HÃY CỨ ĐI, NHƯNG NÊN TRANG BỊ KIẾN THỨC

Thứ tư - 02/10/2013 12:41

(NCTG) Đi du lịch, ra nước ngoài để học hỏi, mở mang và thám hiểm thế giới đang là một đam mê của nhiều bạn trẻ, nhưng trước khi lên đường chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản để tránh những rủi ro không cần thiết.


Lên đường để có trải nghiệm, ước mơ của nhiều bạn trẻ

Câu chuyện Huyền Chip, một bạn trẻ đi du lịch qua 25 nước với vốn khởi đầu chỉ vỏn vẹn 700 USD - trên đường hễ gặp khó khăn về tài chính thì tìm cách xin việc làm để đủ tiền trang trải - khiến mình muốn chia sẻ một số khía cạnh thực tế mà chúng ta cần nhớ khi đi du lịch nước ngoài.

1. Có nhiều loại visa (thị thực) khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng thông thường có thể chia ra làm hai loại: work visatourist visa.

Với tourist visa (cho mục đích du lịch hoặc thăm viếng), bạn không thể làm việc (dù có được trả lương hay không) tại đất nước mà bạn du lịch. Bạn chỉ có thể làm việc ở đất nước ấy khi bạn có work visa hoặc là được cấp work permit (giấy phép lao động).

2. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều e ngại tình trạng người nước ngoài nhập cư/lao động trái phép tại nước họ. Ở một số quốc gia, người ta ghi rõ ràng “Cấm làm việc” trên con dấu mà cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, di trú đóng trong hộ chiếu của khách du lịch.

Đây là một số trang trong hộ chiếu của mình. Có thể thấy, con dấu của Jamaica và quần đảo Cayman ghi rõ “Cấm làm việc”, và Singapore chỉ cho phép mình lưu lại đất nước họ với mục đích thăm viếng mà thôi.


Visa du lịch thường không cho phép bạn làm việc

Vì vậy, nếu bạn làm việc tại quốc gia mà bạn viếng thăm với tư cách khách du lịch mà không có giấy phép lao động, bạn sẽ bị quy là lao động bất hợp pháp. Dưới cái nhìn của người bản xứ, bạn là dân lao động chui, là những kẻ tranh giành miếng cơm manh áo với họ.

3. Ở nhiều quốc gia, các công ty thường rất e ngại chuyện mướn phải nhân công bất hợp pháp vì họ chỉ muốn làm ăn yên ổn và nếu không cần thiết thì không muốn dính những rắc rối lien quan đến pháp luật.

Tất nhiên, cũng có những lý do khiến một doanh nghiệp hoặc cá nhân bất chấp mạo hiểm mướn một người nước ngoài lao động bất hợp pháp:

- Nếu mướn lao động bản xứ và hợp pháp thì không đủ khả năng trả lương cho họ theo mức quy định. Ngược lại, mướn lao động nước ngoài và bất hợp pháp, có thể trả họ với giá rất bèo, bằng một nửa hoặc hai phần ba giá trả cho lao động bản xứ.

- Công việc làm ăn không chính đáng, nên cần mướn lao động bất hợp pháp nước ngoài để giảm thiểu rủi ro. Họ không quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, và nhất là họ chỉ muốn an phận để kiếm tiền, không hy vọng dính đến rắc rối pháp luật nơi xứ người.

Vì những lý do đó, khó có chuyện kiếm được một công việc chính đáng, đàng hoàng ở nước người mà được trả lương cao hơn lương trả cho người bản xứ, nếu bạn chỉ có tư cách lao động chui, như có người hy vọng.


Tìm việc làm hợp pháp ở xứ người không đơn giản

4. Một góc thực tế của dân lao động bất hợp pháp tại xứ người:

- Được trả lương rất bèo, và thường là tiền mặt

- Làm việc dưới tình trạng lén lút, chui lủi

- Rất dễ bị chủ quỵt lương hoặc trả lương không đủ

- Rất dễ bị hành hạ về mặt tinh thần (mắng chửi, đay nghiến) và thể xác (đánh đập, thậm chí cưỡng hiếp)

- Khi người lao động chui bị ngã bệnh hoặc bị thương trong lúc làm việc, rất có thể người chủ sẽ bỏ mặc họ mà không đưa đi bệnh viện hoặc gọi bác sĩ chữa trị. Đơn giản: họ không muốn người ngoài biết về chuyện họ mướn nhân công bất hợp pháp.

5.
Bốn điều ở trên nói về việc lao động bất hợp pháp ở nước người. Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ là chuyện bảo hiểm y tế khi bạn đi du lịch.

Trừ phi bạn giàu nứt đố đổ vách, tiền bạc không là vấn đề thì không nói, nhưng nhìn chung, bạn nên chuẩn bị bảo hiểm y tế trước khi du lịch. Hãy nghĩ đến trường hợp chẳng may bị ốm đau hoặc tai nạn nơi xứ người. Cảm sốt chỉ là chuyện nhỏ, nhưng lỡ bị gãy tay, chân hay hoặc bị thương tích với mức độ nghiêm trọng thì là điều đáng nói.

Đừng mong chờ gì nhiều vào lòng thương hại của người dân bản xứ. Bạn bị gẫy chân, được đưa vào bệnh viện và khi biết bạn là dân du lịch, điều đầu tiên người ta sẽ hỏi là bạn trả chi phí chữa trị cùng viện phí như thế nào, bảo hiểm hay tiền túi của bạn?

Nếu không có khả năng chi trả, rất có thể người ta sẽ bỏ mặc bạn. Một ngày nằm viện ở xứ người không hề rẻ, có thể từ vài trăm lên đến một ngàn USD – nếu không có bảo hiểm y tế, bạn khó có thể nào trả nổi mức phí này.


Hãy trang bị cho mình kiến thức trước khi lên đường

Đi du lịch, ra nước ngoài để học hỏi, mở mang và thám hiểm thế giới đang là một đam mê của nhiều bạn trẻ, nhưng trước khi lên đường chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản để tránh những rủi ro không cần thiết.

Tóm lại, hãy cứ xách ba-lô lên và hãy cứ đi, nhưng đừng để mình gặp rầy rà vì thiếu hiểu biết!

Hải Lý, từ Canada


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn