Budapest lộng lẫy về đêm
“Trong tim ai cũng có một dòng riêng mình
Riêng tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ” (*)
Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực nội ô Sài Gòn. Ở chốn thị thành phồn hoa đô hội, tôi không có cái may mắn được gắn bó với một dòng sông nào trong quãng thời gian thơ ấu của mình. Dòng sông tuổi thơ ấy, có chăng, nằm trên những trang sách mà ngày xưa đã thắp lên trong tôi ước mơ được đặt chân đến những vùng đất lạ.
Đến châu Âu lần đầu tiên năm 21 tuổi, hơn 300 ngày lưu lại Lục địa già cũng là lúc tôi có dịp tìm đến những vùng đất ngày xưa chỉ có dịp biết đến qua sách vở. Những thành phố cổ kính của châu Âu, với những quảng trường rộng mênh mông, những ngôi nhà đẹp như trong chuyện cổ tích của Andersen, hay những dòng sông hiền hòa thơ mộng, không biết từ bao giờ đã làm cho tôi yêu mảnh đất này.
Cầu Széchenyi nối liền hai bờ Danube ở Budapest
Nếu như ngày xưa, những dòng sông tuổi thơ chỉ ở trên trang giấy, thì bây giờ những dòng sông tuổi trẻ tôi đều đã đặt chân qua: từ dòng Seine dịu dàng chảy qua đô thành Paris của nước Pháp, sông Douro ra biển Đại Tây Dương mang theo vị ngọt của loại rượu vang Porto hảo hạng, hay sông Saône và sông Rhône dưới chân ngọn đồi Fouvière, nơi có nhà thờ được mệnh danh là “linh hồn của Lyon”.
Và với tôi, sông Danube chảy qua Budapest cũng là như vậy: một dòng sông tuổi trẻ.
Một bức tượng trong Công viên Thành phố
Là thủ đô của Hungary, Budapest ra đời từ sự hợp nhất của hai thành phố nằm ở đôi bờ sông Danube: Buda ở phía Tây và Pest ở phía Đông. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ khu vực Công viên Thành phố nằm ở phía Đông Bắc của Pest. Rộng 1,2 km2, công viên này tập hợp nhiều danh lam thắng cảnh của Budapest - thành phố có nhiều điểm đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới - như lâu đài Vajdahunyad hay bể tắm nước nóng Széchenyi.
Tôi đến Budapest vào dịp lễ Phục sinh. Đó cũng là lúc mà mùa xuân đang ngự trị ở nơi đây. Những bông hoa đua nhau khoe sắc trong ánh nắng càng làm chuyến đi dạo trong công viên thêm phần thú vị.
Quảng trường Anh hùng, nhìn từ Công viên Thành phố
Con đường rợp bóng cây chạy xuyên qua công viên đưa tôi đến Đài kỷ niệm Thiên niên kỷ, một công trình có nhiều ý nghĩa lịch sử đối với người dân Hungary. Nằm trong khuôn viên của Quảng trường Anh hùng, tượng đài này tập hợp nhiều công trình điêu khắc gửi gắm những thông điệp về quá trình hình thành phát triển của Hungary vào thời điểm đó (năm 1896). Hơn 100 năm đã qua, nơi đây đã trở thành chứng nhân của một thời kỳ lịch sử nhiều biến động của đất nước này, từ khi còn là một phần của Đế chế Áo – Hung cho đến nước Cộng hòa Hungary hiện nay.
Đài kỷ niệm Thiên niên kỷ ở Quảng trường Anh hùng
Rời Quảng trường Anh hùng, vẫn bên phía Pest, hai lần chuyển metro đưa tôi đến với tòa nhà Quốc hội Hungary ở bờ phía Đông sông Danube. Từ đây, ta đã có thể cảm nhận được hơi thở của sông Danube, hay còn gọi là Duna trong tiếng Hung.
Tòa nhà Quốc hội Hungary nhìn từ cầu Széchenyi
Dạo bước dọc theo bờ sông từ phía tòa nhà Quốc hội hướng về cầu Széchenyi, những công trình tiêu biểu nhất của Budapest - “
hòn ngọc của sông Danube” - dần dần hiện ra trong tầm mắt. Cung điện Hoàng gia tọa lạc trên một khu đồi ở bờ Tây của dòng sông, phía Buda. Cũng trên khu đồi, nhà thờ Mátyás với ngọn tháp cao vươn lên giữa trời xanh.
Cung điện Hoàng gia Hungary bên phía Buda
Ngọn tháp nhà thờ Mátyás trên Thành Cổ Buda
Cầu Széchenyi đưa tôi qua bờ Tây của sông. Đứng giữa cây cầu đẹp nhất Budapest, phóng tầm mắt về phía đường chân trời và lia máy ảnh để chụp cho bằng hết những nét đẹp của “
viên ngọc sông Danube”, tôi bắt đầu liên tưởng và so sánh giữa vẻ đẹp của sông Danube với những dòng sông khác mà tôi từng có dịp ghé đến.
Nếu như dòng sông Seine khiến người ta yêu bởi cái vẻ đằm thắm, thiết tha như một cô gái Pháp say đắm bên người tình Paris, thì Danube chinh phục lòng người bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên, đất trời, kết hợp hài hòa với bàn tay con người đã tạo nên những tuyệt tác kiến trúc nối liền hai bờ.
“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” – Đứng trên cầu Széchenyi nhìn về phía Bắc
Không biết từ bao giờ, tự dưng tôi nhớ lại trong lòng những câu thơ trong bài “Tràng giang” của thi sĩ Huy Cận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Budapest của ban ngày đã đẹp, Budapest của đêm còn lộng lẫy hơn gấp nhiều lần. Khi phố xá lên đèn cũng là lúc mà Budapest chuẩn bị cho mình những món trang sức lộng lẫy nhất.
Cầu Széchenyi khi thành phố lên đèn
Đôi bờ Budapest nhìn từ phía Cung điện Hoàng gia
Cung điện Hoàng gia về đêm
Budapest về khuya thật yên bình. Dọc theo bờ sông, đâu đó vang lên tiếng rì rầm trò chuyện của những người khách dự tiệc trên một chiếc du thuyền đang xuôi dòng.
Đêm Budapest cũng là đêm cuối cùng của tôi ở Hungary. Một tuần lưu lại đây để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó, có kỷ niệm về một dòng sông nữa mà tôi đã có dịp đặt chân đến trên hành trình tuổi trẻ của mình. Tạm biệt sông Danube, và hẹn sớm gặp lại. Tại Vienna, Bratislava, hay Belgrade?
(*) Lời ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.