Cung điện Mùa đông bên bờ sông Neva (Saint Peresburg)
"Paustovsky là dĩ vãng trong em..."
Ngày sinh nhật, có người bạn tặng một bó hoa tuy-líp vàng. Những đóa hoa nhẹ nhõm tỏa hương dìu dịu ở xứ người bỗng làm tôi nhớ đến một bài hát Nga mà tôi từng yêu biết bao thời sinh viên: "Những đóa tuy-líp vàng anh tặng cho em thật bất ngờ, như báo trước một lời chia tay". Bạn tỏ ra thú vị khi biết tôi đã học tiếng Nga từ nhỏ.
Câu chuyện đưa tôi trở về mười bảy năm trước, khi tôi bắt đầu đến với tiếng Nga. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh đầu tiên về nước Nga là những tấm bưu ảnh bố tôi mang về từ Leningrad, nơi ông làm nghiên cứu sinh. Vườn Mùa hè xanh tươi êm dịu và Cung điện Mùa đông tráng lệ bên bờ sông Neva đã để lại trong ký ức của cô bé mười một tuổi là tôi hồi ấy một ấn tượng thật khó quên về một xứ sở diệu kỳ của những đêm trắng huyền bí lung liêng. Còn nhớ khi ấy tôi đã cảm nhận được cuộc đời tôi rồi sẽ gắn bó với xứ sở đáng yêu ấy, với thứ ngôn ngữ đẹp như một bài ca hoành tráng và nên thơ ấy.
Tôi đã đến với ngôn ngữ Nga như đến với mối tình đầu đời, với tất cả những rung động trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, nhiệt thành và thủy chung. Nước Nga trong tôi là những đêm thảo nguyên xanh mênh mông với những tia chớp lặng lẽ trườn xuống phía chân trời trong đêm hè bình yên qua trang sách Aitmatov, là những con đường mùa đông phủ đầy tuyết trắng có tiếng xe ngựa gõ đều đều cô liêu của Pushkin, là những cây tiêu huyền cổ thụ mùa thu trong công viên chiều của Paustovsky - những hình ảnh tôi yêu biết bao.
"Em còn nhớ mùa thu năm 1927 không?" - Paustovsky như thể viết riêng cho tôi vậy. Vâng, tôi còn nhớ tất cả - cái cảm giác thổn thức khi đọc Olga Berggolts trước một mối tình đã để mất, một nỗi chạnh lòng xót xa trước những kỷ niệm xưa để rồi tự nhắc chính mình "Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng". Tôi còn nhớ sự u buồn của một mùa thu Pushkin đã gợi lên trong tôi: "Mùa thu vàng ôi say mê ánh mắt. Màu biệt ly làm xao xuyến lòng ta".
Và tôi đã khóc với "Tuyết", khóc cho hạnh phúc muộn màng của Tatyana, khóc với tấm lòng nhân hậu của Paustovsky. Tôi cũng không thể quên cái cảm giác buồn mênh mang khi đứng trước bức họa "Trên sự yên tĩnh đời đời" của danh họa Levitan với những dự cảm đầu tiên về sự sống và cái chết, những cảm thương cho sự mong manh và phù du của kiếp người.
Văn học Nga, thi ca Nga đã dạy tôi cách sống, đã nâng tôi dậy khi vấp ngã đớn đau trên đường đời. Khi thất bại, lúc tuyệt vọng tôi lại nhớ về Pushkin. Người viết:
Trái tim còn đập em ơi
Trong thương đau sẽ sáng ngời niềm tin
Và tôi đã tin, đã đứng dậy, để rồi nhận ra cuộc sống này vẫn tươi đẹp biết bao, cuộc đời này còn có biết bao tấm lòng...
Có một lần ở ga xe lửa Chelmer, Queensland (Úc), tôi gặp một ông già người Nga. Nét mặt ưu tư đọng nỗi buồn xa xứ của ông vụt trở nên rạng rỡ khi gặp một cô gái châu Á nói được tiếng mẹ đẻ của ông. Chúng tôi bỗng trở nên thân thiết như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Tôi hát "Chiều Moscow" lạc điệu mà mắt ông rưng rưng. Khi chia tay ông nói: "Đừng bỏ tiếng Nga con ạ. Đó là thứ ngôn ngữ diệu kỳ". Tôi vô tâm quá, còn chưa kịp biết cả tên ông.
Cuộc sống cứ trôi đi hối hả với bao buồn vui được mất. Người xưa có câu: "Vật đổi sao dời", nhưng tôi vẫn tin: có những điều trường tồn mãi với thời gian - đó chính là tình yêu mà mỗi con người cảm nhận được trong trái tim mình.
Nguyễn Thủy Minh, AKL tháng Năm 2001
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn