NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ Ở LYON

Thứ bảy - 23/11/2013 21:37

(NCTG) “Trong tôi có cái gì đó hết sức rưng rưng trong lòng. Nó trào lên như đợt sóng mạnh. Bởi nó không thông thường là sự thương cảm. Cảm giác đó chính xác là thấy mình còn sống, còn có xúc cảm. Hóa ra tâm hồn mình chưa hóa đá. Mình vẫn còn biết xúc động trước cuộc sống của người khác, còn biết cảm thương vì một ánh mắt buồn”.


Minh họa: Internet

Chàng hát rong

Chúng tôi gặp anh vào lúc trời chưa lạnh lắm: tôi vừa bước ra khỏi khúc quanh của nhà thờ thì nghe một giọng hát rất khỏe và tiếng đàn rất hay.

Khi đó, tôi đang trong một cảm xúc rất đẹp với phố cổ nơi đây. Hầu như không có xe cộ đi lại. Đường đi được lát bằng đá nhỏ như lòng bàn tay, nhà cửa cũng nhỏ và trông đúng là cổ thật. Các cửa hàng nhỏ xinh lung linh ánh đèn và mỗi một cửa hàng như kể một câu chuyện cổ tích, vì mỗi một cửa hàng bán một loại hàng khác nhau và được trang trí rất đẹp. Ở đây, có thể cảm nhận được bằng mọi cảm xúc, giác quan, ngửi được mùi bánh, mùi thức ăn từ các cửa hàng tỏa ra, nghe được âm thanh của người qua lại qua các nhà hàng đang chuẩn bị đón khách. Và tiếng chuông nhà thờ vang lên văng vẳng giữa buổi chiều đang buông.

Tại khúc quanh của góc phố đó, đúng lúc tôi đến, chàng thanh niên đang chơi một bản nhạc hay. Người hát rong trên phố không phải tôi gặp lần đầu, ở cả Việt Nam hay ở Pháp. Nhưng dù sao, hát hay giữa một khung cảnh đẹp và nhỏ xinh thì sẽ có nhiều ấn tượng hơn. Đặc biệt, hai bên là nhà cao vút, bên dưới là đường lát đá, giọng anh ở giữa, vang lên khỏe khoắn như hát trên một sân khấu có hệ thống âm thanh mộc cực tốt.

Thêm vào đó, khán giả gồm một gia đình có hai cô gái tóc vàng, một cặp tình nhân đang đứng ôm nhau, và vài người khác nữa. Họ dừng lại xem anh hát, vỗ tay, như một sân khấu nhỏ. Hai em gái tóc vàng chạy ra thả tiền vào túi của anh ta hai lần. Tôi cũng vét hết chỗ xu lẻ còn thừa khi đi mua sách ban chiều, cho anh ta một cách hào phóng hơn, những người hát rong trước.

Sau đó, tôi chọn ngồi ăn bên ngoài của một nhà hàng gần chỗ anh hát. Ngồi đây để cảm nhận được mọi người xung quanh đi lại, và muốn giọng hát của anh làm nền cho một buổi tối lãng mạn. Nhưng càng lắng nghe, càng cảm nhận thấy giọng anh như càng gào lên những âm nghe như ẩn chứa bên trong điều gì đó thật khắc khổ. Chẳng còn hai cô bé tóc vàng như thiên thần dành tình cảm trong sáng cho anh, chẳng còn những người vây quanh anh như một sân khấu nhỏ. Mọi người qua lại, bình thường như mọi chuyện nó phải thế.

Khi chúng tôi ăn xong bữa tối kéo dài gần hai tiếng thì chàng thanh niên đã không còn ngồi đó. Đúng như tôi nghĩ, anh phải di chuyển đến một chỗ khác để có thêm người bỏ tiền vào chiếc túi để trước mặt. Chúng tôi lại nhìn thấy anh trước khi bước ra khỏi phố cổ để về nhà khi màn đêm đang buông xuống lạnh giá. Anh ngồi gần một nhà hàng có nhiều lò sưởi, lửa bập bùng cháy cao lên trong một ống thủy tinh dài. Tựa chân cao trên bức tường, cúi thấp cằm sâu trong chiếc áo khoác đen mà trước đó chưa mặc, anh chơi đàn nhỏ hơn như là cho chính mình. Phố cổ về đêm ít người qua lại hơn.

Ăn mày

Trời mưa to, rả rích suốt từ sáng đến tối. Họ không còn ở đó, trước hông một nhà hàng, bên phải siêu thị, ở gần ngã tư.

Một thanh niên chơi đàn, một cô gái mặc váy di gan, một con chó bergie, và một cái mũ phía trước với những đồng xu lẻ. Họ ngồi ở đó như thế cả tuần nay. Có thể họ thất nghiệp, có thể họ vô gia cư, có thể họ lười biếng không thích làm việc. Tôi không biết và cũng không buồn nghĩ họ là ai. Nhưng cái cách họ ngồi bên nhau như thế, như thể là hai người bạn tri kỷ, bình thản, yêu đời, chẳng thèm quan tâm đến dòng người qua lại.

Lúc thì họ thủ thỉ cười. Lúc thì cô gái cắm cúi đọc sách với một tay dụi dụi điếu thuốc vào cái cốc. Cô gái rất xinh, váy cũ nhưng ăn mặc phong cách riêng. Cậu thanh niên thì trông hơi điên điên, chơi đàn không hay nhưng phong cách có vẻ phiêu phiêu. Con chó khi thì nằm dài, khi thì đi lại quanh quẩn. Trời mùa hè chói chang, nắng xiên qua chỗ họ ngồi phản chiếu chiếc váy đỏ rực trong bóng râm.

Mùa đông năm ngoái ở Lyon, tôi thấy một người ăn mày ngồi co ro trong góc phố, nhưng tai đeo headphone, tận hưởng âm nhạc trong cái lạnh giá. Ăn xin ở độ tuổi trung niên ở Lyon đa số có thêm một con bergie. Tôi hỏi chồng nếu như nuôi mình không đủ sao họ lại nuôi cả con chó to lớn như thế kia. Chồng tôi bảo họ cần bảo vệ, họ cần bạn, và họ cần ai đó để ôm trong mùa đông khi không có nhà.

Có thể gặp những người ăn xin trên phố hàng ngày, họ thường chọn một số địa điểm cố định và ngồi một chỗ trong vài ngày. Ví dụ như trước cửa Tabac, trước tiệm bánh ngọt, trước cổng chợ. Đa phần họ đều ngồi im và giơ cái cốc hoặc cái mũ ra. Cũng có những phụ nữ ngồi quỳ trên đại lộ Bellcour. Thi thoảng mới có người ăn xin nhắc người đi đường bằng câu Chào ông, Chào bà, Chào cô. Còn đa phần, họ không mấy làm phiền người qua lại. Cũng có người đàn ông ôm con nhỏ. Có cả phụ nữ ngồi trước Tabac, còn hai đứa con nhỏ tầm 4 đến 6 tuổi chạy nhảy đùa nhau trước nhà chờ xe buýt. Thi thoảng, chúng chạy lại với mẹ. Hiếm người tàn tật lê lết thương tâm.

Có một ông cụ già ngày nào cũng ngồi một mình trước cổng một tòa nhà không rõ là cơ quan gì nhưng không có người qua lại. Hôm nào đi qua cũng thấy ông ngồi đó gặm bánh một mình. Ông ngồi trong góc một mình thôi. Không phải ngồi đó để cái mũ phía trước xin tiền. Có thể là ông không có nhà và ngủ trước mái hiên. Một số người có tài hơn thì có thể biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra, họ còn vẽ những bức tranh to trên lòng đường (mà không bị ai đuổi), vẽ ảnh chân dung, biểu diễn nhảy hip hop trên các đại lộ đông người qua lại.

Hôm nay trời mưa to. Nếu ai đó buồn vì bị hủy chuyến picnic và phải ở nhà, thì nỗi buồn của người vô gia cư chắc phải lớn nhiều hơn thế.

Khoảnh khắc một ánh mắt

Hồi mới đến Pháp, điều khiến tôi vui tươi nhất là tiếng nhạc trên đường phố. Đi trên phố được nghe nhạc, giống như được đi trong một đoạn phim. Tôi cũng phân loại hai kiểu người chơi nhạc trên phố, một là nghệ sĩ biểu diễn miễn phí trong những dịp lễ và hai là chơi để xin tiền.

Ở Lyon vào cuối tuần và dịp lễ, trong tầu điện ngầm cũng rất nhiều người thổi kèn và chơi đàn accoocdion để xin tiền. Những người này chỉ biết chơi một bản hoặc cùng lắm là hai, đứng trong toa khi tầu chạy và dừng ở bến kế tiếp, vừa đủ chơi một bản, xin tiền rồi chui ra. (Và chẳng mấy ai cho).

Một hôm, vào một ngày lễ mà mọi người đổ cả ra đường để đi chơi, khi đi rút tiền ở máy tự động tôi thấy một người vô gia cư trải miếng bìa cứng và con chó lúi húi bên cạnh. Từ địa điểm rút tiền đi mua bánh và ra bến metro khoảng 40m tôi gặp bốn người ngồi ăn xin. Lúc đó tôi chợt giật mình, năm nay thấy người ăn xin lại đông hơn năm ngoái. Trong lúc đợi tầu chúng tôi ngồi ăn gói bánh có nhiều chiếc nhỏ, còn một gói khác có một chiếc to tôi để trong túi.

Khi tầu đến tôi bước vào một toa vừa mở cửa thì trong đó có hai cậu bé. Một khoảng 10 tuổi đang chơi đàn và một khoảng 8 tuổi đang cầm cái cốc để xin tiền. Lúc tôi bước vào, cậu bé cầm cái cốc nhìn con tôi đang ăn miếng bánh ngon lành. Ánh mắt buồn thảm của nó tôi không bao giờ quên. Tôi đưa luôn cho nó một cái cuối cùng còn trong gói bánh đang cầm trên tay. Cậu anh vừa chơi đàn vừa nói cảm ơn. Rồi cậu em đi một vòng mà không ai cho tiền.

Tôi đưa cho con trai tôi một đồng xu và bảo nó thả vào cốc của cậu bé. Cậu anh nói cảm ơn. Rồi tầu dừng lại. Mỗi một bến chỉ diễn ra trong một phút. Cậu anh dừng chơi đàn, nó như lưu luyến gì đó, khựng lại, nói “cảm ơn rất nhiều”, rồi bước ra khỏi tầu khi cửa mở. Cậu em bước ra theo, lúc đó mới cân miếng bánh.

Tầu chạy tiếp bến nữa. Cửa mở, lại một tiếng đàn rộn rã từ ngoài vọng vào. Như vậy ngày nghỉ lễ người ta đi chơi nhạc kiếm tiền nhiều hơn. Khoảnh khắc vài chục giây trước khi cánh cửa khép lại và đủ cho tiếng nhạc của một nhóm khác đội vào đó, lòng tôi cảm giác tê tái. Vậy là có thêm nhiều cái bụng đói và ánh mắt buồn như cậu bé kia.

Trong tôi có cái gì đó hết sức rưng rưng trong lòng. Nó trào lên như đợt sóng mạnh. Bởi nó không thông thường là sự thương cảm. Cảm giác đó chính xác là thấy mình còn sống, còn có xúc cảm. Hóa ra tâm hồn mình chưa hóa đá. Mình vẫn còn biết xúc động trước cuộc sống của người khác, còn biết cảm thương vì một ánh mắt buồn.

Ra khỏi bến metro là phố xá nhộn nhịp ngày lễ và người ta tổ chức biết bao hoạt động vui chơi. Suốt cả buổi đi chơi tiêu khá nhiều tiền khiến tôi áy náy vô cùng vì không đưa nốt gói bánh còn lại trong túi cho hai cậu bé. Hoặc là đưa thêm đồng xu to hơn. Ở trên tầu khi bọn chúng chơi đàn là một khoảnh khắc quá nhanh. Tôi mải quan sát ánh mắt và nét mặt của hai cậu bé, chưa kịp nghĩ gì thì tầu đã đỗ mất rồi.

Tôi vẫn mong muốn được gặp lại chúng để có thể cho đi nhiều bánh hơn, cho một đồng xu to hơn. Tôi từng gặp nhiều người chơi đàn vẫn thường hay chơi trên một tuyến metro quen thuộc nên khi đi metro vào ngày lễ, tôi thường mang theo bánh trong trường hợp có thể cho được bọn trẻ con.

Bây giờ tôi không còn thấy vui tươi hay thú vị khi nghe nhạc trên đường phố của những người ăn xin nữa. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã đổi thay tất cả trong tôi.

Đoàn Minh Hằng, từ Lyon


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn