mặt tốt, tích cực, thời mình giữ cương vị đại sứ có rất nhiều vụ việc đau đầu, như rộ lên vấn đề trồng cần sa và đưa người sang Châu Âu trái phép, làm mình hết sức mệt mỏi. Những chuyện đó rất dở!

T.T.B.V.: Một may mắn cho mình là có cộng đồng Việt, một lực lượng hỗ trợ rất mạnh và hiệu quả khi Hội phu nhân, phu quân đại sứ bọn mình đi làm từ thiện. Mình rất biết ơn bà con Việt bên ấy đã giúp đỡ bọn mình, thông qua đó bọn mình giúp lại nước bạn – đây cũng là cách để cộng đồng thể hiện tình cảm của với đất nước Hung, quê hương thứ hai đã cưu mang bà con.

Hàng năm, bọn mình tổ chức Gala Dinner (dạ tiệc) cực kỳ sang trọng, bán vé để làm từ thiện. Mình cũng nhờ và khuyến khích cộng đồng và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt bên ấy tham gia để có cơ hội gặp gỡ giới ngoại giao, chính khách. Các doanh nhân Việt tham gia dạ tiệc, vừa làm từ thiện, vừa có khả năng tiếp cận, trao đổi về kinh doanh với phía Hung, cũng là hoạt động mang tính tích cực hai chiều.

Và cũng phần nào thông qua các hoạt động từ thiện đó mà nước sở tại và Ngoại giao đoàn họ biết thêm về cộng đồng Việt Nam, họ đánh giá rất cao, coi đó là cộng đồng nước ngoài thành đạt, có nỗ lực đóng góp cho nước sở tại. Và mỗi khi mình đi họp, họ cũng có hỏi thăm, nhớ đến cộng đồng mình – như vậy là cái mình muốn đã thành công phần nào. Nói thế để thấy bà con Việt Nam mình ở Hung rất thành đạt, rất đoàn kết, hỗ trợ cho công tác của Đại sứ quán rất nhiều!

- Trên cương vị các nhà ngoại giao, chắc anh chị cũng có những kỷ niệm riêng có liên quan tới ngành?

N.Q.D.: Cộng đồng của Ngoại giao đoàn thời mình rất hay, gắn bó với nhau, các đại sứ nước ngoài ở Budapest quan hệ với nhau rất thân thiết. Đó cũng là một nguồn vui đối với mình, tất nhiên đồng thời cũng tiêu thời gian của mình khá nhiều. Nhưng làm cán bộ ngoại giao thì không chỉ với nước sở tại mà mình phải có nhiệm vụ quan hệ với nhiều nước khác, nên đó cũng là một cơ hội để mình được giao lưu.

Mình có nhiều kỷ niệm với Ngoại giao đoàn. Trong thời gian vợ chồng mình chia tay về nước, hai tháng liền cho tới đến lúc về, liên tục có các tiệc chiêu đãi các đại sứ họ mời, rất vui vẻ. Các đại sứ từ các khu vực khác nhau, ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương, kể cả Trung Đông, Châu Phi, Ả Rập, Châu Âu, v.v…, khiến mình cảm thấy rất vui.

Đặc biệt nhất là buổi chiêu đãi của ông Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ của Giáo hoàng (thường Đại sứ Vatican là Trưởng đoàn Ngoại giao). Ông ấy mời vợ chồng mình và rất nhiều đại sứ khác dùng cơm. Trong lòng mình nghĩ ông ấy làm Trưởng đoàn Ngoại giao thì ai về nước ông ấy chả mời, mình đã được mời thì đại sứ các nước quan trọng, khi họ chia tay, chắc chắn bao giờ ông ấy cũng mời. Nhưng hôm đó rất bất ngờ: mở đầu bữa tiệc ông ấy phát biểu là từ khi đến Hungary, ông ấy chưa mời một đại sứ nào cả và  nhân lần này Đại sứ Việt Nam về nước nên “tôi mời cơm mọi người, tôi được mời đi ăn rất nhiều và lần này tôi mời lại các vị”. Tất nhiên là họ cũng có cái nghệ thuật trong ngoại giao của họ, vì Việt Nam mình và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao, nên họ cũng muốn gửi thông điệp thân thiện đặc biệt đối với mình. Dầu sao, bọn mình cũng rất vui vì điều đó, và ngoài bữa cơm, bọn mình còn được tặng hai cây thánh giá rất đẹp.

Những kỷ niệm đẹp với Ngoại giao đoàn thì còn rất nhiều. Kể thêm một chuyện, mình có chơi golf, năm đầu mình chỉ chơi cùng với một số đại  sứ (vì cộng đồng Việt Nam chưa ai chơi). Sang năm thứ hai, mình động viên được một số anh chị em người Việt đi tập golf, tập xong thành lập Hội golf Việt Nam ở đó. Hội golf của người Việt vận động chủ sân golf cho Đại sứ Việt Nam được chơi miễn phí, tiện thể mình nhờ tác động để các vị đại sứ khác ở Budapest cũng được như vậy. Thế là các đại sứ rất phấn khởi và trở thành một nhóm đánh golf trong Ngoại giao đoàn do mình làm điều phối, sinh hoạt với nhau rất vui và gắn bó.

- Đất nước Hung có vị trí thế nào trong cuộc đời anh chị?

N.Q.D.: Rõ ràng nước Hung có vị trí rất quan trọng trong cuộc đời và cả sự nghiệp làm đại sứ của mình. Đây là nước đầu tiên mình được giữ cương vị đại sứ, trước đây mình làm cán bộ trong đại sứ quán thôi.

Đây cũng là lý do khiến bọn mình quyết tâm làm một cuốn kỷ yếu song ngữ về 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Hungary và Việt Nam (1950-2010), coi như một sự tổng kết và đúc kết về một giai đoạn lịch sử, để mọi người cùng biết đến quan hệ của hai nước. Một mối quan hệ lịch sử và hữu nghị có bề dày như thế, cần phải được ghi lại! Bọn mình quan niệm, đó cũng là một đóng góp nhỏ cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

- Xin cám ơn anh chị đã dành thời gian cho NCTG với câu chuyện hôm nay, rất giàu ý nghĩa, đúng vào dịp Quốc khánh Hungary!

Bích Ngọc thực hiện


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn