HỎI VÀ ĐÁP VỀ ÁN TỬ HÌNH

Thứ tư - 07/08/2013 22:17

(NCTG) Trong thực tế cuộc sống, có những cái đã xảy ra và không thể bù đắp được, chẳng hạn chuyện một người đã bị sát hại. Cách xử lý ra sao với thủ phạm, tất nhiên phụ thuộc vào hoàn cảnh và “những yếu tố đặc thù” của từng nước, nhưng cũng nói lên cái “tầm” của một quốc gia, một dân tộc...


Biểu tình phản đối án tử hình tại Brussels, Bỉ nhân chuyến thăm năm 2001 của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush - Ảnh: Sean Gallup

Án tử hình là hình thức trừng phạt nặng nề nhất để kết liễu cuộc đời kẻ bị coi là phạm trọng tội, trong khuôn khổ một phiên tòa hình sự. Trong thế giới hiện đại, án tử được coi là một trong những vấn đề bị tranh cãi nhiều nhất về mặt luật học, thần học, đạo đức và xã hội học.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng, án tử hình và sự hành quyết là hành động giết người của Nhà nước được hợp thức hóa thông qua công cụ pháp luật, được thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch, và khiến “nạn nhân” không có hoặc ít có khả năng chống cự.

Tính đến năm 2010, có 97 quốc gia trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình, 8 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình trong các trường hợp rất đặc biệt (như tội ác chiến tranh). 35 quốc gia mặc dù vẫn duy trì án tử trong Bộ Luật Hình sự nhưng chưa xử tử người nào ít nhất là trong 10 năm qua, và 58 quốc gia vẫn còn áp dụng nó.

Đối với các quốc gia còn duy trì án tử hình, đa phần nó chỉ được áp dụng cho những kẻ phạm tội “chống lại sự sống”, như tội giết người và tội ác chiến tranh. Một số nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Saudi Arabia, án tử còn được áp dụng cho các tội bất bạo động như buôn lậu ma túy và tham nhũng.

Vì những lý do đạo đức hoặc tôn giáo, kể từ thời Cổ đại đã có những nỗ lực và thực tiễn nhằm hủy bỏ án tử hình, động thái này mang tính toàn cầu kể từ Đệ nhị Thế chiến, đặc biệt là tại Châu Âu, lục địa già hiện nay được coi là đã “thanh toán” án tử về căn bản.

Nhân hai sự kiện có liên quan đến những vụ trọng án và án tử vừa diễn ra tại Hungary và Việt Nam trong mấy ngày qua (*), NCTG tiếp tục mục “Hỏi và đáp về...” phác họa một số luận cứ và quan điểm liên quan đến án tử trong bài viết hỏi - đáp sau đây, hy vọng đưa ra được cái nhìn tổng thể cho bạn đọc về vấn đề xã hội và hình sự phức tạp này. (NCTG)

 
*

- Tớ thấy cái bọn giết người cứ là nên băm vằm ra làm ngàn mảnh. Thế mới đáng với tội ác chúng gây ra... Như Hungary bây giớ “sướng” thật, giết người cũng cứ “phây phây”...

- Chắc cậu muốn nói tới vụ án xét xử bọn sát thủ trong chuỗi trọng án nhằm vào sắc dân Tzigane, làm 6 người chết? Tòa sơ thẩm vừa xử xong, 3 bị cáo chính bị bản án tù giam chung thân thực sự (đến cuối đời, không được ân xá). Đấy là mức án cao nhất của Hung rồi đó!

- Như thời xưa thì bọn chúng bị bắn tiệt rồi nhỉ?

- Hung dạo trước thi hành án bằng cách treo cổ: người ta thắt dây vào cổ và chân tử tù, rồi kéo lên bằng một ròng rọc...

- Lâu quá rồi nên giờ không ai còn nhớ nữa...

- Bản án tử hình cuối cùng được thi hành tại Hung là vào tháng 7-1988, vậy là tròn 25 năm rồi. Sách vở có ghi lại, tử tội là một người đàn ông trước đó trong cơn say rượu cùng một số đồng bọn đã hành hung một cụ già 67 tuổi cho đến chết.

- Tớ nghe bảo sau thời thay đổi thể chế Hung muốn vào Châu Âu nên mới cuống lên xóa án tử. Vậy là mấy năm cuối chả thằng sát nhân nào bị sao nhỉ?

- Hungary xóa án tử hình vào tháng 10-1990, nhưng ngay trong năm 1989 tòa án nước này vẫn tuyên án tử đối với ba sát thủ đã dùng bom xăng đốt cháy một trang trại có 11 người sinh sống, khiến hai trong số đó bị cháy thành than tại hiện trường, và 6 người khác thì qua đời trong viện.

Tuy nhiên, bản án này đã không được thi hành. Đáng chú ý là một trong ba sát thủ đã tự sát sau khi xả súng bắn chết cô bồ cũ, lúc đó chạy từ ngôi nhà bị phóng hỏa ra ngoài.

Một thống kê cho thấy hồi xưa Hung thực ra cũng không hay có án tử hình: thập niên 70-80 thế kỷ trước, hàng năm trung bình chỉ có khoảng 3 bản án tử hình được thi hành.

- Ít quá, có lẽ do dân họ hiền? Hoặc án tử hình chỉ bị tuyên đối với những kẻ giết hại nhiều người?

- Không nhất thiết. Năm 1988, một quân nhân bị án tử do bóp cổ chết một cô bé 11 tuổi. Một người đàn ông 30 tuổi khác cũng bị tử hình do hãm hiếp và sát hại một cô bé lên chín trong trạng thái say xỉn. Một ông chồng giết vợ cũng bị Tòa tuyên án về thế giới bên kia - ông này trước đó đã phải ra trước vành móng ngựa tới... 18 lần!

Tuy nhiên, cả ba tử tù này, cuối cùng cũng thoát chết, vì rốt cục bản án đã không được thực hiện...

- Ngoài chuyện muốn vào Châu Âu, Hung có lý do nào khác để đùng đùng xóa án tử hay không?

Cần hiểu một cách rộng hơn chuyện “muốn vào Châu Âu” của Hung: nói đúng hơn, Hung muốn trở lại với những giá trị Châu Âu mà thực ra, Hung đã có từ hàng ngàn năm nay (ý của Thủ tướng Medgyessy Péter trong phát biểu khi Hungary gia nhập EU vào rạng sáng 1-5-2004)...

- “Giá trị” gì mà vô lý vậy? Chỉ tiếp tay cho bọn giết người...

- Thực ra rất nhiều văn kiện quốc tế của “thế giới văn minh” đều khẳng định là ngay cả Nhà nước, trên cương vị người đứng ra cầm cân nảy mực và bảo vệ công lý trên địa hạt tư pháp, cũng không nên, không được giết người thông qua việc tuyên án tử hình, hoặc thi hành bản án đó.

- Ví dụ? “Văn kiện” thì liên quan gì đến Hung?

- Là quốc gia đầu tiên thuộc khối XHCN cũ ở Đông Âu gia nhập Ủy hội Châu Âu (CE), Hungary đã ký Công ước Châu Âu về Nhân quyền (Công ước bảo vệ Nhân quyền và các quyền Tự do căn bản, gọi tắt là Công ước Rome). Kèm theo Công ước đó là Nghị định thư số 6 hạn chế án tử hình và Nghị định thư số 13 hoàn toàn bãi bỏ án tử hình...

Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ kèm Nghị định thư không bắt buộc thứ hai quy định các quốc gia ký kết nó không thực hiện án tử hình. Hiến chương của Liên hiệp Châu Âu về những quyền cơ bản cũng tuyên bố rõ ràng: không thể kết án tử hình, hoặc thi hành án tử hình...

- Mệt! Rách việc! Và vì thế nên Hung phải ton tót bỏ án tử?

Ton tót” đâu? Bỏ án tử hình được coi là một trong hai chiến tích lớn nhất (**) của Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) Hungary, mà vị Chánh án trong vòng 10 năm đầu không phải ai khác, chính là ông Sólyom László, sau này là Tổng thống Hung đó. Cho nên, quyết định này không hề vội vã, mà đã được cân nhắc hết sức kỹ càng rồi, và đến giờ nhìn lại thì người ta coi rằng nó vẫn hợp lý, hợp tình và văn minh...

Phán quyết đó của Tòa Bảo hiến Hungary nhấn mạnh: quyền được sống và quyền được có nhân phẩm của con người là một trong những quyền đương nhiên, tự thân, mà Nhà nước không có quyền can thiệp thông qua việc tuyên án tử. Do đó, án tử hình là vi hiến và cần được loại khỏi Bộ Luật Hình sự của Hungary!

Đó là chuyện cũ. Còn hiện tại, tại Hung cũng như các quốc gia thành viên EU, án tử hình bị cấm bởi Điều 2 của Hiến chương các Quyền Căn bản của Liên hiệp Châu Âu, theo tinh thần Hiệp ước Lisbon!

- Đến giờ dân Hung họ vẫn đòi tái lập đấy thôi?

- Đúng vậy. Cứ mỗi khi có án mạng xảy ra - đặc biệt là án mạng nghiêm trọng, dã man, gây công phẫn - thì lại có một bộ phận trong công luận Hung lại đòi tái lập án tử. Không chỉ người dân, thân nhân của nạn nhân, mà nhiều khi chính trị cũng tận dụng những cơ hội này để lên tiếng theo hướng có lợi cho mình.

- Vậy sao Hung không tái lập?

- Có nhiều lý do, không đơn giản đâu!

- Trưng cầu dân ý xem nào!

- Nếu trưng cầu dân ý thì có thể chắc chắn là đa số muốn có án tử. Cũng như, chắc chắn là đa số sẽ bỏ phiếu cho việc bãi bỏ thuế khóa, hoặc tăng lương gấp đôi gấp ba, v.v... nếu như những đề xướng này được đưa ra để lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc là không thể đưa một số vấn đề nhất định ra trưng cầu dân ý, trong đó có vấn đề tái lập án tử, vì nó đi ngược lại những cam kết, hiệp ước quốc tế mà Hungary đã ký, như đã nói ở trên.

- Hung đã vào EU rồi, sợ quái gì? Cứ tái lập thì sao?

- Chưa bao giờ có chuyện tương tự nên cũng chưa biết là nếu vậy thì sao. Xóa án tử từng là điều kiện (cần) để Hung được gia nhập EU, nên nếu Hung tái lập án tử thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng những giá trị cơ bản của Liên hiệp Châu Âu. Hung có thể bị phạt tiền, bị tạm đình chỉ quyền biểu quyết, thậm chí bị khai trừ.

Về mặt chính trị, những hậu quả còn tệ hại hơn nữa: không lẽ Budapest muốn được nhắc tới cùng Minsk hay sao, vì ở Châu Âu hiện nay chỉ còn đúng mỗi Bạch Nga là duy trì án tử hình.

- Vớ vẩn, Mỹ cũng thế còn gì, cậu không muốn nói Mỹ là phi dân chủ chứ?

- Châu Âu nhìn chung không chấp nhận án tử, tuy nhiên trong số các quốc gia dân chủ thì Nhật và Mỹ vẫn duy trì hình phạt hà khắc này. Ở Hoa Kỳ án tử được tái lập vào năm 1976, nhưng cho tới giờ trong số 50 bang thì 17 bang và ở Washington D. C. đã thôi án tử (gần đây nhất là ở Connecticut).

Từ nhiều thập niên nay, án tử vẫn gây tranh cãi lớn trong công luận Mỹ. Hàng năm, ở Hoa Kỳ, vẫn có chừng 5-60 bản án được thi hành, chiếm khoảng 10% con số án tử hình được tuyên. Nhưng những nước thi hành án tử hình nhiều nhất trên thế giới thì vẫn là Trung Quốc và Iran.

Trở lại chuyện Hung, việc bãi bỏ án tử đã được đưa vào Hiến pháp và Hungary cũng không trao trả những tên tội phạm cho các nước mà ở đó, chúng có thể bị án tử hình đe dọa!

- Thế thì làm sao răn đe được ai, cho chúng nó chừa thói giết người đi!?

- Đây chính là điều xưa nay được đưa ra tranh luận: án tử hình có tác dụng răn đe hay không? Vì có những cái tưởng rõ như ban ngày, mà không chắc đã như vậy.

Ở Hung, khi còn án tử, hàng năm có chừng 200 án mạng. Năm 1990, Hungary bãi bỏ án tử hình, trong vài năm, con số này tăng lên 300. Nhưng sau khi đạt tới đỉnh cao vào năm 1998, thì nó lại giảm dần, và tới năm 2010 thì đạt mức thấp nhất, chỉ còn 133.

Lý giải việc số án mạng tăng vọt trong những năm đầu, các chuyên gia hình sự và xã hội học cho rằng, điều này không (nhất thiết) có mối quan hệ nhân quả với việc án tử bị xóa. Sau khi Hung thay đổi thể chế, xã hội và chính trường có nhiều biến động, tội phạm có tổ chức bắt đầu lan tràn và như thế, tình trạng tội phạm tăng về tổng thể, chứ không chỉ về con số án mạng.

- Không nghiêm thì chúng nó “nhờn” chứ sao?

Nhiều người nghĩ vậy và thường hay viện dẫn ví dụ Quốc đảo Singapore, nơi luật pháp hết sức hà khắc, phát hiện chút ma túy trong người là đã có thể bị “đứng cột” rồi. Tại đó, dường như hoàn toàn không còn mafia...

- Dễ hiểu, đối mặt với án tử thì ai chả phải suy nghĩ...

- Trở lại chuyện khi nãy, cho đến giờ vẫn chưa thể chứng tỏ được một cách rõ ràng và chắc chắn rằng án tử hình có tác dụng răn đe, như chúng ta thường nghĩ. Đa số các án mạng thường diễn ra khi thủ phạm hoặc là say xỉn, hoặc trong trạng thái bị kích động, không kiềm chế được, hoặc quá ghen tuông này nọ rồi phát cuồng bất thình lình... Những lúc đó, thủ phạm không quan tâm đến Luật Hình sự hay Công ước Nhân quyền đâu!

Nói thêm, đây cũng là quan điểm của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) khi họ lên án vụ hành quyết bằng thuốc độc đầu tiên ở Việt Nam hôm trước. AI cho rằng mặc dù “thông cảm với những nạn nhân của những tội ác nghiêm trọng vốn đáng được hưởng công lý nhưng không có bằng chứng gì cho thấy án tử hình có tác dụng răn đe”. Với tổ chức này, tử hình là “hình phạt bất nhân và tàn nhẫn nhất và là sự vi phạm nhân quyền rõ ràng”.

- Vô lý! Cứ thử hành quyết công khai như ngày xưa mà xem. Hay như ở Việt Nam ấy, gọi là gì nhỉ? “Hành quyết lưu động”?

- Hình thức thi hành án lưu động ngoài đồng, ngoài bãi hoang... như có dạo ở ta thực ra cũng không xa lạ với Châu Âu thời xưa. Tại các đô thị phương Tây thời Trung Cổ và ngay cả sau đó, có một quảng trường chính là nơi họp chợ, diễn kịch, hát hò, xiếc, thông báo những tin tức quan trọng... thì cũng thường có cả chỗ hành quyết, đoạn đầu đài, nhằm mục đích răn đe.

Nhưng kinh nghiệm cho thấy hình ảnh hành quyết hãi hùng nói chung chỉ khiến những ai bình thường cũng không bao giờ giết người phải kinh hãi. Một tên sát thủ thuê, một ông chồng bị cắm sừng đang trong cơn say, một kẻ tâm thần... thì có gì đi nữa cũng vẫn “ra tay” như thường.

Người ta thường kể một câu chuyện khá đặc thù: tại London, vào thế kỷ thứ 18, ngay khi một tay đạo chích bị treo cổ “lưu động” thì đồng bọn của hắn đã nhẹ nhàng và khéo léo móc túi đám đông đang chiêm ngưỡng cảnh tượng ghê rợn đó.

Tóm lại, một số nghiên cứu hình sự kết luận rằng, nhìn chung, những kẻ tội phạm thường không bị chùn bước bởi một hình phạt thật khắc nghiệt nào đó. Nhưng nếu phải đối mặt với một thực tế là thế nào họ cũng sa lưới pháp luật, thì khả năng là họ sẽ phải suy nghĩ.

- Như trong phim “Minority Report” ấy nhỉ? Bọn chúng chưa kịp động thủ thì đã bị anh Tom Cruise vô hiệu hóa rồi...

- Phim viễn tưởng nó vậy thôi, chứ trong thực tế lấy đâu ra ngần ấy công an để theo sát từng kẻ đáng ngờ. Tuy nhiên, khoa học hình sự phát triển từng giờ, có thể căn cứ các cuộc gọi để định vị, mẫu di truyền DNS hoặc camera đặt ngoài đường phố, quảng trường, hầm bộ hành... cũng giúp rất nhiều cho công việc của cảnh sát. Tại Hungary, tỉ lệ phá án rất lớn, và nhìn chung bọn tội phạm khó thoát lưới pháp luật. Cùng lắm, chỉ là vấn đề thời gian thôi!

- Nhưng tớ vẫn không chịu được khi bọn giết người lại vẫn cứ sống nhăn. Trong khi chúng đã gây bao đau khổ cho nạn nhân và thân nhân của họ...

- Các định chế pháp quyền của Châu Âu, cũng như Hiến pháp Hungary cho rằng điều đó là có thể chấp nhận được, vì nhiều lý do. Tại các quốc gia theo Ki-tô giáo, một trong Mười điều răn của Thiên Chúa - “Chớ sát sinh!” - thường được hiểu theo hướng cuộc sống con người là vốn quý nhất và không một định chế nào (kể cả Nhà nước), không vì bất cứ lý do gì (kể cả lý do trừng phạt) có thể tước đoạt được nó.

Tuy nhiên, ngoài lý do tôn giáo, tín ngưỡng, có một lý do rất “sát sườn” nữa: sự bất hoàn thiện của hệ thống tư pháp, dù ở bất cứ đâu. Oan sai sẽ không thể bù đắp được khi người bị oan đã xuống suối vàng rồi, và có biết bao nhiêu trường hợp như thế, kể cả tại các nước tiên tiến!

Ở Mỹ, từ năm 1976, thống kê cho thấy có hơn một trăm bản án tử hình đã bị tuyên một cách sai trái, nhầm lẫn, chủ yếu là sau khi các bằng cứ trong những vụ án thời xưa được kiểm nghiệm lại qua đường di truyền (DNS). Có 9 trường hợp được giới tư pháp và chuyên môn cho là, khả năng, những người vô tội đã bị tử hình oan!

- Ừ thì cũng có lý. Nhưng nhiều khi cái thằng nó đã giết một người mà chỉ bị tù, ra tù nó giết thêm người khác nữa... Đầy vụ như thế! Chả có chuyện có đứa bị mấy chục năm tù vì giết người, vừa được thả ra đường thấy phụ nữ nó không chịu được, thế là lại một người thiệt mạng oan uổng đấy thôi?

- Bộ Luật Hình sự của Hungary (và của nhiều nước khác) quan niệm rằng, mục tiêu của sự trừng phạt là để cách ly kẻ phạm tội khỏi môi trường, ngăn chặn những hành vi phạm tội mới, “làm gương” để kẻ khác không “bắt chước” và sau thời gian bị trừng phạt, đương sự có thể tái hội nhập với xã hội.

Và điều này, theo quan niệm của Châu Âu nói chung, có thể thực hiện được thông qua sự giam giữ tại các cơ sở thi hành án, chứ không cần đến án tử. Ngoài ra, trong trường hợp Hungary, từ năm 1999 có thêm một hình thức trừng phạt mới: chung thân thực sự, vĩnh viễn. Những kẻ phạm trọng tội khi bị bản án này sẽ không bao giờ được phóng thích, ngoại trừ nếu được Tổng thống đích thân ân xá.

- Cái đó coi bộ còn tàm tạm...

- Bằng hình phạt này, thủ phạm những vụ trọng án hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài và không còn cơ hội gây nên những hành vi phạm tội mới. Tuy nhiên, chung thân vĩnh viễn - dường như là độc nhất vô nhị ở Châu Âu - cũng chịu nhiều phê phán là quá khắc nghiệt. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng không nên coi bất cứ ai là không thể cải tạo được và do đó, hình phạt nói trên là vô nhân đạo vì nó tước đi niềm hy vọng sẽ có ngày được tại ngoại của người tù.

Ngược lại, những tín đồ của án tử hình thì bảo rằng, một kẻ chắc chắn không bao giờ thoát cảnh tù tội có thể trở nên nguy hiểm hơn. Trong thời gian thụ án, họ có thể làm bất cứ điều gì vì đằng nào thì cũng không chịu hình phạt nào nặng hơn thế. Còn nếu trốn thoát, họ có thể “thả phanh” chém giết các nạn nhân và nhân chứng cản đường họ…

- Tớ thì thấy phí cơm mà nuôi bọn giết người như thế...

- Cảnh tù tội ở Hung cũng không đến nỗi quá tệ, theo lời kể của nhiều người Việt :). Cũng có chăn ấm, đệm êm, được xem TV, “nhân quyền” được đảm bảo kha khá, v.v... Một thống kê cho thấy trong năm ngoái, Nhà nước Hungary đã chi 47 tỷ Ft cho mục đích thi hành án, khoản tiền không nhỏ so với ngân sách nước này!

Thử làm một con tính. Giá sử ai đó bị kết án chung thân vĩnh viễn năm 30 tuổi, và phạm nhân này sống được 70 tuổi. Chi phí cho một tù nhân ở Hung hiện tại là 8.000 Ft mỗi ngày. Như vậy, trong 40 năm ngồi tù, đương sự tiêu tốn của nhà nước (mà cũng là tiền dân) chừng 116 triệu Ft, tính theo thời giá hiện nay.

- Thế thì chém phăng nó đi có rẻ hơn không?

- Không chắc. Người ta đã tính ra rằng ở Mỹ, khoản chi phí cho một bản án tử hình và sự thực hiện nó (cần triệu tập rất nhiều chuyên viên giám định, thủ tục chứng tỏ tội trạng rất dài dòng và nhiêu khê) còn có thể gấp bốn lần một vụ mà đương sự “chỉ” bị án chung thân vĩnh viễn.

- Không sao, nói đi nói lại, tớ vẫn thấy là đứa nào giết người vô tội thì cũng vẫn nên “phăng teo” cái đầu của nó đi!

- Thì đây chính là nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”, “nợ máu phải trả bằng máu” thời xưa đấy. Tay nào thò vào túi người khác móc trộm thì cắt phăng tay ấy. Nhưng thực sự, ngay cả với mục đích trả thù thì một bản án tử hình cũng không mấy thích hợp vì kẻ sát nhân có thể từ giã cõi đời tương đối nhanh và có khi chưa đủ thời gian để chúng thực sự sám hối và trực diện với những gì mình đã làm (nếu chúng có ý đó).

Ngược lại, một bản án chung thân vĩnh viễn khiến phạm nhân, dù “hoàn lương” hay không, cũng phải đối mặt suối đời với khoảnh khắc mà họ đã giơ súng, hoặc vung dao. Nhiều người không chịu được cảnh này lâu, đã tự kết liễu cuộc đời, thực hiện bản án của lương tâm. Những kẻ còn lại ngồi tù và làm việc, phần nào chi trả được những chi phí Nhà nước dành cho họ.

Nhưng cái chính là trong những thập niên thụ án, họ trả lại được cho xã hội một phần, dầu không phải là tất cả, những gì họ đã lấy đi từ xã hội: tài sản, mạng sống...

Ghi chú:

(*) Lần đầu tiên Việt Nam thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc đối với một tử tội, và Hungary mở phiên sơ thẩm xét xử một “đội hành quyết”, trong mấy năm ròng đã khủng bố sắc dân Tzigane, khiến 6 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và sống trong cảnh kinh hoàng.

(**) “Chiến tích” thứ hai là bồi hoàn cho các nạn nhân bị tịch thu, cướp bóc tài sản dưới thể chế cộng sản trước đây.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: án tử hình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn