CHUYỆN ĐỔ RÁC VIẾT TRÊN ĐẤT MỸ

Thứ năm - 09/01/2014 21:34

(NCTG) “Phải chăng, sự biếng lười suy nghĩ, sự uể oải của tinh thần, sự ù lì về cảm xúc đã làm thui chột ý thức công dân cần thiết ở mỗi người? Tính à uôm, ù xòe, văn hóa bầy đàn đã giết chết ý thức công dân, phải thế chăng?”.

 
Khi đổ rác cũng là một văn hóa...

Hồi mới sang Mỹ, tôi phải học lại từ đầu hầu hết tất cả mọi thứ, bắt đầu từ việc nhỏ nhặt nhất là việc đổ rác.

Ở Mỹ, rác được phân loại ngay ở khâu vứt rác, cơ bản có mấy loại: rác hữu cơ (những thứ có khả năng phân hủy như đồ ăn, củ quả, thịt thà…), rác vô cơ (những thứ không có khả năng tự phân hủy). Trong rác vô cơ thì có hai loại: loại có khả năng tái chế và loại không có khả năng tái chế.

Đang sống ở Việt Nam với quan niệm rác thức ăn rác đồ uống, rác đồ dùng thức đựng, rác Tây rác Tàu… rác gì cũng chỉ là rác thôi, cái đứa tôi phải nói là xây xẩm mặt mày trước cách phân loại rác rạch ròi ở Mỹ.

May quá, thùng rác ở Mỹ lại được phân loại bằng màu sắc rất hợp lý nên tôi cũng không đến nỗi phải kéo dài tình trạng đứng ngẩn tò te mặt mũi bần thần trước thùng rác quá lâu. Thùng rác màu xanh lá cây là thùng rác hữu cơ, màu xanh da trời là thùng rác vô cơ có khả năng tái chế (thường có hai ngăn để riêng cho chai lọ và giấy tờ, bìa cứng), màu xám là thùng chứa các loại tạp nham còn lại (rác vô cơ không thể tái chế…).


Mỗi tuần xe chở rác đến một lần...

Ngoài việc dùng màu sắc hợp lý cho những người ưa tư duy bằng màu sắc như tôi, trên mỗi thùng rác còn có ký hiệu đặc biệt dành cho mỗi loại rác để phù hợp với nhu cầu tư duy bằng hình tượng, biểu tượng của nhiều người khác. Các công ty xử lý rác thải đã gắng gỏi thoả mãn các “khẩu vị” tư duy của công dân đến thế thì có công dân nào nỡ vứt rác bừa bãi nữa, kể cả tôi – dù chả phải công dân Mỹ cũng tự thấy mình phải cố gắng mà học đổ rác cho đúng cách.

Hai năm sống ở Mỹ, sau rất nhiều lần đứng tần ngần tư duy trước thùng rác và một vài lần bị các anh công nhân vệ sinh dán giấy nhắc nhở ở thùng rác vì đổ rác sai (lỡ tay làm tuột cái túi ni-lông đựng thức ăn thừa vào thùng rác hữu cơ), tôi đã có thể tự tin mà rằng, bây giờ tôi đã biết vứt rác đúng vanh vách. Đùng một cái, trong kỳ nghỉ vừa rồi, tình cờ nhìn thấy bố chồng đi vứt rác, tôi mới té ngửa ra là mình đã vứt rác sai trong suốt hai năm qua. Day dứt ra trò!

Hôm đó, tôi nhìn thấy bố chồng cặm cụi, tỉ mẩn kì cọ từng cái hộp nhựa, xóc từng cái lọ thủy tinh cho sạch bong, tôi bèn hỏi ông muốn giữ mấy cái chai đó làm gì hay sao mà lại phải rửa? Ông bảo không, ông rửa để còn đem đi… vứt. Ôi chao, tôi nghe xong thì đỏ mặt không dám nói gì thêm. Tôi không bao giờ mất thời gian tốn công tốn sức đi rửa mấy cái chai lọ ấy làm gì vì biết chắc điểm đến của nó là thùng rác. Rác thì bẩn là đương nhiên, việc gì phải rửa?


... vào một ngày cố định

Nghe cái lý lẽ lười biếng của tôi, chắc nhiều người đồng tình. Nhưng dù lười biếng và có cả tá lý luận biện minh cho cái sự lười biếng của bản thân, tôi cũng không thể không suy nghĩ khi nhìn thấy bố chồng tóc đã bạc phơ – một yếu nhân trong lĩnh vực của ông, một người mỗi ngày vẫn đều đặn ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng và chỉ trở về sau 7 giờ tối với núi công việc khổng lồ ở văn phòng cần ông giải quyết, một người thường chong đèn làm việc sau bữa tối khi con cháu đã lui vào phòng riêng - đang cẩn thận lau chùi từng cái chai, cái lọ chỉ để vứt vào thùng rác. Chắc ông phải có lý lẽ gì đáng thuyết phục của riêng ông để tiêu tốn thì giờ quý báu vào cái việc tưởng chừng như vô bổ đó chứ?

Lý lẽ gì, tôi không dám hỏi, nhưng tôi tự đoán ra rằng: ông giữ cái phẩm chất công dân hạng nhất ngay cả trong việc đổ rác. Ý thức đó, mấy người có được?

Nhân nói đến chuyện ý thức, tôi lại nhớ đến một lần cùng chồng đi mua thuốc hồi mới sang Mỹ. Sau khi đã thanh toán hóa đơn thuốc ở Walgreens – một hệ thống cửa hàng bán thuốc và các nhu yếu phẩm có mặt khắp nơi trên nước Mỹ, chàng mới thảng thốt kêu lên: “Ôi, chán quá, sao anh lại mua thuốc ở đây! Lẽ ra, anh nên chịu khó quá bộ sang bên kia đường, mua thuốc cho tiệm thuốc của ông dược sĩ địa phương. Anh giận anh quá!”.

Tôi lơ ngơ hỏi sao lại giận, thế cửa hàng ấy có thuốc tốt hơn à, hay là giá rẻ hơn? Chàng cười, giải thích rằng: Không, chỉ vì nếu như mình không ủng hộ những tiệm thuốc nhỏ của địa phương như thế, thì chẳng bao lâu, họ sẽ bị những chuỗi cửa hàng như Walgreens nuốt chửng! Cái đứa tôi vốn không mấy quan tâm đến chính trị và rất xa lạ với những mỹ từ như sinh mệnh chính trị… nghe thế thì cũng vỡ ra vài điều. Điều quan trọng nhất có lẽ là ý thức công dân.


Có hai xe chở rác khác nhau đến thu rác cho ba loại thùng rác

Phải thành thật thú nhận rằng, tất cả những gì tôi học được ở Việt Nam chỉ khiến tôi cố gắng trở thành một người có ích bằng cách làm tốt công việc được giao, theo đuổi hết sức mục tiêu nghề nghiệp chứ hoàn toàn không khiến tôi trở thành một công dân có ý thức. Tôi chỉ ý thức trong lĩnh vực nghề nghiệp riêng của mình, với những chuyện nhỏ nhặt tủn mủn riêng tư của mình và có thể đôi ba chuyện xã hội nổi lên như bong bóng xà phòng nào đó, chứ tuyệt nhiên không ý thức được cái gọi là ý thức công dân.

Tôi tin phần lớn người dân xứ sở mình cũng như tôi, thế nên, họ vẫn ra đường tè bậy, vẫn xả rác khắp nơi, vẫn chạy xe bất cần biết đến luật, vẫn ráo hoảnh đi qua những nỗi đau của đồng loại, đồng bào không chút xót thương, vẫn vô cảm sống đời bình thản trước những vấn đề nhức nhối bày ra trước mắt. Họ vẫn chỉ biết vun vén cho cái tổ chim hạnh phúc cá nhân bé mọn của riêng mình, không cần biết đến xung quanh, hoặc có biết thì cũng chỉ để ba hoa chém gió lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

Tôi đã học lại cách đổ rác. Mỗi khi tặc lưỡi định vứt lọ mật với chút mật còn thừa bên trong hay hộp nước cam còn vương nước cam nơi đáy hộp mà không xóc rửa, tôi lại nghĩ đến bố chồng và tự thấy mình không có lý gì để lười biếng.


Học đổ rác, cũng là một cách luyện ý thức công dân

Lại nhớ đến chuyện cô bạn thân đi học ở Nhật mấy năm trước, lúc vừa sang, cô gọi điện về để kể tình hình ăn ở bên kia thế nào và cô kêu ca là ở Nhật cái gì cũng phức tạp, đến cả chuyện đổ rác cũng phải suy nghĩ, mệt ơi là mệt. Lúc đó, tôi đang ở Việt Nam – thiên đường cho những người biếng lười việc đổ rác nên tôi ra sức động viên cô cố gắng.

Bây giờ, tôi đang ở Mỹ - thiên đường của tất cả mọi thứ còn lại (ngoại trừ là thiên đường cho bọn lười biếng việc đổ rác), tôi nghĩ khác. Phải chăng, sự biếng lười suy nghĩ, sự uể oải của tinh thần, sự ù lì về cảm xúc đã làm thui chột ý thức công dân cần thiết ở mỗi người? Tính à uôm, ù xòe, văn hóa bầy đàn đã giết chết ý thức công dân, phải thế chăng?

Câu hỏi ấy, một mình tôi không thể tự trả lời, dù tôi tin là bây giờ tôi đã cực kỳ khá trong “chuyên môn” đổ rác!

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn