Tấm ảnh chụp chuyến viếng thăm mùa xuân 1954 của Mao Trạch Đông tại Trường Lăng, khu lăng nổi tiếng nhất của Thập Tam Lăng
Triều đại nhà Minh, khởi đầu từ năm 1368 sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (hiệu Hồng Vũ) đánh bại nhà Nguyên, truyền 16 đời đến năm 1644, tổng cộng 277 năm. Trước đó 2 năm, triều đình chinh chiến liên miên với quân Mãn Thanh, bày ra sưu cao thuế nặng khiến muôn dân cùng quẫn, đói khát, trong khi giới quý tộc vẫn rất xa xỉ - thủ lĩnh khởi nghĩa Lý Tự Thành được đông đảo nông dân ủng hộ đã đưa quân về tấn công Bắc Kinh khiến hoàng đế cuối cùng của nhà Minh là Minh Tư Tôn Chu Do Kiểm (hiệu Sùng Trinh) phải thắt cổ tự tử trong Tử Cấm Thành.
Tượng đồng hoàng đế Chu Đệ tại Lăng Ân Điện
Thập Tam Lăng gắn liền với tên tuổi của Minh Thành Tổ Chu Đệ, vị vua thứ ba của nhà Minh, con thứ tư của Chu Nguyên Chương. Sau 30 năm trị vì, Chu Nguyên Chương qua đời vào năm 1398, lập con trưởng làm thái tử nhưng vị thái tử này mất sớm nên ngôi vua về cháu đích tôn là Chu Doãn Văn (Minh Huệ Đế). Tuy nhiên, nội chiến xảy ra liên miên vì các con của Chu Nguyên Chương đều tỏ ra không phục Huệ Đế và dấy binh giành ngôi. Được sự trợ giúp của bá quan văn võ trong triều, Huệ Đế đánh bại 5 ông chú của mình; ngoại trừ Yên vương Chu Đệ, khi đó 38 tuổi, là người được sử cũ tả là có diện mạo oai phong, đa mưu, túc trí, quyết đoán, biết trọng dụng người tài và được thủ hạ kính trọng. Từng lập nhiều chiến công hiển hách cùng vua cha trong thời kỳ chinh chiến với quân Mông Cổ, năm 20 tuổi, ông được trấn giữ Yên Kinh, tức Bắc Kinh bây giờ. Sau khi vua cha băng hà, Chu Đệ giả điên và rút vào hậu trường, ngoài bộ tỏ ra không liên can đến những cuộc tranh giành quyền bính, nhưng kỳ thực vẫn ngấm ngầm tuyển binh mã. Sau khi Huệ Đế lên ngôi được 4 năm, thời cơ đã đến, binh lực đã hùng mạnh, Chu Đệ đem quân về kinh đô, lúc đó đặt tại Nam Kinh (nay thuộc Giang Tô), cướp ngôi từ cháu mình, khiến Huệ Đế phải thiêu hủy hoàng cung và trốn chạy.
Lên ngôi vào mùa hạ năm 1402, lấy hiệu là Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ Chu Đệ quyết định rời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh, vừa để đề phòng các thế lực thân Huệ Đế (mới mất ngôi, khi đó chưa rõ tung tích ra sao), phần tránh quân Mông Cổ ở phía Nam. Hai năm sau, Chu Đệ giao cho một thái giám người Việt tên là Nguyễn An nhiệm vụ tổng thiết kế và tổ chức việc xây dựng kinh đô mới - công việc kéo dài tới 17 năm mới kết thúc và kết quả được thể hiện qua những công trình kiến trúc kỳ vĩ mà chúng ta được thấy ngày nay - xứng đáng với danh hiệu “Thiên Tử” (con Trời) mà các hoàng đế Trung Hoa vẫn tự xưng - như Tử Cấm Thành, Thiên Đàn, v.v…
*
Cũng với dụng ý vinh danh triều đại của mình, 7 năm sau khi lên ngôi, Chu Đệ bắt đầu cho xây dựng khu lăng mộ Minh triều, về sau được biết đến với tên gọi “Minh triều Thập Tam Lăng”, là nơi yên nghỉ của 13 hoàng đế nhà Minh (hai vị hoàng đế đầu chôn ở Nam Kinh, và vị hoàng đế cuối cùng chôn ngay trong Tử Cấm Thành). Ngoài ra, theo sử cũ, còn có 23 hoàng hậu, 1 quý phi và 10 hoàng phi được an táng tại đó, có nhiều người bị tuẫn táng (chôn sống) theo phong tục của các hoàng đế đầu thời nhà Minh.
Ròng rã trong 235 năm, khu lăng tẩm này được dựng trên một diện tích hơn 40 km vuông, với tường thành bao bọc (tổng độ dài 40 cây số). Lăng của mỗi hoàng đế năm trên một gò núi, bốn bề là cây cối tốt tươi, rất “chuẩn” và hòa hợp với thiên nhiên về mặt Phong Thủy; các lăng mộ nằm theo hướng Bắc - Nam, nối với nhau bằng một con đường mang tên Thần Lộ dài chừng một dặm (1,7 cây số), nằm giữa hai rặng núi Hổ Sơn và Long Sơn. Hai bên đường rợp bóng dương liễu tươi mát và có tới 36 tượng đá - cao gần 4 m, hình thù rất sinh động -, gồm bá quan văn võ, lính gác, voi, ngựa, lạc đà, sơn dương và những linh vật (long, lân, quy) để canh giữ lăng. Cổng đá vào lăng xây năm 1540 với vóc dáng bề thế: cao 14 mét, và rộng 19 mét.
Du khách đến thăm Thập Tam Lăng, thế nào cũng được chiêm ngưỡng Trường Lăng, nơi hoàng đế Chu Đệ yên nghỉ. Đây là khu lăng mộ đầu tiên ở về phía Bắc, mô phỏng theo kết cấu của Tử Cấm Thành với những lầu điện xe kẽ nhau, tường đỏ ngói vàng, biểu hiện địa vị tôn quý bậc nhất của hoàng đế Trung Hoa.
Kiến trúc chủ đạo của Trường Lăng là Lăng Ân Điện (điện Lăng Ân), nơi tổ chức mọi hoạt động cúng tế. Ngôi điện đồ sộ này được dựng bởi 60 cột gỗ lim cao 12 mét, có đường kính 1 mét được đưa từ vùng rừng sâu của Vân Nam và Tứ Xuyên lên Bắc Kinh. Theo các sử liệu, sau khi đẵn gỗ xong, phải đợi đến mùa lũ mới vẫn chuyển được gỗ khỏi rừng bằng cách thả trôi theo dòng nước, rồi kết thành bè theo sông đưa tới kinh đô. Còn trên đường bộ, phải đợi tới mùa đông, cách một quãng phải đào một giếng, lấy nước đổ lên mặt đất cho đóng băng, rồi dùng sức người kéo lê gỗ về Bắc Kinh. Như thế, phải mất từ 3 đến 4 năm mới chuyển được các cột gỗ khổng lồ như vậy, số dân công lên tới 20 ngàn - có thể hình dung ra việc xây khu lăng mộ quy mô này tốn kém và công phu đến mức nào!
Minh Lâu, nơi đặt bia mộ của hoàng đế Chu Đệ và hoàng hậu
Sau Lăng Ân Điện một quãng là một tòa lầu hình vuông nhỏ hơn, cao sừng sững, gọi là Minh Lâu (lầu Sáng), đây là kiến trúc tiêu biểu của lăng mộ đế vương triều Minh. Bên trong Minh Lâu đặt bia mộ của mộ chủ; từ ngôi lầu này vươn ra dãy tường vây quanh một ụ đất hình tròn (gọi là Bảo Đỉnh), vươn cao như một khu đồi, ngầm dướt mặt đất vài chục mét là hầm mộ đặt quan tài của hoàng đế Chu Đệ và hoàng hậu.
Thông qua Trường Lăng, du khách ít nhiều có thể hình dung được cấu trúc “phần nổi” của 13 lăng mộ triều Minh, nhưng trước kia, không ai biết cấu trúc ngầm dưới đất như thế nào vì lối vào các hầm mộ đều được giữ kín. Thập niên 50 thế kỷ trước, để tránh ảnh hưởng có thể xảy ra khi khai quật Trường Lăng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tập trung vào một khu lăng mộ khác là Định Lăng, lớn thứ ba trong quần thể Thập Tam Lăng, là nơi mai táng hoàng đế Minh Thần Tông Chu Dực Quân (hiệu Vạn Lịch) và hai vị hoàng hậu. Điểm đặc biệt là kiến trúc “phần nổi” của Định Lăng rất giống của Trường Lăng, nên có thể giả thiết rằng “phần chìm” dưới lòng đất của nó cũng có nhiều điểm tương đồng.
Thoạt đầu, không sao tìm ra được lối vào của Định Lăng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, trong quá trình tìm tòi, đã vô tình phát hiện ra một bia đá nhỏ, bên trên khắc vị trí cửa vào của Định Lăng. Tại sao cửa vào hầm mộ là tuyệt mật, mà lại có bia chỉ hướng ở đây? Một giả thuyết được đưa ra: Định Lăng được xây từ khi hoàng đế Vạn Lịch mới 22 tuổi và trong vòng 6 năm thì hoàn thành. Tuy nhiên, hoàng đế Vạn Lịch mất năm 58 tuổi, nghĩa là hầm mộ để trống 30 năm! Như vậy, cần có một bia đánh dấu lối vào và sau khi mai táng hoàng đế, may thay, chắc người ta đã quên hủy tấm đá đó.
Thần Lộ
Từ đó, bí mật hầm mộ Định Lăng đã được giải đáp: khu lăng nằm sâu dưới đất 27 mét, gồm 5 ngôi điện lớn toàn bộ đều xây bằng đá. Cánh cửa các ngôi điện cũng bằng đá, cao 3,3 mét, rộng 1,8 mét, được thiết kế khoa học, tuy nặng gần 4 tấn nhưng có thể mở rất nhẹ dàng. Gian điện giữa (chánh điện) có ba ngôi bảo tọa (ngai vàng) bằng đá cảm thạch (hán bạch ngọc), còn ngôi hậu điện đặt áo quan hoàng đế Vạn Lịch và hai vị hoàng hậu. Ngoài ra, Định Lăng còn chứa hơn 3.000 văn vật như đồ thêu, trang phục và đồ trang sức, cùng nhiều đồ vàng, ngọc và đồ sứ rất quý hiếm, được gọi chung là “minh khí” (vật tùy táng để người dưới cõi âm có thể sử dụng). Những báu vật này đã được Mao Trạch Đông đích thân ra chỉ thị đem trưng bày tại các bảo tàng viện trong nước và trên thế giới; một số bảo vật được giới thiệu ở khu lăng chính, tức Trường Lăng của hoàng đế Chu Đệ.
*
Tượng kỳ lân trên Thần Lộ
Vốn tin vào kiếp sau (tức là có một đời sống khác sau khi chết), các hoàng đế triều Minh đã chọn một khu đất long mạch, núi non cây cỏ tươi mát, để xây những lăng mộ vĩ đại với mong muốn nhà Minh sẽ tồn tại muôn đời và cả những kẻ đã băng hà cũng “sống” phú quý và giàu sang như trên dương thế. Thập Tam Lăng còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn đến ngày nay là một minh chứng của niềm hy vọng ấy.
Tuy nhiên, nếu khu lăng mộ này - như một di sản của nền văn hóa và kiến trúc Trung Quốc - có thể còn mãi với thời gian, thì Minh triều đã chỉ tồn tại chưa đầy 3 thế kỷ. Trớ trêu thay, thủ lĩnh nông dân Lý Tự Thành, người lật đổ nhà Minh và trên đường kéo quân về Bắc Kinh đã đốt phá Thập Tam Lăng, thì đến nay lại được dụng tượng ngay trên con đường dẫn đến khu lăng tẩm. Phải chăng, người ta muốn nói rằng một triều đại chỉ có thể đứng vững chừng nào nó thuận theo ý dân; bằng không, ngay cả Bức Tường Vạn Dặm hay lăng tẩm xa xỉ, hoành tráng cũng chẳng giúp được gì?
Bài và ảnh: Trần Lê
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn