PHÉP MÀU QUÊN THỜI GIAN!

Thứ sáu - 19/11/2004 22:28

(NCTG) “Câu nói ấy đã kéo tôi rơi vào phép mầu: quên đi tuổi tác của mình, quên đi mọi suy nghĩ riêng tư, để trở về với lứa tuổi đôi mươi...”, tâm sự của nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà khi trở lại Hungary sau 27 năm.


Tác giả Nguyễn Võ Lệ Hà (bên trái) trong cuộc giao lưu mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam tại Budapest - Ảnh: Trần Minh Tâm (NCTG)

Lời tòa soạn: Đất nước và con người Hungary đã để lại dấu ấn tốt đẹp và khó phai mờ trong ký ức nhiều sinh viên, du học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và cán bộ khoa học Việt Nam, những người có thời từng học tập và sinh sống tại xứ sở nhỏ bé mà tươi đẹp và hiếu khách này.

Trong số đó, có chị Nguyễn Võ Lệ Hà, thường được biết đến với bút danh Hà Huy Anh hay Hà Anh My, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hung, hiện là ký giả, phóng viên tờ “Phụ nữ Việt Nam”, đồng thời, là tác giả của 7 đầu sách về đề tài tình yêu, gia đình và thiếu nhi, và là dịch giả của 6 cuốn sách Hung.

Trong chuyến thăm Hungary hạ tuần tháng Mười vừa qua (trên tư cách một thành viên đoàn ký giả báo “Phụ nữ Việt Nam”), chị Nguyễn Võ Lệ Hà đã có dịp tiếp xúc với NCTG và chúng tôi đã có bài phỏng vấn chị (NCTG số 40, ngày 22-10-2004).

NCTG tuần này xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết gửi từ Hà Nội của chị Nguyễn Võ Lệ Hà, tặng riêng NCTG và tặng chung cộng đồng Việt Nam tại Hungary, về những cảm tưởng sau khi “về nhà” (*) sau 27 năm xa cách. (H.Linh)
 
*
 
Tôi đã chờ đời đúng 27 năm để một lần nữa đặt chân lên đất nước Hungary. Tôi thật cảm động khi các bạn trẻ đã mang hoa ra sân bay đón đoàn, có lẽ vì trưởng đoàn của báo “Phụ nữ Việt Nam” là chị Phương Minh, vừa là phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ và cũng là TBT của Báo.

Thế nhưng gương mặt của Hoàng Linh thân quen đã khiến tôi cảm thấy tôi vừa đi xa về nhà, rồi một cô gái hỏi tôi: “Chị là Lệ Hà phải không? Chị đã rất nổi tiếng ở đây!”. Còn bạn Tường thì bảo: “Chị Hà phải không? Chị không nhớ em rồi, hồi chị học ở Hung, chị sang bên ký túc xá quân đội chơi với mấy anh Việt Nam, em được các anh giao nấu cơm đãi chị, em vụng đã thả nguyên cả con cá sống vào nồi nước sôi đấy”.

Câu nói ấy đã kéo tôi rơi vào phép mầu: quên đi tuổi tác của mình, quên đi mọi suy nghĩ riêng tư, để trở về với lứa tuổi đôi mươi...

Ngày đó tàu đến ga Budapest, chúng tôi cũng được các sinh viên khóa trước ra đón để đưa về trường dự bị ngoại ngữ; tiếp theo đó là những ngày làm quen với cách sinh hoạt, ăn uống ở đây. Các chàng trai đã thay nhau đến đưa bọn con gái chúng tôi đi chơi. Tôi biết đánh đàn violon, guitare, thổi kèn harmonica, biết hát, biết múa, thích chơi thể thao, biết trượt patin... nên được mọi người chú ý đến.

Cho đến khi tôi rời nước Hung, bao giờ đơn vị của tôi cũng được giải nhất trong các cuộc thi văn nghệ trong sinh viên. Tôi cũng không biết có phải vì vậy mà tôi luôn có mặt trong các cuộc tiếp đãi khách của hai Sứ quán miền Bắc, miền Nam Việt Nam. Trong các trại hè sinh viên, tôi lại vào BBT, phát thanh viên của trại hè, rồi đến những tờ báo đầu tiên của sinh viên Việt Nam tại Hung, tôi cũng được mời vào ban biên tập, viết bài...

Tôi yêu thích nền văn học, âm nhạc của Hungary và tất cả tiền dành dụm được tôi đều để mua sách, đĩa. Tôi đã bắt đầu dịch cho mình những vần thơ của Petõfi, Ady Endre, József Attila...

Có lẽ từ lúc đó, những manh nha của nghề văn, nghề báo dần dần thấm vào từng mạch máu thớ thịt của tôi ngay trên mảnh đất này. Trường tôi học là trường Kỹ thuật Xây dựng (Khoa Kinh tế Đô thị) nên tôi đã phải vật lộn khá vất vả với nghề (vì tôi vốn thi đỗ Đại học Y ở trong nước), nhưng tôi lại có khiếu về văn chương; ngoại ngữ, vốn từ vựng văn học, đời sống là do tôi học hỏi ở các bạn người Hung. Họ cũng rất yêu quí tôi vì tôi sống hòa đồng với họ. Thực sự tôi thấy tâm hồn của họ rất gần với những suy nghĩ của người Việt. Đọc những vần thơ, những cuốn truyện của các tác giả Hung, tôi lại càng xác định điều đó.

Ngày hôm sau, trên đường đi đến tòa báo “Phụ nữ Hungary” (Magyar Nők Lapja), các đồng nghiệp của tôi (lần đầu tiên đến Hung) đã suýt xoa vì Budapest lớn thế; khi qua cầu nhìn thấy sông Duna họ đã trầm trồ khi biết đấy chính là sông Đa-nuýp nổi tiếng... Thủ đô đã xây dựng thêm nhiều lắm, tôi nhìn thấy thành phố trước đây tôi đi đã mòn chân hôm nay có vẻ lạ lẫm...

Nhưng tám chiếc cầu bắc qua sông thì vẫn như thế, không gì thay đổi, quyết tâm đợi chờ ngày tôi trở lại như bài thơ “Nàng Duna và những chàng trai” mà tôi làm năm 1975, trong đó có đoạn đầu:
 
Xưa đã lâu lâu lắm
Có ông già “Rừng đen”
Cho phép cô con gái
Thăm biển mẹ “Hắc Hải”

Dặn phải giữ trái tim
Dù muôn dặm đường dài
Cầu là những chàng trai
Say mê nàng đứng mãi
Thủy chung trái tim vàng

Xe đi qua đảo Margit, hòn đảo hôm nay vẫn còn lá xanh, lá vàng của mùa thu khiến tôi nhớ lại phút xao động con tim mình lúc đó:
 
Hôm đầu anh đến dẫn đi chơi
Đảo Margit đứng chơi vơi
Giữa dòng Đa-nuýp xanh cuộn sóng
Lòng em xao động cũng như sông

(“Bài ca vĩnh biệt”, trích)

Đoàn chúng tôi có lịch đi thăm Eger, các chị rất thích khi nghe nhắc đến “Những ngôi sao thành Eger” và trang lịch sử oai hùng của nơi đây. Chúng tôi bước lên từng viên đá trong không gian tĩnh lặng mà cảm thấy những con người Hungary thật vĩ đại.

Khi nghe tôi thì thầm hỏi giữa thành cổ: “Có nhớ tôi không? Tôi đã từng đến đây 30 năm trước?” và không có tiếng trả lời, tôi tự cười mình: “Sao quá giàu sự tưởng tượng? Bởi vì có hàng tỉ bàn chân con người khắp thế giới đã qua đây thăm viếng, làm sao mà thành Eger nhớ nổi?”.

Vừa nghĩ thế thì trên cây dẻ, một hạt dẻ tròn lăn lộc cộc xuống cạnh chân tôi, tôi nhặt hạt dẻ nâu bóng lên nghĩ thầm: “Các loài sinh vật vẫn nối tiếp cuộc sống bằng cách gieo mầm, nó cần đâu phải có trí nhớ như con người đầy phức tạp!

Vì ngành tôi học là Kinh tế Đô thị nên kiến trúc cũng là một môn học. Cứ mỗi ngày cuối tuần, khóa học lại tổ chức cho sinh viên đi một nơi để thăm quan. Tôi đã đi khắp đất Hung, sau này trong thời gian làm việc tôi cũng đi nhiều nước khác, nhưng trong ký ức của tôi Hungary vẫn là đẹp nhất.

Chúng tôi đến hồ Balaton vào một buổi sáng sương giăng trắng mặt hồ không thể nhìn thấy gì cả, trời lạnh hơn trong thời tiết như vậy, các chị mặc áo khoác (kabát) thu và quàng khăn kín, không gian tĩnh mịch đến tuyệt đối vì mùa này đâu còn ai đi nghỉ?

Tôi nhớ đến các trại hè của sinh viên Việt Nam thường hay đến đây, chúng tôi đùa giỡn cùng nước biển hồ trong nắng hè rực rỡ. Trong một trại hè năm tôi 20 tuổi, có một cô bạn gái tặng tôi cuốn “Húszévesek” (Lứa tuổi hai mươi). Sau này, về Việt Nam, đó là truyện Hung đầu tiên tôi dịch, mở đầu cho cuộc đời dịch giả của tôi).

Ở các trại hè, tôi lại làm công tác phát thanh viên, biên tập viên, viết báo sinh viên... Tôi phải biết ơn các anh chàng sinh viên, những người đã quí mến tôi, hướng dẫn cho tôi vào con đường làm báo từ khi tôi mới bước chân vào đời. Có lẽ đó cũng là định mệnh của tôi!

Một người trẻ tuổi không thể không nói đến tình yêu, tình yêu của tôi cũng đã in dấu trong những vần thơ:
 
Hè trải nắng trên sông Đa-nuýp
Chim tìm bầy, anh đến tìm em
Con thuyền mơ mộng trời êm ả
Những đóa hoa tươi trong cánh rừng già

(“Khổ đau và Hạnh phúc”, trích)

Những năm tháng qua, tôi về nước và như bao phụ nữ khác lấy chồng, sinh con, đi làm... Mọi việc cứ cuốn tôi đi như bão tố, không cho tôi có thời gian nghỉ ngơi và nhớ lại cái thời thanh xuân của mình. Đến hôm nay, tôi lại lên núi Gellért, đến trước tượng Nữ thần Tự do chụp ảnh như hồi xưa, cách đây hơn 30 năm (chúng tôi đã chụp ảnh ở đó trong những ngày đầu đặt chân lên đất Hung).

Buổi tối, chúng tôi lên thành Buda ngắm toàn thành phố, cả Budapest rực rỡ trong ánh đèn, đứng ở nơi đây tất cả kỷ niệm thời sinh viên lại có dịp ùa tới.
 
Trên thành Buda em và anh
Một tối mùa thu ngắm nhìn thành phố
Trời đầy sao như áo em vẫn mặc
Nhè nhẹ gió thu, em thở ấm lòng anh

(“Kỷ niệm một buổi tối năm 1977”, trích)

Chia tay Hungary lần này, tôi tự hẹn mình sau này tôi sẽ đến du lịch Hung (chứ không phải đi làm việc) cùng hai cô con gái của tôi. Bởi vì hai con gái của tôi du học ở Anh và mấy mẹ con tôi vẫn thường tranh luận nước Anh đẹp hơn hay Hung đẹp hơn?

Nếu đến nước Hung lần nữa thì tôi đã có những người bạn, có cả một cộng đồng người Việt ở đây, mọi người đã để lại cho tôi một xúc cảm thật thân thiết, thật cảm động.

Một buổi giao lưu, những bài thơ tình yêu, những giọng ca quê hương, nhiều cuộc chuyện trò, những bữa cơm Việt trên đất khách... tất cả đều để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên. Xin cám ơn tất cả!

(*) Hazajövetel: từ dùng của TS Đinh Hoàng Thắng - một cựu du học sinh Việt Nam tại Hung - trong chuyến trở lại Hungary sau 18 năm (xin xem bài của TS Thắng trong NCTG số ra ngày 7-5-2004).

Nguyễn Võ Lệ Hà


 
 Từ khóa: Nguyễn Võ Lệ Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn