NHÀ GIULIETTA TẠI VERONA

Thứ năm - 08/11/2012 23:00

Tôi đưa nàng đến số nhà 23 phố Cappello vào một ngày hè nắng rực rỡ. Được xây cất từ thế kỷ 13, cổng vào ngôi nhà có hình vòm cung như bao căn nhà khác trên khắp thành Verona này.


Nhà của nàng Giulietta


Ngay từ đầu phố, chúng tôi đã biết rằng mình tìm đến đúng nơi, đám đông du khách vây kín cổng nhà đã nói lên điều đó. Bước qua cổng vòm, bức tường bên trong cổng cho thấy chi chít những tên người, viết bằng đủ mọi loại bút mực, đủ mầu sắc, đủ kích cỡ, viết bằng vô vàn thứ tiếng khác nhau trên hành tinh này. Đặc biệt, phần lớn tên người viết thành đôi, bao bọc bởi một hình trái tim bé nhỏ…

Cho đến nay người ta vẫn không hoàn toàn nhất trí về xuất xứ của câu chuyện tình Romeo và Giulietta. Có người cho rằng đó là câu chuyện có thật, và tin cái tên thật Cappello đã được Shakespeare chuyển thành Capulet. Có người còn bảo rằng trước ông, một số văn sĩ Ý đã viết về thiên tình sử này, nhưng không ai làm điều đó đặc sắc bằng ông. Bởi thế nên người đời đa phần chỉ biết đến tác phẩm bất hủ của Shakespeare – một đại văn hào Anh – người đã khiến hai nhân vật trẻ tuổi nơi thành Verona xa xôi đi vào lịch sử văn học như cặp tình nhân chung tình và nổi tiếng nhất thế giới,


Giulietta


Du khách đến đây hầu hết đều đến bên bức tượng nàng Giulietta nơi góc sân để chụp ảnh. Không biết tự bao giờ, người ta đồn nhau rằng nên xoa bầu ngực bên phải của nàng để lấy may (!). Bởi vậy, khi chúng tôi bước vào sân, đám đông du khách đã đứng vòng trong vòng ngoài quanh bức tượng nổi tiếng. Thật thú vị, tôi và nàng nhận thấy bức tượng được dựng lên tại đây đúng vào năm chúng tôi ra đời. Nàng cũng đứng bên bệ tượng và chạm tay vào ngực Giulietta để tôi chụp ảnh. Đến lượt tôi, tôi nghĩ ai ai cũng chạm vào ngực của Giulietta (đến mức chỗ đó sáng loáng lên như vàng, trong khi toàn thân bức tượng bằng đồng đen thẫm) - vả lại, tôi không nghĩ chạm tay vào ngực thì hơn gì chỗ khác - nên tôi chỉ quàng nhẹ tay lên cánh tay của Giulietta và cảm thấy hài lòng vì điều đó.

Khắp xung quanh các bức tường bao quanh sân nhà Giulietta là vô số những dòng chữ mang tên các cặp tình nhân. Như ở vòm cổng vào, tại đây người ta cũng chen nhau ghi tên mình lên tường và nhiều người còn tình tứ treo những chiếc khóa với màu sắc lấp lánh. Trên mỗi chiếc khóa là những dòng chữ “bên nhau mãi mãi”, “tình yêu vĩnh cửu”, v.v… và những nét bút nguệch ngoạc mang tên các đôi bạn tình, người yêu, hoặc cũng có thể là vợ chồng, và cả tên đất nước mà họ tới đây. Có thể nhận thấy phần lớn là tên người phương Tây – Châu Âu, Bắc Mỹ và khắp nơi khác. Nhiều người còn găm các mẩu giấy bé nhỏ vào bên khóa, hoặc giấu chúng vào các cành cây, vào khe tường giữa những viên gạch.


Tình yêu vĩnh cửu

Tôi tự hỏi, đã có biết bao nhiều người qua đây thăm nhà nàng Giulietta? Hàng vạn, thậm chí hàng triệu người? Bao nhiêu người đã xoa ngực nàng và gặp may mắn? Bao nhiêu người đã vịn tay lên nắm cửa bằng kim loại trên cánh cửa cổ kính ở kia – nơi chính nàng (nếu như nàng là có thực) đã từng vịn tay vào lúc sinh thời? Ngước lên cao, ai cũng có thể nhận ra ban công nhô ra ở tầng trên. Phải chăng đó chính là nơi hàng đêm nàng ngóng chờ chàng Romeo đến dưới sân này, phải chăng chính chàng đã từng leo lên những cành cây ở góc sân?

Phía trong sân và xung quanh bức tượng, du khách háo hức đến bên chụp ảnh, ghi tên mình hoặc bí mật bỏ những bức tình thư vào trong các hốc tường. Phải chăng điều đó đã tạo cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng kể về một cô gái Anh đem lòng yêu một chàng trai Ý, nhưng phải đến khi về già mới tìm lại được tình yêu đã mất thông qua một câu chuyện kỳ lạ về một lá thư trong hộc tường? Bức thư vô tình được Câu lạc bộ những người hâm mộ Giulietta lấy ra và một cô gái trẻ người Mỹ đã viết thư gửi lại cho bà sau đó mấy chục năm, động viên bà dấn thân giành lại tình yêu, hay nói cách khác, dám đương đầu với thử thách để không tuột mất cơ hội yêu và được yêu trong đời. Phải chăng, những hành động như thế không bao giờ là quá muộn?


Ban công xưa


Tôi chụp ảnh bức tượng Giulietta đứng trong sân, nét mặt hơi u sầu, hay là chính bức tượng cũng đang buồn nhớ người yêu? Phía sau là tán lá xanh rực nắng, các cặp tình nhân vẫn tíu tít ghi tên mình lên tường, lên cây. Bất giác, nàng nắm tay tôi và bảo: “Hình như bọn mình là vào loại già nhất ở đây, xung quanh toàn thanh niên!”. Tôi nhìn quanh và nhận thấy, đúng là phần lớn du khách trẻ hơn chúng tôi thật. Và nữa, tất cả các cặp đang loay hoay tìm cách vẽ trái tim, ghi tên, hay gắn khóa vào tường, vào cây cả đều còn rất trẻ.

Bên tai tôi là tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, rồi Tây Ban Nha và thậm chí cả những thứ tiếng Á châu mà tôi cũng chưa kịp nhận ra là nước nào. Có lẽ chỉ những người trẻ tuổi mới háo hức làm điều đó? Liệu có bao nhiêu cặp trong số các cặp tình nhân đã đến thăm nơi này, từng ghi tên mình, từng gắn khóa cùng nhau, mà giờ này đã chia xa? Liệu có “chàng” Romeo thời hiện đại nào đã chạy theo “nàng” Giulietta khác, bởi người con gái ngày nào, giờ đây sau bao nhiêu gánh nặng của cuộc hôn nhân đã trở nên trễ nải, kém hấp dẫn?

Hoặc có “nàng” Giulietta nào sau khi kết hôn nhiều năm, sẽ chán ngán anh chàng Romeo chồng mình vì mất hết cả lãng mạn, hay chỉ đơn giản vì chàng hóa ra không phải mẫu hình mình ước ao? Có lẽ nào mơ mộng và lãng mạn chỉ dành cho những người trẻ tuổi, dù mai sau chính bọn họ cũng khó giữ được mối tình vĩnh cửu như của Giulietta và Romeo? Có biết bao cặp tình nhân từng đắm say khi còn trẻ như cặp tình nhân huyền thoại nói trên, để rồi theo thời gian, cuộc tình trở thành nhàm chán và họ sống bên nhau chỉ là vì nghĩa vụ? Tôi nhớ, từng có ai đó nói rằng Shakespeare cứ thử để cho đôi đó không chết mà lấy nhau xem, chắc chỉ được một thời gian là hục hoặc mà thôi!?


Mộng ước mãi mãi bên nhau

Vậy nhưng tại sao ai cũng như ai, từ bấy năm qua, từ mọi nơi trên thế giới, hết thảy cứ thích tìm đến nơi này, và cầu mong cho tình yêu vĩnh hằng, ước ao cho sự thủy chung, bền chặt của những mối tình? Phải chăng người ta luôn khát khao một tình yêu vĩnh hằng như Shakespeare đã tạo dựng? Dẫu không ai muốn chết như đôi tình nhân đó, trong sâu thẳm người ta vẫn muốn có ai đó yêu mình đến mức sẵn lòng chết theo mình như thế? Đó chính là động lực để những bạn trẻ này háo hức viết tên lên tường, gắn những chiếc khóa vào cây? Phải chăng người lớn tuổi hơn đã quá từng trải, không còn tin rằng việc đó sẽ khiến họ bền chặt suốt đời – nên không thấy mấy ai gắn khóa viết tên, dành phần cho lớp trẻ vẫn còn chút ít niềm mơ mộng rằng biết đâu điều đó là sự thực?

Tôi và nàng rời khỏi căn nhà số 23 phố Cappello, chia tay bức tượng nàng Giulietta bằng đồng, từ giã những tán cây với dây leo, bức tường già chi chít những nét mực trẻ trung, ban công xinh xắn và thơ mộng. Lòng tôi nhớ tới những địa điểm khác trên khắp bề mặt địa cầu bé nhỏ này, những nơi có hai chữ cái đầu tên được khắc trên núi cao, trong rừng già… những nơi chỉ tôi và nàng biết.

Và người ta vẫn đổ về đây hàng ngày, không ai đếm hết được những nét bút chi chít trên các bức tường. Dường như vẫn còn vô số người trên đời này mang theo niềm hy vọng vào những câu chuyện tình bền chặt.

Có lẽ, hy vọng vào sự thủy chung và tình yêu vĩnh cửu là một đặc tính của con người…

Bài và ảnh: KL, từ Verona


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn