VÀI CHUYỆN GHI CHÉP Ở BANGKOK

Thứ sáu - 03/06/2005 21:51

(NCTG) Sau chuyến bay... "siêu chuối" dài 1 tiếng 25 phút cùng phi đội bay và phục vụ cũng "siêu chuối" của Vietnam Airlines, chúng tôi đã đặt chân xuống phi trường Bangkok.


Phi trường Quốc tế Bangkok - Ảnh: Internet

Phi trường rộng rãi, sạch đẹp, và hiện đại của người Thái bỗng chốc dường như chật hẹp lại bởi những ngổn ngang, bừa bãi của hành lý và tiếng cười nói hỉ hả quá cỡ của các hành khách quốc tịch Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên về Bangkok trong tôi có lẽ chính là bắt đầu từ phi trường quốc tế này. Người Thái quả là biết cách làm đẹp cho bộ mặt quốc gia. Phi trường Bangkok đẹp, sạch, lịch sự, và hiện đại không kém bất cứ một phi trường quốc tế ở các nước phát triển nào mà tôi đã từng đi qua: phi trường Los Angeles, Washington DC, Sydney, Brisbane, Auckland, Singapore, Hongkong. Tự nhiên tôi thầm so sánh với cái gọi là Noibai International Airport của chúng ta: có lẽ nếu muốn thúc đẩy ngành du lịch, chính phủ phải bắt đầu ngay từ việc đầu tư nâng cấp lại Nội Bài cho xứng đáng với cái tên gọi của nó.

Tiếp theo, điều làm tôi sững sờ hơn nữa là tiếng Anh của cô phát thanh viên người Thái ở phi trường. Sau hơn hai tiếng đồng hồ (cộng cả thời gian ngồi chờ boarding) bị tra tấn bởi thứ tiếng Anh ngọng nghịu, đứt quãng của các anh/ cô tiếp viên/ nhân viên hàng không ở Nội Bài của chúng ta thì quả là vô cùng dễ chịu và khoan khoái khi được nghe một thứ tiếng Anh tròn vành rõ tiếng của cô phát thanh người Thái. Dân Thái những người tôi gặp trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng cửa hiệu, hay các địa điểm du lịch, đều nói tiếng Anh rất tồi, nhưng ít ra thì ở cửa ngõ - phi trường quốc tế của họ, họ cũng biết tuyển người đấy chứ!

Trước khi tôi lên đường, một cô bạn đã bảo Bangkok giống như một cái chợ khổng lồ. Nó cũng bẩn, xấu, và kém phát triển y như Hà Nội vậy. Nhưng không phải. Tôi cho rằng Hà Nội còn phải mất đến ít nhất là hai chục năm nữa mới đuổi kịp Bangkok về mặt cơ sở hạ tầng. Bangkok tuy không nhiều cây xanh, mặt hồ, và những ngôi nhà kiểu Pháp như Hà Nội - Bangkok ám khói xe hơi và nóng hầm hập, quanh năm suốt tháng - nhưng nhà cửa ở đó quy họach đâu ra đó, không lổn nhà lổn nhổn, cái thò đầu ra cái rụt cổ vào, cái ngoảnh hướng này cái quay hướng khác, Tây Tàu kề vai sát cách hổ lốn như Hà Nội. Có người nói ở Việt Nam đến vào nghĩa địa cũng còn thấy người ta ganh nhau xây mả lớn, cái nọ đè cái kia, mạnh ai người đó xây, nữa là trong thành phố. Chán ngán. Nhiều khi cứ tự hỏi, phải bắt đầu từ đâu, khi mà tất cả đều lộn xộn, không quy củ, từ việc bé tí như... đổ rác cho đến việc to lớn hơn như hệ thống pháp luật.

(Nói đến pháp luật, tôi chợt nhớ ra câu chuyện phiếm với mấy người bạn dạo trước. Các bạn tôi bảo dân ta rất thông minh, linh hoạt, lách luật rất giỏi. Bằng chứng là dạo trước, Nhà nước đã cho ngừng đăng ký xe máy 4 quận nội thành, nhưng người Hà Nội ta vẫn đăng ký được như thường, dễ như ăn kẹo ấy, mất công chạy ra các tỉnh lân cận một chút là có ngay cái biển xe máy thôi mà. Thảo nào đường phố Hà Nội lắm xe mang biển số ngoại tỉnh thế! Nên Nhà nước phải có kế hoạch cấm không cho các xe mang biển ngoại tỉnh đi vào nội thành Hà Nội để đối phó với tình trạng lách luật của những người dân thông minh, linh hoạt kia! Tôi cứ thầm mong giá mà dân ta bớt thông minh, bớt linh hoạt đi một chút để bớt đi việc cho Nhà nước. Và giá mà khi ra luật, Nhà nước lường trước được các kẽ hở như trên để khỏi phải mất công... vác chổi đi quét dọn lại lần nữa.

Hôm trước dự buổi nói chuyện của một anh bạn với học viên cao học Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội về Hiến pháp Mỹ, có một điều làm tôi tâm đắc nhất khi anh này nói về sự ưu việt của Hiến pháp Mỹ - đó là người Mỹ đã nghĩ được đến quy trình ngược khi xây dựng bản Hiến pháp của mình. Nghĩa là tính đến mọi khả năng xấu nhất, lường trước được mọi kẽ hở có thể có. Còn chúng ta, có vẻ như chúng ta vẫn nghĩ xuôi chiều hơn là lật đi lật lại hai mặt của vấn đề! Có một câu mà tôi không nhớ chính xác là Madison hay Jefferson nói, theo lời anh bạn trên, đại loại là nếu con người là thiên thần thì ắt hẳn sẽ không cần đến nhà nước và pháp luật. Những người làm luật cũng cần phải tính đến điều này, tôi cho là như vậy, rằng bất cứ một đạo luật không kín kẽ nào cũng có thể tạo cơ hội cho con người - vốn không thiên thần gì cho lắm - tìm cách phá vỡ hoặc uốn cong nó theo hướng có lợi cho họ.)

Trở lại với giao thông, có thể nói cũng như ở Hà Nội, ở Bangkok chuyện tắc đường là chuyện thường ngày ở huyện. Tuy nhiên, khác với Hà Nội, ngay cả khi tắc đường, tình trạng giao thông của Bangkok cũng không lộn xộn: người tham gia giao thông đi đúng làn đường của mình, không lạng lách, không bóp còi ầm ĩ. Tất cả đều trật tự chờ đợi. Vấn đề giao thông cho người đi bộ cũng được giải quyết tốt hơn. Ở Bangkok, ước chừng cứ độ vài chục mét lại có một cầu vượt dành riêng cho người đi bộ. Với lượng người đi bộ tham gia vào giao thông lớn như ở Bangkok thì đây đúng là một cách giải quyết thông minh, hiệu quả.

Một điều thú vị nữa tôi quan sát được về giao thông ở Bangkok đó là các đường phố đều có giải phân cách và không có lối rẽ tắt từ bên này đường sang bên kia đường như tại một số nơi ở nước ta. Nghĩa là cũng giống như trên đường cao tốc của một số nứoc phát triển mà tôi từng đi qua, ở Bangkok, nếu muốn sang đường chúng ta phải đánh xe đi hết đến cuối đường mới rẽ được. Điều này giúp cho đẩy nhanh tốc độ giao thông nhằm giảm tắc đường, và đồng thời ngăn chặn tai nạn giao thông có thể xảy ra từ việc quá nhiều luồng xe tập trung ở một điểm. Một quan sát khác cũng khiến tôi thích thú và tâm đắc, đó là việc điều khiển giao thông ở các ngã tư. Tôi nhận thấy rằng tại mỗi thời điểm họ chỉ cho phép một luồng xe tham gia vào giao thông mà thôi.

Khác với chúng ta, khi đèn xanh bật thì hai bên ngược chiều có thể ồ ạt chuyển động về phía nhau, thậm chí còn có thể rẽ phải rẽ trái, gây ra tắc đường tại những nơi lượng xe tham gia vào giao thông quá lớn, ví dụ ngã tư Cát Linh, Tôn Đức Thắng, nơi mà chiều nào tôi cũng phải chờ tắc đường từ 10-15 phút. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải học tập ngay chính Thái Lan về vấn đề xử lý giao thông chứ đừng nói đâu xa vội. Nhiều người Việt Nam, như cô bạn tôi, tỏ vẻ coi thường Thai Lan, cho rằng họ không hơn gì ta, nhưng ngay ở cơ sở hạ tầng họ đã đi trước chúng ta rồi thì tại sao chúng ta không khiêm tốn lấy một chút nhỉ?

Đó là chưa kể đến ý thức người dân. Bangkok tuy ô nhiễm nặng vì khói xe nhưng bói không ra một bãi rác nào nằm ngang nhiên phơi nắng trên đường phố, không có chiếc cống nào ưỡn bụng khoe khoang những chất/ nước thải ứ đọng hàng tuần lễ. Bangkok tuy ồn ào náo nhiệt nhưng không có đám đánh nhau nào với người người, nhà nhà xúm nhau lại chỉ trỏ, cổ vũ. Người Bangkok mềm mỏng, lễ độ, thậm chí là quá lễ độ so với người Việt dễ hung hăng và thích ăn to nói lớn chúng ta.

Khi tôi viết những dòng này thì tôi đã rời xa Bangkok được một tuần, đủ để cho tôi suy ngẫm về sự khác biệt giữa chúng ta và nước láng giềng mà một số người trong chúng ta vẫn thường - một cách lầm tưởng - không mấy coi trọng. Tôi nhớ câu chuyện về Nguyễn Trường Tộ đi học bên Pháp. Ngay từ thời vua quan ta còn ấu trĩ đến mức không tin được rằng bên cạnh cái đèn dầu còn có một cái gọi là đèn điện tồn tại, rằng bên cạnh cái ao làng còn có một cái gọi là vòi nước tồn tại, bên cạnh cái xe bò còn có cái gọi là xe đạp đi được bằng hai bánh, thì hoàng tộc của Thái Lan đã bang giao với ngoại quốc, đã gửi các hoàng tử công chúa sang châu Âu học tập.

Chúng ta đã tụt hậu so với họ ngay từ thời đó, và chúng ta vẫn đang tiếp tục tụt hậu. Liệu Việt Nam có mãi mãi cọc cạch đi vào tương lai trên bốn bánh xe bò?

Thủy Minh, 4-11-2003


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn