Tác giả trong ngày cưới - Ảnh do nhân vật cung cấp
LTS:Bắc Kinh, thủ đô của quốc gia 1,4 tỷ dân trong con mắt Anh Thư Lê là chủ đề của loạt bài, ghi chép viết gồm ba phần, sẽ được đăng trên NCTG. Tác giả loạt bài - hiện định cư và làm việc tại Pháp - từng có những năm tháng sinh viên tại Bắc Kinh, và góc nhìn cá nhân của chị về những nơi chốn tưởng chừng đã rất quen với nhiều người Việt chắc chắn sẽ hàm chứa những nét lạ, độc đáo và thú vị.
Xin chân thành cám ơn tác giả Anh Thư Lê và trân trọng giới thiệu tới độc giả NCTG!
*
Tôi thích gọi Bắc Kinh bằng một cái tên cổ dịu dàng: Yên Kinh. Yên Kinh nghĩa là kinh đô nước Yên. Vốn Bắc Kinh nằm trong tỉnh Hà Bắc, và cả tỉnh này hàng ngàn năm trước là nước Yên cổ đại. Hẳn bạn còn nhớ trong sử sách có thái tử Đan nước Yên (gọi là Yên Đan), phái thích khách đi ám sát Tần Thủy Hoàng...
Ở Bắc Kinh có món bia đặc sản, gọi là bia Yên Kinh “local”. Trường Đại học Bắc Kinh lừng lẫy ngày xưa cũng được gọi là “Yên Kinh đại học đường”. Tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc, ngoài cái tên “hiện đại” bây giờ, đều lưu giữ những cái tên cổ xưa, từ thời họ còn là những nước chư hầu. Điều này được thể hiện trên biển số xe ô tô, ví dụ Thượng Hải sẽ viết tắt là Hộ (nước Hộ hoặc nước Sở), Thiểm Tây là Thiểm, Quảng Đông là Việt, v.v…
Bạn có muốn làm một
tour xuyên suốt bốn mùa và xuyên suốt cả những năm tháng dài Yên Kinh với tôi không?
Tôi đặt chân đến Yên Kinh mùa thu năm 2002, nên chuyến du hành của chúng ta sẽ bắt đầu từ mùa thu.
Đầu tháng 9, ngày nắng nhưng gió thu đã hơi se lạnh. Có lẽ đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, nhưng nó chỉ kéo dài khoảng hai tuần. Rồi khí hậu trở nên rất khô vì Bắc Kinh vốn nằm trong một vùng hoang mạc. Làn da ngứa rát vì bị rút nước, phải bôi kem dưỡng liên tục.
Tôi bắt xe buýt ra đường. Nhiều đại lộ rất to, Yên Kinh trồng khá nhiều liễu. Đến Yên Kinh, tôi mới hiểu tại sao các cụ gọi cây liễu là thùy liễu, hoặc thúy liễu. Không phải gọi vớ vẩn đâu, thùy liễu có nghĩa là liễu rủ tha thướt, còn thúy liễu là liễu xanh mướt. Chả phải thơ mộng lắm sao. Hà Nội đã ít cây, dân lại ngắt hoa bẻ cành nên hiếm mà thấy những liễu rủ bóng với chả xanh mướt.
Mùa thu, dân Bắc Kỳ nắc nỏm cốm xanh hồng đỏ. Yên Kinh không có cốm, nhưng hồng thì đầy. Trồng thành cây cổ thụ bên đường. Chủ yếu là giống hồng quả to, vuông. Lắm khi nó chín đỏ trên cây, chả ai hái xuống. Lá thì đã khô quắt, cành khẳng khiu rồi mà quả hồng vẫn đỏ rực trên cây, trông như bức tranh ấn tượng. À quên, quả hồng ấy, dân Tàu lại gọi là quả thị nhé, còn quả thị thơm như ở bên ta, thì dưới phía Nam mới có, ở Yên Kinh không thấy. Quả cà chua thì họ gọi là quả thị Tây.
Mùa đông Yên Kinh là cơn ác mộng của tôi, lạnh kinh khủng. Nếu Hà Nội làm tôi hãi vì cái lạnh ẩm, thì Yên Kinh lại lạnh quá khô. Gió từ sa mạc Gobi (Nội Mông) thổi về rát mặt. Lắm lúc không cần bước đi, vì gió đẩy ra tiến lên phía trước rồi. Mùa đông, mới thấy hết cái nghèo Yên Kinh. Nhà cửa xám xịt, ảm đạm.
Mùa đông châu Âu có khắc nghiệt, nhưng ta vẫn thấy những quán cà phê ấm cúng vui tươi, những căn hộ lò sưởi ấm rực, dân Pháp trưng ra áo măng tô len rất mốt. Còn ở đây, con người co ro, cũ kỹ, cần lao, mệt mỏi, nhăn nhó. Những người lao động nhà quê gò lưng đạp xe “ tam luân xa” (tức xe ba bánh, một dạng xích lô), khó nhọc trong cơn gió đông, quần áo dày cộp, tơ tướp.
Mùa xuân Yên Kinh bắt đầu vào khoảng tháng 4, khi Hà Nội đã nóng chảy mỡ. Đẹp. Những cành khô trụi đột nhiên nở bùng sau một đêm, chao ôi hồng hồng tuyết tuyết. Nào là hoa anh đào (Trung Quốc hay gọi là anh hoa), hoa đào trắng, đào hồng, hoa mơ (hạnh hoa)... nhiều lắm. Vườn trường nào cũng có vài cây. Đặc biệt sân trường hay trồng cây đào, và cây mận (tiếng Hán đọc là cây lý), vì đào mận là biểu tượng của người học trò.
Khắp nơi, người dân kéo nhau đi ngắm hoa anh đào. Tuy không được nô nức sang trọng như Nhật nhưng cũng xôm lắm. Vườn hoa Ngọc Uyên Đàm và vườn thực vật ở công viên Hương Sơn là hai nơi có bộ sưu tầm cây anh đào lớn nhất miền Hoa Bắc. Tôi đã thưởng ngoạn qua cả hai nơi, tay trong tay với người năm ấy…
Cảnh xuân tại Thanh Hoa học đường (Đại học Thanh Hoa)
Con đường từ quận Hải Điện nơi trường tôi tọa lạc đến huyện Bình Cốc
(nơi canh tác đào lê nổi tiếng ở miền Hoa Bắc), mấy chục cây số toàn đi
ngang qua các vườn đào mơ đang ra hoa, đẹp không tưởng tượng được. Có
những thứ đã đi qua, không bao giờ thấy lại được trong đời...
Mùa hạ, ngày nóng khô, nhưng đêm xuống mát rượi. Ít khi oi bức như
Hà Nội. Ve sầu cũng hát hò inh ỏi nhức đầu. Các thiếu nữ Hoa trưng ra
những bộ đồ mỏng manh mát mắt.
Các bạn người Hoa hay đến rủ tôi mua dưa hấu mang ra sân trường
ăn. Dưa hấu mùa này rẻ, ở Tàu chuộng dưa vỏ rất giòn. Nếu chín già rồi,
dùng mũi dao tách nhẹ là dưa tự nứt ra (nghe nói nông dân bỏ chất hóa
học vào để vỏ thêm giòn, dẫn đến thảm cảnh có khi cả ruộng dưa tự dưng
nổ tách vỏ vì trời nóng quá). Dưa nứt xong mỗi đứa bẻ lấy một góc, gặm,
chứ không có được điệu đàng cắt miếng như Việt Nam ta. Đôi lứa yêu nhau
có thể mua nửa quả dưa, mỗi anh chị cầm một cái thìa ngồi xúc ăn, ngộ
phết.
Các trường đại học công của Trung Quốc thường xây theo lối campus giống Nga, Mỹ. Tức là diện tích rất to (mỗi năm trường tôi chiêu sinh khoảng hơn 1 vạn sinh viên), bên trong đầy đủ khu ký túc (cho mấy chục ngàn sinh viên, vì hầu hết ở ký túc cho rẻ, giá cả như cho không), thư viện, giảng đường chính phụ, sân vận động, khu nhà giáo viên, trường học, bệnh viện... Hầu hết các trường đều có quảng trường, tối mùa hè đông vui không thể tả, chúng tôi gọi đó là quảng trường Mùa Hạ. (Sinh viên Tàu sang Pháp rất ngạc nhiên vì trường của Pháp theo lối “mở”, không có ký túc, không có hiệu sách, không có chợ, sinh viên ở tứ tán thích thuê đâu thì thuê).
Mùa hạ là mùa tôi thích nhất vì nó nhộn nhịp, lắm hoạt động. Chả thế mà chữ “hội hè” bên trong đã thấy mùa hạ rồi. (Trong tiếng Latin cũng vậy, từ festival - lễ hội, và estival - mùa hè, cùng một gốc luôn). Tôi học Du lịch, trường Địa Chất, nhưng suốt ngày sang “đú” bên Bắc Ngữ. Nói luôn, Bắc Ngữ là tên gọi tắt của Học viện Ngôn ngữ Văn hóa Bắc Kinh. Dân Tàu hay có lệ gọi tắt tên các trường đại học như vậy đó. Ví dụ Bắc Đại tức là Bắc Kinh đại học, Địa Đại là Địa Chất đại học, Khoáng Đại tức là Khoáng Chất đại học (trường Mỏ), rồi thì Bắc Hàng là trường Hàng Không Bắc Kinh
Bắc Ngữ là trường Ngôn ngữ, chuyên dạy tiếng Hoa cho sinh viên nước ngoài. Đây là trường mà sinh viên có nhan sắc đứng hàng Top ở Trung Quốc, vì toàn nam thanh nữ tú đến từ khắp nơi trên thế giới, đủ màu da, vui phết. Tôi chả học ở đây nhưng bản tính ham vui cũng hay “đú” với hội này. Ngoài ra, Bắc Ngữ còn có sinh viên bản địa theo học các khoa tiếng nước ngoài. Con gái ngoại ngữ thì bạn biết rồi, đẹp, lãng mạn và chịu chơi...
Hội hè ở đâu? Tôi có một lũ bạn lố nhố đủ các thứ quốc tịch, đứa làm DJ nghiệp dư, đứa tổ chức các show diễn, party bán vé. Cứ tối đến là í ới nhau. Hay lên khu ăn chơi Tam Lý Đồn, và đường Nhã Bảo Lộ (đều rất gần ĐSQ Việt Nam). Nơi đây lắm các tòa đại sứ, doanh nhân nước ngoài, chuyên viên mang theo gia đình, nên dân trí cao, lắm thứ ăn chơi giải trí. Nhà hàng xịn, karaoke, quán bar, vũ trường… đầy rẫy. Sàn nhảy Cao tốc (Highway) theo tôi nhớ được xây trên một cái đĩa đệm khổng lồ, tức là sàn rùng rùng cử động được. Ánh đèn lazer quét điên đảo, nhạc thình thình, cứ tưởng mình nhảy bốc lắm nhưng kỳ thực do sàn lắc, cảm giác rất ảo!
Sàn nhảy ở Yên Kinh theo tôi nhớ là khá... quê, giống ở Việt Nam, đặt nặng vấn đề rượu: hình như phải mua rượu mới được ngồi ghế, còn không mời đứng !Tôi hồi ấy ít đi vũ trường với dân Tàu và Việt vì cứ đến nơi là chúng đòi mua chai rượu, cho sang. Mà toàn rượu rởm, giá đắt ghê người chứ báu gì! Ngày đó, đi chơi vũ trường với Tây, chỉ cần làm ly bia hoặc thậm chí Coca cũng xong (có lần tôi còn uống… sữa ở... vũ trường!).
Xem tiếp Phần 2.