"Cửa tử thần" tại Auschwitz 2: ga cuối của những chuyến tàu chết chóc
Ở đây, trong thập niên 40 thế kỷ trước, vỏn vẹn trong vòng chưa đầy 4 năm, ít nhất đã có tới hơn 1,5 triệu người bị thiệt mạng - hơn 90% số này là dân Do Thái. Kể từ thời điểm đó, cái tên Auschwitz đã trở thành biểu tượng của holocaust, của khủng bố và hủy diệt, cũng như của sự chà đạp thô bạo những quyền con người căn bản nhất.
Trở lại lịch sử hơn 60 năm về trước, sự hình thành và hoạt động của hệ thống trại tập trung phát-xít Đức gắn liền với tư tưởng về hệ chính trị quốc xã. Năm 1933, ngay từ khi lên nắm quyền, lãnh tụ phát-xít Adolf Hitler đã tuyên bố rằng ông ta tìm ra một lý tưởng mới cho nước Đức; ấy là, một dân tộc "thượng đẳng" như Đức không thể chấp nhận sự tồn tại của các sắc dân "hạ đẳng" khác, như Do Thái, Nga, Đông Âu, Tzigane, hoặc những người tàn tật, bị bệnh tâm thần hay đồng tính luyến ái... Mặt khác, sự bành trước vô độ để giành "không gian sinh tồn" của nước Đức quốc xã cũng là một lý do được đưa ra từ trước Đệ nhị Thế chiến để tàn sát người dân ở những vùng bị Đức chiếm đóng.
Trên cơ sở lý luận ấy, hệ thống trại tập trung và hủy diệt Auschwitz - Birkenau đã được hình thành vào mùa Xuân năm 1940, sau khi Đức bắt tay với Liên Xô tấn công Ba Lan và xóa sổ quốc gia này trên bản đồ thế giới. Một doanh trại quân đội gồm 20 tòa nhà đã được chọn làm địa điểm cho khu "trại mẹ", về sau được cả thế giới biết đến với cái tên kinh hoàng: "Trại tử thần".
Nằm ngoài ngoại ô thành phố nhỏ Oswiecim (sau bị đổi theo tiếng Đức thành Auschwitz), dễ cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng lại thuận tiện giao thông với các thành phố khác ở Ba Lan và khá gần cửa khẩu - đó là những lý do khiến phát-xít Đức chọn nơi đây làm trung tâm cho sự hủy diệt và thảm sát hàng loạt các sắc dân bị coi là "hạ đẳng".
Lần lượt, tù nhân từ các nước bị chiếm đóng trên toàn Châu Âu được đưa về đây; đại bộ phận số này là người Do Thái vì, theo một dự kiến còn để lại trong văn bản, Đức quốc xã trù liệu trong vài năm, sẽ phải giết 11 triệu người Do Thái tại Châu Âu. Tuy không thể đưa ra được những con số thống kê thật chính xác, nhưng tính đến đầu tháng Giêng năm 1945, khi các đạo quân Liên Xô chiếm được khu "trại mẹ" Auschwitz, vài triệu người đã bỏ mình tại nơi này!
*
Năm 1947, chính phủ Ba Lan ra quyết định trùng tu lại khu "trại mẹ" thành một viện bảo tàng tưởng nhớ những nạn nhân của độc tài phát-xít. Mang tên Bảo tàng Quốc gia Auschwitz - Birkenau, bảo tàng viện này là nơi cất giữ những bằng chứng về tội ác diệt chủng và chống nhân loại của phát-xít Đức, cũng như, nó tạo điều kiện cho các nhà khoa học và các thế hệ về sau có thể tìm hiểu, nghiên cứu và biết đến một trong những tấn thảm kịch lớn nhất của nhân loại.
Từ năm 1979, Bảo tàng Quốc gia Auschwitz - Birkenau được liệt vào danh mục những di sản văn hóa thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận và tính đến nay, vài chục triệu khách từ khắp nơi trên thế giới đã đến nơi đây để chứng kiến "Vùng đất tử thần" một thời.
Cho dù hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng bất cứ ai có dịp qua khu "trại mẹ" Auschwitz 1 và 2 vẫn còn có trong mình cảm giác hãi hùng. Đặt chân xuống sân ga tàu hỏa dẫn tới "Cửa tử thần" của trại Auschwitz 2, nơi mà các đường ray tàu hỏa đều kết thúc và người tù biết chắc mình sẽ không còn lối ra, chúng ta được mục sở thị cái gọi là "phát kiến độc đáo" của phát-xít Đức.
Hơn nửa thế kỷ trước, tù nhân bị chở bằng tàu hỏa đến Auschwitz lập tức bị tước mọi hành lý ở đây, bị tách khỏi vợ, chồng, con cái, gia đình... và phải trải qua màn chọn lựa của các "bác sĩ tử thần" người Đức. Chừng 70-75% số họ, hoặc có khi hơn thế nữa, những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh bị đưa thẳng từ sân ga đến phòng hơi ngạt. Số còn lại, được coi là có khả năng lao động trong các xưởng chiến khí và công nghiệp của Đức, được đưa vào trại tập trung để rồi, nhiều người đã thiệt mạng trong thời gian ngắn vì cơ cực.
Bước vào trại Auschwitz 1, chúng ta sẽ phải bàng hoàng trước hàng chữ vô sỉ và khét tiếng trên cổng chính: "Lao động giải phóng con người" (Arbeit macht frei). Bởi lẽ, trớ trêu thay, cho dù hàng ngày vẫn đi qua chiếc cổng đó - trong tiếng nhạc rộn ràng của dàn nhạc - để đến các xưởng, các nhà máy, nhưng lao động không hề giải phóng bất cứ ai; ngược lại, tù nhân trong trại chết dần chết mòn vì đói khát, khổ cực, bệnh tật và bị hành hạ. Những ai dám "trái lệnh" đều bị trừng phạt nặng nề dưới nhiều hình thức.
Tại tầng hầm của tòa nhà số 11, còn được gọi là "Tòa nhà tử thần", chúng ta được chứng kiến những xà-lim cấm cố nhỏ đến mức tù nhân không thể cựa quậy được. Không ít người đã bị bỏ đói và chết tại đây, hoặc vì lạnh lẽo và nhục hình. Nhiều người còn bị lính Đức xả súng bắn ngay tại chỗ hoặc bên "Bức tường chết chóc" cạnh tòa nhà số 11, bị treo cổ hàng loạt trên những giá treo cổ di động, bị giết bằng độc dược hoặc bị đưa vào phòng hơi độc.
Vô số phụ nữ và trẻ em bị làm vật thử nghiệm và chết dưới tay các bác sĩ tử thần như Josef Mengele, hay GS TS Carl Clauberg, kẻ đã tự hào tuyên bố rằng chỉ cần 1 thày thuốc "có tay nghề" và một nhóm phụ tá 10 người, kèm một địa điểm được trang bị phù hợp, hàng ngày, họ có thể tiến hành triệt sản cho hàng ngàn phụ nữ!
Phòng hơi ngạt tại lò thiêu người số 1, Auschwitz 2
Tuy nhiên, để lại nỗi kinh hoàng và cảm giác ghê sợ ở mức độ lớn nhất đối với những ai đến thăm Auschwitz - Birkenau, vẫn là hệ thống phòng hơi ngạt, lò thiêu xác cùng những vật chứng rợn người: hàng tấn tóc (từng được các công ty Đức trả giá rẻ mạt để làm vải!), hàng ngàn chiếc va-li, những cặp kính, thìa dĩa, quần áo, đồ chơi trẻ em và vật dụng của những nạn nhân.
Đại đa số tù nhân đến Auschwitz đã chết thảm trong các phòng hơi ngạt mà không hề hay biết gì về số phận của mình! Ngay sau khi được "chọn lọc" ngoài sân ga, những ai bị coi là "không có khả năng lao động" được hứa cho "đi tắm" để rồi sẽ gặp lại thân nhân, gia đình. Sau chuyến đi dài và mệt nhọc, không ai nghi ngờ gì khi bước vào căn phòng lớn, có đường ống dẫn nước bề ngoài như một nhà tắm; có điều, nước không bao giờ chảy ở đây, thay vào đó là hơi độc khiến hàng ngàn người thiệt mạng trong vòng 15-20 phút. Xác chết được thiêu hàng loạt trong lò thiêu; tuy nhiên, những khi quá tải, lính Đức làm việc này ngay ngoài trời rồi thả tro đi khắp nơi...
Khách tới thăm Auschwitz - Birkenau còn được biết đến lòng quả cảm và những hành động anh hùng của những con người từng phút phải đối mặt với cái chết của trại hủy diệt. Nhiều tù nhân đã kháng cự, hay tìm cách vượt ngục với một mục đích cao cả, là đưa tội ác diệt chủng tại Auschwitz - mà phát-xít Đức vẫn tìm mọi cách để che giấu - ra trước công luận thế giới.
Lịch sử còn ghi lại tấm gương những người - nhiều khi vô danh - đã làm sáng lên ngọn lửa của hy vọng và phẩm giá con người trong cảnh khốn cùng. Ở đây, nhất thiết phải nhắc đến hành động của cha Maksymilian Maria, một nhà tu hành người Ba Lan, đã công khai chịu chết thay cho một bạn tù bị án tử hình bằng cách bỏ đói. Người bạn ấy cuối cùng đã sống sót, và bằng cái chết cao cả của mình, cha Maksymilian đã được Giáo hội Công giáo La Mã phong Thánh vào năm 1982, như một biểu tượng của sự phản kháng và hy sinh quên mình tại Auschwitz - Birkenau.
Thánh Maksymilian Maria Kolbe (1894-1941)
Du khách tới Auschwitz, ngày nay, vẫn có thể chứng kiến xà-lim tử tội tại tầng hầm "Tòa nhà tử thần", nơi cha Maksymilian đã chết thay cho bạn, và nơi gần 40 năm sau, cố Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị, khi nghiêng mình tưởng nhớ người đồng hương, đã nói: "Biết bao chiến thắng như thế đã nảy sinh từ đây!" Quả vậy, cho dù từng là cõi chết, nhưng Auschwitz vĩnh viễn là bài ca chiến thắng của cuộc sống trước sự hủy diệt, của niềm tin và phẩm giá trước sự vô nhân và tàn bạo.
Năm 1996, chính phủ CHLB Đức đã công bố coi ngày 27-1-1945, thời điểm Auschwitz được giải phóng, là ngày tưởng niệm những nạn nhân của độc tài quốc xã. Năm 2005, các thành viên của Nghị viện Châu Âu đã dành 1 phút mặc niệm để thông qua quyết định tưởng nhớ các nạn nhân và lên án tấn thảm kịch holocaust, cũng như, để cảnh cáo Châu Âu và thế giới phải để tâm đến tệ tân phát-xít và bài ngoại đang có xu hướng gia tăng; đồng thời, nhấn mạnh lại một điều căn bản, rằng không thể chà đạp và hành hạ con người vì những lý do chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, xã hội, chính trị hay khuynh hướng giới tính.
Gần đây nhất, hình ảnh tân Đức Giáo hoàng Benedict 16 lặng lẽ chắp tay trong tư thế người cầu nguyện, một mình đi qua cánh cửa chính của Auschwitz, cúi đầu tưởng niệm và đặt nến trước "Bức tường chết chóc" và xà-lim của cha Maksymilian, đã đọng lại trong tâm trí của nhiều người...
Như một hành động sám hối cho sự lầm lạc một thời của nước Đức, tân Đức Giáo hoàng, người từng tham gia quân đội Đức thời cuối Thế chiến, đã cho biết rằng chính những tội ác kinh hoàng của chủ nghĩa quốc xã đã khiến ông quyết định trở thành một nhà tu hành, để suốt đời phụng sự cho đức tin của mình bằng sự yêu thương con người...
"Trại tử thần" Auschwitz, một phần của Bảo tàng Quốc gia Auschwitz - Birkenau, ngày nay đã trở thành một chặng trong hành trình của nhiều tour du lịch trên thế giới. Du khách đến đây, không phải để chiêm ngưỡng lâu đài, thành quách hay danh lam thắng cảnh như ở những nơi khác; mà để tìm hiểu và ngậm ngùi trước một bài học lịch sử, dù đã qua nhưng còn rất sống động, và để nguyện cầu cho những thảm cảnh tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa!
Ghi chú:
(*) Hệ thống Trại tập trung Auschwitz-Birkenau, được coi là biểu tượng cuộc diệt chủng Do Thái và biểu tượng kinh hoàng, sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Âu Châu hiện đại, đã hoạt động trong gần 5 năm trời, từ ngày 14-6-1940 đến ngày 27-1-1945 thì được các đạo quân Liên Xô giải phóng.
Thực ra, trại gồm 3 phần: a./ Auschwitz 1, trại chính, gồm những khu nhà cũ của Ba Lan không còn được sử dụng nữa; b./ Trại Birkenau, cũng gọi là Auschwitz 2, cách đó chừng 1 cây số và c./ Khoảng 40 trại nhỏ khác, phụ thuộc, gần các công xưởng của Đức.Theo các thống kê không đầy đủ, tại những nơi này, Đức quốc xã đã tiêu diệt hơn 1 triệu người Do Thái Âu Châu, 150 ngàn người Ba Lan, trong đó có những thành phần ưu tú nhất của đất nước. Ngoài ra còn có 23 ngàn người Tzigane, 15 ngàn tù binh Liên Xô và hàng chục ngàn người thuộc các quốc tịch khác.
Trong số các vị tử đạo tại trại Auschwitz, ngoài Thánh Massimiliano Kolbe người Ba Lan, còn có Nữ Thánh Therese Benedetta Thánh Giá, tục danh là Edith Stein (1891-1942), người Đức gốc Do Thái, trở lại Công giáo và gia nhập dòng kín Cát Minh.
Nguyễn Hoàng Linh - Hè 2006
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn